Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Hòa giải, những bàn tay gỗ


Hòa giải, những bàn tay gỗ

Cánh Cò





Ba mươi ngày trong tháng Tư của năm 2015 âm thầm theo dõi những bài viết, hình ảnh trong và ngoài nước là dịp may nhận chân gần như toàn bộ quá khứ, một quá khứ rất gần bởi chỉ 40 năm, thời gian chưa đủ hình thành được một chu kỳ mà lịch sử cần, nhưng lại quá đủ để thấy được diện mạo của hai phía trong ngày kỷ niệm 40 năm này.


Bên thắng cuộc, chữ của Huy Đức, định hình đảng cộng sản Việt Nam một cách cay đắng, vẫn cười rất tươi và hát rất vui về cái ngày mà phía ngược lại chưa lau khô hết được nước mắt.


Hình ảnh của VNCH từ cách ăn mặc, cho tới sinh hoạt trong học đường, chợ búa, ngay cả những lần đồng bào đi bỏ phiếu được khoe đầy trên Facebook khiến lứa trẻ sinh sau 30 tháng 4 có thể hình dung ra một thời kỳ mà Sài Gòn hãnh diện là hòn ngọc viễn đông. Những tấm ảnh ấy đa số do phóng viên nước ngoài chụp trước khi miền Nam sụp đổ. Càng về sau năm 75 càng hiếm dần những hình ảnh sống động tiếp tục miêu tả những gì mà người dân Sài Gòn sống cùng.


Gần 5 tháng sau ngày giải phóng, ngày 22/ 9/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên toàn miền nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam", còn gọi là tiền giải phóng, với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500 đồng tiền của chế độ cũ.


Không một phóng viên nào chụp được vẻ mặt thẫn thờ tuyệt vọng của dân chúng trong ba lần đổi tiền. Gia tài dành dụm bao nhiêu năm không cánh mà bay. Người cha trở về nhà với một nhúm giấy bạc xấu xí mà giá trị chỉ sống được một tháng. Toàn bộ số tiền có thể mua vài căn nhà nay đã ra tro. Không giải thích, không trả lời người dân, các ông bà chủ mới của “Ngân hàng không tiền gửi Việt Nam” lạnh lùng phát cho dân một số tiền như nhau và phấn khởi báo cáo với Chủ tịch nước đã làm tròn bổn phận.


Ba năm sau, ngày 2/5/1978 Nhà nước tiếp tục công bố đổi tiền lần thứ 2 trên phạm vi toàn quốc, với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.


7 năm sau đó, vào ngày 14/9/1985 Nhà nước lại công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới để phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Lần đổi tiền thứ ba này đã thật sự lột sạch tới những đồng bạc ki cóp cuối cùng trong những gia đình miền Nam, trong khi đó miền Bắc không bị ảnh hưởng bao nhiêu vì đã quen với chế độ tem phiếu và thắt lưng buộc bụng từ những ngày chiến tranh chống Mỹ.


Đổi tiền là cách trưng thu tài sản đồng đều cho mọi người dân miền Nam vì thực tế dân miền Bắc không có bao nhiêu tiền để mà mất. Chính quyền “cách mạng” còn tiến thêm một bước qua việc đánh “tư sản mại bản” một cách khốc liệt trên toàn miền Nam. Hình thức cướp cạn có văn bản, có nghị quyết này đã giết bao nhiêu gia đình lúc ấy và chẳng những thế còn bao nhiêu gia đình phải sống mòn trong suốt 38 năm sau đó?


Năm 1977 chính quyền cách mạng đã phát động cuộc tố cáo và truy nã các thành phần mà họ gọi là tư sản mại bản tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Hình ảnh cải cách ruộng đất tại miền Bắc được lập lại, hàng chục ngàn gia đình bị đuổi ra khỏi nhà, tài sản bị tịch thu và số phận của những con người bị chụp cho cái mũ tư sản mại bản ấy không khác gì những con thú hoang không còn nơi ẩn núp.


Theo Huy Đức trong Bên Thắng cuộc thì ngày đánh tư sản mại bản xảy ra các nhân vật gốc Hoa như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên, Lý Long Thân, Trần Thành cùng lúc trước sau bị bắt giam để trả lời tại sao họ lại giàu có như vậy. Có tội hay không có tội là chuyện của họ và bên thắng cuộc nhưng hàng chục ngàn gia đình khác bị đám 30 tháng tư chỉ điểm cũng cùng một số phận trắng tay thì ai sẽ là người trách nhiệm đây?


Sau cuộc đánh tư sản mại bản chính quyền cách mạng tiếp tục đánh dân miền Nam bằng một chính sách rất ác độc mang một tên gọi mỹ miều là Xây dựng vùng kinh tế mới.


Kinh tế mới là những khu đất hoang hóa, hay rừng sâu nước độc khó canh tác thành công nếu không có một kế hoạch tổng lực và dồi dào phương tiện. Hàng trăm ngàn người dân đang sống đạm bạc nhưng an lành trong thành phố bị cưỡng ép bằng những ngôn từ đầy hăm dọa lên xe về nơi mà con người khó có khả năng thích hợp. Những chuyến xe chất đầy quang gánh, quần áo tả tơi hướng về Lộc Ninh, Phước Long, Buôn Mê Thuột, Bù Gia Mập cùng hàng trăm địa diêm nổi tiếng khác của miền Nam, ghé vào và vất họ xuống với vài căn nhà mới vội vã dựng lên xiêu vẹo và chắp vá. Họ đi không nỡ ở không xong, cuộc hành trình về vùng kinh tế mới đã khép lại với hàng chục ngàn người bỏ thây vì muỗi mòng rắn rít.


Từ đó ba chữ Kinh tế mới ám ảnh họ như ma quỷ, như ác thú. Bốn mươi năm sau khi nhớ lại đoạn đường này nhiều gia đình vẫn còn ngơ ngác tự hỏi tại sao chính quyền cách mạng lại thúc ép dân vào nơi hang hùm nọc rắn như vậy? Ý đồ đích thực của họ là gì? Tận diệt một thế hệ miền Nam không thích nghi được với chủ nghĩa cộng sản hay tư duy kinh tế kiểu cộng sản đã khiến họ mù quàng chơi những canh bạc mà vốn liếng duy nhất họ có chỉ là mạng sống của người dân?


Bốn mươi năm, các bài viết nói về hòa hợp hòa giải giữa chính quyền hiện tại và hàng triệu người bị bắt, bị cải tạo cũng như hàng triệu đồng bào vượt biển tìm tự do đã bỏ mình hay suốt đời mang hận vì cướp biển Thái Lan rộ lên khắp các trang mạng. Chính quyển, họ, những khuôn mặt bóng nhẫy, láng bóng nói lời hòa giải như đào kép trong một gánh hát đình. Họ thể hiện sự ban ơn một lần nữa như họ đã giải phóng miền Nam là đã ban ơn cho đám lưu dân mất gốc này. Cách nói, cách thể hiện qua các nghị quyết hòa giải dân tộc khẳng định một thái độ: ban phát, xin cho.


Hãy nói về tù nhân cải tạo.


Ừ thì chiến tranh, người thắng kẻ thua. Thắng được phép giam giữ và cho ra khỏi trại giam lúc nào thuộc về kẻ giữ chìa khóa. Quốc tế cũng phải đứng ngoài vì quốc tế đối với cộng sản cũng chỉ là chiếc phao trong lúc túng cùng bị gậy. Bây giờ hòa giải là hòa giải thế nào? Chìa tay ra nói với anh: thôi mình bỏ qua nhé, anh đánh tôi không chết thì tôi nhốt anh cho vui, nếu lỡ tay có người chết thì cũng đâu bằng bom thả chùm chùm lên miền Bắc? thế nhé, ta cùng ngồi nâng chén giải oan hát bài hòa giải có vui hơn không?


Nếu thái độ ấy diễn ra như kịch bản này phác thảo không biết có mấy người đưa tay hòa giải? Huống chi bàn tay mà phe thắng cuộc đưa ra là bàn tay giả, chúng có thể rớt bất cứ lúc nào nếu người được hòa giải xiết nó quá mạnh.


Gia đình tôi không có liên quan tới VNCH nên chúng tôi không cần sự hòa giải của bên thắng cuộc. Nhưng gia đình tôi là nạn nhân của cả ba vụ, từ đổi tiền đến đánh tư sản mại bản và cuối cùng là chết dần chết mòn trên vùng kinh tế mới.


Tôi không cần chính quyền này nói lời hòa giải với tôi.


Điều tôi cần là chính quyền phải kéo nhau tới nhà của từng thành viên trong gia đình tôi, bây giờ còn lại 30 người, cúi đầu thật thấp và xin lỗi với thái độ chân thành. Tài sản bị mất tôi kể như xung vào công quỹ quốc gia mặc dù tôi biết chắc cán bộ thành phố là những kẻ tận thu và tư túi những tài sản ấy.


Phải sòng phẳng với lịch sử và nhận trách nhiệm trước nạn nhân. Hòa giải chỉ là chiêu bài không thể thực hiện từ một phía. Chúng tôi không chấp nhận hòa giải vì mình là nạn nhân trực tiếp cũng như hàng chục triệu người miền Nam khác. Các ông là thủ phạm làm cho bao người sống trong nước mắt thì phải xin lỗi thật tâm nếu lương tâm con người trong các ông cắn rứt. Chỉ có lời xin lỗi mới đúng với các ông, đúng với tinh thần dành cho kẻ phạm tội với nhân dân, với lịch sử.


Cánh Cò


(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét