Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Phong cách Thủ tướng?


VNTB- Phong cách Thủ tướng?
Reply
forums, Phong cách Thủ tướng?, Thiên Điểu, VNTB
12.8.16
Thiên Điểu


(VNTB) - Một Thủ tướng chỉ với mấy tháng nắm quyền đã phác họa đầy đủ một phong cách lãnh đạo ngẫu hứng hơn cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn cả ông Dũng ở khía cạnh công khai không cần luật ở mọi lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi (!)



Ông Phúc “gây bão” khi dẫn bầu đoàn binh tướng với hàng chục xe hộ tống diễu hành ngay trên tuyến phố chỉ dành cho người đi bộ ở Hội An.


Chính thức nắm quyền điều hành Chính phủ hơn 4 tháng và chính thức “được bầu” là người đúng đầu Chính phủ hơn 2 tháng. Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thể hiện khá nhiều dấu ấn riêng về phong cách lãnh đạo của mình.


Nếu bỏ qua những phát ngôn mang tính khẩu hiệu của Đảng vốn đã có từ lâu nay, những việc đã nằm trong kế hoạch được Đảng vạch ra từ trước khi ông ngồi vào ghế Thủ tướng. Bỏ qua các chế giễu của dân mạng về ngoại hình của ông, người dân Việt Nam đã kịp nhìn thấy ở ông khá nhiều thứ khác.


Điều đầu tiên mang dấu ấn mạnh mẽ chính là cách xử lý rất “khôn khéo” qua vụ Formosa. Đầu tiên là những phát ngôn và chỉ thị có thể nói rất mạnh miệng, đầy trách nhiệm trong thời gian ông mới nắm quyền nhưng chưa qua bầu cử. Khi đó, người dân đã đã cảm thấy vừa tin vừa nghi hoặc không biết ông có “xử” nổi vụ Formosa hay không(?) Câu trả lời đã sớm minh bạch khi ông chỉ đạo tha bổng cho thủ phạm phá hoạt nghiêm trọng môi trường, gây thiệt hại nghiêm trọng kinh tế đất nước, cố ý giết người (đã có người chết vì nhiễm độc nhưng không được thừa nhận) bằng cách cho nộp phạt như một hình thức xử lỗi vi phạm hành chính thông thường.


Khoản đền bù trị giá 500 triệu dollar mà Chính phủ do ông lãnh đạo tự ý thỏa thuận không qua bất cứ ý kiến của bên bị hại nào thông điệp về cách điều hành Chính phủ không cần tuân thủ Bộ luật hình sự và Luật bảo vệ môi trường đang có hiệu lực. Sâu xa hơn là vi hiến khi không cần đến ý kiến của Quốc hội trong một vụ có mức ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến mức chưa thể đánh giá được thiệt hại và ảnh hưởng tới đời sống xã hội như thế nào dù chỉ là ở mức tương đối.


Để biện minh cho vụ Formosa, ông đã tặng ngay cho dân cả thùng nước lạnh khi trả lời chất vấn của cử tri là “đem ra truy tố cũng không bắt được, không thu tiền được..” (!?) Trong câu trả lời này, nó không chỉ ra cái cách xử lý của ông dựa trên cái lý lẽ mà dân gian gọi là “khôn lỏi” mà còn chỉ ra cái bất lực của chính quyền trước một “vùng cấm” vô hình mà không luật lệ nào có thể chạm vào. Tiếp theo đó, trước áp lực người dân không ngừng phản đối Formosa ngày càng mạnh mẽ thì Chính phủ điều hẳn một lực lượng quân đội và an ninh hùng hậu tới công khai bảo vệ cho Formosa. Ẩn sau cách xử lý đối với Formosa là một kiểu cách ứng xử vụ lợi hơn là một đối sách mang tầm chính trị.


Trên lĩnh vực kinh tế xã hội, dư luận đang bàn tán về hai vụ thanh tra đình đám được chú ý và cho rằng là chỉ dấu của cuộc chiến chống tham nhũng đang nhắm vào các nhóm lợi ích liên quan cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đó là thanh tra dự án Mỏ Núi Pháo và vụ mua bán AVG (truyền hình An Viên của Mobifone). Dù dự luận đúng hay sai, hai vụ thanh tra này chắc chắn sẽ lại đứng trước những giải pháp thách thức liên quan luật pháp.


Vụ thanh tra Núi Pháo - dự án mỏ có giá trị khai thác lớn bậc nhất nhì về khoáng sản trên đất liền (chỉ thua dầu khí, loại trừ các dự án chỉ có lỗ như Bauxite Tây Nguyên) hiện nay của Việt Nam - được tiến hành dựa trên lý do môi trường. Nhưng với tiền lệ là vụ Formosa đang còn nóng hổi thì không khó đoán mức độ xử lý chắc chắn chỉ dừng ở mức kỷ luật và phạt một khoản tiền nào đó.


Về vụ thanh tra Mobifone, việc mua AVG là phạm vi của luật Thương mại và Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế. Không có lý do gì để xoáy vào cái giá mua bao nhiêu khi Mobifone sau thương vụ này vẫn kinh doanh có lãi. Đây cũng là doanh nghiệp nhà nước được xem là “con gà đẻ trứng vàng” với khoản nộp ngân sách hàng năm thuộc hàng Top nhờ vào chính sách độc quyền lĩnh vực viễn thông. Như vậy, phạm vi phanh phui chắc chắn cũng chỉ loanh quanh ở hóa đơn chứng từ và thuế, từ đó truy ra các trách nhiệm để xử phạt. Nhưng chắc chắn con số sai phạm khó mà lớn hơn các vụ đình đám ở hệ thống ngân hàng hay Vinalines, Vinashin..v.v.


Tất nhiên, cả hai vụ này đều thừa điều kiện để cho phép “thay quân đổi tướng” nhằm chặt đứt nguồn lợi đang chảy về túi một nhóm lợi ích liên quan và giúp thâu tóm về cho bộ máy quản lý của ông chủ mới như nhận xét mà dư luận đang đặt ra. Nó không hẳn là chủ trương riêng của ông Phúc, nhưng chính ông sẽ phải là người chịu trách nhiệm và trực tiếp xử lý mọi việc liên quan. Với cách mà ông đã làm với Formosa, thì với những vụ này, công cuộc chống tham nhũng của ông sẽ tiếp tục chọn cách xử ngoài luật. Đương nhiên, nó cũng như những lát cắt cứa sâu thêm sợi dây sự nghiệp mà ông đã trói buộc sinh mạng mình vào đó.


Ngày 8 tháng 8 vừa qua, tại Thái Bình, Thủ tướng Phúc đã có một chỉ đạo mà dân chúng ví von là “dễ như thò tay vào túi” khi ông chỉ đạo và yêu cầu Tỉnh Thái Bình “Đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 héc-ta đất nông nghiệp của Thái Bình phải đạt từ 400 đến 500 triệu đồng. Mục tiêu này phải chú ý phấn đấu quyết liệt mới thành công, phải phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, HTX tại nông thôn. 5 năm tới, phải nâng gấp 3 lần số doanh nghiệp của tỉnh” (!)


Ở đây, thêm một lần ông Phúc để lộ là một lãnh đạo không hiểu nhiều về nông nghiệp lẫn quản lý kinh tế. Trên một vùng đất nông nghiệp truyền thống, giá trị khai thác nông nghiệp chỉ có thể tăng bởi chính sách vĩ mô áp dụng cho toàn quốc. Giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chứ yêu cầu chính quyền địa phương thì làm sao đạt khi năng suất và chủng loại sản phẩm đã đạt mức tối đa và giới hạn bởi điều kiện canh tác? Về số lượng doanh nghiệp, ông cũng cho thấy không biết gì đến nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là nó phụ thuộc mức độ khai thác thị trường, khả năng đầu tư, khai thác sản lượng và giá trị lưu thông hàng hóa. Chất lượng tăng trưởng kinh tế không liên quan gì tới số lượng các doanh nghiệp. Chỉ đạo và yêu cầu như vậy, vô hình chung khiến những người làm kinh tế đánh giá thấp về ông mà chính nó là lối mòn tư duy lãnh đạo khẩu hiệu, là nguyên nhân đẻ ra vấn nạn quan liêu hành chính, báo cáo láo mà cả xã hội Việt Nam phải gánh chịu từ bộ máy chính quyền từ trước tới nay mà hiện ông mới đảm nhận với tư cách là Tổng tư lệnh.


Có lẽ vì quá nôn nóng muốn gây dựng hình ảnh, ông Phúc tiếp tục phạm một sai lầm gây tranh cãi khi chỉ sau chỉ đạo ở Thái Bình một ngày. Trước khi bước vào tham dự Hội nghị về du lịch ở Quảng Nam, ông Phúc tiếp tục “gây bão” khi dẫn bầu đoàn binh tướng với hàng chục xe hộ tống diễu hành ngay trên tuyến phố chỉ dành cho người đi bộ ở Hội An. Hình ảnh ông xuống xe, nói chuyện, bắt tay với vài người dân ở đây trên báo chí nhà nước rồi cao hứng tuyên bố “tôi đang quảng bá du lịch cho Hội An”, trái ngược với hình ảnh đoàn xe của ông dẫn đến bị dân mạng phê phán khá gay gắt. Việc đoàn xe tháp tùng Thủ tướng di chuyển trên phố là chuyện bình thường, nhưng di chuyển trên phố cấm phương tiện cơ giới tức là phạm luật dù đó chỉ là luật cấp địa phương, vậy nhưng ông lại cao hứng nói “quảng bá cho du lịch” thì khá hài hước nếu không nói là lố bịch. Không lẽ ông muốn “quảng bá” thông điệp về sự tùy tiện, bất chấp luật lệ ở một nơi buộc phải hành xử một cách có văn hóa?


Với hành động này, dư luận cũng mới chỉ dừng lại ở mức thấy cái “chướng” khi Thủ tướng xuất hiện với cả một đoàn xe trên phố đi bộ. Nhưng thành thật mà nói. Nếu xâu chuỗi những gì ông đã làm, đã nói thì phải nói đây chính là ông.


Một Thủ tướng chỉ với mấy tháng nắm quyền đã phác họa đầy đủ một phong cách lãnh đạo ngẫu hứng hơn cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn cả ông Dũng ở khía cạnh công khai không cần luật, ở mọi lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi (!) Cách lãnh đạo ngẫu hứng và “bung xả láng” đậm chất Nam bộ của ông Dũng đã tạo ra một xã hội chỉ có tham nhũng và tất cả đua theo lợi ích cá nhân, làm suy kiệt mọi sức sống cả về văn hóa lẫn mối liên kết xã hội. Liệu với phong cách mà ông Phúc đã thể hiện thì xã hội sẽ theo hướng nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét