Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Đẩy gánh nợ công cho đời con cháu


Đẩy gánh nợ công cho đời con cháu

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 18 tháng 12 năm 2015 | 18.12.15

 
 Thế hệ tương lai phải lo trả gánh nợ công AFP photo



2015 được ghi nhận như năm của mối đe dọa nợ công và rất nhiều ưu tư của người dân Việt Nam. Nhà nước nhìn nhận đang cố gắng vay nợ mới để trả nợ cũ và hiển nhiên đẩy trách nhiệm trả nợ cho các thế hệ tương lai.


Nợ công và việc đẩy trách nhiệm trả nợ cho các thế hệ tương lai là mối ưu tư lớn nhất mà các cử tri Quận Nam Từ Liêm bày tỏ với tân Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 14/12/2015, khi ông lần đầu tiếp xúc với người dân trong cương vị mới.


Sự kiện vừa nêu làm dài thêm danh sách người dân các tỉnh thành cả nước, bày tỏ mối lo đời con cháu sẽ phải trả gánh nặng nợ công, do thế hệ cha ông để lại từ việc tiêu xài quá trớn. Bên cạnh nhu cầu phát triển đường xá, cầu cống lại cũng có không ít đại công trình hàng ngàn tỷ, để xây trụ sở nguy nga hoặc tượng đài hoành tráng. Ngoài ra ngân sách quốc gia còn phải đài thọ chi phí khổng lồ để vận hành hai bộ máy song hành là Đảng và Chính quyền.


Nhận định về sự kiện vừa nêu, chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long hiện sống và làm việc ở Hà Nội phát biểu:


Tôi nghĩ rằng nợ công tăng nhanh chóng như thế nó báo hiệu một nguy cơ rất lớn. Vấn đề không phải là nó đạt ngưỡng 65% của GDP, trên đấy thì mất an toàn còn dưới đấy thì không mất an toàn.
- TS Nguyễn Quang A


“Với một bộ máy cồng kềnh như của Việt Nam mà ngay đại biểu Quốc hội cũng nói là, rất nhiều tổ chức cùng song hành như tổ chức Đảng, tổ chức Chính quyền, tổ chức các đoàn thể và tất cả đều ăn lương nhà nước, trong khi đó năng suất lao động thì thấp, đây là sự nguy hiểm. Ở Quảng Ninh đã thí điểm nhất thể hóa giữa cơ quan Đảng với cơ quan Chính quyền. Người ta thấy vấn đề đó nhưng họ không triển khai, không thực hiện và với một bộ máy cồng kềnh lớn như hiện nay thì không có một nguồn ngân sách nào có thể kham nổi, đủ nuôi nổi bộ máy như vậy. Chắc chắn với việc đầu tư, trong khi ngân sách phải chi thường xuyên để nuôi bộ máy quá lớn như vậy thì tiền phát triển cho đầu tư, mà chính nguồn này mới là để trả nợ, không được coi trọng, không đúng thì mức nợ tăng cao và nguồn thu để trả mức nợ đó lại không có, hạn hẹp. Cuối cùng có dẫn tới vỡ nợ thì cũng là chuyện bình thường.”


Ngày 6/12/2015, ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước phát biểu với cử tri Quận 4 TP.HCM cho biết tốc độ tăng nợ công nhanh gấp 3 lần tốc độ phát triển Tổng sản phẩm nội địa GDP. Nhà nước đang phải vay tiền để trả nợ vì nhiều khoản đến hạn mà không có tiền để thanh toán. Những sự kiện này được báo chí Việt Nam tường thuật, theo đó ông Sang nói công khai là, trong tổng số 250.000 tỷ đồng tương đương hơn 11 tỷ USD tiền phải đi vay trong năm 2015, một phần để chi cho đầu tư và một phần để trả nợ đến hạn.


Trả lời phỏng vấn của RFA, TS Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ở Hà Nội đã tự giải thể, cho rằng tỷ lệ vay nợ trên GDP cao hay thấp không hẳn thể hiện vấn đề an toàn, nhưng khả năng trả nợ mới là vấn đề quan trọng nhất. Ông nói:


“Tôi nghĩ rằng nợ công tăng nhanh chóng như thế nó báo hiệu một nguy cơ rất lớn. Vấn đề không phải là nó đạt ngưỡng 65% của GDP, trên đấy thì mất an toàn còn dưới đấy thì không mất an toàn. Thực sự ở những nước mà nợ công của người ta lên đến trên 100% cúa GDP nhưng vẫn an toàn và có thể dưới mức 50% cũng không an toàn. Quan trọng là khả năng của nền kinh tế, khả năng thu của chính phủ có đủ bù chi hay không. Có thể trả nợ lãi và gốc đến hạn hay không. Nếu việc ấy mà không thực hiện được thì dẫu ngưỡng có bao nhiêu chăng nữa thì đất nước cũng lâm vào cảnh vỡ nợ cho nên tôi thấy chuyện nợ công tăng nhanh như thế thì rất đáng lo ngại.”


Cử tri Hà Nội, Saigon nhiều lần quan ngại vấn đề chi tiêu không kềm chế và vấn đề kiểm soát nợ công, khiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải nhìn nhận là cả hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương đều có lỗi. Sau Hà Nội, TP.HCM, cử tri Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam cũng lên tiếng về vấn đề này. Theo Đà Nẵng Online, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng gặp gỡ cử tri vào cuối tháng 11/2015 đã ghi nhận sự lo lắng cao độ về vấn đề nợ công. Cử tri Đà Nẵng nói rằng không thể yên tâm với tình hình nợ công và vay vốn viện trợ phát triển ODA như hiện nay. Cử tri bức xúc, không thể để nợ công kịch trần, rồi hậu quả là đời con, đời cháu phải oằn lưng trả nợ. Chính phủ từ Trung ương tới các địa phương phải trách nhiệm điều hành hiệu quả và quyết liệt.


Trong cuộc họp báo ngày 2/12/2015 ở Hà Nội, Ngân hàng Thế giới cảnh báo nợ công của Việt Nam đang tiến nhanh đến mức trần giới hạn 65% GDP và Việt Nam sẽ đối diện rủi ro nợ công khi phải sử dụng vốn vay ngắn hạn trong nước để chi tiêu, vì không còn nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài.


Chính phủ phải huy động vốn trong xã hội bằng cách bán trái phiếu, lấy tiền bù phần thiếu hụt ngân sách chi cho đầu tư công, trong khi thu ngân sách bị ảnh hưởng nhiều do tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.
- CG kinh tế Phạm Chi Lan


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội phân tích vấn đề này:


“Chính phủ phải huy động vốn trong xã hội bằng cách bán trái phiếu, lấy tiền bù phần thiếu hụt ngân sách chi cho đầu tư công, trong khi thu ngân sách bị ảnh hưởng nhiều do tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Khi phát hành trái phiếu chính phủ như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài. Hơn nữa khi chính phủ đứng ra vay nhiều như vậy, thì số tiền vốn cho xã hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, sẽ lại càng khó khăn hơn.”


Việt Nam đang ngập trong nợ, nợ công được chính phủ công bố đến tháng 12/2015 khoảng 60% GDP trong mức an toàn, nhưng đây là cách tính theo qui định, chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Nếu theo thông lệ quốc tế bao gồm luôn nợ của doanh nghiệp nhà nước thì đã vượt trần, đó là chưa nói đến việc cần phải tính luôn nợ bảo hiểm an sinh xã hội như một thành phần nợ công. Bộ Kế hoạch Đầu tư từng công bố nợ công Việt Nam năm 2014 lên tới mức 66,4% với phương pháp tính toán đầy đủ.


Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long một chuyên gia ở Hà Nội từng phát biểu, nguy cơ về nợ công không phải trong tương lai mà đã hiện hữu trước mắt rồi. Không những trước mắt phải trả mà đời con, đời cháu phải trả, không sao khác được…


Nếu mô tả năm 2015 là năm âu lo nợ công của người dân Việt Nam thì quả là có thừa cơ sở.


Nam Nguyên


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét