Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018
VN: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’
VN: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’
Phan Văn Anh Vũ vừa bị bắt đưa về Nội Bài
Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên nói vụ Phan Văn Anh Vũ cho thấy báo chí chính thống tại Việt Nam chưa cung cấp 'loại tin nóng' kịp thời cho người dân.
Viết trên Facebook cá nhân hôm 3/1/2018, ông Nguyễn Công Khế mô tả ông đã nhiều lần góp với những người có trách nhiệm trong chính quyền về nhu cầu phải đi trước về tin tức.
"Vụ Phan Văn Anh Vũ là một ví dụ gần nhất . Khi có tin Vũ trốn qua Singapore để ngày 28-12-2017 qua Malaysia, đã bị nhân viên cửa khẩu tạm giữ vì vi phạm "Luật qui định về xuất nhập cảnh".
"Các trang mạng ầm ĩ đưa tin ngay. Trang web của BBC, báo Straitstimes của Sing cũng lên tiếng. Thế mà các báo chính thống không thể có một tin tức nào kịp thời để dư luận tin rằng đã có một nguồn tin chính thức để người đọc yên tâm", ông Khế bình luận.
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên dẫn chiếu tới việc tổng biên tập của các soạn đã "tìm mọi cách tiếp cận để có tin sớm" nhưng vẫn "không được xác nhận từ các cấp có thẩm quyền" trừ một tin của Thiếu tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ công an xác nhận rằng chưa nhận được tin tức nào về vụ này.
Ông Khế cho rằng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ văn Thưởng đã nhiều lần than phiền về sự chậm trễ này.
"Thế nhưng coi bộ không có chuyển biến nào đáng kể trong việc đưa tin sớm cung cấp kịp thời cho người đọc, nhất là những tin thuộc loại nóng mà người dân chờ đợi," ông Khế bình luận.
Báo chí chống tham nhũng
Nguyễn Công Khế: 'Báo chí có thông tin nhanh, chính xác, kịp thời và kiên định chống lại tham nhũng và các loại lợi ích nhóm sẽ đem lại niềm tin cho người dân'.
Trong dòng trạng thái trên Facebook, ông Khế mô tả về "một số việc" mà Tổng bí thư và Bộ máy Đảng của ông cùng Chính phủ nhiệm kỳ này đã làm đã có những chuyển biến về kinh tế, đặc biệt là quyết tâm chống tham nhũng.
Chiến dịch này, theo ông, đã và đang đóng cảnh báo về tình trạng "con ông cháu cha được đưa vào trong bộ máy cấp cao".
"Việc một số cán bộ cấp cao, kể cả đương kim Ủy viên Bộ Chính Trị, nếu phạm pháp cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
"Cán bộ cấp cao dính vào những vụ tham nhũng lớn không tránh khỏi hồi tố và không còn cảnh về hưu là coi như hạ cánh an tàn.
"Từ đây, bất cứ quan chức nào muốn đưa con cái mình vào các chức vụ cao để "nối ngôi" và duy trì quyền "bổng lộc" đều phải biết dè chừng. Ở đây không còn là vùng đất để chia chác quyền lợi của những người quyền thế, của các nhóm lợi ích, nếu như cái lò đốt các loại củi bất kể khô, tươi này tiếp tục duy trì được độ nóng như hiện nay cho đến khi đạt được những mục tiêu cần thiết cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng lần này.
"Chừng nào mà hệ thống thông tin, báo chí chính thống còn lẽo đẽo theo sau mạng xã hội thì ngày đó vẫn còn là thảm họa của sự nhiễu loạn thông tin"
Ông Nguyễn Công Khế
Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên kết luận rằng việc báo chí có thông tin nhanh, chính xác, kịp thời và kiên định chống lại tham nhũng và các loại lợi ích nhóm sẽ đem lại niềm tin cho người dân.
"Chừng nào mà hệ thống thông tin, báo chí chính thống còn lẽo đẽo theo sau mạng xã hội thì ngày đó vẫn còn là thảm họa của sự nhiễu loạn thông tin và tất yếu, nó sẽ dẫn đến những hệ lụy của một xã hội không thể tạo được niềm tin cho dân chúng. Bởi vì trong thời đại này, không ai có thể chận được sự phát triển của mạng xã hội và Facebook.
"Điều tôi mong mỏi trông ra rất khó với báo chí Việt Nam trong cung cách quản lý như hiện nay. Thật đáng buồn!'" ông Khế viết.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42562431
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét