Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Quản giáo nhà tù Việt Nam xâm phạm quyền lợi tù nhân như thế nào?


VNTB - Quản giáo nhà tù Việt Nam xâm phạm quyền lợi tù nhân như thế nào?
Reply
Kiều Phong, nhà tù Việt Nam, quyền lao động, quản giáo, VNTB, xâm phạm, Đối diện
16.10.15

Kiều Phong (VNTB) Người dân Việt Nam đang vô cùng phẫn uất với chế độ công an trị của nhà cầm quyền hơn lúc nào hết. Đất nước thật sự lâm nguy, vậy mà vẫn có một lực lượng muốn duy trì tình hình bi đát của đất nước. Trong tay họ, tù nhân bị bóc lột hết sức. Họ là ai?



Phạm nhân cải tạo lao động tại Trại giam Công an tỉnh Lai Châu. Ảnh: báo Lai Châu



Tù nhân không được trả công lao động


Với lý luận rằng các tù nhân phải lao động vì lao động giáo dục con người, hệ thống quan chức và nhân viên cai ngục ở Việt Nam đã có được những món lợi hết sức béo bở từ việc chiếm đoạt mồ hôi xương máu của họ. Nhà tù đáng lẽ là nơi cách ly, thì nay lại giống như những nhà xưởng Trung Quốc bóc lột công nhân mà không ai tố cáo.



Các quản giáo nhận đơn hàng từ các xưởng thủ công, sau đó mang về trại cho tù nhân làm. Ở bên ngoài, mỗi ngày công thợ mộc có giá trung bình là 300.000 đồng, thợ học việc cũng được khoảng 200.000 đồng. Đó là chưa kể nhiều phạm nhân sau một thời gian làm việc đã đạt đến trình độ của những người thợ lành nghề bên ngoài, những người mà các gia chủ trả không dưới 400.000 đồng cho chỉ năm, sáu giờ đục đẽo khéo léo. Các đơn hàng đồ gỗ có khi giá lên đến trăm triệu, phe lợi ích trong trại giam chỉ mất vẻn vẹn vài thùng thuốc lá coi như “thưởng” cho mấy chục tù nhân.


Khi phạm nhân vào tù, mặc dù bị tước bỏ quyền tự do cư trú và một số quyền công dân khác thì anh ta vẫn được hưởng các quyền bảo vệ người lao động. Một lẽ thông thường, khi người thợ làm việc cho ông chủ ngày công nào thì ông chủ phải trả lương cho người ta ngày công đó. Các quản giáo là lực lượng thi hành luật pháp của một chế độ công bằng, dân chủ, văn minh nhưng họ đã cố tình ngang nhiên vi phạm phép lịch sự và lẽ công bằng tối thiểu này.


Luật lao động sinh ra để bảo vệ người lao động, công đoàn sinh ra là để gây sức ép để giới chủ đối xử với người lao động theo lẽ phải và luật pháp. Nhưng công đoàn đã ở đâu? Tại sao không ai lên tiếng để phạm nhân có được khoản tiền xứng đáng với lao động cực nhọc?


Nghiêm trọng hơn, theo thông tin từ những người tù trở về, muốn được làm việc nhẹ, tránh việc nặng trong tù cũng không phải dễ. Trại giam Xuân Hà ở Hà Tĩnh là một ví dụ nổi tiếng gây bức xúc. Người hối lộ thì được làm việc trong bóng râm, ở trong xưởng mộc. Người không hối lộ thì phải khai thác đá bằng tay ở một mỏ đá cách xưởng mộc không xa, dưới cái nắng mùa hè gay gắt, và không hề nhận được lương.


Không cho phép tù nhân lao động


Ở Việt Nam, người đi tù phải luôn miệng cám ơn cán bộ quản giáo. Họ không biết rằng có nhiều quyền của họ bị xâm phạm, ngoài việc lao động không công như vừa nói. Trong tù người ta vẫn có quyền lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Dù rất thèm khoản lãi từ lao động không công nhưng đối với các trường hợp tù nhân có yếu tố chính trị, quản giáo tuân theo lệnh của trên để tước đi quyền lao động, khủng bố tinh thần phạm nhân bằng nỗi cô đơn và chán nản.


Anh Trương Minh Tam, một nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam cho biết, khi anh bị giam trại 5 Thanh Hóa, cán bộ quản giáo không cho lao động mặc dù anh đã đề xuất yêu cầu. Theo anh, quản giáo trại giam không cho anh làm việc để cô lập anh với những phạm nhân khác, họ muốn anh suy sụp nhanh về tinh thần và thể xác. Không được lao động, anh Tam dù tập thể dục trong tư thế đứng trong căn phòng chật hẹp thì khi mãn hạn, người tù trở về ấy đã trở nên tàn tạ.


Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân. Người bên ngoài nghĩ anh Quân không bị bắt lao động khổ sai, nhưng chỉ những kẻ cai tù mới biết là chúng đã cố tình không cho anh Quân lao động. Chỉ mới ba năm trong trại giam, không được vận động và đi lại thoải mái, luật sư Quân như già đi hơn mười tuổi. Trong tù cũng có báo chí nhưng toàn là báo chí quốc doanh, thứ mà luật sư nhân quyền theo đạo Công giáo xin cấp là Kinh Thánh để nghiễn ngẫm thì trại giam cố tình không đáp ứng.


Điều kiện nhà tù Việt Nam dưới mức trung bình của thế giới


Cuối tháng 12/2014, ở Đức có một phiên tòa đặc biệt. Một người tù tên là Markus Z. đã kiện bang Bayern vì diện tích phòng giam của ông quá bé. Chủ tọa phiên tòa đó Frank Tholl thừa nhận căn phòng là rất nhỏ và đề xuất bồi thường cho Markus 450 euro. Điều đáng nói là các nhà tù ở Đức thường là hai người một phòng, rộng và khá tiện ghi, nhưng một khi người tu không được đáp ứng diện tích ở tối thiểu thì anh ta vẫn có quyền kiện.



Trương Minh Tam, một nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam cho biết, khi anh bị giam trại 5 Thanh Hóa, cán bộ quản giáo không cho lao động mặc dù anh đã đề xuất yêu cầu.

Trái lại, ở nước ta, điều kiện nhà tù hết sức tồi tàn. Với những ai từng đi tù ở Việt Nam, đó là một nơi khủng khiếp, người tù có khi bị ám ảnh suốt đời. Có những phòng giam chứa hàng chục tù nhân. Các tù nhân phải tranh giành nhau thời gian đi vệ sinh và tắm rửa. Trật tự ưu tiên tùy theo thâm niên ngồi trong phòng giam đó và mức độ ngoan ngoãn đối với giám thị. Riêng với tù chính trị, anh Trương Minh Tam cho biết anh phải ở chung với một tù hình sự, trong một diện tích chỉ 2 - 4 mét vuông.


Lý do phòng giam cùng điều kiện sống của tù nhân dưới chuẩn của thế giới, và việc nhà tù quá tải được giới chức Việt Nam đưa ra là họ không có kinh phí để xây nhà tù mới. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do đạo đức xã hội xuống cấp, nhà tù không lên không kịp, hoặc do phe bảo thủ cố tình hành hạ tù nhân lương tâm.


Điều kiện sinh hoạt trong nhà tù Việt Nam cũng hết sức bất bình. Bữa cơm do trại phát không đủ no, thuốc men do trại cấp rất thiếu thốn. Các tù nhân buộc phải mua hàng ở trong căng tin trại giam. Đồ ăn ở căng-tin trại giam đắt bằng khoảng 200% ở các tiệm tạp hóa dân sinh. Ở đây, mỗi chai dầu gió đắt bằng 300% so với giá dầu gió ở ngoài thị trường. Khỏi cần nói thì ai cũng biết rằng mức chênh lệch đó rơi vào tay ai. Vì lợi nhuận, các quản giáo hạn chế tối đa việc người nhà đưa các thực phẩm và dược phẩm từ ngoài vào mà bắt tù nhân phải mua tại cửa hàng của trại. Họ lấy lý do là đồ bên ngoài mang vào có thể mang tính sát thương, trong khi đồ của trại giam giống hệt như vậy, nhất là những mặt hàng đóng hộp.


Miếng ăn đậm nhất


Ở mọi quốc gia đều có quy chế giảm án tù. Chẳng hạn ở Brazil, mỗi tù nhân sau khi đọc xong một cuốn sách sẽ được về nhà sớm hơn một tuần. Ở Việt Nam, điều kiện giảm án là cải tạo tốt. Như thế nào là cải tạo tốt khi không có thang đo cụ thể? Các quan chức định lượng điều đó bằng số tiền người nhà phạm nhân mang đến hối lộ họ. Ở Hà Tĩnh, giá ngầm được đưa ra là 30, 40 triệu đồng cho một năm giảm án. Đó là miếng ăn đậm nhất, cuốn chiếu nhanh gọn nhất của quản lý trại giam. Vì vậy, người mong chờ đợt đặc xá ngày quốc khánh mồng 2/9 nhất Việt Nam là quản lý trại giam. Quan cai tù ở Hà Tĩnh nhờ đó mua được những lô đất đắc địa nhất, xây những căn nhà ba, bốn tầng đẹp nhất ở thành phố đắt đỏ này.


Tóm lại, tầng lớp sợ các điều kiện ràng buộc về dân chủ và nhân quyền nhất hóa ra lại là các quản giáo trại giam. Quản lý trại giam nên biết rằng không thể mãi mãi che đậy hành vi ngược đãi tù nhân, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Nhiều công an đã thức tỉnh, họ đã âm thầm gửi các tấm hình và các bài viết ghi lại cảnh công an trại giam ngược đãi tù nhân đến công luận, tố cáo đích danh kẻ xấu. Thiện căn trong con người không bao giờ mất đi dù cho họ ở những nơi tăm tối như thế nào. Ngọn lửa bất diệt của lương tâm khi có điều kiện chắc chắn đã cháy bùng trở lại và không ít người tố cáo rằng quản giáo nhà tù Việt Nam xâm phạm mọi quyền lợi của tù nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét