Nạn sưu cao thuế nặng ở Thanh Hóa
Đăng bởi Hai Hoang Van on Chủ Nhật, ngày 28 tháng 8 năm 2016 | 28.8.16
Trẻ em đi thồ hàng trên đường Trường Sơn, Thanh Hóa.
Thời gian gần đây, sự vụ dân nghèo các tỉnh Bắc miền Trung bị bóc lột bằng kiểu thu thuế của nhà cầm quyền địa phương là thông tin nổi cộm trên các trang mạng xã hội và các báo.
Riêng Thanh Hóa là tỉnh có nhiều gia đình thuộc diện nghèo nhất nước và là một trong những tỉnh nhận lượng gạo cứu đói từ chính phủ cao nhất nước.
Thế nhưng, người dân nơi đây phải gồng lưng để đóng các khoản phí do cán bộ làng, cán bộ xã và cán bộ huyện đặt ra. Số tiền phải đóng mỗi năm nhiều đến nỗi người già thì trông được mau chết còn người trẻ thì không dám đẻ con.
Nhiều khoản thuế vô lý
Ông Lại, một nông dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, chia sẻ: “Ngoài đây thì nhiều thứ thu lắm. Cũng nhiều người phản đối rồi nhưng không được gì. Nó thu nhiều khoản thế nhưng không biết có làm được trò trống gì từ mấy khoản thu đó không.”
Ông Lại cho biết thêm là đời sống của gia đình ông hiện tại rất khó khăn bởi thu nhập hằng tháng không có gì ngoài một sào ruộng 460 mét vuông và một cái chuồng với lợi tức mỗi tháng chưa đến hai trăm ngàn đồng sau khi khấu trừ mọi thứ chi phí bỏ ra. Và số tiền chưa tới hai trăm ngàn đồng này không bao giờ đủ để đóng các khoản phí do làng, xã và huyện đặt ra.
Ngoài đây thì nhiều thứ thu lắm. Cũng nhiều người phản đối rồi nhưng không được gì. Nó thu nhiều khoản thế nhưng không biết có làm được trò trống gì từ mấy khoản thu đó không.
- Ông Lại
Ông cho biết thêm là không riêng gì ông, tình trạng của chị Toàn, em họ của ông ở làng bên cạnh mới đáng sợ, chị này làm nghề đan nón lá, quanh năm ôm mảnh ruộng vài trăm mét vuông, chồng đi phụ hồ, bữa được bữa mất vì công việc không ổn định. Mỗi kì đóng thuế cho làng, xã, gia đình chị Toàn phải chạy vay chạy mướn để đóng. Nợ nần chồng chất mà vay cũng chẳng được để mà trả gối đầu bởi trong làng ai cũng nghèo giống ai, chẳng có dư giả để cho mượn.
Không có tiền để đóng các khoản phí, khất nợ cũng không xong, cuối cùng, nhà chỉ còn chiếc giường để ngủ, làng lập biên bản tịch thu nốt chiếc giường để trừ thuế. Mặc cho gia đình chị Toàn khóc lóc van xin, làng vẫn cứ thu chiếc giường về trên nhà văn hóa làng, bỏ mặc mưa nắng. Đến khi nào đóng đủ thuế thì mới được nhận chiếc giường về ngủ.
Ông Lại nói rằng có một chuyện hết sức vô lý ở đây là các khoản thuế này không được công khai, không được niêm yết để người đóng đọc và hiểu được ý nghĩa của việc mình đóng thuế. Hơn nữa, trong một cái xã nhỏ xíu như xã Trường Sơn mà bộ máy cán bộ quá cồng kềnh, từ bộ máy cán bộ làng đã lên vài chục người, đến thôn thì cả trăm người và lên đến xã, cộng tất cả cán bộ lại có thể lên tới cả ngàn người gồm cán bộ có biên chế và cán bộ cộng tác. Trong đó, cán bộ cộng tác chiếm từ 70% đến 80%, họ là những người hăng hái, sẵn sàng làm mọi chuyện theo lệnh của cấp trên.
Mà lệnh của cấp trên ở đây là gì? Ông Lại nói rằng đây là lệnh bóc lột, bởi chỉ có bóc lột mới đủ nuôi số lượng cán bộ nhiều đến mức lúc nhúc trong xã như vậy. Ông nói rằng chọn làm cán bộ cộng tác giống như một kiểu giải quyết thất nghiệp ở đây. Và sau khi thoát được nạn thất nghiệp, người ta lại nghĩ đến chuyện làm giàu. Chính vì ham muốn làm giàu nhanh của đám cán bộ này mà người dân phải khổ chứ chẳng có luật hay chính sách nhà nước cấp tỉnh, cấp trung ương nào lại cho thu thuế vô tội vạ, cho cán bộ bóc lột dân như đang thấy!
Không đóng thì không yên
Nuôi vịt ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa. RFA photo
Anh Hội, một nông dân khác ởi xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, chia sẻ: “Ở chỗ em thì đóng nhiều khoản lắm, theo đầu người khoảng 7 đến 8 triệu, vậy nhưng mọi nơi có một triệu mỗi người thôi, vụ làm đường bê tông thôi đó. Ở đây nhiều khoản đóng vô lý lắm! Biết là nhà nước không bắt đóng đó, nhưng ở đây họ cứ bắt đóng. Nhưng mình không dám nói, như nhà em làm có 4 sào ruộng nhưng đến cuối mùa thì đóng hơn 1 triệu thuế nước, thuế ruộng. Vậy thì người dân làm sao làm được gì. Nhiều khoản khác nữa, thu phí trẻ em, thanh niên. Không đóng thì nó ghi nợ cuối mùa thu, lên xã làm giấy tờ gì nó làm khó lắm, không được với nó đâu. Xã em nhiều cán bộ lắm. Nói thật là bây giờ thằng quan nào chẳng tham, mình làm dân đen đâu có làm được gì.”
Anh Hội cũng cho chúng tôi biết một số thống kê chi tiết về các khoản nộp từ thông báo của các thôn ở xã Minh Lộc thông báo công khai về việc thu tiền nhân dân đóng góp phục vụ phong trào văn hóa xã hội, thanh thiếu niên, vui trại hè bóng đá hằng năm. Các mục thu gồm: Thu quỹ thiếu niên, bóng đá: 30.000đ/người/năm; Phúc lợi xã hội 20.000đ/người/năm, quỹ thôn làng văn hóa 20.000đ/người/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/người/năm, quỹ họp dân là 50.000đ/gia đình/năm.
Không đóng thì nó ghi nợ cuối mùa thu, lên xã làm giấy tờ gì nó làm khó lắm, không được với nó đâu. Xã em nhiều cán bộ lắm.
- Anh Hội
Vị chi một gia đình có sáu người phải nộp 540 ngàn đồng cho những khoản chi phí mà người ta không biết nó sẽ được dùng làm gì, số tiền đó đi về đâu. Bức xúc hơn, trẻ em vừa mới lọt lòng, cứ đi đăng ký khai sinh, có tên trong hộ khẩu là phải nộp phí như người lớn. Tất cả các cháu nhỏ trong xã đều như vậy.
Nhiều người không biết thôn thu như thế nhưng chi như thế nào. Từ quỹ thiếu niên, bóng đá 30.000đ/người/năm nhưng mỗi khi có tổ chức lễ hội, có bóng đá hay hội hè thì cán bộ thôn lại mang sổ đi vận động từng nhà kêu gọi đóng góp. Và một khi họ đã đi kêu gọi thì không đóng góp cũng không được bởi ai không đóng góp thì bị làm khó dễ về sau này.
Về khoản thu có tên “phúc lợi xã hội” 20.000đ/người/năm, nhiều người không hiểu là chi vào cái gì. Một bí thư chi bộ thôn trong xã Minh Lộc cho hay việc thu này đã được thông qua từ trung ương tới địa phương và những người nào không đóng là do không hiểu chính sách, do không biết pháp luật.
Một người dân ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc không muốn nêu tên, bức xúc: “Có nhiều khoản vô lý lắm, người dân rất thắc mắc. Ở xã khác thì không biết nhưng ở đây sẽ ghi nợ tồn đọng để khi có tiền hoặc đến mùa sau thì đóng, khó sống. Một năm đóng mấy triệu đồng!”
Người này cho rằng cách thu thuế, thu phí của chính quyền đại phương hiện tại chẳng khác nào kiểu bóc lột tàn bạo nhất thời phong kiến. Nghĩa là trong thời phong kiến, cũng có nơi thu sưu tô vừa phải, dân có cái để sống, cũng có nơi bóc lột tận xương tủy bởi các quan tham. Rất tiếc, hiện tại đang là thế kỉ 21, khoảng cách để trở về thời phong kiến nghe ra xa lắc xa lơ nhưng cách bóc lột thì thiếu điều còn cái quần cũng phải nộp.
Người này đưa ra kết luận, nếu như những năm trước 1975, người Thanh Hóa đã góp công vào công cuộc tiến vào miền Nam, chiếm Sài Gòn. Thì hiện tại, dân Thanh Hóa, đặc biệt là dân ở xã Minh Lộc lại một lần nữa phải ăn rau má phá đường tàu để mà nộp sưu thuế. Suy cho cùng, trước hay sau 1975 thì người Thanh Hóa vẫn đón nhận những tai ương do chính quyền mang lại. Và làm quan bao giờ cũng ăn trên ngồi trốc, bóc lột ngang nhiên, làm dân bao giờ cũng chịu bóp nghẹt trong vòng kim cô của giới quan lại tham lam, tùy tiện. Đó là một sự thật!
Nghe người này nói xong, chúng tôi chỉ biết im lặng chào tạm biệt ông, tạm biệt những ngôi nhà trống huơ trống hoác vì sưu tô thời hiện đại, tạm biệt những trụ sở làng, thôn, xã lúc nhúc quan lại đang sẵn sàng đến từng nhà để bóc lột theo đúng nghĩa của chữ này!
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét