Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016
Bàn về các Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ở Việt Nam
Kami - Bàn về các Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ở Việt Nam
Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Ba, ngày 16 tháng 8 năm 2016 | 16.8.16
Gần đây, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Mùa thu tháng Tám, trong lúc truyền thông nhà nước đã tỏ ra chán chường, bớt ca ngợi những ngày kỷ niệm lịch sử này, thì truyền thông lề trái thường có các bài viết liên quan mổ xẻ sự kiện lịch sử này một cách kỹ càng. Tuy nhiên dễ dàng thấy rằng, các các bài viết đó có sức thuyết phục thấp, mà nguyên nhân có lẽ vì các tác giả có một cách nhìn thiên lệch, mang nặng thiên kiến và thiếu tính công tâm.
Từ lâu nay, sự kiện Cách mạng Tháng 8 được sách báo của nhà nước nói một chiều, theo lối tô hồng nhằm ca ngợi sự tài tình của những người cộng sản. Ngược lại, các sự thật lịch sử liên quan đến chế độ cũ hay Vương triều Nhà Nguyễn chỉ được họ nói qua một các sơ sài, thậm chí họ còn coi ông Vua Bảo Đại chỉ là một ông Vua bù nhìn trong mắt những người cộng sản. Tương tự như vậy, thời gian gần đây, trên mạng internet nhiều người tự hào khi cho rằng, từ tháng 3/1945 nước Việt Nam đã có một bản Tuyên ngôn Độc lập của Vua Bảo Đại và sau đó ngày 17-4-1945 Chính phủ của nhà nước Đế Quốc Việt Nam được thành lập với Thủ tướng là ông Trần Trọng Kim. Đây được cho là một chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và thống nhất.
Vậy sự thật của vấn đề này là như thế nào?
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Vua Bảo Đại
Trước hết, sự độc lập là một tính từ để chỉ sự tự mình tồn tại, hoạt động, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác. Về mặt danh từ thì sự độc lập của một quốc gia là trạng thái của một nước hoặc một dân tộc có chủ quyền về chính trị, không phụ thuộc hay lệ thuộc vào nước khác, hoặc dân tộc khác. Hay nói một cách khác, một đất nước có độc lập đúng nghĩa chỉ có khi quốc gia đó không còn bị ràng buộc vấn đề chính trị từ một thế lực nước ngoài.
Theo sử sách, sau khi Đế quốc Nhật Bản tuyên bố "trao trả độc lập cho Việt Nam", Hoàng đế Bảo Đại ra tuyên cáo độc lập và thành lập chính quyền mới thân phát-xít Nhật, với chính phủ do ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng, còn Vua Bảo Đại được Nhật Bản công nhận là Vua của chính thể mới. Cụ thể, ngày 10/3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp, chiếm toàn bộ Đông Dương, thì ngày 11/3 ông Yokohama Đại sứ Toàn quyền của Nhật tại Việt Nam là người Đại diện của Nhật Hoàng đã tiếp xúc với Vua Bảo Đại và đề nghị trả lại độc lập cho Việt Nam. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Vua Bảo Đại đã trao một văn bản mà sau này được gọi là Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoàng Đế Bảo Đại cho ông Yokohama. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoàng Đế Bảo Đại có nội dung nguyên văn như sau:
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
“Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung.
“Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.
Nếu như xem nội dung của văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoàng Đế Bảo Đại, thì sẽ thấy đây là tuyên bố khẳng định hủy bỏ Hòa ước Patenôtre, của Triều đình Huế đã ký với nước Pháp năm 1884, để tuyên bố cho một nước Việt Nam "độc lập", nhưng dựa vào khối Đại Đông Á của Nhật. Điều này cũng cho thấy sự nắm bắt cơ hội và ý chí của Hoàng Đế Bảo Đại nhằm tiến tới xóa bỏ quan hệ với nước Mẹ Đại Pháp. Tuy nhiên những tuyên bố kể trên đã cho thấy Việt Nam chưa đủ tư cách độc lập của một quốc gia cần phải có, vì chỉ cần kể đến việc cái gọi là Tuyên ngôn Độc lập của Vua Bảo Đại đã được trao cho ông Yokohama, Đại sứ Toàn quyền của Nhật tại Việt Nam, ngày 12 tháng 3 năm 1945 thôi thì cũng quá đủ. Hơn nữa, tới tháng 8/1945, khi Nhật Bản sắp sửa bại trận, Vua Bảo Đại đã gửi thư cho nguyên thủ của các cường quốc Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc đề nghị công nhận Đế quốc Việt Nam là chính phủ đại diện của Việt Nam. Tuy nhiên tất cả các bức thư đều không được hồi âm, bởi theo Tuyên bố Cairo, các nước khối Đồng Minh sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế quốc Nhật Bản thành lập tại các lãnh thổ chiếm đóng.
Đã có nhiều người ca ngợi Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim, cho rằng đây là một chính phủ tuy còn non trẻ, nhưng chỉ trong vài tháng đã có thể thực hiện được nhiều điều cải cách mà những người dân hiện nay vẫn còn đang mơ tới. Song họ không hiểu rằng, tại thời điểm đó, quyền lực cai trị Việt Nam hoàn toàn đang nằm trong tay người Nhật và Vua Bảo Đại lúc đó hoàn toàn là một ông Vua bù nhìn. Trong hồi ký của mình, Trần Trọng Kim viết: "Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình".
Tiếc rằng, không ai tự hỏi mình tại sao một chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim được đánh giá là tốt như thế mà lại không được người dân ủng hộ? Mà dân chúng lúc đó lại ủng hộ Việt minh của những người Cộng sản?
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945
Kể từ ngày 14/08 khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thì cũng là lúc lực lượng Nhật chiếm đóng tại Việt Nam đã mất hết nhuệ khí và chính phủ Trần Trọng Kim dưới sự bảo hộ của Nhật đã suy yếu không còn cơ sở đề tồn tại và cho đến ngày 28/08, khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Trong lúc phải tới tháng 9/1945, đại diện quân Đồng minh mới tới Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật. Điều đó đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, là thời điểm quyền lực nhà nước ở Việt Nam đã bị bỏ ngỏ. Đây chính là điều kiện để dẫn tới một cuộc chuyển giao quyền lực nhanh gọn và Việt Minh là lực lượng chủ động nhất với sự ủng hộ của người dân họ đã dễ dàng chớp thời cơ lên nắm lấy quyền lực.
Cần phải nhắc lại, ngày 25/8/1945, Vua Bảo Đại đã tự nguyện giao ấn, kiếm (biểu tượng của quyền lực nhà nước phong kiến) cho đại diện Ủy ban giải phóng là ông Trần Huy Liệu và tuyên bố thoái vị. Đây là sự đánh dấu việc kết thúc một nhà nước phong kiến cuối cùng có tên là Đế Quốc Việt Nam và quyền lực Nhà nước được giao cho chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong bản Tuyên bố thoái vị của mình, Vua Bảo Đại đã phát biểu một câu nói nổi tiếng "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ". Đây là hành động dũng cảm và thể hiện lòng yêu nước của vị Hoàng Đế cuối cùng của các triều đại Phong kiến ở Việt Nam.
Sự kiện ngày 2/9/1945 ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình chỉ mang ý nghĩa về mặt nghi thức, với mục đích để công bố sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập với quốc dân và thế giới. Ngay sau đó, cũng ông Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh về tổ chức Tổng tuyển cử và việc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tổng tuyển cử tháng 1/1946 đã xác định tính chính danh của một nhà nước được nhân dân lựa chọn. Đây là điều cho thấy lãnh đạo Việt minh lúc ấy, họ đã có ý thức xây dựng một nhà nước Cộng hòa - Dân chủ của nhân dân một cách có hệ thống, bài bản và khoa học. Tại thời điểm đó, việc Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hầu như chưa được sự công nhận của các cường quốc càng chứng minh sự độc lập của nó.
Bài học gì?
Đánh giá về cuộc Cách mạng tháng Tám, của những người đấu tranh dân chủ và một số trí thức luôn luôn phủ nhận và cho rằng những người Cộng sản không có tài cán gì, việc giành được chính quyền chẳng qua là ăn may nên vớ được chính quyền; hay Cách mạng tháng Tám không phải là cuộc cách mạng mà chỉ là việc cướp chính quyền v.v... Nhìn chung đó là những quan điểm phủ nhận và thiếu công tâm.
Cách mạng là một sự biến đổi căn bản xã hội cũng như chính trị, thông qua việc lật đổ một thể chế chính trị trước đó, giành quyền lực nhà nước để lập nên một thể chế chính trị mới. Tựu chung là bất kể lực lượng chính trị nào đã nắm được quyền lực nhà nước để tiến hành cai trị (quản trị) quốc gia là họ đã hoàn thành được mục tiêu cao nhất. Điều đó cho thấy việc Việt minh hay những người Cộng sản đã giành được quyền lực nhà nước do họ cướp, hay do may mắn vớ được... thì chỉ khác về cái tên gọi, còn về mặt ý nghĩa và giá trị thì hoàn toàn không khác nhau.
Vấn đề mấu chốt là ở chỗ, tại thời điểm ấy (tháng 8/1945) toàn dân Việt Nam ai, ai cũng đếu khao khát được thấy nước nhà độc lập. Lực lượng Việt Minh với lực lượng không lớn đã sớm nhận thức được điều đó, quan trọng hơn là họ đã tận dụng được cơ hội. Vì họ hiểu rằng, sự thành công của mọi cuộc cách mạng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thời cơ là cực kỳ quan trọng. Trong Cách mạng tháng Tám những người cộng sản đã làm được việc đó, trong lúc các lực lượng chính trị khác đã không tận dụng được. Đây là sự khác biệt cơ bản để đánh giá tài trí của các cá nhân và các tổ chức chính trị.
Điều này được cựu thủ tướng Trần Trọng Kim khẳng định trong "Thư gửi Hoàng Xuân Hãn năm 1947", có đoạn khẳng định rằng: "Tôi vẫn biết việc chống với Pháp chỉ có V.M. mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cọng-sản quá... Nay V.M. đứng vào cái địa-vị chống Pháp, tất là có cái thanh-thế rất mạnh. Nếu họ biết đổi cái thái-độ hung tàn bạo ngược đi, và tìm cách thu dụng các đảng phái khác, để lập thành một khối, không khuynh hướng hẳn về Cọng sản, thì có cơ thành công được, nhưng bảo con chó sói trở nên con cừu, thì có thể được không? Dù sao, đối với viêc nước mình, V.M phải chịu cái tiếng 功 之 首 罪 之 魁 (Công chi thủ tội chi khôi = Công đứng đầu mà tội cũng đứng đầu)."
Lịch sử không có chữ nếu. Việc nắm bắt nguyện vọng của dân chúng để xây dựng các chủ trương phù hợp với lòng dân là điều rất quan trọng và hết sức cần thiết. Đồng thời việc biết tận dụng được thời cơ của các tổ chức chính trị mới là yếu tố quyết định cuộc cách mạng đó thành công hay không? Đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá trong việc xây dựng một sách lược tranh đấu phù hợp của những người đấu tranh cho Dân chủ ở Việt Nam hiện nay.
Kết:
Trong lịch sử chính trị Việt Nam cận đại, thực tế đã cho thấy không có một tổ chức chính trị nào ở Việt Nam đã thành công trong các cuộc vận động làm cách mạng giành độc lập cũng như chiến tranh giải phóng để thống nhất quốc gia như đảng chính trị của những người Cộng sản. Nguyên nhân của sự thành công của họ là nhờ sự ủng hộ của đông đảo người dân trong cả nước, đó là điều không cần phải bàn cãi. Kinh nghiệm vận động để lôi kéo sự ủng hộ quần chúng và tổ chức các hoạt động chính trị có bài bản, với những chiến lược có tầm tầm nhìn xa trông rộng của họ là những bài học có giá trị, không thể phủ nhận.
Dẫu rằng, nếu đứng tại thời điểm này để nhìn lại thì sẽ thấy, giá trị của cuộc Cách mạng tháng Tám, niềm tự hào của đa số người dân Việt Nam đã bị những người cộng sản hôm nay phản bội, đó là sự thật không thể chối bỏ. Những người Cộng sản đã không chỉ phản bội sự ủng hộ của quần chúng mà họ còn phản bội những giá trị tốt đẹp mà trước đây họ đã từng cam kết với quốc dân đồng bào. Và đến hôm nay, Đảng CSVN đã thực sự đánh mất vai trò tiên phong và trở thành một vật cản trong quá trình thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng trong điều kiện hiện nay. Mà nguyên nhân căn bản nhất là việc lựa chọn cho mình một thể chế chính trị phù hợp và mang tính ưu việt chưa thực hiện được.
Binh pháp Tôn Tử đã chỉ rõ rằng, "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng", nghĩa là "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Muốn thắng được những người Cộng sản trước hết phải hiểu được họ và nắm chắc các bí quyết thành công của họ để rút ra các bài học nhằm vận dụng cho mình. Phải thừa nhận rằng, những người Cộng sản có rất nhiều kinh nghiệm làm cách mạng cũng như chiến tranh giải phóng, nhưng họ rất kém trong việc làm ăn kinh tế và quản trị quốc gia.
Lịch sử không đơn giản là những sự kiện, những dấu mốc của thời gian, đối với những người quan tâm và đấu tranh chính trị thì lịch sử phải luôn luôn là những bài học đắt giá. Chính vì thế nó cần phải có những cái nhìn chính xác, trung thực và công tâm đối với mỗi chi tiết của lịch sử. Vì thế trong công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam, đòi hỏi những người cầm bút và thành phần trí thức, nhưng người mang sứ mệnh dẫn dắt xã hội cần có cái nhìn và sự đánh giá công tâm, đúng đắn. Không thể để sự mặc cảm của cá nhân mình làm lấn át sự thật của lịch sử và dẫn đến các đánh giá thiếu trung thực, thậm chí là sai lầm.
Chúng ta luôn phản đối nhà nước cộng sản hiện nay bẻ cong sự thật, viết lịch sử một chiều thiếu trung thực, nhưng cũng không để cho những kẻ giả dối nhân danh trí thức để bóp méo sự thật lịch sử. Nếu không, một lần nữa lịch sử sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ của những người Cộng sản mà chúng ta đã thấy.
Ngày 15/08/2016
© Kami
(Blog RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét