Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Báo Việt Nam và ngày 17/2


Ben Ngô - Báo Việt Nam và ngày 17/2

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Tư, ngày 17 tháng 2 năm 2016 | 17.2.16




Trang nhất báo Tuổi Trẻ tháng 2/1979 và tháng 2/2016


Nhìn vào những trang báo Việt Nam phát hành hôm 17/2, người ta có thể thấy tâm thế làm báo trong ngại ngần của những người làm truyền thông.


Ngày 17/2 đánh dấu 37 năm Chiến tranh biên giới Việt - Trung.


Cuộc chiến đẫm máu diễn ra vào tháng 2/1979 khi Đặng Tiểu Bình cho quân đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.


Cuộc chiến kéo dài chỉ ba tuần nhưng khoảng 30.000 người Việt được ghi nhận thiệt mạng.


Hôm 17/2, tôi đọc được dòng status của một cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn: “Đọc báo Tuổi Trẻ sáng nay chắc nhiều người đều ngạc nhiên vì sự "tỉnh táo" lạ lùng của tờ báo khi chỉ có một bài viết về biên giới xa xăm, hoàn toàn xa xăm - chị nhắc đến chi tiết tấm bia ghi tên liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Không nói gì thêm về lịch sử ngày 17/2 Trung Quốc đánh Việt Nam.
Trong khi đó, các báo ở Sài Gòn như Pháp Luật, Người Lao Động, Thanh Niên… đều có không chỉ một bài mà nhiều tin, bài và cả trang báo với nhiêu hồi ức, phỏng vấn quan điểm về ngày lịch sự này.
Ôi không hiểu, vì sao Tuổi Trẻ thân yêu một thời của chúng tôi lại có thể hành động như vậy? Có thể đợi đến những số báo kế tiếp chăng?


Nếu không viết được, không có bài mới thì tại sao không kỷ niệm ngày 17/2 bằng chính việc cho đăng lại những số báo, những bài báo của Tuổi Trẻ hồi tháng 2 và tháng 3 năm 1979 nóng bỏng? Những trang báo lịch sử lẽ nào không có "hậu duệ"?”.


'Không có những lý thuyết giáo điều'


Sau đó, một số người làm ở tờ báo này bình luận rằng họ có bài về ngày 17/2 nhưng chỉ đăng trên phiên bản Tuổi Trẻ online và báo giấy đã in bài kỷ niệm vào mấy ngày trước.


Đây không phải lần đầu tiên các báo trong nước ‘né’ những chủ đề liên quan đến ngày 17/2 cũng như Trung Quốc. Trong một thời gian dài, truyền thông Việt Nam chỉ dùng từ ‘tàu lạ’ khi viết về những vụ ‘tàu Trung Quốc’ tấn công ngư dân Việt trên Biển Đông.


Trên Facebook một nhà báo khác, tôi đọc được một comment giải thích: “Ai cũng biết đăng gì hoặc không đăng gì chẳng phải là tại các báo đâu. Người làm báo cũng đau như mình, cũng hận như mình nhưng họ bị chỉ đạo không được đăng. Nếu muốn làm báo thì phải chịu sự chỉ đạo của Đảng. Không thì ra làm tư, làm tự do muốn nói thì cứ nói. Ai không cho báo đăng, không cho dân tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ngày 17/2/1979? Ai cũng biết chỉ là không ai dám nói thẳng ra thôi. Nhìn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ôm hôn thắm thiết Chủ tịch Trung Quốc gần đây là biết liền”.


Dường như những người làm báo tại Việt Nam ngoài chuyện đau đầu tìm đề tài phục vụ bạn đọc còn đang phải mệt óc tìm cách tránh né những chủ đề được cho là ‘nhạy cảm’ hoặc ‘cấm kỵ’.




Cuốn sách về nghề báo phát hành tại Việt Nam thàng 2/2016


Trong một diễn biến khác, mới đây, công ty Alpha Books và nhà xuất bản Hồng Đức vừa cho phát hành cuốn sách ‘Sống tốt với nghề báo’. Trong lời mở đầu, tác giả viết: “Sách này không có những lý thuyết giáo điều về nghề báo bởi thị trường sách đã có nhiều cuốn như vậy”.


Một trong những chương của cuốn sách đề cập về ‘cái dũng của người làm báo’ trong bối cảnh báo chí được cho là ‘công cụ’ của chính quyền.


“Cái dũng của người làm báo thể hiện qua việc bạn có dám quyết liệt và đủ nhẫn nại đeo bám đề tài/nhân vật dù gặp khó khăn, trắc trở, thậm chí đe dọa đến tính mạng, nhất là bài phóng sự điều tra hoặc chống tiêu cực. Đây là điều không phải ai cũng làm được. Bạn phải có khí chất không chịu khuất phục trước cái xấu hoặc thỏa hiệp trước cám dỗ.


Mà cũng có khi cái dũng của nhà báo thể hiện qua việc người đó khước từ việc viết những điều sai sự thật, trái với lương tâm nghề nghiệp hoặc chấp nhận rời bỏ một tờ báo khi nhận ra mình không còn chung chí hướng như thuở ban đầu”, tác giả viết.


Trong group cùng tên quyển sách này trên mạng xã hội, người ta cũng thường xuyên đọc được những ý kiến bên dưới mặt báo của người làm truyền thông tại Việt Nam.


Hôm 17/2, một thành viên của group chia sẻ: “Người ta chỉ thấy giảng dạy về tội ác của Mỹ, Ngụy... mà chẳng ai nói về tội ác của Trung Quốc. Cả làng báo chí chính thống cũng im hơi lặng tiếng. Về mặc tích cực, thì chúng ta phải công nhận 'ngoại giao' của Trung Quốc giỏi ở điểm này!”.


Ben Ngô
BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét