Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

“Phải minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền”


“Phải minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền”

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Đại biểu QH Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, cần phải minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền, bởi vì trước nay “chúng ta cứ lồng ghép về trách nhiệm mà gọi chung là quản lý Nhà nước”.





ĐB Trần Du Lịch: Khi tổ chức mô hình quản lý đồng nhất không tính đặc điểm cũng giống như một loại lưới muốn bắt mọi loại cá. Ảnh: Anh Tuấn.
Một nội dung rất lớn được đề cập trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là sự phân cấp, phân quyền để nhằm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về nội dung này?

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được trình ra Quốc hội kỳ này đã cụ thể tương đối nhiều vấn đề. Ví dụ chế định rõ mô hình tổ chức từng loại chính quyền; đưa một số điều khoản quy định có cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Tôi cho đây là điểm tiến bộ.

Tuy nhiên yêu cầu minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền thì chưa rõ. Trong dự thảo Luật mới nêu, sẽ quy định ở luật chuyên ngành hoặc Chính phủ sẽ phân cấp.

Tường thuật trực tiếp thảo luận Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 1-6, QH sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phiên họp chiều 1-6 cho ý kiến vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Ví dụ nói chính quyền cấp xã, thị trấn tới quận, huyện, tỉnh thành đều có câu giống nhau về quyền và nhiệm vụ là “tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn”. Như vậy “ông” xã thi hành khác “ông” tỉnh chỗ nào? Chính phủ thi hành ra sao. Nghĩa là, khi đọc Luật này thì chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã có quyền gì theo Luật định thì chưa rõ. Đây là vướng mắc rất lớn trong quản lý Nhà nước, là hệ quả dẫn tới sự chồng chéo về công vụ và tình trạng quá tải ở cấp cơ sở.

Nhiều ý kiến phản ánh Trung ương lo quá nhiều việc của địa phương mà đáng lẽ nên giao cho địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm?

Nói hoàn toàn lo cho địa phương thì cũng tội địa phương. Địa phương họ cũng nặng lắm. Vấn đề ở đây là không minh bạch giữa Trung ương và địa phương, để địa phương thấy rằng quyền và trách nhiệm của mình phải lo. Chúng ta cứ lồng ghép về trách nhiệm mà gọi chung là quản lý Nhà nước, cũng giống như ngân sách lồng ghép giữa Trung ương và địa phương.

Từ đầu, tôi đã muốn minh bạch từ ngân sách cho đến quyền, trách nhiệm rõ ràng giữa trung ương và địa phương.

Đại biểu từng bày tỏ quan điểm là chúng ta đã những đột phá và thể chế kinh tế qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì cũng nên có bước tiến mạnh hơn trong 2 Luật này?

Tôi rất thông cảm với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong điều kiện hiện nay về một số vấn đề tôi và một số đại biểu nêu chưa thực thi được mà còn phải tiếp tục nghiên cứu.

Cái mà chúng tôi muốn đề nghị là phải cải cách về cả tài chính công, cụ thể là Luật NSNN, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương trên một số lĩnh vực.

Thứ nhất quyền và trách nhiệm rõ ràng. Khi đọc luật người ta biết cái nào là chính phủ, cái nào là địa phương. Thứ hai, từ cái đó ta minh định được ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, minh định được những vấn đề rõ ràng, thì mới có cơ sở cách cách hành chính.

Ở đây tôi muốn nói một điều chúng ta bị một suy nghĩ rất quan trọng: Chúng ta cần một nền hành chính thống nhất nhưng hiện nay quản lý theo kiểu đồng nhất. Thống nhất những nguyên tắc, còn mô hình tổ chức nó tùy thuộc vào đặc điểm nông thôn, thành thị, các nơi quy mô.

Ví dụ một tỉnh 3 triệu dân khác tỉnh 1 triệu dân. Một tỉnh mấy chục ngàn ha khác một tỉnh mấy trăm ha. Cái này từ thời phong kiến người ta cũng phân biệt rồi. Tỉnh lớn có ông Tổng đốc, tỉnh nhỏ có ông Tuần phủ. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Khi tổ chức mô hình quản lý mà đồng nhất không tính đặc điểm cũng giống như một loại lưới muốn bắt mọi loại cá.

Cái yếu nhất của chúng ta là trách nhiệm. Hai dự án Luật này chưa toát lên được trách nhiệm rõ ràng bên cạnh nhiệm vụ và quyền hạn, thưa ông?

Chúng ta cứ nói quản lý Nhà nước rất là chung. “Ông” xã cũng có nhiệm vụ triển khai Hiến pháp, luật pháp trên địa bàn, tới “ông” tỉnh, Chính phủ cũng triển khai. Hiến pháp và luật pháp là mênh mông. Ví dụ “ông” phường ở đô thị nhiệm vụ chính là gì? Ví dụ đó là sát với dân, giữ an ninh trật tự nhưng đừng để người ta chiếm lòng lề đường, xây trái phép, xả rác bậy, anh tổ chức mấy chợ xổm để anh thu thuế làm chi.

Mục tiêu rất lớn đặt ra khi xây dựng 2 dự án Luật này là xây dựng một chính phủ dân chủ, hiện đại thì phải công khai cho người dân kiểm tra, đảm bảo minh bạch. Ông có thể cho biết điều này thể hiện như thế nào trong nội dung dự thảo?

Đó là điểm tương đối tiến bộ trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cũng như Luật NSNN (sửa đổi) đều nhấn mạnh mục tiêu: Tăng minh bạch, vai trò giám sát của dân. Tôi cho là điểm tiến bộ. Nhưng muốn minh bạch, muốn rõ trách nhiệm thì phải xác định quyền và trách nhiệm minh bạch hơn mới dễ giám sát. Còn không rất khó làm. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng báo cáo công khai trước Quốc hội, qua truyền thông cũng là công khai trước dân.

Nhiệm vụ phòng chống tham nhũng có ý kiến cho rằng chưa được làm rõ trong hai dự án Luật này, thưa ông?

Về phòng chống tham nhũng, về cơ chế thì Thanh tra Chính phủ là công cụ để xử lý vấn đề phòng chống tham nhũng. Còn hiện nay ta có cả ban chỉ đạo, Luật Phòng chống tham nhũng… Đó nhiệm vụ quan trọng, tập trung nhưng chúng ta cũng không thể mang hết nội dung đó vào các Luật này. Tổ chức chính phủ là phổ biến cái chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy chính phủ. Còn từng nhiệm vụ cụ thể lại ở luật khác. Còn quyết tâm hay không là ở việc làm chứ không phải đưa thêm vào các dự án Luật này là chống được tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!


Theo Minh Anh (Báo Hải Quan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét