Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Ứng viên độc lập dưới cái nhìn một đại biểu quốc hội


Ứng viên độc lập dưới cái nhìn một đại biểu quốc hội

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 19 tháng 3 năm 2016 | 19.3.16




Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử quốc hội sắp tới, tại một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 16/2/2014. AFP photo


Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 bắt đầu vận động khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tại Hà Nội. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với GS-TS Nguyễn Lân Dũng đại biểu Quốc hội ba khóa liền để biết thêm nhận định của ông về các vấn đề hiệp thương cũng như người tự ứng cử trong lần này.


Mặc Lâm: Thưa giáo sư, là đại biểu quốc hội liên tiếp ba nhiệm kỳ, xin ông cho biết nhận xét của GS về các đồng viện mà ông từng làm việc chung suốt thời gian trong nghị trường Quốc hội. Theo ông thì trong 500 đại biểu có bao nhiêu người thích hợp với vai trò mà họ nắm giữ?


GS-TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy 500 đại biểu đa số là thích hợp là người tiêu biểu do các đoàn thể cử ra. Một số không thích hợp do cơ cấu nhiều chức năng quá, đó là cơ cấu cả nữ, cả trẻ, cả dân tộc cả tạm thời ngoài đảng. Tôi nói tạm thời ngoài đảng do có một số đồng chí rất tốt trong một thời gian ngắn thì đã vào đảng, cái số đó thì kỳ này có rút kinh nghiệm. Báo chí cũng nói nhiều là không nên coi cơ cấu nặng hơn tiêu chuẩn và tôi thấy đó là một tiến bộ.


Nên lấy tiêu chuẩn là chính mà có cơ cấu thì chỉ quan tâm. Nếu là nữ thì nên để Hội Liên hiệp phụ nữ giới thiệu. Nếu trẻ thì để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giới thiệu. Nếu là ngoài đảng thì từ đầu đến cuối tiêu biểu ngoài đảng thì nó sẽ phù hợp hơn. Người dân tộc thì không cần quá nhiều người vì thực ra trong quốc hội những người hiểu biết người dân tộc chỉ cần một số thôi nhưng cần họ hiểu người dân tộc để đấu tranh cho sự bình đẳng của người dân tộc, đó là những điểm chính mà lâu nay tôi vẫn thường nói với báo chí.


Mặc Lâm: Trong lần bầu Quốc hội khóa 14 này rộ lên phong trào người dân tự ứng cử, theo giáo sư thì đấy có phải là dấu hiệu của một sự chứng tỏ của người dân muốn tham gia vào tiến trình dân chủ hay còn nguyên nhân nào khác?


GS-TS Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi thì càng nhiều người tự ứng cử thì càng chứng tỏ sự dân chủ và nói chung các đồng chí lãnh đạo đều nói không phân biệt đối xử. Tất nhiên là có được vào vòng chung kết hay không còn do hai chặng. Thứ nhất họ được vấn đề ưu tiên họ không qua chặng bình bầu của các đoàn thể, họ chỉ cần trên 21 tuổi và nộp đơn ở Ủy ban bầu cử là được. Họ bị ràng buộc hai điều kiện, một là nếu đang làm việc tại cơ quan thì phải qua nhận xét của cơ quan, thứ hai thì ở khu phố nào thì qua nhận xét của nhân dân khu phố đó. Thế cho nên người nào xứng đáng thì sẽ được bầu bởi vì không phân biệt đối xử.


Tuy nhiên những người nào ứng cử cho nó vui, hoặc để chứng tỏ thế nọ thế kia thì chắc chắn khu phố họ biết. Những người nào nhiều tài sản mà không khai báo đầy đủ cũng không được. Tóm lại theo tôi chủ trương thì rất bình đẳng, không phân biệt đối xử nhưng mà qua hai điểm khu dân cư và cơ quan mình làm việc được hay không thì đó là rất khó.


Tất nhiên tôi nghĩ là nhiều người xứng đáng. Tôi thấy có chị Kim Tiến trước đây là phát thanh viên rất nổi tiếng của Việt Nam được các mục sư Tin lành giới thiệu. Có anh Trần Đăng Tuấn là Phó tổng giám đốc đài truyền hình trước đây sau này làm chương trình Cơm có thịt cho đồng bào dân tộc ở miền núi. Những người đó tôi nghĩ là nhiều khả năng tự ứng cử. Có anh Trần Đăng Khoa người thường hay phát biểu về gian dối trong giáo dục cũng tự ứng cử. Tôi thấy có nhiều người quen biết ứng cử lắm. Thế còn một số người ứng cử mà để tỏ ra rằng “kiểm tra xem dân chủ đến đâu”, phát biểu những câu như thế thì khó lòng được nhân dân đồng tình vì đây là chuyện nghiêm chỉnh chứ không phải chuyện đùa.


Mặc Lâm: Dư luận vẫn cho rằng người tự ứng cử luôn bị hai lần hiệp thương đẩy ra khỏi vòng chọn lựa. Theo giáo sư nhận định như vậy có chính xác không?


GS-TS Nguyễn Lân Dũng: Chính những người tự ứng cử lại dễ dàng hơn nhiều còn có được hay không thì lại do bản chất người đó có đạt được yêu cầu hay không. Thí dụ như người làm nghề tự do, không có quá trình gì cả thì rất là khó bởi vì họ không biểu hiện họ có trình độ gì cả thì làm sao mà khu phố họ đồng ý được? Có nhiều người ứng cử mà họ biết là họ không trúng cử nhưng họ cứ ứng cử. Thế nào đó thì tôi không dám nói nhưng mà tôi nghĩ họ không nghĩ họ sẽ trúng cử đâu. Họ làm nghề tự do không có hoạt động gì cho mọi người thấy là có trình độ làm đại biểu cho cả nước vì cả nước chỉ có 500 người trong 92 triệu người vì vậy 500 người phải tiêu biểu cho một bộ phận nhất định của nhân dân cả nước.


Mặc Lâm: Ông Hoàng Hữu Phước là đại biểu quốc hội khóa 13 vừa nộp đơn tự ứng cử một lần nữa sau nhiều lần phát ngôn sỉ nhục đối với hai đồng viện là ông Dương Trung Quốc và ông Trương Trọng Nghĩa, đến nỗi người dân lẫn báo chí cho là ông ta có vấn đề tâm thần, và một viên chức cao cấp phát biểu rằng cần phải khám sức khỏe tâm thần cho người ứng cử vào quốc hội. Giáo sư có nhận xét gì về vấn đề này?


GS-TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ nói cho nó vui thôi chứ còn sức khỏe thì nó cần biểu hiện bằng hành động. Người có sức khỏe không bình thường về tâm thần thì qua khu phố người ta biết ngay thôi! Đấy là nói cho vui chứ không có chuyện khám sức khỏe tâm thần đâu. Tôi nghĩ rằng qua hai lần hiệp thương ở khu dân cư và cơ quan thì mọi chuyện đều rõ ràng.


Mặc Lâm: Mới đây Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng một số người tự ứng cử có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri. Giáo sư nghĩ sao về khẳng định này?


GS-TS Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi thì phải có bằng chứng, mà có bằng chứng rồi thì họ mới nói, tiếc là không nói tên cụ thể thành ra cũng không biết là nó thực hư đến đâu. Nhưng nếu như họ thấy có vấn đề đó thì họ sẽ làm sáng tỏ trong khi hiệp thương. Thí dụ như khi đưa ra nhân dân thì họ phải đưa ra bằng chứng. Bằng chứng này bằng chứng kia, phải có bằng chứng chứ không thể nói chung chung như thế được cho nên họ mới nói sơ bộ là có vấn đề đó chứ có thật hay không thì họ phải có bằng chứng.


Nếu có bằng chứng thì họ mới có thể đưa người đó ra khỏi danh sách chứ không thể không có bằng chứng mà tự tiện làm được. Đưa ra khỏi danh sách hay không do dân quyết định chứ không phải do cái ban nào quyết định cả.


Nếu họ đưa ra bằng chứng người này đã nhận tiền của ai, hoặc là tự vận động trên mạng, mà theo luật Quốc hội không được tự mình vận động mà nếu lợi dụng mạng cá nhân để vận động này khác thì không phải ai đó gạch bỏ mà nhân dân phát hiện người đó đã có sai phạm, nhân dân bỏ phiếu hay không bỏ phiếu do khu phố mà người đó cư trú quyết định. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt.


Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét