Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Bàn về sự dũng cảm


Huỳnh Thục Vy - Bàn về sự dũng cảm

Đăng bởi Ha Tran on Chủ Nhật, ngày 11 tháng 10 năm 2015 | 11.10.15

Cách đây vài tháng, cộng đồng facebook sửng sốt vì vụ sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1, do ông tiến sĩ Phan Quốc Việt làm chủ biên, có bài dạy học sinh đi trên thuỷ tinh để đo lòng “dũng cảm”.

TS Phan Quốc Việt

Tuy tất cả chúng ta đều biết dạy học sinh đi lên thuỷ tinh là một chuyển vô bổ, ngớ ngẩn mà bản chất điều này cũng không nằm trong nội hàm của khái niệm “dũng cảm”; thế nhưng, tôi dạo khắp không gian tiếng Việt trên mạng, chưa tìm được một luận bàn nghiêm túc và cặn kẽ về khái niệm này. Hôm nay, xin viết xuống vài cảm nghiệm cá nhân để con trẻ của chúng ta hay các thanh niên mới lớn có một chút manh mối để hiểu hơn về “lòng dũng cảm”.

Con người mang nhiều nỗi sợ hãi từ tiềm thức nên sợ hãi là bản năng, là phản ứng vô điều kiện của chúng ta trước những tình huống bất lợi. Sợ hãi gần như hiện hữu trước cả khi chúng ta có nhận thức về thế giới ngoại tại. Sợ hãi chỉ chuyển từ dạng thô thiển sang vi tế song hành với sự trưởng thành về nhận thức của chúng ta mà thôi. Nghĩa là, hầu hết các nỗi sợ hãi không biến mất khi con người ta trưởng thành mà chỉ chuyển từ dạng “trẻ con” sang dạng “người lớn”; ví dụ như, trẻ con thì sợ bóng tối, đến khi lớn lên thì không sợ bóng tối nữa mà chuyển sang sợ nghèo, sợ thất bại. Một số nỗi sợ hãi cố hữu sẽ giữ nguyên, về bản chất, dù ta có lớn bao nhiêu tuổi chăng nữa; ví dụ như, lúc trẻ chúng ta sợ bị cha mẹ bỏ một mình, đến lớn chúng ta sợ bị bạn bè, cộng đồng bỏ rơi, sợ cô đơn. Có thể nói, nó làm ta mỏi trí nghĩ khi nói về sự sợ hãi, vì bàn về sợ hãi cũng khó khăn và không manh mối tương tự như bàn về tiềm thức con người.

Bàn về lòng dũng cảm luôn dễ dàng hơn. Sự sợ hãi như một đại dương rộng lớn, ta không biết nó bắt đầu từ đâu và kết thúc ở điểm nào. Trong khi đó, sự dũng cảm lại dễ phân tích và nắm bắt hơn, nó là phương tiện để vượt qua sợ hãi, như con thuyền vượt qua đại dương sâu rộng vô tận, để con người không chỉ lớn lên về thể xác vật lý mà còn trưởng thành về ý chí.

Theo tôi, lòng dũng cảm là một năng lực tinh thần có khả năng giúp người ta đứng vững trước những thách thức của sự sợ hãi. Nó là sức mạnh ý chí được bồi đắp từ niềm tin vào sự thiện hảo và lý tưởng đạo đức. Dũng cảm không có nghĩa là sự không sợ hãi hoàn toàn mà là khả năng chế ngự sợ hãi trước nghịch cảnh. Đặc biệt, lòng dũng cảm, một yếu tố đạo đức tích cực, nên được liên tưởng đến và gắn kết chặt chẽ với những yếu tố đạo đức tích cực khác như: lòng nhân ái, sự vị tha, tinh thần trách nhiệm, liêm sỉ và sự cân nhắc lợi ích chung và điều tốt đẹp cho cộng đồng… Tâm lương thiện, kiến thức và phương tiện đúng đắn là các yếu tố nền tảng cấu thành và cũng là động lực không thể thiếu để xây dựng và biểu hiện lòng can đảm. Bất cứ sự vượt qua sợ hãi nào thiếu một trong ba yếu tố trên không thể được xem là dũng cảm theo nghĩa đúng đắn và tích cực nhất của nó.





Vượt qua sợ hãi mà không có tâm lương thiện, không có động cơ tốt đẹp, và không vì mục đích ích lợi cho nhân quần… thì đó là sự liều lĩnh “cố đấm ăn xôi”, một sự toan tính lợi hại cá nhân, một mưu đồ không hơn không kém; ví như việc các lãnh đạo cộng sản như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh…vào hang, rừng, bưng để lôi kéo, sách động những cuộc chiến đẫm máu để giành quyền lãnh đạo độc tài cả đất nước. Vượt qua sợ hãi mà thiếu hiểu biết về hành động mình đang làm, về mục tiêu cuối cùng của nó cũng không phải là dũng cảm; ví dụ những trường hợp các thành niên miền Bắc bị cộng sản lừa dối hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mạng để “giải phóng miền Nam”. Cũng như thế, việc dùng các phương tiện phi nhân để đạt được mục đích, dù khó khăn đến mấy, cũng không phải là can đảm; ví dụ như những người Hồi giáo mang bom cảm tử.

Vậy, lòng dũng cảm được biểu hiện dưới nhiều hình thái và tình huống khác nhau, nhưng theo tôi, các đặc điểm nổi bật để phân biệt nó khỏi những dạng tính cách hao hao khác đó là: (1) nó hướng đến sự thiện hảo, lợi ích nhân quần; (2) nó xuất phát từ sự sáng suốt của tâm trí và lòng vị tha; và (3) nó dùng các phương tiện tốt đẹp để đạt đến mục đích cuối cùng.


Quay trở lại với bài học “bước đi trên thảm thuỷ tinh” trong chương trình học của các em lớp 1, tất cả chúng ta đều thấy rõ sự nhảm nhí của việc thử thách này, và chắc chắn đó không phải là cách thể hiện lòng dũng cảm mà chúng ta muốn con cái mình tiếp thu. Vì đơn giản thôi, nó thách thức sự sợ hãi bằng một việc làm vô bổ, không mang lại ích lợi cho bất cứ ai. Trước khi cho một đứa trẻ 6 tuổi thực hành những thử thách chỉ dành cho chiến binh này, nhà trường nên dạy cho các em các đức tính nền tảng để xây dựng lòng dũng cảm như liêm sỉ, trách nhiệm, nhân ái… Khi các em đã có đủ động lực đạo đức nội tại, lo gì các em không hành xử một cách can đảm? Ngược lại, dù các em có kinh nghiệm bước đi trên thảm thuỷ tinh không chảy máu, nhưng có gì chắc chắn lớn lên các em sẽ giẫm qua thuỷ tinh để cứu bạn gặp nạn, nếu như các em thiếu thiện tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng vị tha? Xin nhớ, kỹ năng không nhằm tạo ra hành vi tốt và mang lại lợi ích thiết thực là kỹ năng vô bổ; và kỹ năng thiếu động lực tinh thần và tính đạo đức thì kỹ năng đó cũng đáng vứt đi.

Như đã nói ở trên, lòng dũng cảm là một năng lực tinh thần nên nó cần những động lực tinh thần để xuất phát, cần thời gian để trui rèn và cần bối cảnh để phát triển. Việc huấn luyện lòng dũng cảm, vì thế, không giống như dạy cắm hoa, dạy sử dụng máy tính… Rèn luyện lòng dũng cảm không phải là rèn luyện một kỹ năng mà là một sự bồi dưỡng tinh thần, kiến thức và ý chí. Nếu nhà trường không dạy các em cách tràu dồi đạo đức và tu dưỡng ý chí thì việc dạy cho các em các kỹ năng bất thường như “đi trên thuỷ tinh” chỉ để các em trở thành diễn viên xiếc hay người phiêu lưu mạo hiểm mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét