Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015


Phạm Chí Dũng - Tướng Thanh “MIA”: Thất bại của hệ thống tuyên giáo đảng?

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 20 tháng 7 năm 2015 | 20.7.15





Đã tròn một tháng kể từ ngày 19 Tháng Sáu, 2015 “thăm và làm việc với bộ trưởng quốc phòng Pháp,” hình ảnh Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vẫn nằm nguyên trong tư thế MIA (Missing in action - mất tích khi làm nhiệm vụ).


Những tin tức mới nhất về sức khỏe của tướng Thanh từ các quan chức có trách nhiệm của Ban Bảo Vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương thật ra càng làm mù mờ thêm mối nghi ngờ dồn ứ trong dư luận. Nếu có thể so sánh với vụ việc Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh, điểm tương đồng rõ rệt nhất mà ai cũng có thể nhận ra là nếu chỉ đến lúc nằm trong quan tài, ông Bá Thanh mới được cho lộ diện bằng vài tấm hình chụp nghiêng, thì mãi đến nay các cơ quan đảng và nhà nước vẫn chưa trưng ra bất kỳ tấm ảnh nào của viên đại tướng bị không ít dư luận nghi ngờ về tâm tư “thân Trung Quốc” cùng tin đồn ám sát dù chỉ trên giường bệnh, bất chấp một nguồn tin gần đây cho biết “tướng Thanh đã về.”


Nhiều người có cảm giác như tương tự với vụ “ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc,” quy trình “xử lý tin đồn” của hệ thống tuyên giáo đảng đối với tướng Phùng Quang Thanh đang lặp lại một cách sáo mòn nhưng còn dày dặn độ phản tác dụng hơn.


Quá nhiều mâu thuẫn


Tương tự vụ Nguyễn Bá Thanh, ngày 1 Tháng Bảy, 2015, Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương cũng gián tiếp thông qua báo Tuổi Trẻ cho biết đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, “đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần.”


Độ trễ cho “phản ứng nhanh” của Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương trong cả hai vụ Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh đều kéo dài từ năm, bảy ngày sau khi rộ lên tin đồn “xấu” trên mạng.


Tuy nhiên chi tiết đáng nghi ngại là trước khi có thông tin từ Ban Bảo Vệ Và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương, “báo nhà” Quân Đội Nhân Dân trong hàng chục ngày đã không có tin tức nào về bộ trưởng Quốc Phòng còn đương nhiệm. Trong khi đó, duy nhất trang báo An Ninh Tiền Tệ của Hội luật gia Việt Nam thực hiện động tác “cải chính” khi đăng hình ảnh tướng Thanh ngồi nghiêm chỉnh trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ vào cuối Tháng Sáu, 2015 - như một minh chứng hiển nhiên về việc tướng Thanh vẫn hiện diện. Thế nhưng ngay sau đó, một số nhà phân tích đã chứng minh rằng hình ảnh đó hiển nhiên được chụp trong cuộc họp thường kỳ chính phủ từ... Tháng Hai, 2015.


Rất có thể do động tác mang tính cải chính vội vã và đặc biệt sai lệch về bản chất thời điểm như vậy đã càng khiến dư luận nghi ngờ về một câu chuyện bất thường nào đó đã xảy đến với tướng Thanh.


Sau một tháng “MIA,” có thể khẳng định dư luận đại trà ở Việt Nam đã biết và có quá đủ thời gian nghiền ngẫm, bàn tán về các loại tin đồn liên quan đến số phận của tướng Thanh. Nếu không ít cán bộ về hưu và tiểu thương ngoài chợ đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc này, không thể nói là các đảng viên không biết và không bị cuốn vào câu chuyện hiếm có ấy.


Một trong những biểu hiện rõ nhất về tính bất thường chính là đã không có một tin tức nào về kết quả làm việc của tướng Thanh tại Pháp. Cũng không có bất kỳ thông tin nào về chuyến làm việc tiếp theo ở Ấn Độ của tướng Thanh. Trên báo Nhân Dân và đặc biệt Quân Đội Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, người ta không thể tìm ra dấu vết hiện diện của viên tướng bốn sao trong cả tháng qua.


Biểu hiện mang tính an ủi cho “sự thật về tướng Thanh” chỉ là việc tin đồn “tướng Thanh bị ám sát tại Paris” có vẻ chẳng có mấy cơ sở, vì cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tờ báo nào, kể cả báo lá cải săn tin ở một quốc gia tự do báo chí như Pháp đưa tin về những gì liên quan đến tin đồn này.


Tuy thế, lại có sự mập mờ và rất mâu thuẫn giữa tin tức về việc tướng Thanh sang Pháp làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Pháp từ ngày 19 Tháng Sáu, 2015 và tin của Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương về vụ “ngày 24 Tháng Sáu sang Pháp trị bệnh.”


Còn bây giờ, sau vài thông tin của Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương, dư luận được đưa trở về bối cảnh ông Nguyễn Bá Thanh: khối u, phẫu thuật, bệnh viện nước ngoài và những nghi ngờ còn lâu mới chấm dứt.


Tuy nhiên, “ca bệnh” tướng Thanh dường như khó khăn hơn. Khác với vụ bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh, những bác sĩ đảng như ông Phạm Gia Khải hay Nguyễn Quốc Triệu có vẻ không còn quá năng nổ để thanh minh cho việc “đồng chí Phùng Quang Thanh vẫn khỏe.”


Song một logic không thể xóa nhòa là nếu được Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương xác nhận “không đủ sức khỏe,” tướng Thanh sẽ không có cơ hội ứng cử vào Bộ Chính Trị tại đại hội đảng đầu năm 2016.


Trước đây đã có tin chuyên gia cho biết tướng Thanh là một ứng cử viên cho chức chủ tịch nước, thậm chí là tổng bí thư.


“Kịch bản xấu”


Với vụ “tướng Thanh mất tích,” khá nhiều giả thiết và cả “kịch bản xấu” đang được một số tác giả và giới phân tích nêu ra. Những tin tức dồn dập trên mạng càng gây sức ép nặng nề lên Bộ Quốc Phòng Việt Nam và hệ thống tuyên giáo đảng, đang khiến lộ ra yếu huyệt khó tự hàn lấp của các cơ quan tuyên truyền nhà nước - ngày càng thiếu “nhất trí” và hình như chẳng biết làm cách nào để bịt miệng dư luận.


Bài học “chủ động thông tin” mà tưởng như đảng đã rút ra được sau “vụ Nguyễn Bá Thanh” cùng blog chân dung quyền lực, lại đang chua chát trễ hẹn một lần nữa. Ở lần trước vào đầu năm nay, “tau khỏe mà, có chi mô” mà một quan chức thuật lại lời của ông Nguyễn Bá Thanh, rốt cuộc đã chỉ còn lại cái chết của ông.


Cần nói thêm rằng khi thời gian đã trôi qua một cách lãng phí cả tháng qua, kịch bản về tình trạng bệnh tật của tướng Phùng Quang Thanh đã không còn được dư luận xếp lên hàng đầu nữa. Thay vào đó là những kịch bản tệ hơn, thậm chí xấu hơn hẳn.


Cùng với sự thay đổi đồng loạt hai cấp tướng tư lệnh và chính ủy của Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô vào đầu Tháng Bảy, 2015, tức chỉ ít ngày sau khi tướng Phùng Quang Thanh - người chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp khối đơn vị vài chục ngàn quân này - bị “MIA,” dư luận không tránh khỏi mối liên tưởng về một biến động đáng kể nào đó liên quan đến giới quân nhân Việt Nam.


Biến động trên, nếu có, lại xảy ra khi đại hội đảng 12 chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa sẽ khai mạc.


So với vụ việc Nguyễn Bá Thanh, rất có thể tình hình tướng Phùng Quang Thanh là khó xử hơn nhiều và hiển hiện một thất bại khó tránh của các cơ quan tuyên giáo, nhất là nếu vụ việc này quá đậm đặc chất bột màu “nội bộ.”


Phạm Chí Dũng


(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét