Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016
VietTuSaiGon - Nhức nhối chuyện giáo dục ở Việt Nam
VietTuSaiGon - Nhức nhối chuyện giáo dục ở Việt Nam
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 14 tháng 3 năm 2016 | 14.3.16
Ông Sầm Đức Xương trong trại giam
Việt Nam là nước nghèo, dù đứng trên góc độ nào vẫn không thể chối bỏ thực trạng nghèo khổ và lạc hậu. Nhưng đáng sợ hơn cả là đất nước hình chữ S này lại gánh chịu trên đôi vai vốn gầy gò của mình cái gánh y tế và giáo dục quá tồi, hỏng hóc và vô luận. Chỉ có thể nói vậy!
Chuyện mất đạo đức của ngành y tế có thể xem như hết thuốc chữa, chỉ mong vào những thế hệ sau. Nhưng để có những thế hệ sau tốt hơn thì ngay từ bây giờ phải có một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục đào tạo ra những con người đúng nghĩa chứ không phải những cái máy, những con vẹt hay những cá thể mang thần kinh khốn nạn (nói theo cách của giáo sư Ngô Bảo Châu).
Rất tiếc là hiện tại, nền giáo dục Việt Nam không những dự báo sẽ cho ra đời những cái máy, những con vẹt, những kẻ mang thần kinh khốn nạn mà rất có thể tương lai Việt Nam sẽ là những thế hệ khốn nạn, những đám đông khốn nạn và một đất nước khốn nạn.
Bởi lẽ, dù đứng trên góc độ nào thì nói về giáo dục, cái chuẩn đầu tiên và mục tiêu lớn nhất vẫn là con người chứ không phải cơ sở hạ tầng hay những cái chuẩn về cơ sở hạ tầng, những cái “chuẩn quốc gia” đậm tính hình thức và dung chứa đầy rẫy tham nhũng, hối lộ, đút lót và đánh mất lòng tự trọng.
Từ những năm 2010 cho đến nhay, có nhiều vụ nổi cộm về nạn bằng giả trong giới quan chức, đút lót để mua chức, đút lót để được dạy học, mua chỗ hành nghề trong giáo dục để hợp thức hóa việc dạy ngoài giờ, chạy sô trong giảng dạy… Những chuyện này, hầu như không có chuyện nào là không phản giáo dục, nếu không muốn nói là nó phát sinh nguy cơ làm cho nền giáo dục trở thành chợ búa và hổ lốn.
Nhưng đó vẫn chưa phải là chuyện cộm cán khi mà đạo đức của người dạy học trở nên băng hoại, đội ngũ quản lý giáo dục trở thành những kẻ cò mồi, tú ông, tú bà để đưa học sinh vào con đường trụy lạc với giới quan chức. Sự tổn thương về phẩm hạnh của học sinh trở thành thứ hàng xa xỉ để giới quan chức giáo dục bôi trơn con đường hoạn lộ thông qua việc môi giới cho những cuộc mua vui của giới quan chức hành chính cấp cao hơn.
Câu chuyện hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang đã môi giới nhiều nữ sinh bán dâm cho giới quan chức cấp tỉnh và khi các em nữ sinh này tố cáo thì Sầm Đức Xương không bị gì mà chính các em nữ sinh, các nạn nhân bị truy tố trước cơ quan pháp luật địa phương. Điều này cho thấy giới quan chức, đặc biệt là quan chức ngành giáo dục đã không những đánh mất nhân cách, tư cách mà còn hiện rõ bản chất lưu manh, tú ông mà về nguyên tắc giáo dục họ tuyệt đối không được bén mảng đến gần môi trường phấn trắng bản đen.
Nhưng trong nền giáo dục Cộng sản xã hội chủ nghĩa, những kẻ lưu manh không những bị loại bỏ mà còn được nâng cấp, thăng tiến trở thành lãnh đạo ngành, kẻ làm sai quấy càng nhiều thì càng mau thăng quan tiến chức, kẻ càng nghiêm túc, càng có trách nhiệm với công việc bao nhiêu thì càng bị đày bấy nhiêu, bởi họ trở thành cái gai trong mắt của đám lãnh đạo.
Và những tưởng đây sẽ là bài học để giới quản lý giáo dục biết nhìn vào đó mà tổ chức quản lý tốt hơn cũng như giới cầm phấn đứng bục giảng sẽ lấy làm bài học mà tu thân, mà giữ đạo đức làm thầy. Nhưng không, hoàn toàn không dừng ở đó mà câu chuyện đáng xấu hổ này vẫn tiếp tục nảy nở.
Câu chuyện về thầy giáo Cao Văn Dũng (mà đa phần báo chí trong nước chỉ đăng tên C.V.D hoặc thầy D.) ở trường tiểu học Hưng Bình tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã xúc phạm thân thể, sờ mó vùng kín của các nữ học sinh lớp ba (tức hành vi dâm ô với học sinh tiểu học) và khi bị cha mẹ các em tố cáo, thầy giáo này vẫn chưa chịu bất kỳ hình thức kỉ luật nào tương thích. Giả sử giới quản lý giáo dục cố tình bao biện cho con yêu râu xanh này rằng y là một giáo viên giỏi, trường đang thiếu giáo viên thì điều này chỉ cho thấy hai vấn đề: Chạy theo thành tích và nói láo.
Bởi một nền giáo dục quen chạy theo thành tích từ chuẩn tỉnh cho đến chuẩn quốc gia dựa vào cơ sở hạ tầng và thành tích chạy thi giải này giải nọ nhưng yếu tố nhân cách, phẩm cách không bao giờ được đề cập thì chẳng những không tạo ra thế hệ con người tốt mà có nguy cơ lưu manh hóa xã hội.
Hơn nữa, giả sử lý do để không loại bỏ con yêu râu xanh này là vì trường thiếu giáo viên thì càng không hợp lý! Bởi hiện tại, có hàng ngàn sinh viên loại giỏi, loại khá đã tốt nghiệp nhưng không có chỗ để dạy, phải đi bưng bê thức ăn cho quán, đi phụ hồ, đi bưng cà phê, chạy xe ôm… để tồn tại. Như vậy giáo viên không bao giờ thiếu mà chỉ thiếu sự công bằng và thiếu sự minh bạch trong tuyển chọn, đào tạo cũng như bố trí công việc.
Trở lại chuyện giáo viên dâm ô với những học sinh tiểu học, những cháu bé này đang tuổi thiếu nhi, sự sờ mó của con yêu râu xanh này sẽ làm các cháu tổn thương tâm lý và khó có thể nói rằng tương lai của các cháu không bị khủng hoảng bởi một sự mặc cảm sâu xa nào đó. Lẽ ra thì tội dâm ô với trẻ em phải bị truy tố trách nhiệm hình sự. Nhưng ở đây, bà Ngô Thị Nguyệt, Phó trưởng phòng Giáo dục thành phố Vinh cho rằng mức độ sai phạm chưa có gì trầm trọng vì chưa để lại hậu quả nghiêm trọng và “do hoàn cảnh thầy Dũng nghèo khổ nên trường tạo điều kiện cho thầy vượt qua khó khăn…”(?!).
Chỉ riêng góc độ xã hội thuần túy thì tên Cao Văn Dũng đã phải lãnh án tù giam từ năm đến bảy năm với bản án hình sự. Đằng này hắn ta là một giáo viên, mà kẻ làm quản lý giáo dục lại cho rằng mức độ phạm tội chưa trầm trọng thì không còn gì để bàn!
Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một đất nước mà ăn trộm một con gà có thể chịu ba năm tù, vậy mà dâm ô, sàm sỡ trẻ nít chỉ bị nhắc khéo.
Lẽ ra, động thái đầu tiên mà ngành giáo dục bắt buộc phải làm là loại bỏ tên giáo viên râu xanh này ra khỏi ngành nhằm giữ cho ngành giáo dục được trong sạch, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ phạm tội cũng như đơn thư tố cáo về những tội y gây ra sang cho ngành công an và Viện kiểm sát để họ tiếp tục điều tra làm rõ vấn đề.
Đằng này một Phó trưởng phòng giáo dục ở một thành phố là quê hương của ông Tổ Cộng sản Việt Nam, thành phố luôn “học tập và làm việc theo gương Bác” lại cho rằng tội sàm sỡ, dâm ô trẻ em vị thành niên là “không có gì trầm trọng”. Câu nói này chẳng khác nào đang đổ nước thối vào gương mặt của ngành và chứng minh rằng ngành giáo dục là thối nát, là chẳng có gì gọi là đạo đức.
Thế nhưng bà Nguyệt đã nói như vậy và kẻ sàm sỡ, dâm ô vẫn chưa bị bắt, vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này không những gây bức xúc cho giới phụ huynh học sinh mà còn cho thấy rằng nền giáo dục đang đứng ngay hố trũng của thối nát, băng hoại, vô liêm sỉ!
Và câu chuyện của Sầm Đức Xương cũng như câu chuyện của tên giáo viên mà báo chí nhà nước đăng với tên “thầy D.” chỉ cho thấy rằng tương lai đất nước này sẽ bệ rạc khinh khủng hơn hiện tại rất nhiều. Bởi các thế hệ trẻ của đất nước đang bị đầu độc bởi những tên lưu manh đội lốt nhà giáo và chúng được dung dưỡng, được bao che bởi giới quan chức lãnh đạo ngành dốt nát và cũng không kém phần khốn nạn.
Một tương lai của đám đông khốn nạn, tập thể khốn nạn, quốc gia khốn nạn đang chờ đợi chúng ta nếu như ngành giáo dục Việt Nam tiếp tục bị thao túng bởi những kẻ mang thần kinh khốn nạn như đang thấy!
VietTuSaiGon
(Blog RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét