Kami - Tôi còn đủ kiên nhẫn để yêu quê hương?
Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Tư, ngày 10 tháng 8 năm 2016 | 10.8.16
"Tuyên bố “Việt Nam không phải là ông chủ của tôi mà tôi phải trung thành với họ” của ông Hun Sen là điều mà không phải các lãnh đạo các quốc gia nhược tiểu nào cũng có thể dũng cảm lên tiếng đối với các nước lớn hơn và là mối đe dọa thường trực đối với chủ quyền an ninh của quốc gia mình. Thử hỏi đối với ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay thì đã có ai dám lớn tiếng như Thủ tướng Hun Sen, khẳng định đối với người bạn láng giềng phương Bắc đồng thời cũng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam hay chưa?"
Các quốc gia Thái Lan, Campuchia và Lào là những đất nước thân thuộc trong cuộc đời của tôi, tôi hiểu người dân ở các quốc gia đó có lẽ nhiều hơn họ hiểu tôi. Tôi yêu những đất nước ấy không chỉ vì là nơi mình từng sống, mà còn vì đất nước và con người ở đây có một nền văn hóa đậm bản sắc một cách thực sự, chứ không hời hợt, tẻ nhạt như cái nền văn hóa có bề dày tới 4.000 năm lịch sử như ở xứ mình. Quan trọng là ở những xứ sở ấy con người rất tử tế và có trách nhiệm.
Có lẽ bạn đọc sẽ cho rằng tôi không yêu Việt Nam? Không, tôi yêu Việt nam quê hương của tôi lắm chứ, vì người ta bảo quê hương mỗi người chỉ có một và chỉ một mà thôi, từ trước đến nay cái tên Việt Nam luôn ở trong trái tim của tôi.
Tôi đã từng giận dữ khi nghe người ta nói rằng, Việt Nam đang tụt hậu so với cả hai quốc gia láng giềng là Campuchia và Lào trên một số lĩnh vực. Tôi nghĩ rằng mình có lý, khi người ta đưa ra bằng chứng "tầm phào" rằng vì Campuchia đã sản xuất được xe hơi giá rẻ hay nhà vệ sinh ở Lào sạch hơn nhà vệ sinh ở Việt nam; thậm chí giao thông ở Lào có kỷ luật v.v... Đó là những cái trên thực tế đã cho thấy không phải như vậy. Vì thế điều cho rằng Việt Nam đang tụt hậu so với Campuchia và Lào đã không thuyết phục được tôi.
Tôi nói tôi có lý không phải do tôi là kẻ mang tư tưởng dân tộc cực đoan, mà vì tôi đi nhiều, sống nhiều ở các xứ sở nói trên và cũng xin khẳng định rằng muôn năm hai cái dân tộc nhược tiểu đó mới bằng Việt nam quê hương mình. Thêm một cơ sở nữa để khẳng định đó là từ đầu thế kỷ 20, một chính trị gia người Pháp là ngài Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) và sau này Tổng thống Pháp từ 1931-1932 đã viết trong cuốn sách mang tựa đề "Xứ Đông Dương" có nhận xét rằng:
"Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc chung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc".
Điều đó đã khẳng định rằng suy nghĩ của tôi là có cơ sở, tuy vậy những ngày gần đây tôi đã có cảm giác cái chân lý tưởng chừng bất di bất dịch ấy của mình có nguy cơ bị đảo lộn. Tôi đã thất vọng không chỉ chỉ riêng cá nhân tôi mà còn tiếc cho cả ngài Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương đáng kính kia hình như cũng đã nhầm.
Tại sao lại nói như vậy?
Theo The Phnom Penh Post, ngày 02/08/2016 trong phát biểu mạnh mẽ bất thường về mối quan hệ của mình với Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen đã "mắng" một người Việt Nam sử dụng Facebook, khi cáo buộc ông “phản bội” lại Việt Nam. Ông Hun Sen đã khẳng định rằng “Việt Nam không phải là ông chủ của tôi”, theo đó Thủ tướng Hun Sen đã nhấn mạnh lòng trung thành với với nhân dân Campuchia, nhà Vua, và người vợ yêu quý của ông. Đồng thời cũng yêu cầu người dùng Facebook này chuyển thông điệp trên của ông đến các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng, “Việt Nam không phải là ông chủ của tôi mà tôi phải trung thành với họ”.
Tuyên bố của ông Hun Sen là điều mà không phải các lãnh đạo các quốc gia nhược tiểu nào cũng có thể dũng cảm lên tiếng đối với các nước lớn hơn và là mối đe dọa thường trực đối với chủ quyền an ninh của quốc gia mình. Nhất là trong điều kiện ông Hun Sen là người do bàn tay chính quyền Việt Nam dựng lên. Song chỉ một người có tinh thần ái quốc như ông Hun Sen thì mới dám lớn tiếng với ông chủ cũ Việt Nam của mình như vậy.
Thử hỏi đối với ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay thì đã có ai dám lớn tiếng như Thủ tướng Hun Sen, khẳng định đối với người bạn láng giềng phương Bắc đồng thời cũng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam hay chưa? Nếu như cứ suy từ chuyện tàu lạ, nước lạ hay các vấn đề liên quan đến Trung Quốc là việc hết sức nhạy cảm... thì cũng đủ thấy bản lĩnh và sự hèn nhát của các nhà lãnh đạo Việt Nam tới cỡ nào? Nhiều người đã phải đặt câu hỏi rằng, không hiểu họ ăn gì của Trung Quốc mà họ sợ người ta đến như thế?
Vẫn là chuyện của Hun Sen ở Campuchia trước đây ít lâu.
Theo tờ Khmer Times ngày 23/6/2016 đưa tin, trung tuần tháng 6 Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bị công an tỉnh Koh Kong bắt dừng xe và nhận một biên lai phạt 15.000 riel (khoảng gần 4 USD) vì lỗi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Tất nhiên là qua các hình ảnh vụ việc này trên mạng đã cho thấy đây là một việc hoàn toàn dàn dựng, nhằm PR cho Thủ tướng Hun Sen nhằm giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân Campuchia. Cái lớn nhất cho thấy là, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Thủ tướng cũng như người dân thường. Sai là phạt.
Ở Campuchia là thế, còn ở Việt Nam mình thì sao?
Theo tin từ trang website của Chính phủ, trước khi dự Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam, chiều tối ngày 8/8/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi bộ, trò chuyện với du khách, người dân ở Phố cổ Hội An.
Đoàn xe của TTg Nguyễn Xuân Phúc và đòan tùy tùng hàng chục chiếc chạy vào phố đi bộ ở Hội An
Tuy nhiên trên mạng xã hội đã có nhiều hình ảnh và bình luận về sự kiện này, khi cho rằng, trong chuyến đi dạo Phố cổ Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tùy tùng đã cho hàng chục chiếc xe ô tô do xe cảnh sát dẫn đường chạy trong các tuyến phố đi bộ, vốn là trục đường đã có lệnh cấm phương tiện cơ giới: ô tô, xe máy. Không chỉ thế, sau đó đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chiếm lĩnh toàn bộ khu vực để dạo chơi, làm ảnh hưởng đến đời sống du lịch bình thường nơi đây.
Người ta đặt câu hỏi rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng một quốc gia mà còn không tôn trọng và không nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, tự cho mình một đặc quyền như thế thì liệu quốc tế và người dân đánh giá thế nào về việc chấp hành pháp luật của các quan chức ở Việt Nam? Nếu trước pháp luật tất cả mọi người đều bình đẳng, vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tùy tùng của ông đã vi phạm pháp luật giao thông, ông sẽ có hành xử thế nào để trả lời công luận?
Xin được nhắc lại, ngày 26/7/2016 phát biểu trong Lễ tuyên thệ nhậm chức cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng "Với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hàn/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương"
Không có lẽ, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tuyên thệ trước "cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, và đồng bào, cử tri cả nước" vừa được có 10 ngày mà ông đã quên mất sao?
Trên mạng facebook, có một người viết một status bình về vụ việc của vị tân Thủ tướng và đoàn tùy tùng của ông vi phạm luật giao thông ở Hội An khá thú vị và kèm theo lời bình "Khỉ không bao giờ có thể thành Người" như sau, xin được trích lại:
Khỉ lòi đuôi: Trong truyện Tây du ký có một chi tiết rất thú vị Tôn Ngộ Không biến thành một ngôi chùa nhưng vì vốn là khỉ có cái đuôi ko biết giấu vào đâu nên phải biền thành cột cờ ở ... sau chùa. Và vì vậy mà bị quan Nhị Lang thần phát hiện.
Tóm lại đã là khỉ thì có bắt chước kiểu gì thì vẫn lòi cái đuôi ra
Một phụ nữ Campuchia gốc Việt, mà chúng tôi tình cờ gặp trong một quán nhậu ở khu vực Tô Sanh, nơi được mệnh danh là tiểu Sài Gòn ở thủ đô Phnom Penh, khi kể về cô con gái của mình học nói tiếng Việt. Chị say sưa kể lại với vẻ mặt và giọng nói hồ hởi, đầy tự hào rằng, "Câu nói tiếng Việt đầu tiên đủ nghĩa của con em là "Tôi yêu Việt Nam!" và điều này được chị nhắc đi nhắc lại trong bữa ăn.
Nhiều lần, khi nghĩ lại câu nói "Tôi yêu Việt Nam!" phát ra từ miệng của một đứa bé Việt kiều thế hệ thứ 3 ở Campuchia được nghe kể lại tối hôm đó, tôi nhiều lần cũng thầm hỏi lòng mình rằng, tôi còn yêu Việt nam như lời đứa trẻ kia nói không?
Qua những chuyện nhỏ nêu trên thì có lẽ tôi phải đổi câu hỏi cho mình rằng, tôi còn đủ kiên nhẫn để yêu Việt Nam quê hương tôi nữa hay không?
Ngày 09/08/2016
© Kami
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét