Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Những bộ cảnh phục và sự lạm quyền


Những bộ cảnh phục và sự lạm quyền

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 01 tháng 9 năm 2016 | 1.9.16


Tại sao trong xã hội Việt Nam hôm nay có quá nhiều lực lượng mặc đồng phục thiết kế y hệt hoặc na ná với bộ cảnh phục - quân phục như vậy? Những bộ đồng phục này cũng có cấp hàm, phù hiệu, lễ phục... Tư duy này cho thấy họ xem những bộ cảnh phục là đại diện cho sức mạnh tuyệt đối đối với người dân.






Chỉ trong vài tuần, dư luận trở nên ồn ào với những vụ việc bị cho là lạm quyền của công an. Từ vụ "mời" mà như bắt cóc cha và đứa con gái 4 tuổi cho đến việc nửa đêm cạy cửa nhà dân để "tịch thu" máy tính. Không phải lần đầu tiên những người mặc cảnh phục bị phàn nàn là lạm quyền dù họ đang mặc trên người bộ đồng phục đại diện cho sức mạnh pháp luật.


Viết đến đây, tôi chợt nảy ra câu hỏi, tại sao trong xã hội Việt Nam hôm nay có quá nhiều lực lượng mặc đồng phục thiết kế y hệt hoặc na ná với bộ cảnh phục - quân phục như vậy?


Trong bất kỳ đất nước nào cũng duy trì hai bộ máy vũ trang là quân đội và cảnh sát. Quân đội để bảo vệ đất nước còn cảnh sát để gìn giữ trật tự xã hội, một bên là đối ngoại và bên kia đối nội. Bộ quân phục -cảnh phục luôn cần chỉnh tề, nghiêm cẩn để đại diện cho sức mạnh của nhà nước, đối với quân đội, và sức mạnh của pháp luật, với cảnh sát.


Người dân cho phép những lực lượng này khoác lên mình những bộ đồng phục để thể hiện tính chính danh đối với quyền lực được giao để bảo vệ xã hội.


Thế như nhiều khi không hiểu những lực lượng thuần tuý dân sự như Thanh niên Xung phong, Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, Kiểm sát viên (Viện Kiểm Sát)... tại sao vẫn phải ăn mặc những bộ đồng phục y hệt như của lực lượng bán quân sự là cảnh sát? Những bộ này cũng có cấp hàm, phù hiệu, lễ phục... Tư duy này cho thấy họ xem những bộ cảnh phục là đại diện cho sức mạnh tuyệt đối đối với người dân.


Lẽ nào vì vậy mà một bộ phận những người mặc cảnh phục, những con sâu làm rầu nồi canh tự cho họ cái quyền hành xử bất chấp cả quy định luật pháp như trong các trường hợp kể trên? Không thể biện minh cho việc làm sai pháp luật của lực lượng công an quận Hai Bà Trưng trong vụ "bắt cóc" diễn ra ở Bình Thuận được. Trên mạng xã hội, một luật sư đã phân tích các hành động này và thậm chí gọi đó là "vi hiến". Hệ thống pháp luật chúng ta đầy đủ những quy định để vận hành một xã hội theo hướng pháp quyền.Tuy nhiên, điều băn khoăn là ai sẽ giám sát những người thực thi luật pháp khi họ nắm trong tay quyền bắt người, điều tra, giam giữ lẫn quyền ngôn luận.


Người dân tin tưởng trao cho lực lượng công an sức mạnh thông qua bộ cảnh phục, nó mạnh đến nỗi các lực lượng dân sự lẽ ra nên mặc quần tây áo sơ mi cho đẹp mắt thì vẫn cố khoác lên bộ đồng phục na ná.


Sự "sùng bái" đối với quyền lực mà những bộ cảnh phục đại diện cho thấy đâu đó trong xã hội này đang chấp nhận rằng đó là thứ quyền lực mạnh nhất. Điều này đi ngược lại với mọi định nghĩa về một xã hội dân chủ, ở đó hành pháp chỉ là một nhánh quyền lực và phải bị giám sát chặt chẽ.


Từ những bộ đồng phục tưởng không liên quan đến sự lạm quyền nhưng chúng ta bỗng nhận ra đâu đó trong bộ máy nhà nước vẫn có những quan niệm coi sức mạnh của lực lượng công an là cao nhất để phải ăn mặc na ná.


Phải hiểu rằng để chống lạm quyền không chỉ là xử lý từng trường hợp vi phạm mà phải cho những người mặc cảnh phục hiểu rằng bộ đồ của họ chỉ đại diện cho một nhánh quyền lực của nhà nước và phải bị giám sát bởi những nhánh sức mạnh khác.


Tất cả những nhánh quyền lực này đều phải cúi đầu trước một sức mạnh duy nhất: Hiến pháp.

Nguyễn Trung Bảo

(Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét