Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Lấy lại 21 ha đất quân sự để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất


Lấy lại 21 ha đất quân sự để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất
Reply
news
1.9.16
SBTN


Đó là một nội dung đáng chú ý của phó thủ tướng CSVN Trịnh Đình Dũng, trong văn bản có tên “Thông báo số 260/TB-VPCP”, ký ngày 29-8-2016 và báo chí được biết trong ngày 31-8.



Khu vực Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc phòng CSVN dự kiến chuyển giao cho phía dân sự. (Ảnh: L. Nam)


Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo Bộ Quốc phòng CSVN cho biết đã đồng ý phương án để Bộ Giao Thông Vận Tải đầu tư mở rộng, khai thác khu bãi đáp quân sự cho hoạt động hàng không dân dụng, tại khu đất 21.3 ha ở phía tây phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất.
Khi khu đất này được quy hoạch làm sân bãi đáp của máy bay với 30 vị trí đậu, cùng việc mở rộng sân đậu ở phía bắc (khoảng 8 vị trí), phi trường Tân Sơn Nhất sẽ được khoảng 90- 100 vị trí đậu, nâng công suất phục vụ cho khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm.
Các bộ phận liên quan của quân đội dự kiến chuyển đến sân bay quân sự Biên Hòa và Cam Ranh (Khánh Hòa).
Hiện nay, có người nói vui rằng nếu nhìn từ bản đồ không ảnh, phi trường Tân Sơn Nhất hệt như khám Chí Hòa, chỉ có đường vào, không có đường ra. Thực tế thì từ lâu, phi trường Tân Sơn Nhất đã kẹt cứng từ sân đậu, bầu trời, đến giao thông xung quanh.
Lạ kỳ là đất để giải thoát tạo “sinh lộ” cho sân bay không có, nhưng lại sẵn hàng trăm héc-ta đất để Bộ Quốc phòng CSVN mở sân golf, khách sạn, nhà hàng trong khuôn viên phi trường Tân Sơn Nhất.
Đáng chú ý, là số diện tích đất mà Bộ Quốc phòng CSVN chiếm giữ ở phi trường này lên tới 157 héc-ta. Có thể nói, mọi kỳ vọng về một giải pháp cho phi trường Tân Sơn Nhất đều phụ thuộc vào việc phía quân đội có chịu trả lại đất hay không, còn hứa giao thì họ đã hứa nhiều lần rồi.
Ông Lê Trọng Sành, cựu trưởng phòng Quản lý bay, phi trường Tân Sơn Nhất, nói rằng hiện nay, các chướng ngại vật của phi trường Tân Sơn Nhất đều nằm cách tâm sân bay từ 3 – 10 km (như nhà thờ Gia Định cao 32m nằm cách 6.5 km, nhà thờ Đức Bà cao 46m cách gần 5 km, nhà thờ Tân Định cao 51m cách 4.8 km, khách sạn Caravelle cao 100m cách 7 km…). Trong khi khu dịch vụ sân golf của Bộ Quốc phòng CSVN cao 50m lại nằm cách chưa đầy 1 km.
Chướng ngại vật không chỉ có thể ảnh hưởng đến an toàn bay, mà còn có thể hạn chế hoạt động của các đài, trạm thông tin, radar dẫn đường hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời…
Sau khi thực hiện một cuộc khảo sát về tác động môi trường trong việc để tồn tại sân golf với phi trường Tân Sơn Nhất và khu vực lân cận, tiến sĩ sinh học Nguyễn Đăng Diệp, Phó Giám Đốc Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học Nông Nghiệp, đã cảnh báo rằng: “Người dân sống xung quanh sân golf Tân Sơn Nhất phải hứng chịu gần 200 tấn chất độc hàng năm. Con số này khiến chúng tôi giật mình kinh hãi, không ngờ lượng thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất lại nhiều đến thế. Sức khỏe của người dân Sài Gòn đang bị đe dọa từng ngày từng giờ, trong khi sân golf vẫn trơ như đá, thách thức dư luận”.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét