Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Phản kháng xã hội dẫn đến Thủ tướng xin lỗi về xe đi vào phố cấm


Phản kháng xã hội dẫn đến Thủ tướng xin lỗi về xe đi vào phố cấm

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2016 | 18.8.16


Trong một hội nghị hôm 17/8 ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã xin lỗi nhân dân về việc đoàn xe của ông hồi tuần trước đã đi vào một phố cấm ở Hội An.



Đoàn xe thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rầm rộ kéo vào phố cổ Hội An, bất chấp bảng cấm xe cơ giới, 8/8/2016.

Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Phúc phát biểu tại hội nghị về cải cách hành chính như sau: "Thủ tướng đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm".


Sự việc làm thủ tướng Việt Nam phải xin lỗi diễn ra vào chiều muộn ngày 8/8 khi ông Phúc ghé thăm khu phố cổ ở thành phố du lịch Hội An trước khi dự một hội nghị về phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam.


Thủ tướng đã đi bộ và trò chuyện với nhiều người ở khu phố cổ. Sau chuyến thăm, trên mạng xã hội đã xuất hiện các bức ảnh và một số đoạn video cho thấy một đoàn xe có cảnh sát hộ tống được cho là của thủ tướng đã chạy trên phố đi bộ.


Những hình ảnh này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến đông đảo công chúng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, trong đó đa số phê phán việc đoàn xe đã đi sâu vào khu phố chỉ dành cho người đi bộ. Họ cho rằng điều đó cho thấy nhiều quan chức Việt Nam thích đứng trên pháp luật cũng như thiếu tế nhị trong việc tôn trọng di sản.



Hình ảnh cho thấy khoảng một chục chiếc xe tháp tùng ông Phúc lăn bánh trên các con phố nhỏ trong khi các du khách vẫn đi lại.

Báo chí Việt Nam không đề cập trực tiếp đến sự việc cũng như phản ứng của người dân. Mặc dù vậy, ít ngày sau khi có những ý kiến ồn ào trên mạng xã hội, báo chí dẫn lời vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam xác nhận rằng đoàn xe của thủ tướng có đi vào khu vực nội thành Hội An, và địa phương nhận thấy “có sơ suất, khuyết điểm của các cơ quan phối hợp, vì sự thay đổi đột xuất về lịch trình”.


Các nhà quan sát nhận định rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/8 đưa ra lời xin lỗi về một hoạt động công vụ là điều hiếm có và là một tín hiệu tốt. Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị ở Việt Nam, nói với VOA:


“Tôi nghĩ đấy là thể hiện tinh thần cầu thị và cũng rất là chân thành của thủ tướng. Và từ trước đến nay, sự kiện như vậy xuất hiện ý kiến ở trên mạng, chúng ta thấy là ít khi người đứng đầu của chính phủ Việt Nam lại có ý kiến xin lỗi trong một cuộc họp chính thức như vậy. Và tôi nghĩ đây là một biểu hiện tiến bộ và đáng hoan nghênh trong quan hệ giữa nhà cầm quyền và các người dân bình thường”.


Nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cũng đánh giá rằng hành động của Thủ tướng Phúc là “một việc rất tốt”. Bà Trang cho rằng phản ứng đón nhận tích cực của công chúng với lời xin lỗi có thể làm cho các quan chức lạm dụng việc xin lỗi sau này. Mặc dù vậy, bà Trang vẫn cho rằng việc giới chức chính quyền có thái độ cầu thị hơn với dân là một bước tiến lớn. Bà nói:


“Cái tiền lệ này nếu mà bị phát huy nhiều quá, đến mức lạm dụng lại thành ra mị dân thì nó cũng không phải là tốt. So với các quan chức khác, so với các chính quyền khác, nội các khác từ trước tới giờ, thì nhiệm kỳ này ông Phúc nổi bật lên hơn hẳn. Bởi vì tôi cũng có chứng kiến các quan chức nhà nước Việt Nam từ cấp sở trở lên làm việc với người dân rất nhiều. Và họ không bao giờ có khái niệm là họ phải xin lỗi, chưa bao giờ có chuyện xin lỗi cả, không bao giờ họ sai cả. Cho nên lần này được ông thủ tướng xin lỗi thấy là quá khác luôn, đã là tốt quá, tích cực quá so với từ trước đến nay”.


(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét