Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Phải làm gì khi Chủ nghĩa Xã hội đã hết thời?


Kami - Phải làm gì khi Chủ nghĩa Xã hội đã hết thời?

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 10 tháng 12 năm 2015 | 10.12.15

Một lần nữa lý tưởng Xã hội chủ nghĩa đã bị đào thải tại Venezuela, một quốc gia vốn giàu có ở Châu Mỹ la tinh, khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) thân Cuba, có xu hướng đi theo Chủ nghĩa Xã hội đã thất cử sau 16 năm cầm quyền. Đây là thất bại được đánh giá là tồi tệ nhất từ trước tới nay của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) của cựu lãnh đạo Hugo Chavez.

Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tiếp sau thắng lợi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lịch sử ngày 8/11/2015 tại Myanmar. Thì Đảng đối lập Venezuela tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tổ chức ngày 6/12/2015, với kết quả giành được 99 ghế trong quốc hội, trong khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) của Tổng thống Nicolas Maduro chỉ được có 46 ghế, trong lúc còn lại 22 ghế vẫn chưa có kết quả chính thức. Điều đó cho thấy, một khi quyền lực chính trị thực sự thuộc về sự quyết định của nhân dân, thì khái niệm Chủ nghĩa Xã hội - biểu tượng cho sự độc tài sẽ bị người dân quay lưng lại và nói không. Cũng có nghĩa là từ nay Chủ nghĩa Xã hội đã không còn chỗ đứng ở các quốc gia này.


Thất bại của CNXH tại Venezuela

Quốc gia Venezuela vốn nổi tiếng thế giới với thiên nhiên tươi đẹp, nguồn khoáng sản dồi dào đặc biệt là dầu mỏ, đây còn là một trong 10 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trước đây, Venezuela đã từng là một trong những cường quốc kinh tế tại Mỹ Latinh, với thu nhập bình quân đầu người là 12.200 USD/người/năm. Tuy vậy, kể từ năm 1999 trở lại đây, sau khi tổng thống Hugo Chavez đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998, ông đã đưa Venezuela theo đường Xã hội chủ nghĩa, cùng với xu hướng chống Mỹ và phương Tây hết sức mạnh mẽ.

Bên cạnh việc Hugo Chavez đã thực hiện quốc hữu hóa tài sản của các tập đoàn tư bản nước ngoài nhằm kiểm soát công việc sản xuất và phân phối thực phẩm. Thì Chavez đã tiến hành các chính sách dân túy, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của thành phần dân nghèo đối với mình. Chính sách kinh tế của chính phủ chủ yếu dựa vào nguồn thu từ bán dầu mỏ, lấy tiền bán dầu trợ cấp cho người dân hay chính sách duy trì giá xăng vô cùng rẻ... Tuy vậy khi giá dầu mỏ trên thế giới giảm, thì các chính sách này này của Chavez đã đẩy nền kinh tế của Venezuela lâm vài tình trạng khủng hoảng nặng nề. Trong một thời gian dài, dân chúng Venezuela phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi thứ, tình trạng người dân xếp hàng dài trong các cửa hàng, siêu thị để mua gom hàng hóa hết sức phổ biến. Không chỉ thế, người dân phải mang theo hàng bịch tiền lớn, thay vì đựng tiền trong ví, khi đi mua sắm hàng ngày. Theo khảo sát từ các phân tích nhà kinh tế cho hay, lạm phát của Venezuela vào lúc này có thể đạt tới mức 124%.

Cho đến cuộc bầu cử ngày 6/12/2015 diễn ra trong bối cảnh Venezuela đang chịu sức ép rất lớn về kinh tế. Theo hãng tin Bloomberg nhận định rằng, Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) bị mất uy tín trầm trọng, sau khi chính sách dân túy của họ đem lại hậu quả với hàng loạt công ty bị nhà nước tịch thu, lạm phát tăng nhanh nhất thế giới đã bị người dân tẩy chay và tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm khiến sự bất bình trong nước dâng cao. Đây là hậu quả do đường lối XHCN mang lại, theo Reuters, Cristobal Jesus Medina Chacon, kỹ sư 27 tuổi phát biểu rằng “Chúng tôi bỏ phiếu cho đảng đối lập vì muốn có sự thay đổi trên đất nước này. Chúng tôi chán phải xếp hàng chờ đợi, cảnh thiếu hàng hóa và đồng lương ít ỏi”. Còn ông Rodrigo Duran, nhân viên bảo vệ 28 tuổi thì thổ lộ rằng “Tôi từng là một người ủng hộ ông Chavez đầy tự hào. Nhưng làm sao tôi chịu nổi khi đồng lương không đủ để nuôi sống con của tôi?”

Chính vì thế, chiến thắng của Đảng đối lập Venezuela là sự biểu thị tiếng nói của cử tri Venezuela, họ đã nói không đối với Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) sau hơn 16 năm nắm quyền. Các nhà bình luận quốc tế đều có một nhận định chung rằng, đây là một đòn giáng chí tử vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Venezuela.

Xu hướng tất yếu

Kể từ năm 1989, với sự sụp đổ hàng loạt của các nước trong hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu và Liên xô đã báo hiệu sự cáo chung của tư tưởng Cộng sản và Chủ nghĩa xã hội. Ngay sau đó, người ta đã thấy rằng sự sụp đổ này là vấn đề tất yếu và vấn đề chỉ còn là thời gian. Sự chuyển hướng của các nước cựu cộng sản như Trung Quốc, Việt nam ngay sau đó hay gần đây nhất là Cu ba, dưới danh nghĩa đổi mới hay cải cách kinh tế là bằng chứng cho thấy, nếu không từ bỏ hoặc thay đổi thì sẽ sụp đổ. Về nguyên nhân sự sụp đổ của Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu có 02 nguyên nhân cơ bản là do: thể chế chính trị ở các quốc gia đó không phải đại diện cho nhân dân và nền kinh tế không phát triển theo cơ chế thị trường, từ đó không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Đến nay có thể khẳng định rằng, cùng với lý tưởng tự do-dân chủ thì mô hình: một nhà nước pháp quyền, với một nền Kinh tế thị trường hoàn chỉnh và một hệ thống các tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS) của các nước phương Tây là một mô hình đúng đắn nhất để đưa các quốc gia phát triển bền vững. Điều đó cũng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người và đã trở thành một chân lý mang tính tất yếu.

Trong hệ thống chính trị như thế, thì một khi quyền lực chính trị thuộc về nhân dân thì người dân có toàn quyền lựa chọn ban lãnh đạo đất nước trong số những đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau với các cương lĩnh chính trị cụ thể. Khi đó Hiến pháp sẽ trở thành luật chơi, phe được đông đảo dân chúng lựa chọn sẽ nắm quyền điều hành đất nước và phe thiểu số sẽ làm vai trò phe đối lập để kiểm tra, kiểm soát công việc của chính phủ. Đến hết thời hạn 4 hoặc 5 năm theo quy định của Hiến pháp, sẽ tiến hành bầu cử quốc hội mới để bắt đầu từ đầu. Như vậy đảng cầm quyền khi thất cử thì sẽ chuyển sang vai trò đối lập mà chẳng ai trả thù ai. Tuy nhiên, ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm luật pháp thì sẽ bị xử lý lập tức, không kể thời gian nào.

Các nước phương Tây bao gồm cả Hoa kỳ trở thành các quốc gia văn minh, giàu có và thịnh vượng cũng bởi vì, quốc gia này luôn hướng đến các những giá trị cơ bản của mình, đó là các giá trị văn minh, tiến bộ nhất phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại. Và ngược lại, thực tế đã cho thấy, các quốc gia quay lưng lại với các giá trị văn minh này thì trước sau cũng chuốc lấy các thất bại. Nói một cách khác, các tiêu chí đó chính là mong muốn của đa số người dân, các bài học gần đây ở Myanmar và Venezuela đã chứng minh điều đó.

Nguy cơ và lối thoát

Nguy cơ sụp đổ của chế độ là mối lo của ban lãnh đạo Đảng CSVN, điều đó đã khiến họ có thể mất ăn, mất ngủ nhưng ít ai dám nói ra. Tuy vậy, trong bài viết "Chọn người đạo đức, trung thành, giữ cho được chế độ" trên VNN mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng đã phải thừa nhận rằng "Đây là điều băn khoăn lo lắng rất đúng của cử tri, Đảng và Trung ương cũng rất lo."

Những người lãnh đạo cộng sản hiện nay lo sợ khi chế độ hiện tại sụp đổ, thì chắc chắn họ sẽ bị trả thù. Bởi vì họ nghĩ rằng, nếu xét các sai lầm và những tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra trên mảng đất chữ S này trong mấy chục năm qua, cộng với cách suy nghĩ của họ thì điều đó sẽ không thể tránh khỏi. Bài học việc trả thù đẫm máu trong sự sụp đổ của các quốc gia cộng sản Đông Âu, như Rumani, khi vợ chồng lãnh tụ Ceauşescus bị xử bắn vẫn còn sờ sờ ra đấy, thì bảo làm sao ai mà không lo sợ được.

Tuy nhiên, sự lo sợ bị trả thù có thể giải quyết được, chỉ cần các nhà lãnh đạo Việt nam hiện nay thực tâm, toàn ý và một lòng vì đất nước. Nếu thế thì cần phải tiến hành cải cách thể chế chính trị một cách sau rộng, toàn diện. Để thay đổi các đường lối chính sách cho phù hợp, bắt kịp các các tiêu chí văn minh của xã hội loài người. Trên cơ sở đó, trong một thể chế chính trị đa nguyên thì các cam kết chính trị như, không trả thù hay kể cả không truy tố các quan chức cộng sản chắc chắn sẽ được người dân đồng tình và ủng hộ. Điều đó đã thấy rõ nhất gần đây ở Myanmar, với cách xử lý của bà Aung San Suu Kyi đại diện cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đảng sẽ cầm quyền trong thời gian tới đã cam kết với giới chức quân nhân Myanmar rằng, sẽ không có sự trả thù.

Kết

Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, chương Tướng Giáp tác giả Huy Đức cho biết, Trung tướng Võ Viết Thanh cựu thứ trưởng Bộ Nội vụ đặc trách An ninh (giai đoạn1987-1991) có kể lại rằng: "Gặp các vị đương chức tôi hay hỏi: Nếu bây giờ tranh cử với một người chủ trương dân chủ, chủ trương kinh tế thị trường mà quý vị vẫn chủ trương 'định hướng xã hội chủ nghĩa', chủ trương chuyên chính vô sản, chủ trương 'quốc doanh chủ đạo', dân có bầu cho quý vị không? Các vị ấy trả lời: Không. Tôi bảo, sao quý vị biết lòng dân như vậy mà vẫn cứ cố tình nói khác, làm khác!". Điều đó cho thấy, những người trong ban lãnh đạo cộng sản họ hiểu rất rõ rằng, họ đang đứng ở đâu và lòng dân hiện nay thế nào?

Bỏ qua sự quá yếu kém của lực lượng chính trị đối lập ở Việt nam hiện nay, lực lượng này cho dù còn rất ít do mới manh mún và thiếu tính tổ chức, đó là những người có kiến thức và hiểu biết làm chính trị song số này thì quá ít. Còn lại chủ yếu là những người theo xu hướng chống đối, nhưng thiếu kiến thức và đôi khi rất mù quáng. Những người này, nhân danh là làm chính trị, song họ chống tất cả mọi thứ chủ trương, chính sách của Đảng CSVN, kể cả những cái mà được người dân đồng lòng ủng hộ. Chắc những người này họ biết rằng, chính trị là những vấn đề xoay quanh việc gìn giữ và tranh giành quyền lực. Tuy vậy, họ quên rằng trong một xã hội dân chủ thì mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Chính vì vậy mà có các chính sách được đa số dân chúng ủng hộ , nhưng họ lại chống?

Có lẽ chính vì sự non kém này, mà đối lập chính trị ở Việt nam chưa trở thành lực lượng đối trọng đủ tầm cỡ của Đảng CSVN, hay cụ thể hơn là họ không lôi kéo được lòng dân. Vì thế đến nay, lực lượng này chưa tạo ra được một nguy cơ hay áp lực cần thiết đáng kể để khiến chế độ hiện nay "rung rinh". Bài học chuyển đổi ở Myanmar đã chỉ cho thấy, một khi lòng dân đã quyết cộng với một lực lượng chính trị đối lập đủ mạnh, có chất lượng thì chắc chắn bất kể chế độ độc tài nào có sự tỉnh táo cũng buộc phải thay đổi. Ở Việt nam hiện nay, lòng dân đã rõ, song nửa còn lại thì hầu như chưa có gì.

Chính vì thế nên, sự thay đổi chính trị ở Việt nam vẫn còn ở trong một tương lai... thật xa.

Ngày 10/12/2015

© Kami

(RFA Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét