Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

- Sự khác biệt giữa độc tài và dân chủ


Nguyễn Hưng Quốc - Sự khác biệt giữa độc tài và dân chủ

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Hai, ngày 28 tháng 12 năm 2015 | 28.12.15


Ảnh minh hoạ: Cảnh sát Việt Nam dùng loa kêu gọi dân chúng và các nhà báo rời khỏi khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 18/5/2014.

Cách đây mấy ngày, tình cờ tôi gặp lại một người quen, trước, sống ở Úc, sau, về Việt Nam làm việc từ cả hơn 20 chục năm nay. Thỉnh thoảng, vài ba năm một lần, anh về lại Úc để thăm gia đình. Tôi hỏi cảm tưởng của anh mỗi lần quay lại Úc. Ngẫm nghĩ một lát, anh cho biết: Mỗi lần về Úc, anh cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, và nhất là, được tôn trọng hơn, do đó, thấy mình… “người” hơn.

Điều anh nói, tôi cũng đã từng nghe nhiều người khác nói, những người vừa sống ở Úc vừa sống ở Việt Nam. Tất cả đều nói giống nhau: Ở Việt Nam, người ta cảm thấy cái phần “người” của họ bị đè bẹp, chỉ còn rất nhỏ, còm cõi, yếu ớt, thảm hại. Chủ yếu là vì lúc nào cũng sợ sệt người khác. Ở nhà thì sợ người khác cạy cửa ăn trộm, có khi, giết chết. Ra đường thì, một mặt, sợ tai nạn giao thông; mặt khác, sợ cảnh sát giao thông quấy nhiễu, tìm cớ để ăn hối lộ. Vào các công sở thì lúc nào cũng thấy bị uy hiếp. Sợ nhất là gặp công an. Làm ăn lương thiện, không có tội gì cả, nhưng cứ hễ thấy bóng công an là thấy bất an, hồi hộp, lo lắng. Nói chung, ở Việt Nam, lúc nào người ta cũng căng thẳng vì sợ hãi. Ở Úc thì khác. Gặp ai cũng được chào hỏi một cách thân mật. Rất hiếm thấy cảnh sát. Mà có thấy cũng không lo sợ vì biết chắc sẽ không ai làm khó dễ gì mình. Khi cần làm giấy tờ, bước vào cửa các cơ quan công quyền, người ta hoàn toàn tự tin là mình sẽ được phục vụ theo đúng quy định chứ không bị sách nhiễu như ở Việt Nam.

Tôi cho những kinh nghiệm như thế tiết lộ cho chúng ta sự khác biệt sâu sắc giữa một chế độ độc tài và một chế độ dân chủ.

Nói đến sự khác biệt giữa độc tài và dân chủ, lâu nay, người ta chủ yếu chỉ nhìn vấn đề từ góc độ chính trị; ở chính trị, người ta chủ yếu tập trung vào yếu tố cơ chế; và trong cơ chế ấy, người ta quan tâm nhiều nhất đến các quan hệ quyền lực. Thật ra, dưới chế độ nào, giới lãnh đạo cũng đều có rất nhiều quyền lực. Chỉ khác ở một số điểm: Một, quyền lực, dưới chế độ độc tài, có tính tuyệt đối, nằm hẳn trong tay của một người hoặc một nhóm người; dưới chế độ dân chủ, có tính chất tương đối và được phân tán, ít nhất trong ba lãnh vực khác nhau, thường được gọi là tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp và tư pháp). Hai, quyền lực, dưới chế độ độc tài, chủ yếu là do cưỡng đoạt hoặc lạm dụng; dưới chế độc dân chủ, chủ yếu là được dân chúng uỷ thác trong các cuộc bầu cử tự do, bình đẳng và minh bạch. Ba, quyền lực, dưới chế độ độc tài, nằm trên cả luật pháp, ở đó, luật pháp được sử dụng như một công cụ để đàn áp dân chúng (rule by law); dưới chế độ dân chủ, bị kiểm soát bởi luật pháp (rule of law). Và bốn, quyền lực, dưới chế độ độc tài, có thể kéo dài cho đến lúc bị sụp đổ; dưới chế độ dân chủ, có tính chất nhiệm kỳ.

Sự khác biệt giữa độc tài và dân chủ cũng có thể được nhìn từ một góc độ khác: nhân quyền. Nói một cách tóm tắt, độc tài chà đạp lên quyền làm người căn bản của con người trong khi dưới các chế độ dân chủ, các quyền ấy được tôn trọng. Trong các quyền ấy, có ba loại quyền quan trọng hơn hết: Thứ nhất là quyền được tự do suy nghĩ và tự do phát biểu dưới mọi hình thức. Thứ hai là quyền được chọn lựa giới lãnh đạo qua các cuộc bầu cử. Và thứ ba là quyền kiểm soát, phản biện, phê phán, thậm chí, phản đối các chính sách của chính phủ một cách công khai qua các phương tiện truyền thông cũng như các cuộc biểu tình bất bạo động.

Ở Việt Nam hiện nay, không có quyền nào trong ba thứ quyền nêu trên được tôn trọng đúng nghĩa. Người dân được quyền tự do suy nghĩ nhưng lại có rất ít quyền tự do phát biểu. Phát biểu ở chỗ riêng tư, với bạn bè hoặc người thân thì được, nhưng phát biểu công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng - vốn hầu hết đều nằm trong tay nhà nước - thì bị hạn chế và không ít trường hợp, bị trù dập. Hơn nữa, những cái được gọi là tự do tư tưởng đều chỉ có ý nghĩa tương đối. Đã đành là ở Việt Nam hiện nay, khác với trước đây, không có cảnh “đem bục công an đặt giữa trái tim người” như lời Lê Đạt thời Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng khi người dân không có quyền tìm kiếm và lưu giữ thông tin, khi người dân chỉ được tiêu thụ những thông tin do chính quyền sàng lọc và cung cấp, họ cũng không thực sự có quyền tự do tư tưởng.

Người dân cũng được đi bầu Quốc hội, nhưng thứ nhất, người ta chỉ được bầu những người đã được lựa chọn sẵn; và thứ hai, bản thân Quốc hội cũng chả có quyền lực gì đáng kể trong hệ thống chính trị tại Việt Nam. Những lá phiếu của dân chúng chỉ là những chi phiếu giả, không có tiền thế chấp, do đó, không có giá trị gì cả. Nó chỉ tạo ra ảo tưởng tự do nhưng lại không phải là tự do thật.

Riêng các quyền phản biện và chống đối thì bị bóp nghẹt hoàn toàn. Cho đến nay, chính phủ và Quốc hội hứa hẹn sẽ soạn luật về biểu tình nhưng cả hai đều cứ lần khân khất hẹn mãi. Những cuộc biểu tình, dù một cách chính đáng, ví dụ chống các hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc, đều bị cấm đoán; một số người tổ chức hoặc tham gia bị bắt bớ, có người bị cầm tù dưới nhiều tội danh khác nhau.

Việc tôn trọng các quyền làm người cũng là việc tôn trọng con người. Không ai thực sự là người nếu các quyền căn bản của họ không được tôn trọng. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi sống ở dưới các chế độ dân chủ, người ta không những được tự do mà còn thấy tự tại phơi phới, thấy mình đích thực là mình.

Blog Nguyễn Hưng Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét