Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015
Báo chí nhà nước phản ứng thế nào với cách mạng dân chủ Myanmar?
Báo chí nhà nước phản ứng thế nào với cách mạng dân chủ Myanmar?
Đăng bởi Ha Tran on Chủ Nhật, ngày 13 tháng 12 năm 2015 | 13.12.15
Nếu sự kiện bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba vào cuối năm 2014 còn khiến cho báo giới nhà nước dè dặt, thì cuộc cách mạng dân chủ ở đất nước láng giềng Myanmar đã tạo nên một không khí hưng phấn đáng được xem là hiện tượng ở Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam, Đất Việt, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Vietnamnet… vẫn là những cái tên đi đầu trong hành trình cổ súy Aung San Suu Kyi và cả Thein Sein. Những tờ báo đảng như Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân cũng không thể né tránh được nhiệm vụ chuyển tải những tin tức nóng hổi về chiến thắng ngoạn mục của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của Aung San Suu Kyi. Ban tuyên giáo trung ương dường như đành nhắm mắt làm ngơ cho những tờ báo ngày càng xa cách với “cơ quan ngôn luận của đảng” tuyên truyền cho dân chủ Myanmar.
Không quá khó để nhận ra ý tứ sâu xa của những tờ báo có tính phản biện và mang tư tưởng cải cách trong hiện tình Việt Nam. Không chỉ thể hiện tình cảm ủng hộ Aung San Suu Kyi, khá nhiều bài báo đã tập trung phân tích vai trò của Thein Sein. Một luồng ý kiến cho rằng không thể có Aung San Suu Kyi nếu không có Thein Sein. Nhưng có vẻ như ẩn ý của luồng ý kiến này, đang muốn hướng tới giới lãnh đạo đương thời của Việt Nam, chế độ “16 ông vua tập thể”, vẫn chưa chịu động đậy để mang lại dân chủ cho nhân dân.
Không chỉ nói về Aung San Suu Kyi và Thein Sein, mới đây tờ Giáo dục Việt Nam còn rút một cái tít rất đáng chú ý “Buông đao thành Phật” khi nói về thái độ của tướng Than Swe ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Bài viết khá dài này hầu như bỏ qua quá khứ đàn áp nhân dân đẫm máu của Than Swe, mà chỉ tập trung vào công tích của viên tướng này từ khi chọn Thein Sein làm người kế nhiệm. Để cuối cùng Thein Sein chính là mắt xích tháo gỡ dân chủ cho Myanmar.
Vừa phản ứng với tình trạng mất dân chủ ở Việt Nam, những tờ báo nhà nước còn muốn xoáy vào nguồn cơn chính yếu là thể chế độc tài đã khiến dân chủ bị suy kiệt đến thế nào.
Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mà những tờ báo có độ phản biện cao nhất ở Việt Nam có thể nói. Bức tường tuyên giáo vẫn còn gần như nguyên vẹn mà không một tổng biên tập nào đủ can đảm để húc đổ nó.
Một thực trạng khác đáng thất vọng, là ngược dòng với không khí phấn khích của một số ít tờ báo, số đông còn lại đã tỏ ra bàng quan, theo truyền thống vô cảm ngày càng ăn sâu vào não trạng và cả trái tim. Rất ít hoặc không đề cập đến sự kiện Cách mạng dân chủ Myanmar. Các báo này chỉ thuần túy đưa tin về Myanmar như một trong rất nhiều sự kiện trên thế giới. Tình trạng này cho thấy quá trình chuyển đổi dân chủ hóa ở Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp. Có lẽ còn khá lâu nữa mới xuất hiện một Aung San Suu Kyi của Việt Nam.
Lê Dung
(SBTN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét