Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018
“Án lệ” tổng thầu PVC trong vụ án Đinh La Thăng
VNTB - “Án lệ” tổng thầu PVC trong vụ án Đinh La Thăng
Reply
án lệ, Đinh La Thăng, news, Nguyễn Tấn Dũng, politics, PVC, Trần Thành, VNTB
13.1.18
Trần Thành (VNTB) Trên trang báo điện tử Vietnamnet hôm 11/1 [http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/xet-xu-dinh-la-thang-thuc-hu-thong-tin-bo-chinh-tri-chi-dao-chi-dinh-thau-nha-may-nhiet-dien-423113.html] có bài viết khẳng định rằng “Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006, và các kết luận sau đó hoàn toàn không đề cập đến nội dung chỉ định thầu công trình nhà máy nhiệt điện”.
Ông Đinh La Thăng và nguyên Thủ tướng Chính phủ - ông Nguyễn Tấn Dũng
Bài báo nói trên không sai, nhưng chưa nói hết sự thật trong bộ máy điều hành của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng: tôi làm theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ!
Tại phiên toà xét xử các bị cáo thuộc Tập đoàn Dầu khí, trả lời Hội đồng xét xử về việc chỉ định PVC làm tổng thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng khai: “Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận 41 về chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025 và xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn; Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...”.
Ông Đinh La Thăng là 'mắt xích' trong nhiều vụ án?
Phía công tố cho rằng Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 không đề cập đến nội dung chỉ định thầu công trình nhà máy nhiệt điện. Nội dung văn bản này chỉ là định hướng cơ bản cho ngành dầu khí đến năm 2015. Còn trong Thông báo số 49-TB ngày 17/2/2009 của Văn phòng Chính phủ, thì Thủ tướng Chính phủ có đồng ý về nguyên tắc cho Tập đoàn Dầu khí thực hiện chỉ định thầu, với điều kiện phải đúng “các quy định pháp luật về chỉ định thầu”.
Từ góc nhìn ‘câu – từ’ như nói trên, phía công tố cho rằng người đứng đầu Bộ Chính trị và ông Thủ tướng khi ấy không liên quan gì đến vụ án này.
Tuy nhiên, nếu tường tận văn bản Thông báo số 49-TB ngày 17/2/2009, thì có rất nhiều nội dung cho thấy người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí khi ấy đã làm theo đúng các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo gì?
Thông báo số 49-TB ngày 17/2/2009 được ông Văn Trọng Lý ký phát hành trên cương vị phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
“Ngày 12 tháng 02 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Ngoại giao, Xây dựng, Khoa học và Công Nghệ: lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Điện lực Việt Nam.
Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng thăm công trường xây dựng Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp polyester Đình Vũ khi còn đương nhiệm
Sau khi nghe Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn) báo cáo, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau: (…)” (Trích Thông báo số 49-TB ngày 17/2/2009)
Trong văn bản này có những nội dung rất mập mờ như sau: “Đối với các kiến nghị cụ thể của Tập đoàn tại công văn số 9460/TTr-DKVN ngày 18 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo riêng” – trích phần nội dung có tên “b) Về cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng”.
“d) Đối với những kiến nghị liên quan đến Dự án mỏ Đại Hùng, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo riêng” (…) “Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ định nhà tổng thầu thực hiện các dự án: Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Long Phú. Yêu cầu Tập đoàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu và đặc biệt lưu ý năng lực của các Nhà thầu được chỉ định”. (Trích Thông báo số 49-TB ngày 17/2/2009)
Quy định về chỉ định thầu như thế nào?
Luật Đấu thầu năm 2005, hiệu lực đến 30/6/2014, ở Điều 20. Chỉ định thầu, có nội dung như sau (trích phần liên quan đến nội dung Thông báo số 49-TB ngày 17/2/2009: “1. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây: (…) c) Gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia; dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định khi thấy cần thiết; (…) 2. Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ quy trình thực hiện chỉ định thầu do Chính phủ quy định” (hết trích)
Thông tin công khai trên trang web của PVC cho biết dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã chính thức khởi công vào tháng 3/2011. Ngay sau khi Hợp đồng EPC được ký kết, PVC đã đàm phán, lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị chính, thu xếp vốn cho Dự án và đã lựa chọn Liên danh nhà thầu Sojitz - Daelim (SDC) làm đối tác cung cấp thiết bị chính cho dự án.
Về lý lịch, thì nhà thầu Sojitz (Nhật Bản), đã tham gia cung cấp tua bin, máy phát và thiết bị phụ trợ cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (2009-2013) và tham gia cung cấp thiết bị, thu xếp vốn cho nhiều dự án trên thế giới. Nhà thầu Daelim (Hàn Quốc), đã tham gia nhiều dự án nhiệt điện than, khí, điện hạt nhân tại Hàn Quốc và các nước khác trên thế giới theo hình thức EPC. Daelim có chức năng thiết kế, cung cấp, xây lắp cho các dự án xây dựng nhà máy điện.
Liên danh SDC đã có phương án triển khai rõ ràng, đồng thời có các cam kết về thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính JBIC (Nhật Bản) và K-EXIM (Hàn Quốc) thông qua các ngân hàng thương mại BTMU, MIZUHO, HSBC.
Như vậy, phần thủ tục là đúng quy định của pháp luật về chỉ định thầu.
Nếu có… “án lệ” tổng thầu PVC
Trở lại với phiên toà xét xử các bị cáo thuộc Tập đoàn Dầu khí đang diễn ra tại tòa án Hà Nội. Nếu việc chỉ định tổng thầu PVC ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được xem là sai phạm của ông Đinh La Thăng, thì liệu để ngăn chặn những trường hợp tương tự, bằng thẩm quyền theo luật định, các thẩm phán sẽ đưa ra yêu cầu rà soát lại dự án đường sắt Cát Linh – thậm chí có thể xem xét trách nhiệm hình sự. Lý do: dự án này chậm trễ do Tổng thầu EPC - Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc kém năng lực tài chính, gây thiệt hại cho phía chủ đầu tư Việt Nam.
Số liệu tính đến ngày 8/1/2018, chỉ riêng tiền lãi vay, mỗi ngày dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải trả 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên nhà thầu Trung Quốc tiếp tục xin lùi tiếp tiến độ 11 tháng nữa, khiến phía chủ nhà Việt Nam mất thêm 396 tỉ đồng. Như vậy, gần 10 năm qua, dự án này đã 6 lần lùi tiến độ, đội vốn thêm 334 triệu USD.
Nay nếu quy kết tội trạng cho ông Đinh La Thăng về chọn tổng thầu, thì ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ phải quy kết trách nhiệm cho quan chức tiền nhiệm và đương nhiệm nào đây?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét