Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015
Ăn khoai lang nói chuyện thế giới và "Nước ta thật lắm người tài!"
VNTB - Ăn khoai lang nói chuyện thế giới và "Nước ta thật lắm người tài!"
Hòa Cầm (VNTB) Bài viết của kỹ sư Bùi An trên báo Thanh Niên "thật lạ". Lạ vì cái lẽ nhận ra trong thời đại internet nước ta có lắm người tài, khi người người trở thành "chuyên gia" trong mọi lĩnh vực nhờ google. Lạ vì cái lẽ, chính bản thân tác giả đã không nhận ra cái mặt tích cực của cái "lắm người tài" ấy ở nước ta.
Ở một khía cạnh "chuyên môn hóa" thì không có vấn đề gì, khi mà tác giả muốn đay nghiến những người không có trí thức trong một lĩnh vực nào đó, lại lên tiếng một cách sôi nổi như thể là mình biết tường, biết tận. Tác giả lấy ví dụ về "giáo sư dạy sử bàn về đường sắt trên cao" hay "giáo sư dạy toán nói về môi trường và cây xanh trong đô thị".
Chính những "chuyên gia google" khiến cho luồng thông tin về một sự kiện hay dự án bất kỳ tồn tại trên chính đất nước hình chữ S này nhiễu loạn. Đó hẳn là một thực trạng đáng phải ngẫm suy.
Nhưng nếu đem "chuyên môn hóa" trong thời đại XHCN với "thông tin hóa" trong thời đại XHCN thì rõ ràng, cái chúng ta cần, khuyến khích hơn chính là "thông tin hóa". Bởi tôi tin rằng, tác giả Bùi An quên rằng, cái thời kỳ cách mạng công nghiệp, khi "chuyên môn hóa sản xuất" cũng đã qua, và cái thời "cách mạng công nghệ thông tin" thì đang hiện hữu. Do đó, nhiều người dân tiếp cận với nhiều thông tin, từ các lãnh đạo trên báo chính thống đến các chuyên gia ở báo lề dân. Chưa kể cái anh google và làn sóng báo điện tử online 24/07 trên smartphone mỗi người.
Họ - từ anh nông dân, công nhân cho đến vị trí thức khả kính bước ra từ một viện nghiên cứu nào đó đều có thể tiếp cận với các sự kiện biến thiên trên đất nước từng ngày, từng giờ. Và tất nhiên, họ có quyền nêu ra những nghi ngờ, những quan điểm của mình đối với một sự kiện, hiện tượng bất kỳ trong xã hội.
Quan điểm dù đúng dù sai, thì đó cũng xuất phát từ quyền suy nghĩ, quyền được nói, từ những đường cong mềm mại trên đường Trường Chinh (Hà Nội) hay cái cách mà đường sắt trên cao (ở thủ đô) uốn lượn cũng khiến người dân cảm thấy cần phải đặt ra câu hỏi mang tính muôn thuở: tại sao lại thế?
Và họ có thể tìm kiếm câu trả lời từ chính những người bạn, trên trang báo, hay đơn giản... google!
Họ phải làm thế, bởi họ đang sống trong thời đại công nghệ đa chiều, và họ cần biết và họ cần phải lên tiếng đòi hỏi chính quyền hay những nhà đầu tư "chuyên môn hóa" phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trả lời cho cái câu trả lời của họ. Nhất là khi những dự án, sự kiện xuất phát từ chính đồng thuế mà họ nộp ra.
Họ buộc phải làm thế, bởi họ nghi ngờ tất cả những dự án, đề án, sự kiện của nước nhà, lý do là nhà nước ta còn thiếu và nợ họ hai chữ "minh bạch" và đất nước Việt Nam tự bản thân nó đang ngập trong tham nhũng với những đề án, dự án kém chất lượng.
Họ cần làm thế, vì chính trong Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, và sau này, thông qua Chỉ thị 30-CT/TW cái phương châm đó đã trở thành quy chế dân chủ ở cơ sở.
Do đó, có thể họ không phải là "chuyên gia", nhưng điều đó không ngăn cấm họ nêu ra quan điểm, ý kiến, cách nhìn của mình. Bởi nếu không nghi ngờ, không đặt câu hỏi, không nêu ra ý kiến, thì suốt đời họ chỉ là con tốt thí, mặc sức cho những điều bất công áp đặt lên họ, bóc lột họ... Và họ trở thành một con "lừa" trong chính thời đại công nghệ thông tin, đi ngược lại cái chủ trương "dân chủ ở cơ sở" do Đảng ta đặt ra.
Nói không xa, đề án 6.700 cây xanh, lấp sông Đồng Nai, cho đến Điều 60 BHXH, nợ công, Luật biểu tình, Luật lập Hội, Quyền im lặng, đến mới nhất đây là "tượng Phật cao nhất miền Bắc" ở Thái Bình bị sụp đổ... Tất cả những dự án, đề án, sự kiện nêu trên liệu có được chính phủ, nhà đầu tư chịu khó giải trình để được minh bạch một phần hoặc toàn bộ, khi không có những "ý kiến, quan điểm" từ chính tầng lớp nhân dân, trong đó, tôi tin có cả những nông dân, và công nhân!
Vậy nên, đáng lý ra, tác giả Bùi An nên thấy vui khi dân mình, trong một cơ chế còn bưng bít và một xã hội còn kém minh bạch, mà biết quan tâm đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nước nhà thông qua biểu đạt mới phải. Bởi chính nó mới tạo sức ép, áp lực khiến "sự thật" được bung ra. Chứ sao lại dè bỉu, lại chế nhạo, dưới cái lớp ngữ "nước ta thật lắm người tài"?
Giữa một đám đông còn "im lặng là vàng" với thân phận thủ thường với sự sắp đặt của các "chuyên gia, lãnh đạo" thời đại "cách mạng công nghiệp" XHCN với phương châm "tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh", thì một đám đông bình dân, tìm kiếm thông tin, trao đổi mọi vấn đề trên trời dưới đất với phương châm "không biết thì google, tìm kiếm", thì rõ ràng, lớp người "google" vẫn xứng đáng để vinh danh với thân phận "làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội" hơn chứ.
Nói cách khác, chúng ta không dè bỉu những phát ngôn chưa khoa học từ tầng lớp nhân dân, mà chúng ta chỉ e ngại những phát ngôn "mị dân" từ lớp lãnh đạo, chuyên gia XHCN. Chúng ta cũng không kỳ thị những phát ngôn chưa đúng từ lớp người lao động với một sự kiện bất kỳ trong xã hội, mà chúng ta nên phản đối những phát ngôn "phản khoa học" từ những chuyên gia khoa học nhằm bảo vệ lợi ích nhóm nào đó.
Hãy vui vì dân ta ngày càng có nhiều người có tài, bởi vì họ đã nhận thức được cái quyền được ý kiến, lên tiếng của mình, quyền được biết đồng thuế của mình sử dụng ra sao, quyền được biết chính sách liên quan mật thiết đến mình được ban hành như thế nào...
Và càng nhiều "người tài" theo kiểu "ăn khoai lang nói chuyện thế giới" như thế, tôi tin đất nước Việt Nam, dù chưa thể hóa rồng, nhưng ít nhất không chìm ngập trong đống bùn đen như hiện nay.
Tin liên quan: Tôi có thể tự tin khẳng định với các bạn rằng, ‘nước ta thật lắm người tài’. Bạn đừng ngạc nhiên khi ở đất nước này ‘ra ngõ là gặp anh hùng’. Và ngay cả tôi, nói một cách khiêm tốn, tôi cũng là một người tài.
Cách đây hơn trăm năm, từ sau những cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi thế giới, nhân loại biết đến “chuyên môn hóa sản xuất”, tức là người nào làm việc đó, hãy làm giỏi việc của mình, vặn ốc thì hãy vặn ốc cho giỏi và làm tốt hơn những người không biết vặn ốc. Nhưng đôi khi người vặn ốc không chỉ thích nói chuyện vặn ốc.
Những người tài “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thấu nhân tâm” luôn luôn xuất hiện đúng lúc và kịp thời để bàn luận về những chuyện họ rành và cảm thấy rành. Tôi luôn ngưỡng mộ giáo sư dạy sử bàn về đường sắt trên cao, hay là đạo diễn phim nói về phong thủy của con tàu. Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang khâm phục khi giáo sư dạy toán nói về môi trường và cây xanh trong đôi thị.
Ở những nước phát triển, có những chuyên gia mà để xin ý kiến của họ, phải tốn tiền và tiền tính theo giờ hoặc nội dung của vấn đề cần xin ý kiến. Nhưng ở nước ta, do có quá nhiều người tài nên chỉ cần có một sự việc xảy ra, một vấn đề nóng hổi là ùn ùn lên báo phát biểu. Đừng ngạc nhiên khi bạn nhìn thấy một luật sư chuyên về hôn nhân gia đình đăng đàn phát biểu về án cướp của giết người. Không phải họ muốn mọi người nhớ tên đâu mà là do họ giỏi cả những chuyện không phải chuyên môn nên muốn giúp đỡ thôi. Những người tài ở Việt Nam không chỉ can đảm mà còn hào phóng.
“Ăn khoai lang nói chuyện thế giới”, ngồi uống cafe mà ta hoảng sợ trước những “chuyên gia” bình luận chính trị xã hội. Lên facebook, thấy choáng ngợp trước những cuộc tranh cãi nảy lửa của rất nhiều “chuyên gia” mà chuyện gì cũng biết, cái gì cũng giỏi. Thật vui mừng khi nước ta có nhiều người tài đến vậy. Tất cả những người tài đều đang vận dụng uyển chuyển lời dặn của người xưa, “biết thì thưa thốt”, biết thì phải nói, không nói làm sao ai biết là mình biết.
Những người tài có khi nào “lỡ miệng” không? Có chứ, giáo sư dạy sử khi nói về đường sắt trên cao mà không Goolge thì cũng chẳng khác nào “trai thẳng” nói về suy nghĩ của “trai cong”, thẳng chỗ nào, cong chỗ nào người ngoài há có thể nhìn mà hiểu được. Nhưng không sao, đã là người tài thì ta cứ phát biểu, sợ gì.
Lắm lúc thiên hạ bật cười với các người tài vì “bút sa gà chết” và “sai một ly đi một dặm” và ít khi ta thấy họ đính chính hay sửa lỗi. Câu châm ngôn “im lặng là vàng” luôn được áp dụng triệt để, nói đúng thì quá tốt, lỡ nói sai thì thôi “khó quá bỏ qua”, đợi lần sau phát biểu chuyện khác, hy vọng sẽ đúng hơn lần trước.
Còn các bạn thì sao? Các bạn có phải người tài không, nếu là người tài (hoặc tự nghĩ vậy) thì hãy nhanh chóng lên tiếng đi, hãy cầm mic, gõ bàn phím, cầm chuột, cầm mọi thứ lên và “xông pha trận mạc” trên khắp chốn, ở mọi lĩnh vực, hãy “chiến đấu” cuồng nhiệt và hăng say. Càng có nhiều người tài xuất hiện thì nước ta sẽ nhanh chóng hóa rồng, sánh vai với các cường quốc năm châu, hãy tin tưởng nhiệt thành vào điều đó!
Theo KS Bùi An (Thanh Niên)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét