Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Ông Đinh La Thăng: 'Muốn làm ma tự do'


Ông Đinh La Thăng: 'Muốn làm ma tự do'
Tiểu Nhi 14.1.18

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đề nghị với Hội đồng Xét xử cho được 'chết tại nhà trong vòng tay người thân' vì không muốn làm 'đám ma tù', trong khi cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh 'bật khóc' ngay tại tòa trước khi phát biểu tự bào chữa, theo truyền thông Việt Nam.



Các ông Đinh La Thăng (đứng) và Trịnh Xuân Thanh (ngồi bên trái, hàng đầu) đều nói các ông sợ bị chết trong tù, theo truyền thông Việt Nam

"Bị cáo chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù. Bị cáo chỉ mong muốn như vậy," ông Đinh La Thăng được báo mạng VietnamNet hôm 13/01/2018 dẫn lời nói khi phát biểu tự bào chữa trước Tòa.


"Bị cáo mong Hội Đồng Xét Xử (HĐXX) sẽ xét xử công tâm, khách quan, công bằng theo đúng tinh thần Hiến pháp mới."


Vẫn theo nguồn này, ông Đinh La Thăng, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), đã trình bày trước tòa một số điểm về gia cảnh của ông và tình trạng sức khỏe cá nhân:


"Bố bị cáo đã cao tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, bị cáo có 2 con gái thì cháu thứ 2 năm nay 22 tuổi, nhưng hoàn cảnh không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố. Bị cáo bị chịu trách nhiệm ở hai vụ án khác nhau, khi bố bị cáo mất sẽ khó có khả năng gặp mặt trước khi mất.


"Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành quyết định của tòa. Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh, không phải đến bây giờ ra tòa mới nói mà ngay từ năm 2006, Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Trung ương đã cấp thuốc hàng ngày," VietnamNet dẫn lời bị cáo nguyên là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.


Về phần mình, khi phát biểu tự bào chữa tại Tòa, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói:


"Tôi thấy có lỗi với anh Đinh La Thăng, với các anh ở Petro Vietnam (PVN.)


"Cũng như anh Thăng, bị cáo không muốn đổ lỗi cho cấp dưới. Rất mong là VKS chỉ ra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm sai bằng cách nào. Với cương vị của bị cáo, chỉ đạo miệng thì không thể. Mong HĐXX xem xét kỹ cho hành vi chuyển tiền sai mục đích mà bị cáo bị cáo buộc," ông Thanh được dẫn lời nói.


Vẫn theo truyền thông Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định trước tòa là ông 'không tham ô', 'không chỉ đạo rút tiền'


"Bị cáo cũng lo sợ viễn cảnh phải "làm ma trong tù" chứ không được "làm ma tự do", vì còn một phiên tòa nữa đang chờ đợi bị cáo," ông Thanh được báo mạng VietnamNet dẫn lời nói.


Hôm 12/01/2018, báo mạng Kiểm Sát Online dẫn ý kiến bình luận của một cựu quan chức cao cấp ngành Kiểm sát ở Việt Nam bình luận về vụ án và các mức án được đề nghị cho hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.


"Qua những ngày xét xử, dựa trên kết quả thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng, kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ, thái độ khai báo của các bị cáo và quy định của pháp luật, Viện Kiểm Sát đã công bố bản luận tội và đề xuất các mức án đối với từng bị cáo," Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam trả lời báo mạng Kiểm Sát Online.


"Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án từ 14 - 15 năm tù về tội cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị từ 13 -14 năm tù về tội cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tù chung thân về tội tham ô, tổng hợp hình phạt tù chung thân, tôi thấy Viện Kiểm Sát đề nghị mức án như vậy là hợp lý."


Tại sao áp dụng luật cũ?


Bình luận về vụ án và mức án với hai bị cáo trên, đặc biệt về tội danh, hôm 11/01/2018, tại Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt, từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng Văn phòng Luật sư cùng tên, nói:


"Thời điểm 1/1/2018 là thời điểm áp dụng bộ luật hình sự mới, và đây cũng là thời điểm giao thời về việc áp dụng bộ luật hình sự nào cho tội danh của ông Đinh La Thăng bởi lẽ Bộ luật hình sự cũ có quy định về tội cố ý làm trái và cũng chính là tội hiện ông Đinh La Thăng đang bị xét xử. Nhưng ở bộ luật hình sự mới thì điều luật về tội danh này không còn nữa và nó đã hóa thân thành một điều luật nào đó khác trong bộ luật hình sự mới. Hiện nay cũng chưa có quy định nào chỉ rõ về vấn đề này, và đây cũng chỉ là sự đọc và cảm nhận cho rằng nó có liên quan đến một số điều luật.


"Giữa lúc bộ luật hình sự cũ và mới giao thời như thế này thì thường rất hay đặt ra vấn đề là áp dụng bộ luật hình sự nào? Thật ra trong lĩnh vực luật hình sự cũng đã quy định sẵn, có nguyên tắc xuyên suốt mà hầu như tất cả, ngay cả các sinh viên trường luật khi còn ngồi ghế nhà trường cũng biết là phải áp dụng điều luật có lợi cho đương sự."


Và Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra ví dụ rồi phân tích: "Tôi giả thiết ví dụ bộ luật hình sự cũ có quy định về tội cố ý làm trái nhưng bộ luật hình sự mới không quy định tội danh này thì mặc dù hành vi của ông Đinh La Thăng xảy ra trước năm 2018 nhưng đến thời điểm năm 2018 mới bắt đầu xét xử ông thì lẽ ra theo nguyên tắc, ông Đinh La Thăng sẽ được miễn trách nhiệm, không bị truy tố bởi tội danh này nữa. Đó là vì chúng ta phải áp dụng nguyên tắc vô can và có lợi.


"Hoặc giả như bộ luật hình sự cũ có quy định hình phạt nặng nhưng bộ luật hình sự mới, cũng có tội danh đó chẳng hạn, nhưng họ quy định hình phạt nhẹ hơn thì mặc dù hành vi có trước nhưng vẫn phải áp dụng ngay lập tức hình phạt nhẹ trong luật mới cho ông Đinh La Thăng. Đó là những nguyên tắc mà kể cả sinh viên luật khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đã phải hiểu và thuộc lòng rồi.
Ngày đầu xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm


"Có một điểm tôi thấy rất lạ là chúng tôi không hiểu tại sao vào thời điểm Quốc hội ra Nghị quyết 41 để thi hành bộ luật hình sự thì trong đó lại "thòng" theo là chỉ một số tội danh thôi, là nếu hành vi xảy ra trước năm 2018 mà chưa được xét xử thì vẫn phải áp dụng theo luật hình sự cũ, trong đó đặc biệt có tội cố ý làm trái.


"Tôi nhìn nhận đây là một quy định khác thường. Nó không theo một thông lệ mà [từ] hồi [đó] tới giờ ở nước ta và luật pháp luật hình sự ở tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới họ vẫn đang áp dụng. Đây là một sự khác thường.


"Cũng rất có thể vào thời điểm đó các nhà làm luật của chúng ta đã dự liệu rằng có thể sẽ xét xử ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm năm 2018. Theo tôi lẽ ra điều này là không nên có. Dù trường hợp nào thì cũng không nên áp dụng như vậy.


"Nếu bộ luật hình sự mới đã biến đổi tội danh đó thành những tội danh khác thì vẫn nên áp dụng theo những suy xét để áp dụng bộ luật hình sự mới," Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét