Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Phải có luật ràng buộc và kiểm soát đảng Cộng Sản


VNTB- Phải có luật ràng buộc và kiểm soát đảng Cộng Sản
Reply
Đào Đức Thông, opposite, Phải có luật ràng buộc và kiểm soát đảng Cộng Sản, VNTB
3.3.16
Đào Đức Thông





(VNTB) - Ở Việt Nam hiện nay chưa có luật về Đảng. Đây là một điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần nhanh chóng bổ khuyết sau 86 năm hoạt động.


Đảng hoạt động “ngoài vòng pháp luật” !


Có Luật về Đảng sẽ làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời Luật về Đảng tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.


Luật về Đảng sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động một cách hiệu quả hơn, minh bạch hơn, tránh bị cho là Đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật, tránh bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo; và cũng là để nhân dân có cơ sở giám sát các tổ chức và cán bộ của Đảng làm việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.


Ngoài ra, hoạt động trong một khung khổ pháp luật rạch ròi giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết được rất nhiều vấn đề nội bộ của mình như dân chủ trong Đảng, ngăn không để các đảng viên tham nhũng, lộng quyền, thoái hóa, suy thoái,… mà giờ đây chính các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải coi là quốc nạn, gây tổn hại cho sự sống còn của Đảng, cho chế độ XHCN… Như ông Nguyễn Phú Trọng - đương kim Tổng bí thư đã công nhận, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tức là đảng CS Việt Nam đang có vấn đề.


Phải có Tòa Bảo Hiến


Thành lập từ năm 1930 cho đến nay, Đảng CS Việt Nam đã áp đặt quyền cai trị lên nhân dân Việt Nam 86 năm. Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay có sự hiện diện một số cơ quan kiểm tra, giám sát. Song ở cấp cao nhất trong cơ quan Đảng vẫn còn tồn tại khoảng trống quyền lực chưa được giám sát vì "chưa được luật hóa". Và những đảng viên mất chất có chức có quyền đã đã lợi dụng khoảng trống quyền lực này để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, bỏ mặc lợi ích chung của nhân dân.


Giai đoạn 1986-1991, Ở Đại hội Đảng VI, Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam - Nguyễn Văn Linh có nêu quan điểm: Bộ Chính trị còn bận rất nhiều công việc lớn, nên chỉ những vấn đề thuộc đường lối chủ trương trong hoạt động của Quốc hội mới thảo luận ở Bộ Chính trị. Như vậy, Hội đồng Nhà nước chủ động bàn và đưa ra Quốc hội quyết định. Ông Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Đảng.


Từ đây bắt đầu thời kỳ Đổi Mới của Việt Nam, đồng thời mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội hài hòa và thông thoáng nhất. Tuy nhiên sau khi sự kiện bức tường Bá Linh qua đi, đồng minh thân cận của Việt Nam như lãnh đạo Rumani Ceaucescu bị hạ bệ, các nhân vật bảo thủ trong Đảng đã tìm cách bóp nghẹt tiến trình này. Sang Trung ương Đảng khóa VII thì mọi chuyện thay đổi, sau khi ông Nguyễn Văn Linh nghỉ, rất nhiều vấn đề về luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội phải đưa ra để Bộ Chính trị xem xét, có kết luận thì mới được thực hiện. Quy trình này không chỉ gây nên tình trạng chậm trễ mà nhiều vấn đề quan trọng khi đưa ra Quốc hội bàn rất khó vì đã có kết luận của Bộ Chính trị rồi.


Sự việc trên cho thấy, do ngoài việc quy định như trong Điều 4 của Hiến pháp thì không có một văn bản pháp luật nào khác quy định về sự lãnh đạo của Đảng CS nên việc thực hiện điều này tùy thuộc vào từng nhiệm kỳ và “tùy tiện”, “ngẫu hứng” của vị tổng bí thư đương nhiệm.


Vấn đề đặt ra, để Điều 4 Hiến pháp tồn tại và vẫn dân chủ ngay khi có “Luật về sự lãnh đạo của Đảng”, đòi hỏi phải có Tòa Bảo Hiến. Chính vì điều này mà từ mấy năm qua trong giới luật gia ở Việt Nam đã có các tiếng nói kêu gọi lập Toà Bảo Hiến như ở nhiều nước trên thế giới.


Đảng không phải vô giới hạn



Lâu nay Đảng CS vẫn nói Đảng vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhưng tình hình hiện nay thì cần phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng để bảo đảm mọi hoạt động của Đảng có cơ sở pháp lý, có luật để cụ thể hóa điều này, định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân thì mới có căn cứ đầy đủ về luật pháp, vừa phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn chặn tình trạng coi như quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền, ảnh hưởng xấu đến vai trò và uy tín của Đảng; đồng thời để cho việc thực hiện những quyền giám sát, phản biện của nhân dân Việt Nam có nền tảng cơ sở rõ ràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét