Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

VTV và khủng hoảng truyền thông


VTV và khủng hoảng truyền thông

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 14 tháng 3 năm 2016 | 14.3.16




Vụ việc tranh chấp bản quyền giữa VTV với một chủ tài khoản trên kênh Youtube thu hút sự chú ý của dư luận VN thời gian gần đây.


Năm 2011, khi còn làm tại Công ty Truyền thông Le Media, tôi đã chứng kiến Tổng giám đốc của mình duyệt thêm một khoản tiền rất lớn để chi trả quyền tác giả các bức ảnh mà chúng tôi dùng trong ấn phẩm The World in của The Economist.



Trước đó, chúng tôi đã mua bản quyền để xuất bản ấn phẩm này bằng Tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Chúng tôi phải liên lạc trao đổi với các đơn vị giữ bản quyền từng ảnh đi kèm theo bài bởi The World In trước đó trả tiền để dùng những bức ảnh của bài viết nhưng không kèm quyền sử dụng cho các phiên bản dịch sang các tiếng khác nhau.


Năm 2012, sau khi trả lời phỏng vấn một ấn phẩm và gửi ảnh cho họ thì tôi được nhận được yêu cầu ký vào văn bản miễn trừ bản quyền tác giả (Copyright Clearance Form) để cho phép họ dùng hình của mình.


Ứng xử với bản quyền


Hiện nay, tài khoản YouTube của VTV (từng có gần 100,000 người theo dõi) vẫn chưa được mở lại do vụ việc chưa được giải quyết giữa hai tài khoản trên
Đỗ Thùy


Đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ tôi từng trải qua có liên quan tới vấn đề bản quyền tác giả. Ở một xã hội văn minh, đề cao và tôn trọng bản quyền tác giả và tác phẩm, bất kì ai tham gia tạo ra sản phẩm nào thì có thể yên tâm là mình được pháp luật bảo vệ. Người có ý định sử dụng cũng ngại vi phạm vì sẽ bị xử theo đúng chế tài pháp luật. Những điều đó góp phần thúc đẩy phát triển xã hội khi khuyến khích mỗi cá nhân lao động và làm việc tạo ra sản phẩm mới cho xã hội mà không trông chờ, ỉ lại với tâm lí cứ ngủ một giấc, mai có người làm cái đó và mình chỉ việc copy thôi.


Trở lại với câu chuyện đang gây ồn ào trên báo chí, trên các diễn đàn trong những ngày gần đây liên quan tới việc tài khoản của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) bị xóa khỏi trang YouTube theo sau những cáo buộc vi phạm bản quyền hình ảnh trong các video clips của tài khoản có tên Trung Tá Yamaha. Chủ tài khoản YouTube Trung Tá Yamaha ngoài đời là anh Bùi Minh Tuấn cho biết đã phát hiện hơn 11 chương trình, phóng sự của VTV đã sử dụng hình ảnh từ tài khoản của anh mà không xin phép, không trích dẫn.


Hiện nay, tài khoản YouTube của VTV (từng có gần 100,000 người theo dõi) vẫn chưa được mở lại do vụ việc chưa được giải quyết giữa hai tài khoản trên.


Không dừng ở đó, Bùi Minh Tuấn chính thức gửi đơn tới các cơ quan chức năng Việt Nam để khiếu kiện bảo vệ quyền sở hữu các video clips của mình theo Luật Sở hữu Trí tuệ.


Đây là hành động tiếp nối sau nhiều nỗ lực gửi công văn tới VTV để mong đơn vị này xử lý (từ những năm 2015) nhưng đến ngày 5/3/2016 anh Tuấn thông tin cho biết vẫn ghi lại được bằng chứng rằng VTV vẫn tái diễn việc sử dụng hình ảnh của anh mà không thông tin về tác giả và nguồn gốc xuất xứ của hình ảnh, không xin phép, không trích nguồn. Xem xét theo Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam (ngày 29/11/2005), việc làm của phóng viên VTV có thể bị coi là vi phạm Mục 2, Điều 25 và Mục 2, Điều 26 khi không tuân thủ“phải thông tin về tác giả và nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm.”




Một thông tin trên 'Góc khán giả' thuộc trang nhà của vtv.vn phản hồi về vụ việc giữa VTV và ông Bùi Minh Tuấn.


Cũng theo cáo buộc của anh Bùi Minh Tuấn, phóng viên VTV đã dùng biện pháp kỹ thuật (dùng phần mềm Cốc Cốc để tải về), dùng kỹ xảo trong dựng hình để cắt và xóa logo dòng chữ bảo hộ bản quyền Trung Tá Yamaha. Hành động này sẽ bị coi là vi phạm Mục 7, Điều 35 “Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.”


Xử lý khủng hoảng


Trước những cáo buộc trên, VTV có tiến hành liên hệ với Bùi Minh Tuấn để trao đổi và giải quyết sự việc. Tuy nhiên, ngoài những cuộc điện thoại qua lại, đã không có cuộc gặp nào diễn ra. Sự việc này ngày càng nhận được sự quan tâm của dư luận và chắc chắn nó là tin bài đáng quan tâm đối với bất kỳ cơ quan đơn vị báo chí nào, với rất nhiều góc cạnh cần được mổ xẻ. Xét trên góc độ tác nghiệp báo chí và đạo đức báo chí thì rõ ràng các phóng viên VTV đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đạo đức báo chí khi sử dụng hình ảnh của người khác làm hình ảnh của mình mà không trích nguồn, gây hiểu lầm đó là hình ảnh do chính VTV tạo ra. Ngoài ra, còn là câu chuyện về nhận thức khi nhà báo phát ngôn trên các diễn đàn mở, câu chuyện về quản trị thương hiệu và xử lý khủng hoảng truyền thông.


Có lẽ các cá nhân phóng viên nhà báo này đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, họ chính là đại diện hình ảnh của VTV. Mỗi phát ngôn, câu nói nào của họ sẽ bị nhìn nhận là nhà báo VTV chứ không còn là riêng cá nhân họ
Đỗ Thùy


Có thể thấy là dù được báo đài liên lạc thì VTV vẫn giữ im lặng, chưa đưa ra thông điệp trả lời công chúng hiện đang rất quan tâm và dõi theo sự việc. Trong khi đó, các cá nhân thành viên của VTV lại tranh luận trên trang Facebook cá nhân với nhiều quan điểm và lời lẽ có thể gọi là ‘đổ thêm dầu vào lửa’. Trả lời các comments trong dòng status của nhà báo Lê Bình (VTV24), tài khoản Facebook Mai Thi Le Thuy (được biết là của chị Lê Thị Thùy Mai, VTV8) viết “VTV không tạo ra khủng hoảng mà chính đám đông tạo ra khủng hoảng. Lý ra không việc gì VTV phải xin lỗi và hẹn gặp bạn Tuấn khi mọi việc chưa đi đến đâu. Với những cái đầu đầy định kiến hẹp hòi thì việc cầu thị lại trở thành thị phi…” Chủ tài khoản này cũng nói "Em có từng nói ở bên Face (Facebook) của LS. Trần Vũ Hải, có cảm giác một số người giống như ma quỷ đang phá Đức phật khi người chuẩn bị nhập cõi Niết Bàn…
"Chính ra Tuấn cũng chỉ là nạn nhân của đám đông thôi chị ạ.”


Còn tài khoản Facebook Hà Trần, được biết là phóng viên thường trú của VTV tại Hoa Kỳ thì nói "Những cái nào sai, VTV đã nhận. Những cá nhân sai VTV đã kỷ luật. Vậy tại sao nhiều người vẫn cố tình vào miệt thị, dùng những lời rất nặng nề, khó nghe? Trước có khóc thuê. Giờ có chửi thuê?"


Có lẽ các cá nhân phóng viên nhà báo này đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, họ chính là đại diện hình ảnh của VTV. Mỗi phát ngôn, câu nói nào của họ sẽ bị nhìn nhận là nhà báo VTV chứ không còn là riêng cá nhân họ. Mọi phát ngôn của họ có thể vô tình tiếp thêm lời ra tiếng vào cho câu chuyện của công chúng và khơi thêm những phản ứng tiêu cực trước cách hành xử, ứng xử của VTV của công chúng. Giờ là lúc thể hiện xự ứng xử cầu thị chứ không phải là lúc để khơi mào thêm những ý kiến như này.


“Cách hành xử, nhẹ hơn gọi là "ứng xử" của VTV thực sự là kém về văn hóa, yếu về pháp luật, thiếu về tầm đối với vai trò là một nhà đài của một quốc gia... và đương nhiên sẽ là đáng buồn về môi trường sống trong một thể chế XH... “ (trích comment của bạn nguyenminhthai trên https://www.youtube.com/watch?v=lPLO2138JSs)


Lối ra cho VTV




Tác giả (đầu tiên từ trái) trong một hội nghị có liên quan truyền thông về khủng hoảng kinh tế.


Lối ra nào cho xử lý khủng hoảng hình ảnh, thương hiệu hiện nay? Một trong các cách xử lý khủng hoảng truyền thông, quản trị danh tiếng và uy tín cá nhân/tổ chức là thái độ và hành xử đúng mực, phản ứng hợp lý nhanh nhẹn. Tổ chức hoặc người trong cuộc phải nhận diện được các nguy cơ, rủi ro tới hình ảnh và có kế hoạch giảm tối thiểu rủi ro đó. Ví dụ, khi tổ chức bị đưa lên báo và danh tiếng đang bị xấu đi trong con mắt công chúng do các tương tác trên các phương tiện truyền thông thì cần có phản ứng nhanh mới mong dập tắt đốm lửa mới nhen.


Có một lời khuyên rất đúng rằng “trong cứu hoả, dập lửa là ưu tiên số 1”. Việc tìm ra kẻ nào gây ra lửa, rằng-thì-là-mà nguyên nhân vì sao cháy có thể làm sau chưa muộn. Do vậy, tổ chức cần thành lập tổ Phản ứng nhanh gồm các chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị và xử lý khủng hoảng để chuẩn bị các thông điệp truyền thông rõ ràng, đưa thông tin để trao đổi với công chúng, qua kênh phương tiện truyền thông mình có.


Tổng Giám đốc VTV hoặc cử đại diện phát ngôn VTV cần lên tiếng chính thức. Thông điệp đưa ra từ VTV nên thể hiện là VTV tôn trọng các vấn đề liên quan tới bản quyền tác phẩm, đặc biệt trong các chương trình của VTV sản xuất
Đỗ Thùy


Với trường hợp VTV, những ngày qua dư luận đã lên tiếng yêu cầu VTV phải có lời xin lỗi. Đã đến lúc, VTV không thể giữ im lặng được mãi mà cần có phát ngôn chính thức từ đại diện của mình để bớt tiếng ồn, giảm nhiễu (noise). Ai cũng biết câu ‘To err is human’. Đã là con người, có làm thì cũng có sai. Chỉ không làm mới hy vọng không mắc lỗi. Lãnh đạo và quản lý VTV cần kiểm tra lại hết quy trình sản xuất.


Để biết gốc sai ban đầu thì họ cần kiểm tra lại thật kĩ để từ đó có thể tránh những cái sai sau này. Ngoài việc sửa cái sai bên trong thì VTV cần có lời xin lỗi phù hợp và thành thật.


Theo Jeff Ansell và Jeffrey Leeson, tác giả cuốn When the Headline is you ‘để thể hiện sự thành tâm và chân thật, lời xin lỗi phải ghi nhận lỗi lầm, nhận trách nhiệm và tỏ ra hối tiếc” từ đó có ‘cam kết cải thiện hành vi’ có biện pháp hành động giải quyết thấu đáo giảm thiệt hại cho các bên.


Như vậy, Tổng Giám đốc VTV hoặc cử đại diện phát ngôn VTV cần lên tiếng chính thức. Thông điệp đưa ra từ VTV nên thể hiện là VTV tôn trọng các vấn đề liên quan tới bản quyền tác phẩm, đặc biệt trong các chương trình của VTV sản xuất. VTV có thể cho công chúng biết hiện tại họ đang kiểm tra lại các chương trình/phóng sự được Bùi Minh Tuấn cung cấp là có sử dụng tư liệu hình ảnh của Tuấn. Và cam kết khi có kết quả kiểm tra chính xác, VTV sẽ ngồi lại với anh Tuấn để trao đổi quyền lợi tác giả. Đại diện VTV có thể đưa ra lời xin lỗi và cảm ơn các bạn đã quan tâm.


Bảo vệ thương hiệu




Tác giả cho rằng lãnh đạo của VTV nên có lời xin lỗi trong vụ việc có liên quan tới bản quyền trên Youtube với ông Bùi Minh Tuấn.


Sẽ là không thông minh và thiếu văn minh nếu bất kỳ tổ chức cá nhân đưa ra lời xin lỗi bao biện mà theo Jeff Ansell và Jeffrey Leeson lời xin lỗi sẽ không có tác dụng nếu “Xin lỗi, đó không phải lỗ của chúng tôi” hoặc “Xin lỗi, đó là lỗi của Quý vị”. Cùng lúc đó, hai tác giả này đưa ra Bộ công cụ Thông điệp truyền thông và La bàn Giá trị giúp tổ chức cá nhân xác định cách hành xử, ứng xử để thoát khỏi khó khăn “khi bạn trở thành tâm điểm của truyền thông”.


VTV là một cơ quan báo chí lớn. Cũng giống như nó, các cơ quan báo chí cần biên soạn Bộ quy tắc Đạo đức nghề nghiệp (Code of Ethics) để giúp nhân viên của mình hiểu và nắm rõ những cách hành xử đúng mỗi khi tác tác nghiệp cũng như phát ngôn. Phóng viên nhà báo cần bình tĩnh và kiểm soát phát ngôn của mình trên mọi diễn đàn, phương tiên mạng xã hội, trang cá nhân và hướng tới một thông điệp chung của tổ chức. Bởi bạn không muốn là kẻ phá bĩnh trong nỗ lực chung của tổ chức mình.


Xây dựng và bảo vệ thương hiệu của bạn từ bên trong trước khi ai đó hủy hoại nó từ bên ngoài
Sakti Makki


Tại các cơ quan báo chí lớn quốc tế, họ làm điều này rất quy chuẩn. Nhân viên khi vào làm việc sẽ được đọc kỹ và nếu đồng ý sẽ ký cam kết tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp.


Các phóng viên, nhà báo tôn trọng các quy định đạo đức nghề nghiệp, tác nghiệp. Đây là cơ sở rất quan trọng để bảo vệ cho phóng viên nhà báo trong trường hợp tác nghiệp đúng, và cũng là cơ sở để sa thải nếu nhân viên có phản ứng, tương tác thái quá đối với công chúng, bạn đọc, bạn xem của mình.


Không chỉ trong lĩnh vực báo chí, mà tất cả các tổ chức khác có thái độ đúng và nghiêm túc về tôn trọng bản quyền tác giả bạn sẽ tránh được các tranh cãi, rủi ro không đáng có về pháp luật, giữ gìn và bảo vệ được hình ảnh, thương hiệu chuyên nghiệp của cơ quan, tổ chức của mình. Và một điều cần thiết là phải nhìn lại chính mình trước khi đổi lỗi cho người bên ngoài.


Và việc xây dựng Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp cũng là cần thiết cho bất kỳ đơn vị, cơ quan, tổ chức nào trong bối cảnh hiện nay.


Tôi kết bài này bằng câu trích sau đây của Sakti Makki, nhà Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành công ty MakkiMakki chuyên về thương hiệu tổ chức “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu của bạn từ bên trong trước khi ai đó hủy hoại nó từ bên ngoài.”


Đỗ Thùy
Gửi cho BBC từ Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét