Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Việt Minh nó bạc lắm!


Việt Minh nó bạc lắm!

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Năm, ngày 03 tháng 3 năm 2016 | 3.3.16


Ba Sàm đôi lời: Nhân bài của ông Bùi Tín, viết về hai anh em cụ Trịnh Văn Bính và Trịnh văn Bô, xin được giới thiệu lại bài viết về gia đình cụ Trịnh Văn Bô, của tác giả Bùi Xuân Bách. Ông Bùi Xuân Bách chính là cháu nội của cụ Trịnh Thị Thục (chủ hiệu Phúc Đồng), cụ Trịnh Thị Thục là chị cả của hai cụ Bính và Bô.




Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ khi còn trẻ. Nguồn ảnh: internet


Chuyện chưa kể: Sau khi tiếp quản Thủ Đô năm 1954, ông Trịnh Văn Bô giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Ông anh, ông Trịnh Văn Bính là Thứ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1945 cho đến khi về hưu, Thứ trưởng phụ trách Tài chính Công nghiệp, và đã từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên.



Ông Bô có hai ô tô nhà, nhưng chỉ đi xe đạp đi làm hàng ngày. Đến năm 1957, cuộc Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh bắt đầu. Dù đi theo Kháng chiến suốt cả 9 năm, ông bà cũng phải tham gia học tập cải tạo. Thậm chí sau đó, người ta còn đưa ông Trịnh Văn Bô ra khỏi Đảng. Cũng nên biết rằng ông đã vào Đảng từ năm 1944, do ông Khuất Duy Tiến giới thiệu. Ông Bô thì tính rất hiền, cũng chấp nhận mà không nói gì và họ chuyển ông về làm cán bộ ở Bộ Ngoại thương. Bà Bô thì không chịu. Bà lên gặp hẳn Trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ. Không rõ bà đã nói gì với ông Sáu Búa (tức Lê Đức Thọ), nhưng sau đó họ đã phục hồi Đảng tịch lại cho ông Bô.


Nếu như ở nông thôn thì câu chuyện có khi đã khác, như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm chẳng hạn. Ngay trong họ, chị cả của bà Bô là bà Hoàng Thị Hiến, vợ ông Đặng Hướng. Thời trước Cách mạng, ông làm quan, nhưng có cảm tình với những người chống Pháp, nên cứ bắt được CS là ông tìm cách thả.


Được mời làm Bộ trưởng phụ trách Thanh Nghệ Tĩnh trong chính phủ đầu tiên năm 1945, ông Đặng Hướng cũng đi theo kháng chiến suốt 9 năm. Khi cuộc CCRĐ được phát động, ông bà cũng bị lôi ra đấu tố, song nhờ có lệnh ở TƯ về kịp nên chưa mất mạng, dù đã bị giam. Là con gái Hàng Đào, Bà Hoàng Thị Hiến không chịu nổi sự sỉ nhục, đã uống thuốc độc quyên sinh. Ông Đặng Hướng cũng mất sau đó ít lâu.


Bà Bô đã từng phải nói là : “Việt Minh nó bạc lắm!”


Giờ đây, khi xã hội nói tục đã nhiều, câu này có vẻ nhẹ, nhưng đối với thế hệ các cụ, chuyện nói tục là đã bị cấm ngay từ bé, không bao giờ có một lời nói thô, thì đây lại là câu nặng nhất, Tất nhiên bà nói với các cô chú trong nhà, còn tôi là cháu lớn nhất trong cả hai họ nội ngoại nên chuyện cũng đến tai.


___


Mời các bạn tham khảo một bài báo khác:


Một Thế Giới/ Phụ Nữ


Nhà 48 Hàng Ngang và người hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng


Quỳnh Lam


2-9-2015


Biệt thự của bà quả phụ Trịnh Văn Bô nằm giữa khuôn viên xanh um cây cối, rộng đến gần 3.000 m2 trên đường Hoàng Diệu – một trong những phố đẹp nhất Hà Nội.


Vắng tay chăm sóc, cỏ mọc xanh rì vào tận bậc thềm, nhưng tòa biệt thự 3 tầng trải qua nhiều biến thiên thời cuộc, vẫn còn dấu vết nguy nga của một gia tộc bề thế và có danh phận bậc nhất xứ Hà thành đầu thế kỷ trước.


Trên Wikipedia tiếng Việt có dẫn: “Trịnh Văn Bô (1914 – 1988) là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ cho chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ. Hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi tại số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhà riêng của ông, là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, và là nơi ra đời bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.


“Tôi đâu ngờ “ông cụ dưới quê” là Hồ chủ tịch”


Ở tuổi 103, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (người ta thường quen gọi cụ là bà Bô) vẫn còn minh mẫn. Tóc trắng như cước, da dẻ hồng hào, ánh mắt tinh anh như tiên, bà cụ vẫn ngồi kiểm tra từng món đồ lễ để con cháu chuẩn bị cúng Vu lan. Kỹ sư Trịnh Kiến Quốc, người con thứ năm của ông bà Trịnh Văn Bô (hiện đang ở ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cùng mẹ) kể: “Bố mẹ tôi đều sinh ra trong hai gia đình danh gia vọng tộc. Là nhà tư sản giàu có bậc nhất Hà Nội thời thuộc Pháp, bố mẹ tôi chăm chỉ làm việc từ sáng tới đêm, ông bà dạy con cái phải siêng năng, giản dị, không lãng phí, ngay ngắn giữ nếp nhà.


Gia đình buôn bán lớn, nuôi rất nhiều người giúp việc, nhưng hằng ngày mẹ tôi vẫn tự tay nấu ăn cho chồng con. Bà là mẫu mực của phụ nữ Hà Nội xưa: chịu thương chịu khó, đảm đang tháo vát, nữ công gia chánh tinh khéo… Cho tới tận gần 100 tuổi, mọi giỗ chạp lễ tết trong nhà mẹ tôi vẫn đích thân lo, bà can thiệp cả việc dạy dỗ bầy cháu hàng chục đứa, nghiêm khắc và thương yêu, để giữ đúng nền nếp của gia tộc…”.


Cụ Hoàng Thị Minh Hồ do tuổi cao, nên giờ nói chuyện hơi khó khăn. Nhưng câu chuyện từ ký ức thì con cháu đều thuộc làu để kể thay cho bà, như thể họ sống cùng và trải qua những tháng ngày hào hùng đó. Bởi dấu mốc đặc biệt của lịch sử đất nước cũng là vinh dự truyền đời của gia tộc họ Trịnh phố Hàng Ngang.




Nhà 48 Hàng Ngang năm 1945. Ảnh: internet


Năm 1932, công tử Trịnh Văn Bô của nhà Phúc Lợi (hãng buôn tơ lụa lớn nhất Hà Nội) lấy cô Hoàng Thị Minh Hồ. Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu xây dựng cơ ngơi riêng của mình từ ngôi nhà 48 Hàng Ngang – con phố buôn bán sầm uất nhất khu phố cổ. Tháng 3.1945, ông Khuất Duy Tiến đã tìm đến gặp gia đình Trịnh Văn Bô để trò chuyện về Mặt trận Việt Minh và kêu gọi ủng hộ tài chính. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, gia đình ông Bô – bà Hồ đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng mà họ tích cóp được nhờ buôn bán tơ lụa.Tháng 8.1945, gia đình Trịnh Văn Bô được Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam gửi 15 đồng chí lãnh đạo chủ chốt, trong đó có toàn bộ Ban Thường vụ Trung ương Đảng về trú trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang.


“Bố mẹ tôi kể lại rằng vào chiều 24.8, đồng chí Trường Chinh (mà bố mẹ tôi gọi là anh Thận) có thông báo: gia đình ta chuẩn bị một phòng để tối nay đón một ông cụ ở dưới quê lên”. Sẩm tối, “ông cụ dưới quê” đến nhà, mặc áo sơ mi quần sooc nâu và đội mũ bạc màu, chân đi dép nhựa. Ông cụ cao gầy, dáng đi nhanh nhẹn và đôi mắt đặc biệt ngời sáng. Bố mẹ tôi không biết rõ về thân thế ông cụ, nhưng thấy sự kính trọng của những đồng chí trong nhà thì đối đãi khách trọng thị hết mức. Tiệm lụa ở tầng một vẫn buôn bán bình thường để nghi binh, mẹ tôi vừa lo bán hàng vừa canh chừng không cho ai lên gác hỏi han làm phiền ông cụ. Ngay cả từng bữa cơm cũng do mẹ tự tay bưng lên gác hai phục vụ, đêm nào ông cụ cũng đánh máy chữ rất khuya, mẹ tôi biết ý cụ dậy sớm nên sáng ra là chuẩn bị tuần trà và đĩa hoa quả đưa lên phòng” – ông Quốc kể lại.


Nữ chủ nhân của ngôi nhà 48 Hàng Ngang được biết vào ngày 2.9, Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân đồng bào, bà lo lắng ngay chuyện ăn mặc của Thường vụ Trung ương Đảng. “Các ông ấy ở chiến khu về, ai cũng chỉ quần sooc, áo cộc, đều sờn bạc. Trong nhà sẵn vải khaki đẹp, tôi lấy may cho anh em.


Ông Bô có rất nhiều lễ phục sang trọng chưa từng mặc, ai vừa bộ nào thì dùng luôn. Riêng “ông cụ” thì người gầy quá, tôi gọi thợ may đến đo đạc và hỏi kiểu dáng, “ông cụ” bảo chỉ muốn kiểu đơn giản, không cần vải đắt tiền, không cà vạt cổ cồn, chỉ cốt tươm tất là được. Đến sáng 2.9, khi nhìn thấy “ông cụ” trong bộ quần áo bốn túi kín cổ giản dị, đứng trên lễ đài quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn Độc lập, mắt tôi nhòa đi vì hạnh phúc. Tôi đâu ngờ những ngày qua gia đình mình được hân hạnh chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh” – cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ nhớ lại trong xúc động.


Ngôi nhà lịch sử


Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 8 vị trong Thường vụ Trung ương Đảng (Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh…) cũng đều có thời gian ở trong nhà 48 Hàng Ngang chuẩn bị cho sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước: lễ Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Trải qua 70 năm, kiến trúc ngôi nhà vẫn là 3 khối nhà 4 tầng được cách nối nhau bằng hai sân trời (trên diện tích gần 500m2), mặt tiền Hàng Ngang rộng 7m, mặt sau ngôi nhà mở ra phố Hàng Cân rộng 15m. Có thể hình dung cơ ngơi này từng đồ sộ thế nào vào những năm 30-40 của thế kỷ trước, khi tầng 1 còn là cửa hiệu tơ lụa tấp nập bán mua suốt ngày đêm. Chính vì địa thế nằm giữa khu phố sầm uất, đông khách hàng ra vào nhiều, gia chủ lại là cơ sở cách mạng nội thành, nên khi Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, nhà 48 Hàng Ngang đã được lựa chọn là nơi ở an toàn cho Bác và Thường vụ Trung ương Đảng.




Nhà 48 Hàng Ngang bây giờ. Ảnh: internet


Trên tầng 2 của ngôi nhà, phòng ăn rộng 60m2 của gia đình ông bà Bô được dùng làm phòng họp của Bác và các vị trong Thường vụ. Giữa phòng vẫn còn chiếc bàn chữ nhật bằng gỗ quý màu nâu sẫm, 8 ghế tựa bọc đệm nỉ mềm có phủ vải trắng. Đi qua dãy hành lang, cùng tầng 2 là hai căn phòng thông nhau. Phòng lớn có diện tích chừng 50m2, có ban công rộng và cửa kính, rèm lụa trắng nhìn xuống phố Hàng Ngang – được dùng làm phòng khách (căn phòng này Bác từng tiếp nhiều đoàn khách trong nước và các phái bộ quốc tế). Căn phòng nhỏ liền đấy có kê một tủ tài liệu, bàn làm việc nhỏ, một chiếc giường vải xếp đơn giản đơn sơ để Bác nghỉ. Gia đình ông Bô có dành cho Bác một phòng ngủ rộng với sập gỗ quý trên tầng 3, nhưng Bác từ chối để xuống tầng 2 ở cùng các anh em. Và căn phòng nhỏ với đồ đạc đơn giản ấy chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.




Chiếc bàn nước nơi ông Hồ dùng làm bàn viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: internet


Nhà 48 Hàng Ngang được xếp hạng là di tích cách mạng, một trong những cứ liệu về chuỗi ngày hào hùng của đất nước. Trong khối nhà mặt Hàng Ngang, tầng 1 hiện được sử dụng như phòng trưng bày theo chủ đề, tầng 2 trưng bày những đồ gỗ ngày xưa mà Bác Hồ và các đồng chí Thường vụ sử dụng, các tầng khác để trống. Hai khối nhà còn lại (hướng mặt Hàng Cân) đang được sử dụng như công sở (của Ban quản lý di tích), với các phòng được ngăn nhôm kính. Có nhiều tiếc rẻ về cách “bảo tàng hóa” di tích này. Vì với đặc thù của nhà 48 Hàng Ngang, nếu phục dựng được không gian tầng 1 là cửa hàng tơ lụa, sân trong và các phòng kế tiếp, các khối nhà phía sau được phục hồi thành phòng bếp, phòng nghỉ, phòng khách… với nội thất nguyên bản của gia đình doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô – hẳn sẽ cảm động và “chạm” hơn đến người chiêm ngưỡng di tích.


Trong ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đang sống những tháng ngày bình yên trong sự chăm sóc quây quần của con cháu. Cụ ông Trịnh Văn Bô đã khuất núi gần ba thập niên, mang theo nhiều nỗi buồn phiền do những ứng xử sai lầm của người cầm quyền. Nhưng còn may, lịch sử luôn công bằng, tới năm 2006, cụ Trịnh Văn Bô được truy tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” (cùng 3 doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà). Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ trên 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam, nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình cụ với Đảng, Chính phủ và ngành tài chính.


Theo FB Bùi Xuân Bách


(Ba Sàm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét