Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Thấy gì qua vụ Trịnh Xuân Thanh?


Thấy gì qua vụ Trịnh Xuân Thanh?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Hai, ngày 15 tháng 8 năm 2016 | 15.8.16


Trong khi “đại án” Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ngân hàng VNCB diễn ra trước tòa sơ thẩm, Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị báo chí quốc doanh đưa lên bàn mổ với nhiều dữ kiện vốn bị che giấu từ ở cương vị người lãnh đạo Công Ty PVC.



Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng của Nguyễn Tấn Dũng cũng không chạy thoát được tấm lưới do phe cánh Nguyễn Phú Trọng giăng ra

Ngay khi vụ bảng số xe Lexus màu trắng màu xanh nổi lên, đích thân ông Nguyễn Phú chỉ thị đến 9 cơ quan trung ương vào cuộc điều tra nhân vật lâu nay gần như mai danh ẩn tích ở một tỉnh miền Tây. Thế là từ câu chuyện chiếc xe Lexus tư mang biển số xanh tưởng đâu nhỏ, đảng đã moi ra vụ thất thoát 3.200 tỷ đồng ở Tổng công ty PVC mà không hiểu sao lúc đó trách nhiệm của ông Thanh được êm thấm bỏ qua.


Số tiền hơn 150 triệu Mỹ Kim bốc hơi ấy nằm trong thời kỳ 4 năm ông Trịnh Xuân Thanh là lãnh đạo cao nhất ở Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC).


Giống như hầu hết các doanh nghiệp nhà nước ồn ào nhưng làm ăn bê bối khác trong thời gian bùng nổ những quả đấm thép, PVC dưới sự điều hành của ông Thanh đã lao vào lối kinh doanh lời giả lỗ thật, đầu tư vô hiệu quả đưa đến kết quả tiền mất tật mang.


Một doanh nghiệp đã từng nhận “huân chương lao động hạng nhất’’ nhưng cuối cùng lại là đơn vị làm mất trắng hàng ngàn tỷ đồng. Một trong những chuyện lem nhem điển hình của PVC trong thời gian này mới bị phanh phui là nhân dịp “sinh nhật của bố sếp”, một công ty vệ tinh của PVC đã mạnh tay chi trên 500 triệu để mua quà tặng cho bố ông Thanh. Lối chi tiêu tiền nhà nước như tiền âm phủ này không phải chỉ có ở đại gia đình PVC mà hầu hết các đơn vị kinh tế quốc doanh đều chung sách vở.


Khi nội vụ vỡ lở, ông Thanh đường hoàng về làm Vụ trưởng ở Bộ Công Thương rồi được ai đó cho “luân chuyển” ra giữ chức vụ Phó chủ tịch Hậu Giang… chuẩn bị lên Trung ương nhiệm kỳ tới.


Con đường ngoằn ngoèo của Phó chủ tịch Hậu Giang tưởng đâu sắp đến đích, ngờ đâu chiếc xe Lexus đã hại đời Trịnh Xuân Thanh, gặp lúc ông Trọng muốn tìm một “con dê” tế thần.


Qua vụ Trịnh Xuân Thanh, có thể thấy rồi đây Thanh sẽ là người bị quy trách nhiệm làm thất thoát 3.200 tỷ đồng ở PVC. Điều này cũng không làm ai ngạc nhiên vì trước PVC đã từng có vụ Vinalines thất thoát 10.000 tỷ với Dương Chí Dũng rồi được móc về Cục Hàng Hải nhưng rốt cuộc cũng ra tòa lãnh án.


Lần này Trịnh Xuân Thanh cũng hạ cánh không an toàn, mặc dầu đã bị đẩy ra khỏi quốc hội và chức phó chủ tịch tỉnh. Nhưng ai là người đã bao che cho Trịnh Xuân Thanh thoát khỏi vụ án 3.200 tỷ và ai đưa Thanh an toàn về Bộ Công Thương cũng như về làm Phó chủ tịch Hậu Giang?


Cho truy kích Trịnh Xuân Thanh tới cùng, rõ ràng Nguyễn Phú Trọng muốn chứng minh ba điều:


- Con đường công danh của Trịnh Xuân Thanh là cả một phe nhóm vây quanh và qua đó ông Trọng muốn chứng minh Trịnh Xuân Thanh là một mắc xích của “lợi ích nhóm” mà ông Trọng sáng tạo vào năm 2012 để chỉ bầy sâu tham nhũng ở trong đảng. Không thể một mình Trịnh Xuân Thanh có thể làm thất thoát 3.200 tỷ đồng ở PVC rồi sau đó lại được đề bạt về làm cán bộ ở Bộ Công Thương. Đó là nói về mắc xích ở Trung Ương. Sau khi “luân chuyển” về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch, Trịnh Xuân Thanh còn được đưa ra làm Đại biểu Quốc hội cho thấy là mắc xích ở địa phương đã giúp Trịnh Xuân Thanh rất đắc lực. Những mắc xích này, nói theo ngôn ngữ của đảng chính là “đúng quy trình” mà Thanh đã dùng số tiền thất thoát 3.200 tỷ đồng ở PVC để nối kết nó.


- Bộ Công Thương dưới trào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính là cái nôi sinh ra lợi ích nhóm vì đây là bộ nắm quyền quản lý 11 tập đoàn và tổng công ty lớn nhất như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn than khoáng sản, Tồng công ty Bia Rượu vân, vân… Nguyễn Phú Trọng thừa biết đây là nơi toàn quyền ban phát và chia chác quyền lợi cho các phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng, vì theo luật định, Thủ tướng là người tổng chỉ huy và quản lý nhân sự, kinh doanh các Tập đoàn và Tổng công ty. 5 năm qua, ông Trọng chưa đụng được “sợi lông chân” của ông Dũng, có lúc còn phải ngậm đắng nuốt cay rơi nước mắt với “đồng chí X”. Giờ đây phải chăng là lúc Trọng trả lại món nợ cũ?


- Dưới thời tái cơ cấu nền kinh tế do Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, sự lớn mạnh của lợi ích nhóm đã khiến cho mục tiêu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trở nên khó khăn. Dưới tác động của lợi ích nhóm, một mặt ra vẻ đề cao, thúc đẩy việc cổ phần hóa theo chỉ tiêu, một mặt trì hoãn để tiếp tục thủ lợi. Không có gì khó hiểu khi việc sắp xếp lại lề lối kinh doanh của các công ty nhà nước đồng nghĩa với việc đụng tới quyền lợi của các nhóm lợi ích. Bằng cách này hay cách khác, chúng ngăn chặn, kéo lùi thời gian, tráo trở bòn rút cho đến khi công ty chỉ còn là một xác chết vô giá trị mới chịu buông ra.


Ngoài một Trịnh Xuân Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng của Nguyễn Tấn Dũng cũng không chạy thoát được tấm lưới do phe cánh Nguyễn Phú Trọng giăng ra sau đại hội 12. Vũ Huy Hoàng được đánh giá là người nắm quyền sinh sát, cùng với các đơn vị trong tay mình vung tay tiêu tiền làm giàu bất chính cho phe cánh. Moi ra Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng, mục đích của ông Trọng là muốn từng bước quy trách nhiệm cho Nguyễn Tấn Dũng và có thể Trọng sẽ kéo Dũng ra trước vành móng ngựa về tội sản sinh và nuôi dưỡng "lợi ích nhóm".


Điều này người ta thấy rõ ràng hơn khi mới đây, ngày 6 tháng 8, trong lúc tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ mẻ lưới của mình. “Trịnh Xuân Thanh là một thí dụ thôi mà đã liên quan nhiều thứ lắm. Đang quyết tâm làm, chúng tôi đã nói nhiều lần, làm có bước đi chắc chắn, chặt chẽ thận trọng hiệu quả, và phải giữ được ổn định để phát triển đất nước. Bởi vì sau vụ này còn liên quan người khác”.


“Sau vụ này còn liên quan người khác”. Lời khẳng định của ông Trọng hứa hẹn những màn thanh trừng nội bộ đang được sắp xếp chặt chẽ và số phận Nguyễn Tấn Dũng trong tương lai sẽ không có gì sáng sủa.


Phạm Nhật Bình


(CTM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét