Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015
Cố tình hoãn luật biểu tình: Bộ Công an vi phạm tắc trách công vụ
Cố tình hoãn luật biểu tình: Bộ Công an vi phạm tắc trách công vụ
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 18 tháng 12 năm 2015 | 18.12.15
Vào tháng 12/2015, Bộ công an lại đề nghị hoãn luật biểu tình với lý do “dự luật biểu tình đã được xây dựng xong, đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng một số vấn đề có tính chất nhạy cảm thì các bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp chưa cho ý kiến”.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong năm nay Bộ công an đề nghị hoãn luật biểu tình. Vào lần trước, Bộ công an cũng nại ra lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mittinh, biểu tình do Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”.
Một luật gia cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do Chủ tịch Quốc hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, tháng 6-2014.
Lẽ ra bằng quyền hạn của mình, Thủ tướng Dũng hoàn toàn có thể chuyển nhiệm vụ dự thảo Luật biểu tình cho một tổ chức hội chuyên ngành. Đơn cử, dự Luật Trưng cầu ý dân được Chính phủ giao cho Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Còn khi Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề nghị “hoãn trình” dự thảo luật biểu tình, có nghĩa ông ta đã thừa nhận tính lỏng lẻo của Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 mà chính tay ông đã ký.
Nhiều năm qua, trên mảnh đất Việt đương đại và dồn dập tang thương bởi các nhóm lợi ích từ kinh tế đến chính trị, có quá nhiều lý do để người dân và trí thức tụ tập, cùng biểu thị nỗi uất ức về quốc nạn tham nhũng vô bờ bến, và trạng thái hèn yếu khó có thể tồi tệ hơn của chính quyền trước bóng ma phương Bắc.
Giờ đây, không chỉ người dân mất đất đã hình thành một giai tầng dân oan lên đến hàng triệu người, mà cả nạn nhân môi trường, công nhân và tiểu thương cũng trở thành chứng nhân lịch sử, cho một tâm can khao khát quyền biểu tình hướng đến một xã hội công dân đúng nghĩa.
Quyền biểu tình rất đáng được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên cho sự nghiệp dân chủ hóa ở Việt Nam, căn cứ vào quyền tự do biểu đạt (Điều 19, Điều 20); quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21, Điều 22) của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR, 1966); Nghị Quyết 24 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 24 về cổ xúy và bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn hòa ngày ngày 21 Tháng Ba, 2013.
Lê Dung
(SBTN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét