Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015
Dự án “hội đồng tự quản lớp học” sẽ đưa thế hệ trẻ tới đâu?
4427. NGUYỄN TRẦN SÂM – Dự án “hội đồng tự quản lớp học” sẽ đưa thế hệ trẻ tới đâu?
Posted by adminbasam on 19/07/2015
Đào Hiếu
Nguyễn Trần Sâm
18-07-2015
Hôm rồi coi TV, tôi thấy người ta đang bàn đến một “dự án” của bộ giáo dục – đào tạo về tổ chức quản lý lớp học theo mô hình mới (hình như gọi là mô hình “vi nen” hay “vơ nen” chi đó), dựa vào cái gọi là “hội đồng tự quản”.
Cái “hội đồng” này trong một lớp học tiểu học có đủ chủ tịch, các phó chủ tịch và rất nhiều “ban”: ban học tập, ban sức khỏe, ban văn nghệ, ban thư viện, ban quyền lợi học sinh,… Thậm chí có cả ban đối ngoại! Nghĩa là nó thực sự là một CHÍNH PHỦ của lớp học! Một hệ thống chính quyền hoàn hảo và chặt chẽ, bảo đảm không cho bất kỳ một thành viên nào trong lớp có thể có những hành vi không theo “quy củ”.
Tôi, một kẻ tuy không bao giờ có ý đồ phạm pháp, nhưng luôn “dị ứng” với những hệ thống “cai” và “quản” vô bổ, thậm chí gây họa, nghe thế mà toát hết mồ hôi và bủn rủn tay chân. Quả thật, tôi thật sự lo sợ khi nghĩ đến việc những dự án như vậy được áp vào nhà trường. Trong sự hình dung của tôi, đó là một dự án quái đản. Nếu nó được áp dụng đại trà, nó sẽ thực sự gây ra những hiểm họa khôn lường!
*
Sinh ra ở VN và được học dưới “mái trường XHCN”, chúng ta đều quen với việc trong lớp học có một hệ thống “quản lý” gồm “ban cán sự lớp” với lớp trưởng và mấy lớp phó, mấy tổ trưởng và mấy tổ phó của các tổ cấu thành lớp. Chưa hết, mỗi lớp đồng thời lại là một “chi đội thiếu niên” hoặc “chi đoàn thanh niên” nên có một ban chấp hành gồm một đội trưởng hoặc “bí thư”. Rồi còn một “cơ cấu” hay gì gì đó nữa, gọi là “đội cờ đỏ” gồm hàng chục trò, chuyên đi dò xét, phát hiện xem ai có hành vi mà theo cách hiểu của thầy cô và cái hệ thống này là những việc “vi phạm”. Mỗi lớp có khoảng hơn 1/3 là các vị có “chức sắc”. Và lớp được chia thành 2 “giai tầng”, những kẻ có chức sắc và những kẻ không.
Hàng tháng, thậm chí dày hơn, lớp lại họp một lần. Các tổ trong nhóm cũng thường xuyên họp. Rồi phía đội thiếu niên hay đoàn thanh niên cũng vậy. Nội dung họp gồm những gì thì quý vị cũng biết rồi. Nhưng phải nhắc lại là bao giờ cũng có mục “kiểm điểm và tự kiểm điểm”, rồi “báo cáo thành tích”, “báo công”,… Hàng năm thì có “đại hội”. Đại hội lớp, đại hội chi đoàn (có thời gian “lồng ghép” chung). Thậm chí có cả “đại hội trù bị”. Trong đại hội, cũng đọc “báo cáo tổng kết”, đọc bản “phương hướng, nhiệm vụ năm học mới”. Sau đó thì đương nhiên là đến mục bầu bán các ban bệ, các chức danh. Cũng có quy trình này nọ, có ban kiểm phiếu, rồi thầy/cô chủ nhiệm hoặc cán bộ đoàn cấp trên phát biểu, huấn thị.
Nhớ lại, tôi không cản nổi cảm giác chán ngán.
*
Cách đây gần 50 năm, khi học hết bậc phổ thông, tôi được lọt vào đám thanh niên đi Đông Âu du học. Chỉ là Đông Âu thôi nhưng đã có nhiều cái khác VN (miền Bắc). Một trong những cái khác đó là: lớp học không có “ban cán sự”, cũng chẳng thấy ban chấp hành chi đoàn. Chỉ có một sinh viên được giao nhiệm vụ liên lạc giữa lớp và ban chủ nhiệm khoa. (Thời đó chưa có mạng nên có vài việc, ví dụ lịch thi, phải phổ biến bằng mồm.) Không họp hành gì ráo (tuy thỉnh thoảng hội sinh viên cũng khuấy động chút, ví dụ tổ chức sinh hoạt văn nghệ).
Vốn lớn lên trong bầu không khí đậm đặc mùi chính trị, thấy cảnh đó, tôi vô cùng băn khoăn. Bỏ mẹ, thế này thì ai đứng ra bồi bổ tư tưởng “cách mạng” cho thanh niên đây? Kiểu này chắc mất CNXH.
Lo ngại của tôi ngay từ cuối thập niên 1960 đúng là có cơ sở. Hơn 2 thập niên sau thì đúng là Đông Âu “mất CNXH” thật. Chỉ có điều, với dân nước họ đó là hết họa.
Ở nước họ không có “ban cán sự lớp”, không có “ban chấp hành chi đoàn”, nhưng nền học thuật của họ vẫn phát triển, con người trong xã hội vẫn sống đàng hoàng và đối xử với nhau rất tốt.
*
Bây giờ, gần 15 năm của thế kỷ XIX đã trôi qua, các lớp học ở VN ta vẫn có các ban như trên…
Nhưng không! Bộ GD-ĐT của VN ta đang đổi mới nhà trường! Họ thay “ban cán sự” bằng HỘI ĐỒNG. Một cái gì đó lớn lao, như hội đồng nhà nước hay hội đồng an ninh quốc gia. Có chủ tịch, các phó chủ tịch. Có ban quyền lợi học sinh, ban đối ngoại…! Oai quá! Và những nhân vật chức sắc này cũng có những đặc quyền đặc lợi. Ít thôi, nhưng có. Thế là ngay khi vừa hết tuổi ở truồng, con cháu chúng ta đã khoác trên vai những trọng trách. Đã thành những nhân vật đầy tư thế. Đã tập làm lãnh đạo. Xã hội nhỏ trong một lớp học ba bốn chục cháu bé đã phân hóa, có trên có dưới. Rồi đây, xã hội sẽ đầy quan chức! Và các quan chức đã kinh qua hoạt động lãnh đạo từ nhỏ nên tài năng xuất chúng. Tương lai dân tộc vô cùng xán lạn.
Nhưng tôi thì tôi rùng mình hoảng sợ. Vì cái cơ cấu “hội đồng” kia chẳng những không tinh giản hơn ban cán sự lớp mà còn cồng kềnh hơn. Chỉ tên gọi của “hội đồng” và các ban bệ, chỉ hệ thống các chức danh đã quá phức tạp đối với trẻ em, nhất là học trò tiểu học.
Và khi đã có hội đồng thì nó và các ban bệ của nó sẽ làm những việc gì?
Rõ ràng trẻ nhỏ không thể tự nghĩ ra việc để làm. Khi đó, người lớn phải bày trò cho chúng. Mà ngay cả người lớn, một khi đã cố nghĩ ra việc để làm thì những việc đó hầu hết sẽ là vô bổ. Một việc làm sẽ chỉ có tác dụng, nếu nó xuất phát từ những nhu cầu thực tế. Người thông minh có thể đoán trước những nhu cầu chưa xuất hiện để có những động thái mang tính “đón đầu”, nhưng bịa ra cho có việc để làm thì thật sự vớ vẩn. Không những thế, cái đó làm con người trở nên tha hóa vì sự giả dối. Trong hệ thống lớp học với ban cán sự như trước đây đã có rất nhiều hoạt động vô bổ như vậy (trong khi người tiến hành cứ huyễn hoặc mình và người khác về sự cần thiết của chúng), nhưng sự điêu toa giả dối sẽ còn được nhân lên rất nhiều lần bởi cái hình thái “hội đồng” mà bộ GD-ĐT đang thí điểm và định “triển khai” rộng rãi.
Một điều nữa sẽ làm hư trẻ nhỏ và dẫn đến tha hóa xã hội là cái “hội đồng” kia sẽ tạo ra và nuôi dưỡng thói tham quyền, thói háo danh và cả tính vụ lợi. Nó cũng phân hóa giới trẻ và rồi sẽ tạo ra những hố sâu ngăn cách trong xã hội. Một nền giáo dục chân chính phải đào tạo ra chủ yếu là những người lao động tốt: những công dân, nông dân lành nghề, những nhà khoa học, nhà văn, nghệ sỹ,… Chỉ cần vài phần ngàn là những người theo con đường hoạn lộ. Mà ngay cả vài phần ngàn này cũng phải học làm người bình thường trước đã. Có như thế, họ mới hiểu được thế nào là cuộc sống của con người bình thường để làm đúng chức năng của các quan chức trong xã hội văn minh là xây dựng một xã hội tốt đẹp cho những con người bình thường. Một đội ngũ quan lại gồm toàn những kẻ mà từ lúc nứt mắt đã ham chức sắc và đầu tư thời gian vào việc làm quan nhí, vào những thủ thuật “tranh cử” sẽ chỉ là những kẻ phá nát và làm tha hóa xã hội.
Cải cách giáo dục theo kiểu những dự án như vậy là việc làm của những kẻ vô giáo dục! Vì vậy, mỗi người chúng ta cần làm mọi việc có thể để chặn đứng những dự án, đề án đó.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét