Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Những bản án có dấu hiệu oan sai và giải pháp còn bỏ ngỏ


VNTB - Những bản án có dấu hiệu oan sai và giải pháp còn bỏ ngỏ
Reply
bức cung, Hồ DuyHair, Khúc Thừa Sơn, Nguyễn Thanh Chấn, nhục hình, oan sai, VNTB,Xã hội
25.10.15

Khúc Thừa Sơn (VNTB) Vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và bây giờ là vụ án Lê Văn Mạnh, đây là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà bản án được tòa án tuyên là tử hình. Thế nhưng, theo nhận định của những luật sư, báo đài, gia đình và dư luận thì toàn bộ những vụ án nêu trên đều có dấu hiệu oan sai, bị cáo bị bức cung, nhục hình dẫn đến việc nhận tội không đúng là rất rõ ràng, gây nên một làn sóng dư luận đánh giá không tốt về nền tư pháp Việt Nam.



Trường hợp được chứng minh oan sai và được bồi thường như ông Nguyễn Thanh Chấn là hết sức hiếm hoi trong nền tư pháp Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

Những bản án có dấu hiệu oan sai


Dư luận trong và ngoài nước hẳn không thể nào quên hình ảnh bà Nguyễn Thị Loan là mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (Long An) đã kêu khóc đau đớn trên mọi ngã đường, từ nam ra bắc để gõ cửa công quyền hòng kêu oan cho người con trai sắp bị thi hành án tử hình.


Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An ghi nhận, khoảng 20 giờ tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến bưu điện Cầu Voi gặp hai nhân viên nữ là chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Nguyễn Thị Thu Vân. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng nhưng Hồng không đồng ý nên Hải đã ra tay giết chết Hồng và giết luôn Vân để bịt đầu mối. Hải sau đó bị bắt và bị tòa án tuyên án tử hình. Thế nhưng, Hải liên tục kêu oan cho mình ở cả 2 phiên tòa kể cả trong trại giam. Theo lời bà Loan thì mỗi lần bà cùng gia đình vào thăm nuôi, Hải đều nhờ bà Loan kêu oan cho mình: “Trước tòa, con chỉ đọc theo cáo trạng chứ con không thực hiện hành vi đó, tại sao công an bắt nhốt con hoài không tha mẹ ơi”.


Còn theo nhận định của luật sư bào chữa cho Hải thì bản án của Hải có quá nhiều tình tiết không rõ ràng, có dấu hiệu oan sai như: nhân chứng thì không rõ ràng khi nhận dạng hung thủ, hung khí chỉ là mô phỏng suy luận, vật chứng chưa xác định chính xác, dấu vết vân tay hung thủ không trùng, biên bản điều tra vụ án bị chỉnh sửa nhiều chổ. Bà Loan cùng gia đình đi kêu oan cho Hồ Duy Hải khắp nơi, dư luận lên tiếng gay gắt nên chính quyền không thể làm ngơ. Bản án tử hình Hồ Duy Hải được toàn án tỉnh Long An tạm hoãn thi hành chỉ cách giờ thi hành chỉ vài tiếng đồng hồ


Cùng hoàn cảnh vụ án có dấu hiệu oan sai như Hồ Duy Hải là vụ án Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng. Ngày 3/8/2007, cơ quan Điều tra bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng vì cho rằng vào khoảng 21h ngày 14/7/2007, Chưởng đã sát hại thiếu tá Nguyễn Văn Sinh - công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, Tp. Hải Phòng để lấy tiền mua heroin. Cả phiên sơ thẩm và phúc thúc phẩm tòa đều tuyên án tử hình cho Chưởng. Tuy nhiên, Chưởng kháng cáo kêu oan bởi hôm xảy ra vụ án Chưởng không có mặt ở Hải Phòng. Chưởng nói mình nhận tội vì cơ quan điều tra đã tra tấn, ép cung mình dã man và nhận tội để còn có cơ hội đứng trước tòa kêu oan. Tháng 12/2014, luật sư bào chữa cho Chưởng làm đon kiến nghị cho rằng việc tuyên án tử hình cho Nguyễn Văn Chưởng vì tội giết người là thiếu căn cứ, có rất nhiều điểm còn chưa được cơ quan điều tra làm rõ, nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng. Đến nay, bản án tử hình của Nguyễn Văn Chưởng vẫn chưa thi hành


Gần đây nhất, là vụ án Lê Văn Mạnh ở Thanh Hóa. Theo VKSND tỉnh Thanh Hóa, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết luận Lê Văn Mạnh có hành vi phạm tội như sau: khoảng 17 giờ ngày 21/3/2005, Lê Văn Mạnh đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày thuộc địa phận thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định thì phát hiện cháu Hoàng Thị Loan đang đi vệ sinh. Mạnh nảy sinh ý định hiếp dâm cháu Loan và sau đó sợ bị lộ nên đã ra tay giết chết Loan. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình cho Lê Văn Mạnh.


Ngày 21/3/2006, Lê Văn Mạnh kháng cáo kêu oan về tội “Giết người” và tội “Hiếp dâm trẻ em”. Trong trại giam, Mạnh liên tục kêu oan vì mình bị công an trại giam bức cung, nhục hình. Thế nhưng, gia đình tử tù Mạnh đã nhận giấy quyết định của toàn án Thanh Hóa là sẽ thi hành bản án tử hình vào ngày 26/10/ 2015 sắp tới. Bà Nguyễn Thị Việt là mẹ tử tù Lê Văn Mạnh đã ròng rã kêu oan cho Mạnh suốt mấy năm trời, bà khẳng định con mình bị oan bởi nguyên do Mạnh bị công an đánh chết đi sống lại, bị ngất và bị tạt nước vào mặt cho tỉnh, thòng lọng cổ treo lên đánh tiếp, Mạnh sợ chết nên phải khai nhận… Mạnh bị bịt mặt nên không thể nhận ra người tra tấn ép cung mình. Mạnh có chứng cứ ngoại phạm: nhân chứng khẳng định ngày nạn nhân chết Mạnh có ở nhà em gái phụ giúp chuyển đồ, nhưng tòa đã bác bỏ.


Ngày 22/10/2015, gia đình Lê Văn Mạnh đã liên hệ với văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long và được các luật sư Trần Thu Nam, Lê Luân... tư vấn làm đơn khẩn cấp gửi đến Chủ tịch nước, Viện trưởng VKNDSDTC, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa để yêu cầu hoãn thi hành án tử hình cho tử tù Lê Văn Mạnh.


Giải pháp vẫn còn bỏ ngỏ


Dư luận hẳn không quên vụ án ông Huỳnh Văn Nén ở Hàm Tân - Bình Thuận vào năm 1998, ông Nén bị tòa án tuyên tù chung thân với tội danh giết người và cướp tài sản, nạn nhân là bà Lê Thị Bông cùng quê với ông Nén. Trong suốt thời gian thụ án, ông Nén liên tục kêu oan vì bức cung, nhục hình đồng thời có sự theo đuổi hết mình vì vụ kiện, bảo vệ công lý cho ông Nén từ luật sư lẫn số người tin tưởng ông Nén bị hàm oan nên đến nay đã có kết quả. Ngày 22/10/2015, công an tỉnh Bình Thuận ký quyết định cho Huỳnh Văn Nén được tại ngoại sau gần 18 năm bị giam giữ nhằm mục đích nhân đạo. Theo luật quy định thì bị can trong vụ án giết người không thể được cho tại ngoại, đây là tín hiệu cho thấy ông Nén nhiều khả năng sẽ được chứng nhận oan khuất trong vụ án này. Xa hơn chút nữa là vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang do nguyên nhân chính là ông Chấn đã bị bức cung, tra tấn và nhục hình trong trại giam.


Rõ ràng việc tra tấn, bức cung và nhục hình dẫn đến quá nhiều bản án có dấu hiệu oan sai đang là vấn đề gay gắt ở Việt Nam hiện nay. Một câu hỏi đặt ra là có những giải pháp nào để giảm bớt tình trạng này, theo luật sư Đạt ở Phan Thiết: “Việc lấy lời khai phải được ghi âm và phải được đặt dưới sự giám sát của một cơ quan độc lập không phải là cơ quan tiến hành tố tụng như Bộ tư pháp chẳng hạn. Cần có mặt luật sư trong bất kỳ vụ án hình sư nào. Cần tuân thủ nghiêm ngặt Bộ luật tố tụng hình sự”.


Chắc hẳn việc bức cung, nhục hình ở trong các trại giam ở Việt Nam là chuyện xảy ra từ nhiều năm trước nhưng hiện tại nó lại được nhiều người dân quan tâm là một may mắn bởi có công nghệ internet, dư luận và báo chí - truyền thông chính thống lẫn độc lập vào cuộc mạnh mẽ nên những vụ án có dấu hiệu oan sai như kể trên đã được chính quyền vào cuộc một cách nghiêm túc hơn. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu phần nào những bản án oan sai.


Có điều, vẫn còn đó những hạn chế và dĩ nhiên là những bản án có dấu hiệu oan sai vẫn còn bởi những giải pháp qaun trọng mà luật sư Đạt đưa ra đến nay qua nhiều cuộc họp Quốc hội cũng như của các bộ ngành liên quan vẫn đang còn bỏ ngỏ chứ chưa được thông qua. Trường hợp của ông Nén là một ngoại lệ nếu ngày trước ông Nén bị tòa án tuyên tử hình và bản án đã thi hành thì hậu quả sẽ ra sao? Những giọt nước mắt như của bà Loan, bà Việt (mẹ tử tù Lê Văn Mạnh ) hay ông Chinh (cha tử tù Nguyễn Văn Chưởng)... và còn nhiều nữa sẽ còn chảy dài trên hành trình công lý.


Bởi những bản án có dấu hiệu oan sai khi gõ cửa công quyền luôn là điều khó khăn, và hy vọng cải án là điều rất mong manh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét