Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng bị tố cáo gì?


Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng bị tố cáo gì?

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Hai, ngày 19 tháng 9 năm 2016 | 19.9.16

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và vợ là người mẫu Thuỷ Hương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ‘đồng hành’ với Hoa Sen Group từ khi nào?


Trần Tuấn Anh, con cựu chủ tịch Nước Trần Đức Lương, nhân vật hiện là Bộ trưởng Bộ Công thương, đã bị nhiều tố cáo vào thời ông còn là hiệu trưởng Đại học Công nghiệp TP.HCM…


Trong một bài viết trên trang Dân Làm Báo, tác giả ký tên Người Quan Sát có đặt nghi vấn: “Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – nhóm lợi ích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?”.


Trong phần gọi là “điểm qua một số sự kiện song hành của ông Trần Tuấn Anh trong quá khứ cùng tập đoàn Tôn Hoa Sen - kể từ thời còn làm thứ trưởng”, tác giả Người Quan Sát chỉ xét cột mốc tính từ tháng 6-2015, trong đó chủ yếu là nói về mối quan hệ gia đình, với người cha của ông Tuấn Anh là cựu chủ tịch Nước Trần Đức Lương.


Bài viết 2 kỳ này xin đề cập về một Trần Tuấn Anh đã nhận rất nhiều đơn thư tố cáo lúc ông đang ngồi cả 2 ghế thứ trưởng Bộ Công thương và hiệu trưởng (HT) trường Đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP.HCM. Từ đó đến nay, ông liên tục thăng quan tiến chức, kể cả về mặt đảng.


Kỳ 1 - Từ ông hiệu trưởng bị đề nghị cảnh cáo…


Trước khi ‘chia tay’ ghế HT trường ĐHCN TP.HCM, ông Trần Tuấn Anh nhận được kiến nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về yêu cầu Bộ Công thương cần ban hành quyết định (QĐ) cảnh cáo HT ĐHCN TP.HCM do không đạt cả hai tiêu chí về giảng viên, diện tích sàn xây dựng và tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo thực tế quá lớn ở kỳ tuyển sinh năm 2012.


Trước đó, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) đã phát hiện trường ĐHCN TP.HCM thu học phí “vượt trần” đối với SV kể từ năm học 2010-2011 dưới thời HT Tạ Xuân Tề sang cả thời HT Trần Tuấn Anh. Theo đó, suốt 3 niên khóa, sinh viên trường này dù “mang tiếng” là học trường công nhưng vẫn phải đóng học phí cao hơn so với quy định của Bộ GD-ĐT dưới hình thức “tín chỉ lý thuyết” và “tín chỉ thực hành”.


Tuy nhiên khi Thanh tra Bộ GD-ĐT bắt đầu vào cuộc thì tháng 9-2012, ông Trần Tuấn Anh rời ghế kiêm nhiệm HT ĐHCN TP.HCM để về tập trung làm tốt vai trò thứ trưởng Bộ Công thương, do đó không có một QĐ cảnh cáo nào dành cho cựu HT Trần Tuấn Anh.


Hiệu trưởng Trần Tuấn Anh từng bị tố cáo gì?


Tháng 8-2012, HT Trần Tuấn Anh đã thực hiện kế hoạch “tái cơ cấu bộ máy nhân sự” khiến nhiều người, nhất là những cán bộ kỳ cựu lên tiếng phản đối.


Theo đơn tố cáo của một số cán bộ, giảng viên đang công tác tại ĐHCN TP.HCM gửi đến báo chí phản ánh: Đầu tháng 8-2012 ông Trần Tuấn Anh, HT trường ĐHCN TP.HCM đã ra hàng chục các QĐ gây chấn động toàn trường và miễn nhiệm một loạt cán bộ không lý do, rồi đưa một số cán bộ, giảng viên về làm việc tại các đơn vị không cần chuyên môn.


Với tinh thần làm việc “khẩn trương”, trong ngày 6-8-2012, HT Trần Tuấn Anh ký một mạch 26 QĐ từ 615 đến 640 về việc thay đổi bộ máy nhân sự của trường ĐHCN TP.HCM. Hai ngày sau, HT Tuấn Anh lại ký một loạt 10 QĐ tương tự. Trước đó, vào tháng 6 và 7-2012, HT Tuấn Anh cũng ký nhiều QĐ “bổ nhiệm, điều động cán bộ”.


Theo các QĐ này, có nhiều người được lên chức rất nhanh. Cụ thể như kỹ sư Ninh Văn Tiến đương chức phó khoa Công nghệ điện, được HT Tuấn Anh điều động về làm phó phòng Quản trị và quản lý thiết bị ngày 13-6-2012. Chỉ hơn tháng sau, HT Tuấn Anh bổ nhiệm ông Tiến giữ chức Trưởng phòng này. Trường hợp ông Huỳnh Văn Minh còn đặc biệt hơn, chỉ là nhân viên với tấm bằng cao đẳng nhưng đã được cất nhắc lên chức phó phòng Dịch vụ. Đã thế, ông Minh còn được HT Tuấn Anh giao phụ trách cả phòng này.


Ngược lại, không ít cán bộ chủ chốt bị “hạ” chức, chuyển công tác sang đơn vị khác, không đúng chuyên môn. Đang là Trưởng khoa Công nghệ thông tin, ông Đỗ Công Thành bất ngờ bị HT Tuấn Anh cho xuống làm phó khoa Cơ khí! Trưởng khoa Quốc tế Bùi Đinh Tiền thì sửng sốt khi bị hạ xuống làm phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế. Còn nữa, Trưởng khoa Marketing Phạm Duy Hiếu xuống phó phòng Quản lý khoa học; Trưởng khoa Máy và thiết bị Nguyễn Thạch Minh xuống làm phó khoa Hóa học; Trưởng khoa Giáo dục quốc phòng Nguyễn Minh Luận xuống phó khoa Lý luận chính trị; Trưởng khoa Cơ khí Huỳnh Văn Quang xuống làm phó phòng Quản trị.


Tương tự, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Đinh Văn Đệ và Giám đốc Trung tâm Công nghệ hàn Lê Văn Điện cùng bị hạ xuống làm phó khoa Cơ khí. Cùng cảnh ngộ, Giám đốc Trung tâm Phần mềm Phạm Minh Tùng xuống phó khoa Công nghệ thông tin.


Tệ hại hơn, đương chức phó giám đốc Trung tâm Phần mềm Nguyễn Anh Sơn bị HT Tuấn Anh cho về làm nhân viên quản lý ký túc xá! Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Thị Thủy – phó phòng Học liệu – xuống làm nhân viên Trung tâm Thư viện! Phó giám đốc Thư viện Phạm Thủy Hồ cũng bị cho xuống làm nhân viên Phòng Công tác chính trị! Trưởng khoa Giáo dục thường xuyên Đặng Hữu Hạnh xuống làm giảng viên Khoa Ôtô.


Không chỉ bị hạ chức, một số cán bộ còn mất chức. Ngày 18-7-2012, HT Tuấn Anh ký QĐ miễn nhiệm chức Trưởng phòng Tài chính – kế toán kiêm Kế toán trưởng (do Bộ Công thương bổ nhiệm) đối với ông Đỗ Ngọc Chín vì quá tuổi. Trong khi ông Trịnh Xuân Ngọ bằng tuổi ông Chín (SN 1954) thì được HT Tuấn Anh bổ nhiệm chức Trưởng phòng Quản lý khoa học (?!).


Ở thời điểm đó, những việc làm kể trên của HT ĐHCN TP.HCM hoàn toàn trái với điều lệ trường đại học do Thủ tướng ban hành. Ngoài ra, những người được bổ nhiệm đều được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ trái với quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.


Sau khi được “tái cơ cấu”, bộ máy nhân sự của trường ĐHCN TP.HCM chẳng những không được tinh gọn mà trở nên cồng kềnh, rối rắm. Thời ông Tạ Xuân Tề làm HT, trường có sáu phó HT gồm PGS-TS Lê Văn Tán, PGS-TS Phan Chí Chính, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và thạc sĩ Nguyễn Thiên Tuế.


Đến thời HT Trần Tuấn Anh, trường lại tăng thêm một phó HT nữa là thạc sĩ Trần Văn Thắng (công tác tại Bộ Công thương). Dư luận tại trường không đồng tình vì ông Thắng không đáp ứng hai tiêu chí bắt buộc cần có của một hiệu phó trường đại học như điều lệ trường đại học quy định, là phải có trình độ tiến sỹ; tham gia giảng dạy và quản lý trong trường đại học 5 năm trở lên...


Với bảy phó HT, trường ĐHCN TP.HCM trở thành trường đại học có nhiều “sếp” phó nhất tại Việt Nam. Theo điều lệ trường đại học, số lượng phó HT của các trường đại học không quá ba người. Đối với trường quy mô lớn thì Bộ trưởng Bộ GD– ĐT xem xét, quyết định việc có trên ba phó HT.


“Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng trăm cán bộ, giảng viên đang công tác tại trường ĐHCN TP.HCM, tập thể cán bộ nhà trường khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những dấu hiệu sai phạm tại ĐHCN TP.HCM, đảm bảo sự trong sạch của nền giáo dục đào tạo”. Đó là một trong những nội dung trong đơn tố cáo ông HT Trần Tuấn Anh mà báo chí ở Sài Gòn đã nhận vào tháng 9-2012.


Thảo Vy – Nguyễn Phúc

(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét