Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Quốc phòng Việt Nam 'ba không' và 'một có'


Quốc phòng Việt Nam 'ba không' và 'một có'

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 15 tháng 2 năm 2016 | 15.2.16




Ông Nguyễn Ngọc Trường là Đại sứ Việt Nam tại Thủy Điển (nhiệm kỳ 2002-2006).


Một chuyên gia về quan hệ quốc tế nói Việt Nam phải sử dụng tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật để duy trì bảo vệ an ninh toàn vẹn lãnh thổ.


Trả lời phỏng vấn với phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt tại Hà Nội hồi giữa tháng 01/2016, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên vụ Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao Việt Nam (Bộ Ngoại giao Việt Nam) nói không phải là Việt Nam hiện đại hóa sức mạnh quân sự để kiềm chế hay đối trọng Trung Quốc như phía Trung Quốc nêu mà chỉ là để tự vệ.



"Tương quan trong lịch sử như ông Nguyễn Trãi đúc kết ở cuối thế kỷ 15 trong bài Bình Ngô Đại Cáo “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có".


"Tuy nhiên tương quan nay ngày càng thay đổi. Trung Quốc nay là một quốc gia mạnh ở mức toàn cầu trong khi Việt Nam vẫn chỉ là một nước với nền kinh tế nhỏ và tương quan có thay đổi.


"Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ ứng xử thế nào bên cạnh một nước Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Việt Nam sẽ ứng xử với Trung Quốc như thế nào trong mối quan hệ tương tác với các cường quốc khác, đặc biệt với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và EU.


"Đó là các những vấn đề cốt lõi mà Việt Nam phải giải quyết trong ngoại giao và đời sống kinh tế và chính trị hiện đại của Việt Nam," Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ( CSSD), nói với BBC.


"Ba không" và "một có"




Ngoại trưởng Kerry đã từng có những tuyên bố mạnh về lập trường của Hoa Kỳ tại Biển Đông.


Ông Trường nói rằng có những cơ quan nghiên cứu an ninh và quốc phòng của Việt Nam người ta đề ra cái gọi là “ba không”: không để nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự tại Việt Nam, không đi với nước này để chống nước kia và không cho nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại một nước khác.


Thế nhưng ông Trường mô tả “ba không” này thì có vẻ "phòng thủ quá".


"Tức là nếu như mình “ba không” mà người ta lại muốn làm thì mình làm thế nào. Cho nên chúng tôi tại trung tâm này đề ra cái gọi là “ba không một có”. Một có ở đây là những cái gì có thể làm được và làm đến mức độ nào. Một có là chúng tôi phải sử dụng tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật để duy trì bảo vệ an ninh toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.


"Vừa rồi ở hội nghị Singapore với tọa đàm ba bên Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Về phần quan hệ Việt Trung, tôi có nói rằng chúng tôi là “ba không” đấy nhưng mà có “một có”.


"Chúng tôi không liên minh quân sự với một nước nào. Sẽ không đi với một nước khác để chống lại một nước lớn khác. Tuy nhiên Việt Nam chúng tôi hoàn toàn có quyền sử dụng các phương tiện, công cụ có trong tay, kết hợp sức mạnh của Việt Nam với sức mạnh của thế giới để bảo vệ lợi ích của mình.
Những cái như là mua bán vũ khí hay tăng cường tiềm lực giám sát trên biển thì nằm trong khuôn có “một có” mà Việt Nam cần phải làm và phải làm mạnh và có hiệu quả
“Một có” này không phải chỉ là phản ứng chiến thuật mà là quan điểm chiến lược. Cái “ba không” dường như khiến Việt Nam ở trong thế bị động và đối phó. Do đó để tránh bị bó buộc thì mình cần phải chủ động và linh hoạt về mặt chiến lược và chiến thuật.


Cái này bao gồm cả xây dựng lực lượng phòng thủ, học thuyết quốc phòng, hiện đại hóa quân sự và hợp tác về an ninh quốc phòng và trên biển với các nước khác. Thế thì những cái như là mua bán vũ khí hay tăng cường tiềm lực giám sát trên biển thì nằm trong khuôn có “một có” mà Việt Nam cần phải làm và phải làm mạnh và có hiệu quả.


Do đó cái “ba không một có” này chúng tôi đã truyền đạt tới các cấp nghiên cứu và chúng tôi xã hội hóa các kiến thức này.


Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên vụ Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao Việt Nam, bình luận rằng không phải là Việt Nam hiện đại hóa sức mạnh quân sự để kiềm chế hay đối trọng Trung Quốc như phía Trung Quốc nêu mà chỉ là "để tự vệ".


"Mỗi quốc gia tùy vị trí địa chiến lược của mình thì cần tự thực hiện việc phòng vệ sao cho có hiệu quả nhất. Tuy Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng hay bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo với lực lượng hải giám nhưng mà chẳng ăn thua gì so với Trung Quốc.


"Tôi nghĩ là nỗ lực của Việt Nam chỉ là 5-7% so với sức mạnh của Trung Quốc. Cán cân quyền lực về quân sự ở khu vực này cũng như trên biển thì Trung Quốc không những là vượt xa Việt Nam mà còn đang tạo ra sự mất cân bằng sức mạnh quân sự của cả khu vực này", ông Trường nói thêm.


'Không thương lượng được'




Sự kiện dàn khoan HD 981 là sự cố gây sóng gió trong quan hệ Việt Trung trong nhiều thập niên.


Việt Nam và Trung Quốc bấy lâu nay đều có những tuyên bố khá giống nhau về chủ quyền tại Biển Đông hay Nam Hải (theo cách gọi của Bắc Kinh) như “có bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi” và giữ vững lập trường này.


Tiến sỹ Trường cho rằng Trung Quốc vẫn muốn dùng sức mạnh “vú cả lấp miệng em” và “nói lấy được”.


"Trung Quốc chưa sẵn sàng thương lượng. Trung Quốc nói là thương lượng là để xoa dịu và đánh lạc hướng chứ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là lập trường chưa thương lượng được.


"Chúng tôi cho rằng khi nào Trung Quốc củng cố được “nguyên trạng mới” của họ ở Trường Sa thì họ mới ngồi với Asean để đàm phán Bộ Qui tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm để công nhận nguyên trạng mới của họ.
Có khi là cái 16 chữ và 4 tốt này là Trung Quốc đề ra để Việt Nam thực hiện chứ không phải là để Trung Quốc thực hiện
"Tức là chừng nào họ chưa củng cố xong những cứ điểm, không phải chỉ Trường Sa mà từ ngoại cửa Vịnh Bắc bộ trở ra tới phía nam, thì lập trường của Trung Quốc là không thương lượng được," ông Trường nhận định.


Sự kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc được ra Biển Đông, theo ông Trường, đã làm đảo lộn quan hệ Việt Trung và làm người Việt Nam mất lòng tin vào những thỏa thuận cấp cao với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Thỏa thuận Thành Đô, theo một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Hà Nội.


"Cuộc cọ xát “lấy thịt đè người” của khoảng 200 tàu Trung Quốc với khoảng 50 tàu của Việt Nam đã làm thay đổi tư duy và cách tiếp cận của lãnh đạo cũng như nhân dân Việt Nam.


“Sự kiện này khiến Việt Nam nhận thức lại Trung Quốc và thấy mối quan hệ này cũng không xuôi chèo mát mái như “16 chữ và 4 tốt”.


“Có khi là cái 16 chữ và 4 tốt này là Trung Quốc đề ra để Việt Nam thực hiện chứ không phải là để Trung Quốc thực hiện,” Tiến sĩ Trường, từng giữ chức vụ Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao Việt Nam (Bộ Ngoại giao Việt Nam) nói.


“Sự kiện HD 981 đặt ra nhu cầu phải cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc”, ông Trường nói.


Theo nhà ngoại giao này, quan hệ với Trung Quốc là một tập hợp quan hệ chồng chéo và phức tạp từ giữa hai Đảng, kinh tế, ngoại giao và cần phải “cái nào đi cái đó” và rằng nếu cứ dính líu vào các tranh chấp trên biển mà không tiếp tục các mối quan hệ khác thì sẽ làm tắc nghẽn quan hệ song phương.


(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét