Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Thấy gì từ cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia” của thủ tướng Phúc?


Thấy gì từ cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia” của thủ tướng Phúc?

Đăng bởi Ha Tran on Friday, January 13, 2017 | 13.1.17




“Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”. Ảnh: TTXVN

Một hiện tượng đặc biệt đã diễn ra trong hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức chiều 6/1/2017. Thủ tướng đã chấp nhiệm được 9 tháng – ông Nguyễn Xuân Phúc – đánh giá “Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”, khi đề cập đến “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần chứ không phải sát trần”.


Phát ngôn đặc biệt trên đã được chính một hãng thông tấn của đảng là Thông tấn xã Việt Nam đăng lại với tựa đề “Nợ công tăng nhanh, Thủ tướng cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia””. Nhưng sau đó, có lẽ do chịu huấn thị từ Ban Tuyên giáo trung ương nên lại đổi thành “Thủ tướng đề nghị kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ”.


Có thể cho rằng, đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của chính thể CSVN đề cập đến nguy cơ sụp đổ tài khóa quốc gia, đặc biệt đã sử dụng từ “sụp đổ” – vốn là một từ ngữ đươc coi là cực kỳ “nhạy cảm chính trị”, mà hệ thống đảng và chính quyền từ trước tới nay chưa bao giờ phát ra công khai.


Có thể hiểu tâm thế của Thủ tướng Phúc ra sao khi ông dám nói thẳng về “sụp đổ tài khóa quốc gia”, dù chỉ là thì tương lai?


Trong những năm làm phó thủ tướng dưới quyền ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc được phân công theo dõi khối văn phòng chính phủ, và là quan chức tiếp cận với nhiều báo cáo, đề án kinh tế… Nói chung, ông là một người làm cụ thể chứ không mắc căn bệnh quan liêu chỉ tay năm ngón của Thủ tướng Dũng. Chính vì thế, có thể xem ông Phúc là người “tay hòm chìa khóa”, và am hiểu về tình hình thực chất của túi tiền ngân sách.


Khi trở thành thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc càng có điều kiện được Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chi tiết về tiền trong ngân sách còn nhiều hay ít, và có lẽ cả triển vọng khi nào ngân sách sẽ cháy túi. Rất có thể, Thủ tướng Phúc đã biết về một kịch bản cạn kiệt ngân sách và dẫn đến “sụp đổ tài khóa quốc gia”.


Lý do thứ hai khiến Thủ tướng Phúc trở thành nhân vật “kiến tạo” những phát ngôn chưa từng có tiền lệ về “nợ công đã vượt trần” và “sụp đổ tài khóa” là: nếu không đủ can đảm nói ra một sự thật mà trên cả nước chỉ có đảng là cố bịt tai, ngay bây giờ hoặc chẳng bao lâu nữa, ông Phúc sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả ghê gớm được di truyền từ đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không chỉ bị đảng chê trách, ông Phúc có thể còn bị những đối thủ chính trị vin vào lý do “điều hành yếu kém” để tìm cách loại ông khỏi chức vụ thủ tướng…


Nhưng tạm gác lại những vấn nạn đấu đá triền miên trong nội bộ, chúng ta có thể nhận ra rằng một khi chính Thủ tướng Phúc đã phải xác nhận về nguy hiểm “sụp đổ tài khóa quốc gia”, đây không còn là một giả thiết mà nhiều khả năng sẽ trở thành sự thật.


Nếu trở thành sự thật, ngân sách Việt Nam sẽ phải chịu cảnh vỡ nợ như trường hợp Argentine trong hai lần năm 2001 và 2014.


Lê Dung


(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét