Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

KINH TẾ VN 2015 QUA NHỮNG PHÁT NGÔN RẤT ẤN TƯỢNG


KINH TẾ VN 2015 QUA NHỮNG PHÁT NGÔN RẤT ẤN TƯỢNG


Kinh tế Việt Nam 2015
qua những phát ngôn ấn tượng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Dân trí
Thứ Hai, 21/12/2015 - 07:10

2015 được coi là năm “bản lề” của kinh tế Việt Nam, khép lại nhiệm kỳ cũ và mở ra nhiệm kỳ mới với không ít cơ hội lẫn thách thức khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Có những thành công nhưng cũng còn đó nhiều hạn chế, tồn tại.

>> Kinh tế Việt Nam qua lăng kính của các tổ chức quốc tế
>> Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới
>> ANZ: “Kinh tế Việt Nam miễn dịch với suy thoái thương mại”

Dưới đây, Dân Trí phác họa lại bức tranh kinh tế năm qua với những nét chấm phá qua 10 phát ngôn tiêu biểu:

1. “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!”


Trao đổi tại một hội thảo hồi tháng 8/2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thuật lại lời nói đùa mà rất "đau" của các chuyên gia World Bank đánh giá: Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới".

Theo đó, trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển!

“Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”

2. “Doanh nghiệp Việt hội nhập như đi trên cầu khỉ”

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm 2015, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, nói doanh nghiệp bị động, không tích cực, không quan tâm đến hội nhập và yếu trong cạnh tranh có thể đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ.

Ông Cung nhận định: “Doanh nghiệp hội nhập như đi trên cầu khỉ, trên lưng là khối đá gánh nặng chi phí, dò dẫm từng bước một để không trượt chân rơi xuống sông nên không thể nhìn xa vươn tới thị trường bên ngoài. Với hình ảnh này doanh nghiệp Việt Nam không thể hội nhập được. Vấn đề nền tảng là Nhà nước, Nhà nước có hội nhập không?".

Vị chuyên gia nhận định: “Nhà nước về căn bản không thay đổi tư duy đứng bên trên doanh nghiệp, kiểm soát, quản lý doanh nghiệp bằng việc đồng hành cùng doanh nghiệp, Nhà nước vẫn đặt ra rào cản để quản lý và tôi cảm nhận bộ máy chúng ta "nghiện" quản lý”.

3. “Sức nóng TPP đang phả vào gáy”

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Khắc Tâm đánh giá, với “sức nóng TPP đang phả vào gáy”, nếu không nhận biết định lượng về những cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để cải thiện, nền kinh tế Việt Nam sẽ là là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP, trở thành những người làm thuê trên mảnh đất màu mỡ của mình.

Trong khi đó, quy định pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi “hàng tá những lệ làng”, thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm.

“Một cái lắc đầu của ông chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc sở, thậm chí sự chậm trễ, vòi vĩnh của anh công chức hành chính bình thường cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân” – vị đại biểu trăn trở.

4. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo?”

Tại cuộc gặp gỡ với 40 DN tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp (Start-up) vào chiều 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Nước mình còn nhiều vấn đề. Cần đặt câu hỏi, tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo. Bây giờ phải làm gì?”. Và ông đưa ra câu trả lời, nhất định phải đổi mới mạnh mẽ hơn.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: “Tôi tha thiết gặp các bạn vì các bạn là những người dám mơ ước, dám vượt qua giấc mơ con. Tôi đặt hàng các bạn tư vấn chính sách. Tôi muốn các bạn góp ý để chúng ta làm lan tỏa các giá trị. Tôi sẽ tạo mọi điều kiện hết sức”.

5. “90 năm trước, Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường”

Tại hội nghị giao ban doanh nghiệp ngày 25/8 tại Đà Nẵng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay: “90 năm trước, Bác Hồ đã nói nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế nhiều thành phần. Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường!”

Ông Lộc nói thêm: “Khi nghiên cứu vấn đề này, tôi đã rất bất ngờ và nói với các chuyên gia Mỹ: Các vị thử xem, lý thuyết kinh tế thị trường các vị đang làm hiện nay có khác gì với tư tưởng Hồ Chí Minh hay không? Chả khác gì cả. Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!”

6. “Không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản”

Trao đổi với báo chí hồi đầu năm liên quan đến đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Nếu cứ tiếp tục với mức giá như thế này, thậm chí EVN có thể bị phá sản. Cứ nợ như thế mà bán dưới giá thành, đến một lúc nào đó sẽ không thể chịu được”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã phản bác lập luận này của đại diện Bộ Công Thương. Ông Cung nói: “Cho EVN phá sản, ngành điện mới phát triển được”.

Theo vị chuyên gia: “Đáng lý, Bộ Công Thương phải giám sát EVN độc quyền bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng và các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không chứ không phải bảo vệ đề xuất này”.

7. “Giá điện tăng, mọi người đều hưởng lợi”

Cũng liên quan đến giá điện, trong phần chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về giá điện chiều ngày 11/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhận xét: “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá! Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa! Đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ thuở khai sinh ra ngành điện”. Ông Cương cho rằng, về mặt lý thuyết, thì các doanh nghiệp đều cố gắng giảm giá để tăng sức cạnh tranh. Nhưng lý thuyết này lại không đúng với ngành điện.

Có lẽ Đại biểu Cương chưa nghe lập luận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói trước đó, rằng khi giá điện tăng thì mọi người đều hưởng lợi. Doanh nghiệp bù được lỗ, Chính phủ không phải trợ giá và người tiêu dùng trong tương lai sẽ hưởng lợi vì với giá điện tiệm cận thị trường, ngành này mới thu hút được đầu tư.

8. “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế!”

2015 là một năm đời sống kinh tế xã hội nhức nhối vấn đề thực phẩm bẩn. Hàng loạt những phóng sự phản ánh về tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định cho phép…Tại diễn đàn Quốc hội tháng 11/2015, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã phải thốt lên rằng: “Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thì, cái khó của cơ quan quản lý đó là phải kiểm soát một lực lượng quá lớn gồm hàng triệu hộ sản xuất nông lâm thủy sản. Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật còn 103 doanh nghiệp sản xuất, hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ.

Trong khi đó, pháp luật chưa đủ tính răn đe. Quy định tại Bộ luật Hình sự là “nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý. Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được!” - ông Phát cho hay.

9. “Ôm lấy Trung Quốc là ôm lấy bất ổn”

Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cũng như những biến động mạnh trong chính sách tiền tệ của quốc gia này đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới năm 2015, trong đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Trong khi tại lĩnh vực thương mại, tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng mạnh, thì tại lĩnh vực đầu tư, nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công đã phải gánh chịu những hậu quả không nhỏ do chủ đầu tư ham rẻ.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015 diễn ra ngày 27/8, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: “Cần lưu ý là nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai dự kiến là xu hướng xấu đi, bài ca oai hùng không còn vang như ngày xưa. Một nền kinh tế bất ổn mà chúng ta ham rẻ ôm lấy tức là ôm lấy cái bất ổn”.

10. “Không đánh đổi tính mạng người Việt Nam để vay vốn”

Sau nhiều bê bối xảy ra tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá, sự yếu kém của tổng thầu đã dẫn đến dự án này thực hiện kém cỏi nhất Việt Nam. Với những sự cố về an toàn lao động xảy ra, ông Thăng cho biết, bản thân ông không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa.

Tại cuộc làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào chiều 4/1, tư lệnh ngành GTVT kiên quyết: “Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam. Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực. Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được”.
Bích Diệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét