Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Những tin nhắn kêu cứu từ nhà tù Việt Nam


Những tin nhắn kêu cứu từ nhà tù Việt Nam

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2016 | 18.8.16



Một tù nhân nhận quần áo mới trước khi được trả tự do tại một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2015. AFP photo

Trong khoảng 2 tháng qua, Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do nhận được một số tin nhắn kêu cứu từ trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng và từ một vài nhà tù khác ở Việt Nam.


Điều kiện sống bị vi phạm


Vài tin nhắn ngắn gọn qua tài khoản Facebook của Hòa Ái với nội dung cho biết họ là phạm nhân đang ở trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng nhờ Đài RFA lên tiếng về hoàn cảnh tù nhân bị ngược đãi. Đồng thời, Ban Việt ngữ cũng nhận được tin báo từ một số gia đình của phạm nhân ở trại giam Xuân Nguyên rằng người thân kêu cứu vì bị đói, bị cưỡng bức lao động và có những trường hợp bị tra tấn hay biệt giam đến chết.


Lần theo những thông tin vừa nêu, chúng tôi tìm đến các cựu tù nhân từng có thời gian thụ án tại trại giam Xuân Nguyên và vừa được mãn án trong năm 2015. Họ cho biết tiêu chuẩn khẩu phần ăn của một phạm nhân được nhận trong một tháng bao gồm 17 kg gạo, 800 gram cá, 700 gram thịt và 0,7 lít nước mắm.


Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp bị đánh trực tiếp và người đấy 1 tháng sau thì chết nhưng lại tung tin đồn ra là chết vì bị SIDA/AIDS
- Anh Quỳnh, cựu tù nhân


Tuy nhiên, khẩu phần này luôn bị cắt xén và họ bị ép viết đơn không muốn nhận quà từ gia đình. Hàng tháng gia đình của phạm nhân đến thăm gặp một lần và chuyển tiền cho trại giam ghi vào sổ lưu ký để trừ dần mỗi khi phạm nhân mua thức ăn, thuốc men, vật dụng cá nhân ở căn-tin. Một cựu phạm nhân sắc tộc thiểu số, kể lại thời gian chín tháng ở phân trại 71 thuộc trại giam Xuân Nguyên:


“Chín tháng ở trại giam 71, chỗ ăn chỗ nằm chỗ ngủ chật chội, thiếu nước. Chế độ ăn uống vẫn phát theo đợt trong tuần vào thứ Hai và thứ Sáu. Mỗi người được 2 miếng thịt to hơn ngón chân cái một tí, có lúc được cá. Mỗi đợt chế độ, gia đình đến thăm gặp không được gửi đồ ăn bên ngoài, không cho gửi vào bất cứ cái gì, bắt buộc em phải mua những đồ trong trại giam thì đắt quá. Em ví dụ, 10 ngàn đồng mua 3 quả cà chua to hơn đầu gón chân cái một tí thôi mà đôi lúc còn bị dập, bị nát. Em thấy chế độ đó không hợp lý.”


Không chỉ là thức ăn mà thuốc men cũng vậy. Phạm nhân bị buộc phải mua thuốc với giá đắt gấp 2, 3 lần giá cả thị trường. Thuốc đặc trị như thuốc lao là loại thuốc cấp miễn phí cho phạm nhân nhưng họ phải mua thì mới có.


Bị tra tấn dã man


Qua tìm hiểu, trại giam Xuân Nguyên từng được báo giới trong nước ghi nhận là một nơi kỷ luật. Cán bộ trại giam như Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Phó Giám thị Hà Đình Thêm cho báo Lao Động biết từ năm 2014, sản phẩm do phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sẽ được chia tùy theo năng suất và hạnh kiểm. Trong trường hợp làm tốt sẽ được thưởng và số tiền thưởng sẽ đưa cho phạm nhân khi họ mãn án.


Mặc dù vậy, các cựu tù nhân ở trại giam này mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết bị ép phải lao động theo hình thức khoán sản phẩm. Số lượng sản phẩm dư ra sau khi đáp ứng chỉ tiêu bắt buộc bị chia đôi cho cán bộ trong trại. Phạm nhân cho rằng họ bị cưỡng bức lao động với mức tiền công rẻ mạt chứ không phải là tiền thưởng.


Các cựu tù nhân của trại giam Xuân Nguyên cho biết thêm phạm nhân sẽ bị trù dập, đánh đập, biệt giam nếu những đơn tố cáo của họ vượt ra ngoài phạm vi của nhà giam. Và đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của những tù nhân. Họ kể lại lời nói của cán bộ trại giam Xuân Nguyên rằng nhà nước cho phép đánh đập và dìm phạm nhân vào bể nước chết thì thôi.



Cựu tù nhân Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (trái) ngồi cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Ngày Tự do Báo chí Thế giới tổ chức tại Washington DC ngày 1/5/2015. AFP photo

Nhiều phạm nhân bị đánh đến ngất xỉu, bị còng chân tay và bị dìm vào bể nước trong thời tiết giá rét, có phạm nhân bị cán bộ dựng chuyện đưa vào biệt giam đã phẫn uất thắt cổ tự vẫn... Anh Quỳnh, một người lãnh án hình sự, ở trại giam Xuân Nguyên trong 12 năm, nói với Hòa Ái từ năm 2003 đến năm 2015, có khoảng 2% phạm nhân bị chết oan ức và những tù nhân thiệt mạng như thế bị ém nhẹp một cách trắng trợn. Anh Quỳnh nhắc đến trường hợp phạm nhân bị đánh đến chết:


“Còn có những trường hợp bị trận đòn thật căng, đánh trước mặt những tù nhân khác. Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp bị đánh trực tiếp và người đấy 1 tháng sau thì chết nhưng lại tung tin đồn ra là chết vì bị SIDA/AIDS”.


Những lời kêu cứu của tù nhân không chỉ ở trại giam Xuân Nguyên mà còn từ các nhà giam khác ở Việt Nam rằng phạm nhân bị giới hạn quyền con người nhưng không vì thế mà họ bị cán bộ trại giam lạm quyền hành hạ một cách nhẫn tâm. Chúng tôi liên lạc với cựu tù nhân lương tâm Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, ông chia sẻ mặc dù Quốc Hội phê chuẩn hồi năm 2011 và Nhà nước Việt Nam năm 2014 thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người nhưng những trại tù ông từng ở qua đều đối xử vô cùng khắc nghiệt với tù nhân. Cựu tù nhân Nguyễn Văn Hải hồi tưởng cảnh tượng xảy ra ở trại tù Cái Tàu, Cà Mau mà ông từng chứng kiến:


“Một lần tôi chứng kiến một tù nhân mới đưa vào trại. Trong khi khám đồ thì tù nhân đó bị lấy một món đồ nên tù nhân đó không chịu nên mới xông ra giành lại thì bị xúm lại đánh hội đồng. Sau đó tù nhân này bị đưa thẳng vào phòng quản trị của trại. Thường tù nhân bị đưa đi làm việc trong phòng đó là bị cùm chân vào trong cái ghế rồi mới làm việc và trong quá trình làm việc bị đánh thì không thể chạy được. Đại úy Phú “Ma” chạy chiếc xe gắn máy từ cổng vào đến bậc thềm của phòng quản trị thì rồ máy lên lao xe thẳng vào thằng nhỏ đang bị cùm. Nó lùi xe ra rồi lại lao vào nữa, 5-6 lần như vậy rồi mới xông vào đánh. Sau khi đánh thì đưa thằng nhỏ vào biệt giam cùm luôn”.


Không luật pháp


Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải nêu lên Thông tư 37 của Bộ Công An quy định phân loại và giam giữ phạm nhân là văn bản vi phạm nhân quyền, thậm chí vi phạm ngay cả Luật thi hành án hình sự của Quốc Hội, và vi phạm Hiến pháp cũng như Công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ông Nguyễn Văn Hải trích dẫn nội dung của Thông tư 37:


“Trong Luật Thi hành án hình sự khi phạm nhân có vi phạm nội quy trại giam, mức kỷ luật cao nhất có thể bị giam riêng không quá 10 ngày nhưng theo Thông tư 37 thì giam riêng đến 3 tháng và có thể gia hạn. Điều 28, trong Luật là tù nhân được tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, được học tập học nghề nhưng trong Thông tư 37 của Bộ Công An thì những quyền này bị tước đi hết và còn có Thông tư số 2 của Bộ Giáo Dục, cả hai thông tư này tước đoạt hết quyền tù nhân có thể nhận sách vở từ bên ngoài.”


Trong Luật Thi hành án hình sự khi phạm nhân có vi phạm nội quy trại giam, mức kỷ luật cao nhất có thể bị giam riêng không quá 10 ngày nhưng theo Thông tư 37 thì giam riêng đến 3 tháng và có thể gia hạn.
- Ông Nguyễn Văn Hải


Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cựu tù nhân lương tâm Luật sư Lê Quốc Quân từng tuyệt thực phản đối trại giam không cho ông nhận Kinh Thánh. Mới đây nhất, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức lên tiếng trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An cưỡng bức lao động và để trả đũa sự bất tuân của anh Thức, trại giam cúp điện trong buồng giam liên tục 8 tiếng đồng hồ trùng với thời gian lao động mỗi ngày.


Những tiếng kêu cứu của các tù nhân lương tâm nói riêng và của tù nhân ở Việt Nam nói chung đang trông đợi lương tri thế giới giúp đỡ họ để thoát khỏi sự đọa đày bị hành hạ, ngược đãi theo như báo cáo có tựa đề “Nhà tù trong nhà tù” tại Việt Nam vừa được Tổ chức Ân xá Quốc tế lần đầu tiên công bố hồi tháng 7 năm nay.


Trong báo cáo có đoạn viết rằng, “Ân xá Quốc tế đưa ra bản báo cáo này là để góp phần gia tăng quyền làm người của mọi cá nhân, để đóng góp vào việc giảm tra tấn không riêng gì cho các tù nhân lương tâm mà cho toàn thể tù nhân tại Việt Nam”.


Báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng ghi rõ bản báo được viết với mục đích xây dựng để chính quyền Việt Nam dựa vào đó cải thiện chính sách và để giúp cộng đồng thế giới có tài tiệu nói chuyện với chính phủ Việt Nam.


Hòa Ái


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét