Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

ĐÃ TÌM RA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN "MÁY CHÉM" TẠI SẦM SƠN


Tin HOT: ĐÃ TÌM RA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN "MÁY CHÉM" TẠI SẦM SƠN


Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn
tự đặt ra “khoản thu khác” trái quy định

Xuân Hùng
Lao Động số 279
6:26 AM, 02/12/2015
.


Đơn thư bạn đọc gửi báo Lao Động phản ánh, trong các năm 2014 - 2015, ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đặt ra “khoản thu khác” và bắt buộc các chủ kiốt bãi biển phải nộp là trái nguyên tắc. Số tiền mỗi năm trên 2 tỉ đồng. Điều tra độc lập của PV Báo Lao Động cũng như kết luận thanh tra đã chỉ rõ, nội dung tố cáo, phản ánh của bạn đọc là đúng.

Tự đặt ra các khoản thu

Tháng 4.2012, ông Trịnh Huy Triều được bầu làm Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn. Ngày 24.4.2014, ông Triều đã ra thông báo số 600/TB-UBND thay đổi danh mục các khoản thu của các chủ kiốt kinh doanh trên bãi biển. Theo đó, các khoản thu bao gồm: Thuế, phí vệ sinh và khoản “đóng góp khác”. Các chủ kiốt đều băn khoăn là tại sao số tiền họ phải nộp thay vì chỉ có khoản thuế và phí vệ sinh như các năm trước thì nay lại sinh ra “khoản thu khác”. Khoản thu khác này năm 2014 đối với 42 kiốt là 2,187 tỉ đồng. Phần thu khác này được chia làm hai khoản thu: Thu đóng phúc lợi ngân sách thị xã là 1,505 tỉ đồng; thu đóng phúc lợi ngân sách phường, xã là 682 triệu đồng.

Tương tự, ngày 25.5.2015, ông Trịnh Huy Triều với tư cách là Chủ tịch thị xã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hà - Chánh Văn phòng UBND ký ban hành thông báo số 855/TB-UBND yêu cầu gần 50 chủ kiốt phải đóng số tiền trên 12,5 tỉ đồng; trong đó khoản thu “đóng góp khác” là 2,35 tỉ đồng bao gồm đóng cho ngân sách thị xã 1,41 tỉ đồng, cho ngân sách phường, xã 940 triệu đồng. Mỗi hộ kinh doanh kiốt phải đóng cho “khoản thu khác” được lý giải là khoản thu phúc lợi này từ 30 đến gần 100 triệu đồng.





Đây là phiếu thu của UBND phường Trường Sơn đối với một hộ kinh doanh kiốt.
Tự đặt ra luật, tiếp tay cho “chặt chém”?

Trả lời báo chí về nội dung trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND, UBND thì UBND cấp huyện không có thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân. Luật chỉ giao quyền quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân cho HĐND cấp tỉnh. Như vậy, việc UBND thị xã Sầm Sơn tự đặt ra các khoản thu để phục vụ cho việc chi ngân sách địa phương là không đúng với thẩm quyền.

Trong thông báo của mình, UBND thị xã Sầm Sơn đã viện dẫn căn cứ là Quyết định 4549/2010/QĐ-UBND ngày 17.12.2010 của UBND tỉnh Thanh Hoá về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015. Làm việc với Lao Động, trên cơ sở quyết định này, ông Trịnh Huy Triều khẳng định, đã thu theo đúng Luật Ngân sách và quy định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, quyết định này không có phần thu nào ngân sách cấp huyện được giữ lại 100% có tên là “thu khác”!

Lý giải cho việc đặt ra cái gọi là “khoản thu khác” này, ông Trịnh Huy Triều khẳng định, “cứ phải thu như thế mới có tiền chi cho hàng loạt công việc quản lý khác như chi khai mạc hè, chi cho đội an ninh trật tự, chi cho đội cấp cứu biển, chi làm trang web, in ấn tài liệu… Theo ông Triều, mỗi năm các khoản chi này lên đến 3,5 tỉ đồng. “Nếu không thu như thế lấy gì mà chi!” - ông Triều nói. Thực tế mỗi năm, ngoài thu - chi, cân đối ngân sách theo quy định, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chi thêm cho thị xã Sầm Sơn 1 tỉ đồng hỗ trợ các hoạt động ông Triều kể trên.

Thanh tra tỉnh Thanh Hoá đã kết luận rõ: UBND thị xã Sầm Sơn chỉ có thể quản lý các nguồn thu từ thuế như thuế GTGT, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, phí vệ sinh môi trường để góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Còn “đối với “khoản thu đóng góp khác” thực chất đây là khoản thu của các chủ hộ kinh doanh phải nộp để được thuê kiốt, nhưng dưới hình thức “các khoản thu đóng góp khác” là “không đúng với nội dung thu”.
_____________
.

Tễu: - Vì sao các nhà hàng và giá dịch vụ ở Sầm Sơn rất đắt, chặt chém rất kinh? Mùa hè vừa rồi Tễu cũng đã thâm nhập các nhà hàng, thực hiện các cuộc phỏng vấn và được biết chính họ cũng không muốn chém khách đến vậy. Nhưng họ bị vặt nhiều quá!


Họ bị chính quyền chặt chém thông qua rất rất nhiều khoản thu (thuế má, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...), rồi lại bị chính quyền và công an "xin đểu" nữa. Vậy là để bù đắp được, họ buộc phải chém khách không tiếc tay.


Hoan nghênh báo Lao Động đã tìm ra kẻ điều khiển máy chém tại khu du lịch Sầm Sơn.
Rất mong các PV tiếp tục tìm hiểu và điều tra thêm lý do vì sao Sầm Sơn đắt đỏ như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét