Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Việt Nam sẽ ra sao sau chuyến Mỹ du của Nguyễn Phú Trọng?


Việt Nam sẽ ra sao sau chuyến Mỹ du của Nguyễn Phú Trọng?

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2015 | 17.7.15

Một không khí lạc quan và phấn khởi đã lan nhanh từ đảng tới nhân dân sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng liệu đảng Cộng sản Việt Nam có can đảm vượt qua con kỳ đà cản mũi Trung Quốc để tiến lên phía trước hay cứ rụt rè để đợi chết vì đã trót cam kết phải giữ vững "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tin vào lời nói cuội "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" của Bắc Kinh ?



Câu hỏi này có lý do để thảo luận, nhưng trước tiên hãy bắt đầu từ cuộc họp của ông Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu dục toà Bạch ốc hôm 7/07/2015.


Ông Trọng nói với nhân viên Sứ qúan tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 09/07 (2015) : “ Kết quả chuyến thăm là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, góp phần tăng cường vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.” (Voice of Viet Nam, VOV, 10/07/2015)


Ông còn dặn dò mọi người :”Hoa Kỳ là địa bàn cực kỳ quan trọng. Vì vậy, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cần quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt vào công việc hàng ngày; thực hiện tốt vai trò tham mưu và cầu nối để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các cơ chế và thực hiện thỏa thuận giữa hai nước.”


Với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” , Đại sứ quán phải góp phần tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hoa Kỳ, tạo thế chiến lược về ngoại giao với các nước lớn, các đối tác quan trọng. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán phải luôn tỉnh táo, bản lĩnh vững vàng.”


Nhưng tại sao ông Trọng đã coi nước Mỹ, mà không phải Trung Quốc là “địa bàn cực kỳ quan trọng” vào lúc này, tuy hai nước chưa phải là “đối tác chiến lược tòan diện” như Việt Nam đã thiết lập với Nga ngày 01/03/2001 và với Trung Quốc tháng 05 năm 2008 ?


Bởi vì lần đầu tiên, trong cuộc họp Obama-Nguyễn Phú Trọng, Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố “tôn trọng thể chế chính trị” Cộng sản của Việt Nam, song song với tôn trọng “độc lập, chủ quyền và tòan vẹn lãnh thổ”. Điều này có thể hiểu từ nay Việt Nam không còn e ngại Hoa Kỳ sẽ tìm cách lật đổ đảng CSVN bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, hay cách mạng không đổ máu, hoặc còn được gọi là cách mạng xanh mà đảng CSVN luôn luôn cáo buộc Mỹ đã đạo diễn ở Trung Đông và Phi Châu trong vài năm vừa qua.


Từ thay đổi quan trọng này, Hoa Kỳ còn cam kết phối hợp với Việt Nam “trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và trao đổi công nghệ quốc phòng.” (Trích Tuyên bố tầm nhìn chung(TBTNC), 07/07/2015).


Trong “thương mại quốc phòng” có triển vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ tòan diện lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và tiến tới hợp tác chế tạo và bảo trì vũ khí tại Việt Nam giữa hai nước. Hoa Kỳ đã tháo bỏ một phần lệnh cấm năm 2014.


Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius và ngay cả Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện là người đã góp công thiết lập quan hệ ngọai giao Việt-Mỹ 20 năm trước đây, đều nói Việt Nam phải cải thiện nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ cứu xét bỏ tòan diện lệnh cấm bán vũ khí sát tương cho Việt Nam.


Về tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có các hoạt động củng cố vị trí chiến lược quốc phòng và chiếm đóng vĩnh viễn các vùng biển đảo của Việt Nam và của Phi Luật Tân thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã tọai nguyện được Mỹ đứng về phía Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc.


Sự hợp tác này được thể hiện trong TBTNC : “Hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định. Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, kể cả như đã được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), và thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.”


Rõ ràng cả ông Trọng lẫn Tổng thống Obama đều ám chỉ Trung Quốc mà không nêu tên, là nước đã gây ra bất ổn ở Biển Đông như xây dựng các đảo nhân tạo, thiết lập căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng trên các bãi đá chiếm của Việt Nam và Phi Luật Tân ở vùng biển Trường Sa.


TPP VÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG


Về phương diện kinh tế, phía Việt Nam tỏ ra thỏa mãn với 14 văn kiện hợp tác được ký kết liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, điện năng v.v…


Cụ thể, theo Thông tấn xã Việt Nam (09/07/2015) thì : “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trao Thư chấp thuận chủ trương cấp phép cho Ngân hàng Citibank mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; Đại diện Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Boeing ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm mục tiêu phát triển phi đội của Vietjet bằng tàu bay cùng với các dịch vụ và hàng hóa của Boeing; Hãng hàng không Vietjet và công ty Honeywell đã ký Thỏa thuận hợp tác về thiết kế và chế tạo sản phẩm dữ liệu hàng không để lắp đặt động cơ phụ máy bay cho đội tàu bay mới từ nay đến năm 2017; Hãng hàng không Vietjet cũng đã ký với Công ty JP Morgan về tài trợ tín dụng xuất khẩu cho việc mua tàu bay mới của Vietjet; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Murphy ký Thỏa thuận hợp tác dầu khí nhằm phát triển kinh doanh tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước thứ 3; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực General Electric ký Bản ghi nhớ hợp tác các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, quản lý doanh nghiệp, vận hành nhà máy và tối ưu hóa dịch vụ, cải thiện ổn định lưới điện đầu tư và phát triển điện gió tại Việt Nam; Thỏa thuận tài trợ giữa Tập đoàn Phú Cường và cơ quan phát triển Thương mại Hoa Kỳ nhằm tài trợ dự án điện gió cho tập đoàn này.”


Trong nỗ lực mời gọi đầu tư vào Việt Nam, sáng 9-7, ông Nguyễn Phú Trọng và phái đòan đã dự Tọa đàm bàn tròn với một số đại diện các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ do Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức.


Theo tin TTXVN (Thống tấn xã Việt Nam) thì ông Trọng :”Mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tham gia khai thác các cơ hội, đầu tư vào Việt Nam những dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; vừa phục vụ chiến lược kinh doanh toàn cầu của mình, vừa góp phần phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hướng tới một tầm cao mới”


Ông cũng hưá : “ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ một loạt thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, khởi sự doanh nghiệp..., nhằm tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài.”


Tuy nhiên, ông Trọng chưa được Hoa Kỳ cam kết sẽ “linh hoạt” các điều kiện để Việt Nam gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP).


Lý do ông Trọng muốn Mỹ nên có những “linh hoạt cần thiết phù hợp đối với Việt Nam trong đàm phán TPP” vì, theo lời ông “Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, nên cũng gặp nhiều thách thức nhất và phải sửa đổi nhiều quy định pháp luật nhất khi tham gia TPP” .


Ông Trọng cũng nói với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman chiều ngày 06/07/015 tại Hoa Thịnh Đốn rằng Việt Nam “mong muốn Hoa Kỳ mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã tham gia một hiệp định có tiêu chuẩn cao và toàn diện như TPP.”


Tổ chức TPP gồm 12 quốc gia là : Brunei, Chí Lơi (Chile), Tân Tây Lan (New Zealand), Tân Gia Ba (Singapore), Hoa Kỳ (the United States) , Úc Đại Lợi (Australia), Peru, Việt Nam, Mã Lai Á (Malaysia), Mexico, Gia Nã Đại (Canada) và Nhật Bản (Japan) đang ở vào giai đọan chót của thương thuyết và hy vọng sẽ được ký kết vào cuối năm 2015.


Các chuyên gia kinh tế ước đóan sau khi hoạt động, khối TPP sẽ chiếm khỏang 40% GDP (Gross Domestic Product) tổng sản lượng của Thế giới và chiếm lối 30% mậu dịch quốc tế.


Đối với Việt Nam khi TPP có hiệu lực thì mức xuất khẩu trong lĩnh vực dịch vụ có thể tăng 28%, là con số khích lệ cho kinh tế Việt Nam để phát triển nhanh.


Vì vậy, trong TBTNC, hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ đều “mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc.”


Nói một cách giản dị thì điều kiện hàng đầu mà tất cả 12 nước thành viên phải thi hành là tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động, trong đó có quyền con người, quyền điều đình, quyền được hội họp và quyền thành lập các tổ chức độc lập của cả chủ nhân và người công nhân.


Cho đến bây giờ, Việt Nam chỉ có một Tổng Liên đòan Lao động, tuy nói là để bảo vệ quyền của người lao động nhưng lại do đảng CSVN thành lập và điều khiển theo yêu cầu của nhà nước. Người đứng đâu tổ chức này là ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương đảng, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.


Do đó, Việt Nam sẽ không có lựa chọn nào khác là phải nghiêm chỉnh tuân thủ mọi điều ràng buộc của TPP, sau khi ký kết tham gia.


Ngoài ra Việt Nam cũng phải tôn trọng quyền của công nhân được tự do sử dụng Internet để liên lạc, thảo luận, trao đổi và bị nghiêm cấm cưỡng bách lao động, lao động trẻ em và không được kỳ thị. Tất cả những điều kiện làm việc này đều phải minh bạch, thượng tôn pháp luật và phù hợp với các tiêu chuẩn của Tuyên bố Lao động Thế giới 1988 về những nguyên tắc và quyền tại nơi làm việc (the International Labor Organization Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work)


Vì vậy mà trong TBTNC, Hoa Kỳ và Việt Nam đã viết : “ Hai nước quyết tâm thực hiện một Hiệp định TPP có chất lượng cao, cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tạo nên một khuôn khổ mới, lâu dài và cùng có lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế khu vực và đóng góp vào hợp tác và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”


Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius nói với các Phóng viên Việt Nam tại miền Nam California hôm 12/07/2015 rằng TPP bao gồm những tiêu chuẩn căn bản, quan trọng và cao nhất về nhân quyền mà Việt Nam, cũng như các nước hội viên phải tuân theo.


Tất nhiên, sẽ bao gồm cả các quyền tự do phát biểu và tự do tôn giáo mà hiện nay Việt Nam vẫn dùng các văn bản dưới luật như Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định hay Thông tư để hạn chế các quyền này trái với Hiến pháp.


Tại cuộc họp-Obama-Nguyễn Phú Trọng, những vấn đề này cũng đã được thảo luận thẳng thắn cho nên TBTNC đã tiết lộ: “Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.”


Chừng nào “những nỗ lực” của Việt Nam thành “hiện thực” để luật của nhà nước không còn “phủ nhận” quyền của dân ghi trong Hiến pháp là câu hỏi chưa được trả lời.


Ngoài những điểm tích cực, cuộc họp lịch sử đầu tiên của ông Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, người nắm quyền thật sự ở Việt Nam với Tổng thống Obama hôm 7/7/2015 vẫn chưa thỏa mãn hết mong muốn của Việt Nam được Hoa Kỳ sớm nhìn nhận “có nền kinh tế thị trường”. Trong TBTNC, phiá Mỹ chỉ nói :” Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế và tái khẳng định tiếp tục ủng hộ và tăng cường hợp tác mang tính xây dựng với Việt Nam, và Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường.


Tuy nhiên, từ “quan tâm” cho đến “thực sự có” còn là một khỏang cách không ngắn đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi tư duy làm kinh tế. Quan trọng hàng đầu là chủ trương hiện nay làm kinh tế “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như quy định trong Điều 51 của Hiến pháp 2013 hòan toàn không phù hợp với Kinh tế thị trường là một sân chơi công bằng, được luật pháp bảo vệ, được tự do kinh doanh, cạnh tranh trong sáng và bình đẳng theo tiêu chuẩn Quốc tế.


Như vậy, việc này có thay đổi hay không, sau khi Việt Nam gia nhập TPP hòan toàn tùy thuộc vào việc nhà cầm quyền Việt Nam có nghiêm chỉnh thi hành những cam kết với 11 quốc gia thành viên hay không.


TỪ HOÀNG BÌNH QUÂN ĐẾN NHÀ NƯỚC


Tương lai không xa sẽ trả lời vì Việt Nam rất muốn được gia nhập khối kinh tế TPP để thoát dần bị ràng buộc bởi gọng kìm kinh tế-chính trị với Trung Quốc. Và Hoa Kỳ, cả Hành Pháp và Lập pháp, theo như giới thạo tin ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn thì cũng đã sằn sàng mở cửa đón Việt Nam vào TPP.


Vì vậy không ngạc nhiên khi thấy Trưởng ban Đối ngọai Trung ương đảng Hòang Bình Quân đã tuyên bố với báo chí, sau khi phái đòan Nguyễn Phúb Trọng về đến Hà Nội rằng : “Chắc chắn chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một dấu mốc lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.”


Ông nói: “ Việt Nam và Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội hợp tác lớn, mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”


Và ông Quân, người tháp tùng ông Trọng đi Mỹ không quên hân hoan việc Tổng thống Obama ủng hộ Việt Nam trong chủ trương giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp Quốc tế.


Ông nói: “Chúng ta hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực.”


Sang đến Chính phủ, bài viết của Tác gỉa Hà Chính (14/07/2015) mở đầu lạc quan ngay : “Thành quả lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lòng tin chiến lược Việt Nam-Hoa Kỳ đã được củng cố.” Rồi Hà Chính tiếp theo: “Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.


Lòng tin đã được xác lập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam vui mừng chào đón một trang mới trong quan hệ với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.” ( báo điện tử Chinhphu.vn)


Đến lượt Thông tấn xã chính thức của Việt Nam cũng đã phấn khởi viết: ngày 14/7/2015: “Việc chính quyền Tổng thống Obama mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức và tiếp đón trọng thị với những nghi thức đặc biệt, tiến hành hội đàm tại phòng bầu dục trong Nhà Trắng, với sự có mặt của những nhân vật chủ chốt trong chính quyền như Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh quốc gia, Đại diện Thương mại, Bộ trưởng Tài chính... đã thể hiện sự tôn trọng đầy đủ hơn thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”


Bài bình luận, không có tên Tác gỉa nhưng rõ ràng phải được chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền Thông, còn viết với tư tưởng hãnh diện rằng : “Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước tiếp tục đưa tin, bài về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một chuyến thăm lịch sử. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông hài lòng về kết quả chuyến thăm “một kết quả toàn diện”


Ngay tại Bộ Ngọai giao, chưa bao giờ có một tinh thần lạc quan được công khai bày tỏ như sau chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tác gỉa Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao) đặt câu hỏi : “Việt- Mỹ: Điều gì sau ‘bước ngoặt lịch sử’?


Ông Tuấn tự trả lời trong bài viết trên tờ Báo Tuần Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền Thông: “ Với nền tảng quan hệ, lòng tin chính trị và sự song trùng lợi ích nhiều mặt, chúng ta có lý do để lạc quan thận trọng về sự phát triển tiếp tục của quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm tới.”


Nhưng tại sao phài “thận trọng”


Nhà phân tích Hòang Anh Tuấn nói tiếp : “Chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng đã khép lại, nhưng các định hướng và tầm nhìn chung đạt được sẽ giúp tạo nền tảng đưa quan hệ song phương Việt-Mỹ phát triển trong các thập kỷ tiếp theo….Chuyến thăm Mỹ từ ngày 6-11/7/2015 của TBT Nguyễn Phú Trọng thực sự là một sự kiện, một bước ngoặt có tính lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ. “Lịch sử” ở đây không chỉ ở tính biểu tượng của chuyến thăm và sự đón tiếp “vô tiền khoáng hậu”, mà nằm ở nội dung thực chất trong hàng loạt các vấn đề then chốt được thảo luận giúp tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai.”


Về chính trị, Tác gỉa giải thích: “ Điểm quan trọng tạo cơ sở cho lòng tin chính trị hai nước là việc bên cạnh việc tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, thì nay Mỹ còn công nhận thể chế chính trị mà thực chất là tôn trọng sự lựa chọn chính trị của Việt Nam.”


Sau đó, ông Tuấn đã công khai ca ngợi Mỹ.


Ông bảo: “Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Mỹ, siêu cường số một có ảnh hưởng toàn cầu và là một trong số ít các quốc gia có ảnh hưởng và tác động lớn, trực tiếp nhất đối với môi trường chiến lược, an ninh và phát triển của Việt Nam.”


“Về kinh tế-thương mại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đứng thứ 7 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ còn là nước đi đầu trong lĩnh vực GD, KH và CN - những lĩnh vực then chốt đối với tiến trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.”


Cuối cùng ông Hòang Anh Tuấn còn hoan nghênh Hoa Kỳ đã đồng hành với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông: “Bên cạnh đó là sự tương đồng trong cách tiếp cận giữa hai nước trong vấn đề an ninh, an toàn hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động đơn phương gần đây nhằm tìm cách thay đổi nguyên trạng. Cuối cùng là sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Mỹ trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương.”


Tuy nhiên, trước bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Hoa Kỳ vào tháng 9/2015 và gặp Tổng thống Obama, ông Tuấn kết luận dè dặt: “Như vậy, với nền tảng quan hệ hiện nay, cộng với lòng tin chính trị và sự song trùng lợi ích nhiều mặt, chúng ta có lý do để lạc quan thận trọng về sự phát triển tiếp tục của quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm tới.”(Báo Tuần Việt Nam, 12/07/2015)


TIẾN SỸ TRẦN CÔNG TRỤC


Tuy thận trọng hơn vì đã có qúa nhiều kinh nghiệm trong chức vụ Trưởng ban Biên giới Chính phủ thương thuyết với Trung Quốc trong nhiều năm, Tiến sỹ Trần Công Trục phát biểu trên báo Giáo dục Việt Nam với một số điểm đáng chú ý xin trích lại như sau:


-“Khi đọc Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ mà hai bên ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư cũng như chứng kiến thịnh tình, chân tình của người Mỹ khi tiếp phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, phát ngôn của hai phía về tình hình hiện nay trên Biển Đông, nhiều người đã dấy lên niềm hy vọng.


Người Việt không ngây thơ trông chờ Mỹ đem quân "cứu" Việt Nam một khi nổ ra chiến tranh trên Biển Đông, nhưng hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông.”


-- “ Phía Mỹ cũng đã khẳng định những điều này. Như vậy có thể nói đây chính là điểm hội tụ lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như khu vực nói chung ở Biển Đông. Để nổ ra chiến tranh không ai có lợi, nhưng để chủ nghĩa bành trướng quân sự, thói sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế lên ngôi ở Biển Đông thì lại càng bất lợi cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi vậy hai bên cần hợp tác ngăn chặn điều này.”


---"Ứng" vào quan hệ Việt - Mỹ hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ tìm đến nhau, tăng cường giao lưu hợp tác là do "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", nói cách khác là cùng có chung lợi ích, nhưng là lợi ích đúng đắn, hợp pháp, duy trì hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế, chống đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.”


--- “Trong vấn đề Biển Đông, liệu Hoa Kỳ có theo đuổi tới cùng mục tiêu bảo vệ hòa bình ổn định, duy trì luật pháp và trật tự quốc tế, chống đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực hay không nếu Bắc Kinh ngỏ ý đổi chác lợi ích trong các vấn đề quốc tế khác mà người Mỹ đang gặp khó khăn như khủng hoảng Ukraine, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan IS, Trung Đông, hạt nhân Iran hay Bắc Triều Tiên?” (báo Giáo dục Việt Nam, 12/07/2015)


DÂN CHÚNG VUI MỪNG-HY VỌNG


Về phía người dân, sau sự kiện có đến 92% trong số người Việt Nam được hãng thăm dò dư luận PEW muốn kết thân với Mỹ trong khi chỉ có 10% thích Trung Quốc và 40% muốn thân với Nhật, rất nhiều người dân đã công khai trước tin Mỹ-Việt đã thân thiện như chưa bao giờ có.


Một góc phản ảnh này xuất hiện trân báo ViệtNamExpress ngày 13/07/2015:


Một độc giả viết: “Hợp tác với ai chứ hợp tác với Mỹ là thấy vui rồi...”


Có người làm bài Thơ: “Hoà bình vì một ngày mai/ Niềm tin hợp tác tương lai vững bền/ Vượt qua bao thác chênh vênh/ Giờ đây xích lại bước trên một đường/ Việt Nam đất nước thân thương/ Niềm tin tốt đẹp bước đường về sau !”


Người khác tự tin: “Bắt tay với Hoa Kỳ là một tương lai thịnh vượng!


Hay: “ Không có kẻ thù vĩnh viển chỉ có lợi ích dân tộc mới vĩnh viển. Mong đây sẽ là 1 trong những bước tiến giúp Việt Nam và Mỹ trở thành đồng minh đáng tin cậy.”


“Hòa bình - hữu nghị - hợp tác - phát triển - hỗ trợ an ninh - khoa học kỹ thuật quân sự ... Tuyệt!”


“ Ủng hộ hợp tác Việt - Mỹ trên tất cả các phương diện. Mỹ xứng đáng là anh cả của thế giới với những gì nước Mỹ đã và đang thể hiện.”


“Rất vui mừng! Cùng nắm lấy tay nhau vì ngày mai tốt đẹp hơn/


Cái bắt tay lịch sử giúp Việt Nam bước sang một trang lịch sử mới. Quá tuyệt vời.”


“Thế hệ 8x chúng tôi thật may mắn chứng kiến một dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam.”


Với những gì đã xẩy ra ở Hoa Thịnh Đốn giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama và viễn ảnh Việt Nam gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phản ứng từ đảng đến chính phủ và người dân ở Việt Nam đã mở ra một cánh cửa hy vọng và tin tưởng vào hợp tác giữa hai cựu thù Hoa Kỳ và Việt Nam.


Nhưng liệu những tín hiệu lạc quan này có giúp ông Nguyễn Phú Trọng củng cố địa vị Chính trị cho cá nhân ông tại Đại hội đảng XII vào tháng 01/2016, hay đó sẽ là trách nhiệm thuộc về người kế vị ông ?


Dù thế nào chăng nưa thì con đường trước mặt của đảng Cộng sản Việt Nam là không thể quay đầu lại với những cam kết ông Nguyễn Phú Trọng đã hứa với Tổng thống Obama. Chỉ có khác chăng là liệu Lãnh đạo có biết chộp lấy cơ hội để vượt qua cái bóng của chính mình để đưa dân tộc tiến lên, hay tiếp tục sợ hãi để tự chôn mình trước bóng đen Trung Quốc ? -/-


Phạm Trần


(07/015)


(Vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét