Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
VNN: Kể chuyện khách Việt ăn cắp ở Thụy Sĩ
Hiệu Minh - VNN: Kể chuyện khách Việt ăn cắp ở Thụy Sĩ
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Năm, ngày 23 tháng 7 năm 2015 | 23.7.15
Biên lai phạt hai du khách Việt ăn cắp ở Thụy Sỹ. Ảnh: VNN nguồn.
HM Blog xin nhắn nhủ. Chuyện ăn cắp thì ở đâu trên thế giới cũng có, không riêng gì Việt Nam. Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ đều có ăn cắp. Dân cơ nhỡ ăn cắp cái bánh mỳ, cỡ chủ tịch FIFA trộm hàng triệu đô la bằng bàn tay sạch.
Du khách Việt, phi công Việt, tiếp viên Việt, MC tivi xinh đẹp, con ông cháu cha…có buôn lậu, ăn cắp hay tiêu thụ hàng ăn cắp cũng là trào lưu chung của những kẻ cắp có tử thuở hồng hoang. Tuy nhiên, vì một cặp kính, một chai rượu, vài thỏi son mà vết nhơ đi theo suốt cuộc đời thì liệu có đáng hay không? Chưa kể một số quốc gia họ phạt tù, phạt tiền rất nặng.
Trong siêu thị, cửa hàng bán những mặt hàng có giá trị, chủ thường cài những con rệp điện tử. Chỉ khi trả tiền họ mới tháo con chíp đó ra. Nếu ăn cắp mang ra cửa hệ thống báo động sẽ kêu. Hoặc camera an ninh ghi lại hết toàn bộ hoạt động trong cửa hàng 24/7, không có gì thoát được con mắt của họ.
Ở tầm quốc gia có con mắt của nhân dân tinh tường hơn rất nhiều so với mắt điện tử. Ăn cắp, tham nhũng không thể qua mắt của hàng triệu người.
Hôm nay ăn cắp có thế thoát, ngày mai có thể qua, nhưng hôm sau nữa có thể bị bắt. Không ăn cắp sẽ không thể bị bắt vì ăn cắp. Những kẻ trộm cắp, kể cả ở tầm quốc gia, nên nghĩ tới hành vi làm khốn nạn cuộc đời mình và kéo theo cộng đồng phải xấu hổ theo. Nạn trộm cắp tầm quốc gia sẽ làm đất nước điêu đứng và tụt hậu.
VNN: Hướng dẫn viên kể chuyện khách Việt ăn cắp ở Thụy Sĩ
Hai du khách người Việt Nam vừa bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt vì trộm cắp 3 cặp kính mắt của các nhãn hàng nổi tiếng.
Trao đổi với VietNamNet, hướng dẫn viên dẫn đoàn cho biết, đoàn du lịch của anh gồm 30 người, khởi hành từ ngày 9/7 đi tham quan Pháp và Thụy Sỹ. Đến ngày 15/7, ngày cuối cùng trước khi lên đường trở về nước thì xảy ra vụ việc đáng xấu hổ là hai du khách bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt vì trộm cắp.
Qua máy quay giám sát, nhân viên đã phát hiện hai du khách bóc nhãn, thẻ giá của 3 chiếc kính có trị giá 300 euro/chiếc và đem ra khỏi cửa hàng. Cảnh sát nhận được thông báo từ cửa hàng đã nhanh chóng bắt 2 vị khách này.Vụ việc xảy ra ở khu mua sắm ở Zurich, Thụy Sỹ. Sau khi đoàn rời khu mua sắm tới nhà hàng ăn tối thì 3 du khách trong đoàn đã ở lại và đề nghị sẽ tự về khách sạn. Tới 22h đêm thì hướng dẫn viên nhận được điện thoại của cảnh sát khu vực thông báo 2 trong số 3 du khách trên đã bị bắt (một người lạc tại khu mua sắm và được người địa phương đưa về khách sạn).
Cả hai đã phải nộp phạt 2.000 franc (khoảng 46 triệu đồng) để được thả và đoàn có thể lên chuyến bay về Việt Nam vào sáng hôm sau.
Hướng dẫn viên của đoàn cho biết, ngay từ khi nhận đoàn, anh đã thấy một sự “không tử tế” ở hai du khách này.
“Nhỏ tuổi nhất trong đoàn, ngồi chỗ đẹp nhất trên xe, ăn nói ngang ngược nhất, luôn trễ giờ bắt cả đoàn phải đợi. Tôi biết là họ nhiều tiền và tiêu tiền nhiều nhất cả đoàn. Tôi và hướng dẫn viên địa phương cũng đã cảnh báo không được tắt mắt nhưng không vào tai họ”, hướng dẫn viên này chia sẻ.
Người dẫn đoàn cho biết, trước khi xảy ra vụ việc đáng xấu hổ này thì du khách này cũng vừa khiến anh mất mặt với nhân viên an ninh sân bay ở Zurich. Du khách này đã khai gian để được hoàn thuế, khi nhân viên sân bay đưa tiền, anh này “sáng mắt” đã cầm vội và chạy đi. Nhân viên sân bay thấy lạ, họ kiểm tra lại giấy tờ, và đề nghị người dẫn đoàn phải gọi anh này trả lại tiền nếu không sẽ giữ cả đoàn ở lại.
Vị hướng dẫn viên kỳ cựu này cũng chia sẻ rằng, bao nhiêu năm dẫn đoàn, anh đã gặp không biết bao nhiêu kiểu người, nhưng có nhiều người Việt hay nói dối, lươn lẹo.“Khi bạn đứng ở đồn cảnh sát, nghe người ta nói về việc trộm cắp của hai du khách mà bạn dẫn đoàn. Bạn phải lấy mọi giấy tờ, uy tín của bản thân để thuyết phụ họ giải quyết nhanh. Bạn sẽ hiểu cái cảm giác xấu hổ và bực bội như thế nào. 30 con người, 30.000 đô tiền vé máy bay, nếu vì hai du khách này mà kẹt lại ở Thụy Sỹ thì ai sẽ gánh trách nhiệm”, người dẫn đoàn thở dài.
“Một câu chuyện có thật, có 1 đứa trẻ ở Nga nói dối mẹ đã làm xong bài tập để được đi chơi. Khi cậu bé về, mẹ cậu bé hỏi bài tập đâu để mẹ kiểm tra thì cậu bé thừa nhận mình đã nói dối. Bà mẹ thấy lạ và đã đưa con đến viện tâm lý để điều trị 1 tuần. Cậu bé phải nộp phạt 500 euro, số tiền tự tiết kiệm suốt những mùa Noel đã qua. Ở phương Tây, người ta dạy trẻ nghiêm như thế. Còn ở Thụy Sỹ, nếu bạn vi phạm giao thông và đưa tiền hối lộ cho cảnh sát, cảnh sát sẽ tố ngược lại. Còn nếu cảnh sát nhận tiền thì sẽ bị bêu riếu trên toàn đất nước”, anh chia sẻ.
Vị hướng dẫn viên này rất buồn khi sự việc xảy ra, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến cả đoàn, mà còn khiến hình ảnh người Việt ở nước ngoài càng trở nên xấu xí. Anh chỉ mong rằng, du khách Việt khi ra nước ngoài hãy tôn trọng nước bạn, tuyệt đối không có hành động tương tự như hai vị khách trên.
Kim Minh – VNN
Trích
Vị hướng dẫn viên kỳ cựu này cũng chia sẻ rằng, bao nhiêu năm dẫn đoàn, anh đã gặp không biết bao nhiêu kiểu người, nhưng có nhiều người Việt hay nói dối, lươn lẹo. “Khi bạn đứng ở đồn cảnh sát, nghe người ta nói về việc trộm cắp của hai du khách mà bạn dẫn đoàn. Bạn phải lấy mọi giấy tờ, uy tín của bản thân để thuyết phụ họ giải quyết nhanh. Bạn sẽ hiểu cái cảm giác xấu hổ và bực bội như thế nào. 30 con người, 30.000 đô tiền vé máy bay, nếu vì hai du khách này mà kẹt lại ở Thụy Sỹ thì ai sẽ gánh trách nhiệm”, người dẫn đoàn thở dài.
Lời bình Mao Tôn Cua.
Hãy để hai anh chàng này lại, đoàn cứ đi theo lịch trình. Lỗi do họ gây ra, chẳng có lý do gì mà trưởng đoàn phải lấy uy tín của mình ra mà bảo lãnh cho kẻ ăn cắp.
Trong bảo lãnh, bão lãnh nguy hiểm nhất là bảo lãnh cho kẻ cắp, những kẻ lười biếng, tham lam, vô đạo, và nói dối.
Công ty lữ hành nên ra một qui định, nếu du khách đến trễ, vì ăn cắp, vi phạm luật sở tại, thì công ty sẽ không chịu trách nhiệm nếu người đó phải ở lại.
Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét