Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Lời xin lỗi của thủ tướng CSVN và những câu hỏi khác dành cho ông


Lời xin lỗi của thủ tướng CSVN và những câu hỏi khác dành cho ông

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2016 | 18.8.16


Tại hội nghị về cải cách hành chính sáng ngày 17/8/2016, thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập chuyện đoàn xe tháp tùng ông đi vào đường cấm ở phố cổ Hội An vừa qua, và nhận khuyết điểm này có trách nhiệm của thủ tướng.



Ông Phúc còn thiếu rất nhiều lời xin lỗi khác. (Hình: Thanh Niên)

Ông Phúc giải thích thêm là khi ông đi bộ vào khu phố đi bộ cả cây số, ô tô đi phía sau đi vào đường cấm, ông không biết nhưng vẫn nghiêm khắc nhìn nhận: “Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt. Và thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”.


Có thể ghi nhận rằng, đã rất lâu rồi mới có một quan chức cao cấp thể hiện lời xin lỗi một cách công khai, liên quan trực tiếp đến một việc và phần hành trách nhiệm cụ thể của mình.


Trước lời xin lỗi của ông Phúc, đã có khá nhiều lời xin lỗi khác của giới quan chức. Nhưng tuyệt đại đa số đều chung chung, và liên quan đến nhiều vấn đề chứ không thuộc một hành vi trách nhiệm của mình.


Trào lưu “xin lỗi” có thể đã khởi động từ năm 2011, khi tân chính phủ của thủ tướng CSVN nhiệm kỳ 2 Nguyễn Tấn Dũng cố gắng tạo nên một gương mặt hoa mỹ trước bàn dân thiên hạ. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy Thủ tướng Dũng ra trước Quốc hội để xin lỗi về một nhiệm vụ tổng quát nào đó, chẳng hạn như trách nhiệm điều hành kinh tế - xã hội. Cũng thỉnh thoảng, vài ba bộ trưởng bắt chước Thủ tướng Dũng để “xin lỗi”. Tuy vậy sau nhiều lần lặp đi lặp lại, báo chí nhà nước và giới chuyên gia đã phải sốt ruột: “Xin lỗi nhưng rồi làm gì nữa?”.


Thực ra đã chẳng làm gì cả! Nhiều lời xin lỗi đã được phát ra như một thứ một mị dân chính trị. Còn sau đó mọi việc vẫn như cũ và ngày càng tệ hơn.


Sau vụ đoàn xe công của thủ tướng Phúc lừ lừ tiến vào đường chỉ dành cho người đi bộ ở Phố cổ Hội An, dư luận xã hội đã phản ứng và chỉ trích sôi động thói quan quyền và coi thường văn hóa của giới quan chức. Nhưng vài tờ báo nhà nước đã cố gắng lấp liếm khi cho rằng xe công đi vào đường cấm là do “được ưu tiên”, và thủ tướng Phúc đã xuống đi bộ chứ không ngồi trên đoàn xe công ấy. Cũng rất ít dư luận cho rằng ông Phúc sẽ đưa ra một lời xin lỗi công khai như ông đã làm vào ngày 17/8 vừa qua.


Với lời xin lỗi công khai và liên quan cụ thể đến trách nhiệm của mình về vụ xe công và đường cấm Hội An, đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm một hành động can đảm và có tính liêm sỉ. Ít ra điều này cũng tạo nên sự khác biệt đáng kể với đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bị coi là “phá chưa từng có” trước đó; và một phần lớn giới quan chức trung – cao hiện thời không còn biết liêm sỉ là gì.


Câu hỏi còn lại được dành cho Thủ tướng Phúc là: một khi đã xin lỗi việc xe công vào đường cấm, đến bao giờ Thủ tướng Phúc sẽ nhân danh chính phủ để đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ “cá chết Formosa”, lời giải thích về nguồn cơn của con số 500 triệu USD bồi thường của Formosa. Và trên hết, là công khai một kế hoạch cụ thể của chính phủ về hàng loạt việc cần phải làm như bồi thường thỏa đáng cho ngư dân bị thiệt hại, truy tố giới lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh và những quan chức Việt Nam có liên quan về công tác điều hành quản lý.


Ông còn phải thay mặt cho cả bộ công an xin lỗi những người biểu tình đã bị công an và “côn đồ” đánh đập tàn tệ, chỉ vì dám xuống đường hô hào bảo vệ môi trường biển…


Chỉ làm được thế, ông Phúc mới bắt đầu cho dân thấy “chính phủ kiến tạo” của ông không chỉ là một khái niệm thùng rỗng.


Lê Dung


(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét