Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016
Để chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’
Để chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 08 tháng 2 năm 2016 | 8.2.16
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói với truyền thông và báo giới dự Đại hội 12 rằng Đại hội đã làm việc và bầu bán nhân sự 'dân chủ đến thế là cùng'.
Ý tưởng của tiến sĩ Nguyễn Quang A “Hãy ứng cử để biến quyền hão dần dần thành quyền thực và giúp ông Trọng chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’” đã gợi cho người viết nảy ra vài ý sau đây.
Trước hết, đây là ý tưởng dính dáng tới chế độ bầu cử ở Việt Nam nên xin bàn một chút về chuyện bầu bán ở Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi bàn tới việc bầu bán ở Đại hội 12 (ĐH12) này, có nhiều ý kiến phê phán quyết định 244 của BCHTW khoá 11 và cho đó là quyết định không dân chủ, được soạn thảo nhằm cố ý loại từ đầu các đối thủ của ‘phe ông Trọng’ (nếu có một phe như vậy).
Tuy nhiên, nếu xém xét cặn kẽ quyết định này cũng như những nguyên tắc dân chủ ta lại thấy nó không hoàn toàn như vậy (dù có thể có thâm ý của người soạn thảo như tôi sẽ bàn sau.)
Đó có thể cũng là thâm ý của người soạn thảo quyết định (viết ra cho kín kẽ khi bị chất vấn nhưng thừa biết ít có người am hiểu và dám đòi áp dụng). Như vậy về mặt văn bản, có lẽ không có gì phàn nàn về tính dân chủ của QĐ 244
Phan Văn Song
Thứ nhất, ngay điều 1 của quyết định này có nêu rõ là:
”Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quy định…”
Điều này có nghĩa quyết định này không hề chi phối việc bầu bán ở ĐH12 trừ khi đa số đai biểu đồng ý vận dụng nó vào việc bầu cử ở Đại hội.
Thâm ý của 244
Thật ra, người soạn văn bản đã rất kín kẽ khi đưa ra điều này bởi vì theo Điều lệ của họ (luật lệ gốc ủa Đảng) thì Đại hội đại biểu toàn quốc mới là cơ quan quyền lực cao nhất còn BCHTW, đúng như tên gọi, chỉ là cơ quan chấp hành giữa 2 kì Đại hội nên không thể vượt quyền ra lệnh cho Đại hội (cấp mà mình thừa hành) phải làm gì.
Thứ hai, dù điều 13 của quyết định này có quy định:
”Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị,” nhưng do điều 1, Đại hội vẫn có quyền không áp dụng quy định này.
Đai hội 12 đã tái bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư và 3 ủy viên Bộ chính trị được giới thiệu vào ba trong bốn ghế 'tứ trụ' đầy quyền lực của nhà nước và chính quyền.
Ngay cả khi Đại hội đồng ý áp dụng thì điều này cũng không phải là vi phạm nguyên tắc dân chủ nói chung. Vì khi đó các cá nhân có liên quan dù đang là đại biểu của Đại hội, tức là đại diên cho các đảng viên ở đơn vi mình làm đại biểu, vẫn còn thành viên của BCHTW/BCT/BBT cũ nên vẫn phải chấp hành nghị quyết của các tổ chức đó và hơn nữa nghị quyết đó không trái với quyết định của ĐH (do ĐH đã chấp nhận áp dụng QĐ 244 như đã giả định).
Lưu ý rằng ở đa số nền dân chủ, đối với những vấn đề đảng chính trị không có chủ trương hoặc những vấn đề mà trong đảng chưa có ý kiến thống nhất thì khi biểu quyết đảng viên có thể được tự do (conscience vote: bỏ phiếu theo nhận thức/lương tâm) còn nói chung vẫn phải theo chủ trương của tổ chức. Tức là vẫn theo các nguyên tắc như thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức… chứ không phải như một số người giải thích đây chỉ là những nguyên tắc riêng của kiểu dân chủ tập trung.
Những thông tin có được cho tới bây giờ cho thấy rõ ràng việc bầu cử ở Đại hội 12 diễn ra theo đúng các quy định khác trong Quyết định 244, còn việc họ xử trí với điều 1 như thế nào thì chúng ta không được biết.
Khác với ‘trụ TBT’, theo quy định hiện hành chúng ta có thể có một vai trò nào đó trong việc quyết định ai sẽ vào vị trí ‘3 trụ đó’ tuỳ theo nỗ lực của chúng ta trong việc vận dụng những quy định của hệ thống
Phan Văn Song
Ngay cả những nhà bình luận bên ngoài hình như vẫn lướt qua điều 1 này nên tôi nghĩ rằng đa số các đại biểu ĐH (với tâm thế quen phục tùng cấp trên, quan tâm tới chức quyền hơn là các quy dịnh trong Điều lệ hay các văn bản pháp quy của ĐCS, không có dũng khí để thách thức ‘cấp trên’…) có lẽ cũng chẳng ai để ý tới điều 1 này và ĐH mặc nhiên áp dụng QĐ 244 cho việc bầu cử ở ĐH không qua bàn thảo.
Đó có thể cũng là thâm ý của người soạn thảo quyết định (viết ra cho kín kẽ khi bị chất vấn nhưng thừa biết ít có người am hiểu và dám đòi áp dụng). Như vậy về mặt văn bản, có lẽ không có gì phàn nàn về tính dân chủ của QĐ 244.
Bàn về 'tứ trụ'
Bây giờ xin được bàn qua về việc bầu ‘tứ trụ’. Như phân tích trên việc bầu ‘trụ’ Tổng Bí thư thì chẳng có gì đáng phàn nàn, đó là chuyện riêng của ĐCSVN và họ cũng làm đúng theo quy trình ‘dân chủ’chọn ra được ông Nguyễn Phú Trọng làm TBT.
Công dân ngoài đảng chúng ta trên thực tế hoàn toàn không có vai trò gì trong việc chọn ‘trụ TBT’ này. Còn 3 ‘trụ’ còn lại (CTN, TT và CTQH) thì theo bài bản, họ cũng đưa ra được 3 người (Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân) để giới thiệu cho QH bầu vào 3 vị trí này.
TS. Nguyễn Quang A
TS Nguyễn Quang A kêu gọi người dân hãy ứng cử để biến ''quyền hão dần dần thành quyền thực' và giúp ông Nguyễn Phú Trọng chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’.
Dĩ nhiên, trên thực tế công dân ngoài đảng chúng ta cũng chẳng có vai trò gì trong việc giới thiệu này. Tuy nhiên, khác với ‘trụ TBT’, theo quy định hiện hành chúng ta có thể có một vai trò nào đó trong việc quyết định ai sẽ vào vị trí ‘3 trụ đó’ tuỳ theo nỗ lực của chúng ta trong việc vận dụng những quy định của hệ thống.
Theo quy định của Hiến pháp 2013, ‘3 trụ’ này trước hết phải là thành viên của QH. Với kiểu cách bầu cử hiện nay, chắc chắc bộ ba đã nêu sẽ được giới thiệu ra ứng cử đại biểu QH, chắc chắc họ sẽ trở thành ứng cử viên và chắc chắn sẽ được đắc cử với tỉ lệ cao. Và cũng theo kiểu cách bầu ‘3 trụ’ hiện nay, dù có thể có người khác trong QH ra tranh cử các vị trí này với họ (xác suất rất thấp) nhưng phần chắc là đa số đại biểu QH sẽ là đảng viên CS, nên chắc chắn là họ sẽ bầu cho 3 vị này theo chủ trương của ĐH 12 (trừ khi họ coi thường kỉ luật đảng mà bầu theo lương tâm– chuyện này khó xảy ra) nên chắc chắc là cả ba sẽ vào vị trí đúng như ĐCS dự kiến.
Rõ ràng cũng theo kiểu cách bầu cử hiện hành, chúng ta hoàn toàn có thể làm cho mình một vai trò nào đó trong việc quyết định ai sẽ nắm ‘3 trụ’ còn lại bằng cách biến những cái chắc chắc, cái hiếm xảy ra trong đoạn văn trên dần dần thành những cái bấp bênh, cái phổ biến… theo ý tưởng của TS Nguyễn Quang A.
Dĩ nhiên để đạt điều này phải tốn rất nhiều công sức, trí tuệ và thậm chí có thể phải chịu đàn áp, bắt bớ... dù chúng ta vẫn tuân thủ trong khuôn khổ của chế độ, không thể lạc quan một cách đơn giản
Phan Văn Song
Thứ nhất, cố gắng để có những người ngoài đảng có uy tín như TS Nguyễn Quang A đứng ra tranh cử ở cùng đơn vị với họ, vận động dân chúng dồn phiếu cho mình và do đó cơ hội họ đắc cử sẽ giảm đi hoặc triệt tiêu.
Thứ hai, vận động có thêm nhiều người ngoài đảng tranh cử ở các đơn vị khác và nếu họ đắc cử sẽ làm giảm tỉ lệ đảng viên CS trong QH và do đó tỉ lệ 3 người này (nếu họ vẫn đắc cử đại biểu QH) được bầu vào ‘3 trụ’ sẽ giảm xuống.
Thứ ba, vận động các đại biểu QH đắc cử là đảng viên bỏ phiếu theo lương tâm và do đó tỉ lệ họ đắc cử vào ‘3 trụ’ sẽ giảm xuống (nếu họ vẫn đắc cử đại biểu QH).
Dĩ nhiên, ở đây người viết không có ý tấn công vào cá nhân ba vị được ĐCSVN giới thiệu vào vị trí ‘3 trụ’ mà chủ yếu nhắm vào mục tiêu lớn hơn là tìm cách sớm đưa chế độ toàn trị hiện nay thành một chế độ dân chủ dựa trên những việc hoàn toàn có thể làm trong một cuộc tranh cử dân chủ bình đẳng (dù chúng ta đang bị đối xử bất công: họ được cả một hệ thống ủng hộ, thậm chí dùng cả tiền thuế do chúng ta đóng góp… trong khi chúng ta bị chèn ép với nhiều thủ tục nhiêu khê, tranh cử với sức lực của chính mình, chưa kể có thể bị cản trở trong tranh cử, gian lận trong kiểm phiếu…) trong khuôn khổ chế độ hiện tại.
Không thể vỗ ngực
Qua các việc này, dù chúng ta có thể chưa thành công (tình hình hiện tại có lẽ chưa cho phép) nhưng với kết quả chúng ta đạt được, dù còn khiêm tốn thì Đảng Cộng sản chắc chắc phải xem lại mình, không còn có thể mạnh dạn vỗ ngực xưng tên rằng ‘đã được nhân dân chọn lựa’...
Tháng 5 tới đây, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trên toàn quốc với ông Nguyễn Sinh Hùng đã được cử làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Cũng qua các việc này nhân dân nói chung sẽ dần dần ý thức rõ hơn về quyền của mình và mạnh dạn hơn trong việc biến các quyền hão đó thành quyền thực, một tập dượt cần thiết trên con đường đi tới một nền dân chủ thật sự.
Dĩ nhiên, nếu vận động khéo léo và biết tập trung vào đối tượng yếu nhất, theo tôi khả năng chúng ta có thể loại được đối tượng đó khỏi vị trí đại biểu QH (tức bị thất cử và do đó không còn cơ hội trở thành ứng viên ‘3 trụ’) không phải là không có.
Nếu được như thế thì quả đó là một thắng lợi to lớn cho nền dân chủ và Đảng Cộng sản buộc phải thay đổi và do đó con đường đi tới dân chủ có thể được rút ngắn hơn.
Dĩ nhiên để đạt điều này phải tốn rất nhiều công sức, trí tuệ và thậm chí có thể phải chịu đàn áp, bắt bớ... dù chúng ta vẫn tuân thủ trong khuôn khổ của chế độ, không thể lạc quan một cách đơn giản.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre, hiện đang sinh sống ở Australia.
Phan Văn Song
Gửi cho BBC từ Australia
(BBC)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét