Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015
Quyền được ‘sống không sợ hãi’
Mấy ngày nay, cả xã hội rúng động về những vụ giết người tàn độc liên tiếp diễn ra. Kẻ thủ ác đã tàn sát gần như toàn bộ gia đình bốn người ở Nghệ An và sáu người ở Bình Phước.
Những vụ giết người này đã cho thấy một sự thực là bọn ác độc ngày một hoạt động chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Nghe qua ai cũng dễ hình dung ra hành động của bọn chúng na ná như các vụ giết người diệt khẩu trong phim hành động của Mỹ, phim kiếm hiệp của Trung Quốc, Hong Kong. Những kẻ giết người này mười mươi biết được chúng nhất định sẽ bị lôi ra ánh sáng và chịu hình phạt thích đáng nhưng hình như chúng không còn biết sợ.
Rõ ràng sau những vụ giết người này, nhân dân đòi hỏi hệ thống an ninh phải xem xét lại cách thức hành động của mình. Phải chăng những quan niệm, những phương thức của cơ quan công quyền không theo kịp thực tế xã hội?
Ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước.
Ai cũng nhận thấy công an, an ninh của chúng ta rất giỏi phá án, hầu như vụ nào cũng tìm ra thủ phạm nhưng đó là việc giải quyết “hậu sự kiện”. Vấn đề là ở chỗ làm sao ngăn chặn, phá tan những âm mưu tội ác khi chúng chưa xuống tay với dân lành chứ không phải chỉ tận tâm giải quyết hậu quả. Nói xa hơn nữa, chúng ta cần tạo ra một xã hội mà kẻ ác khó lòng lộng hành, người dân lành yên tâm làm ăn sinh sống. Đó thực sự là một đòi hỏi gắt gao, chính đáng của nhân dân vào hệ thống chính trị, hệ thống an ninh và hệ thống giáo dục.
Cho đến nay còn không ít người cho rằng Việt Nam, nhất là TP.HCM và Hà Nội chỉ là nơi trung chuyển ma túy, còn hoạt động tội phạm chỉ là bột phát, manh động. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam chính là một trong số các thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhất ở châu Á, một ngả đường vận chuyển ma túy từ Lào, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Úc, thậm chí châu Âu cũng đổ dồn về đây. TP.HCM đang là nơi ẩn nấp của bọn tội phạm quốc tế, tội phạm bị truy nã ở nước khác dạt về trú ẩn. Bọn tội phạm tham nhũng, giết người, khủng bố, bọn tội phạm công nghệ cao từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang tìm đường đến các thành phố lớn của Việt Nam. Bọn tội phạm trong nước ngày càng trẻ hơn, hung hãn hơn, kết thành các băng nhóm có tổ chức (có cầm đầu, có phân công, phân nhiệm, có quy trình công đoạn từ điều nghiên, hành động đến tiêu thụ sản phẩm…).
Việc nhận thức lại một cách đúng đắn sẽ tỉnh táo để đưa ra được các sách lược chủ động tấn công chứ không phải đối phó thụ động.
Người dân cũng cần phải liên kết nhau lại để tự bảo vệ mình. Rõ ràng không có ổ khóa nào, bất kể là bao nhiêu cái mà kẻ ác không mở được; không có bức tường nào được coi là an toàn cho dù cao đến đâu, cho dù có cắm đầy mảnh chai kèm theo vài vòng dây thép gai; không có cánh cửa nào cho dù bằng lim, sắt dày đến đâu mà kẻ xấu không vượt qua; không có camera nào mà không bị vô hiệu hóa; không có con chó nào không bị đánh bả. Vậy nhưng rất nhiều nhà giàu dường như lại ỷ y vào cổng kín, tường cao, khóa chắc, tin rằng với bấy nhiêu đấy cộng camera là có thể kê cao gối mà ngủ. Những tư gia khép kín trong quan hệ, kín đáo trong cư trú khi xảy ra sự cố không có hàng xóm nào biết. Những ai đến các nước như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản sẽ rất ít thấy hình ảnh những nhà giàu mà sống biệt lập, cố thủ trong khuôn viên khép kín như ở ta. Các hàng rào sắt thưa không chỉ tao nhã mà giúp cảnh sát, hàng xóm quan sát được từ bên ngoài.
Thực tế cho thấy những cộng đồng nào gắn bó với nhau, cùng nhau chia sẻ buồn vui thường nhật thì có rất ít đất cho kẻ ác tung hoành.
Bốn mạng người trong một gia đình ở Nghệ An, sáu mạng người trong cùng gia đình ở Bình Phước chết thảm là một thách thức dữ dội không chỉ cho công an mà thực sự cho cả hệ thống chính trị, cho cả xã hội. Các vụ án sẽ được tìm ra kẻ thủ ác (nhất định thế) nhưng “tìm ra” không phải là mục đích tối thượng và yêu cầu của nhân dân. Cái mà nhân dân cần là một cuộc sống yên bình, không sợ hãi.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (PLO)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét