Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016
NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI NHIỆM KỲ XIV
NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI NHIỆM KỲ XIV
NGUYỄN KHẮC MAI
5-3-2016
Chỉ có thể tìm hiểu, nhận biết chân tướng của một sự vật hay hiện tượng xã hội là tìm thấy những nghịch lý của chúng. Tìm cách xóa bỏ nghịch lý là làm cho chúng hiện đúng cái bản chất cũng như diện mạo đích thực của chúng.
Cuộc bầu cử này cũng vậy. Đất nước cần đổi thay, xóa bỏ toàn trị, mở rộng dân chủ, dân quyền, nhân quyền, phát triển văn minh, hình thành sức mạnh mới của Dân tộc, thoát Trung, có năng lực chủ động làm bạn với thế giới văn minh,hợp tác toàn diện không bị lệ thuộc với tất cả cường quốc năm châu, giữ được hòa bình, giữ được chủ quyền Biển Đảo, biên giới…
Vậy thì cuộc bầu cử này, phải làm thế nào đây, mới đúng như Nó, như sự đòi hỏi của Đất Nước, như chính nghĩa của Dân tộc hôm nay.
Hãy vạch ra những nghịch lý, đặng làm cho Nó, có thể, không còn bị “đánh lận con đen”, “treo dê, bán chó”, “hồn Trương Ba da hàng thịt” v.v…
1./ Nên lần tìm nghịch lý từ nhận định cái bản chất của “chế độ chính trị” hiện hữu ở Việt Nam. Theo lý thuyết lý tưởng thì đây là chế độ chính trị “dân chủ một triệu lần hơn”, rồi bà phó Doan khẳng định lại là “một vạn lần hơn”. Rồi gần đây ngài Tổng bí thư mới cả quyết “dân chủ đến thế là cùng”. Người ta còn quả quyết bản chất chế độ nhà nước này là nhà nước công-nông. (nhà nước công –nông ra đời đầu tiên ở Châu Á!)
Tuy nhiên nếu đem đối chiếu cái hiện thực đã hiện hình với một nhận định mang tính dự báo (lạ lùng là rất thiên tài của K.Mác, vị tiên sư của chế độ), ta sẽ có một nhận thức khác.
Từ ngót 150 năm trước, vào cuối TK XIX, trong một cuộc bàn luận vởi Bakounine (một lãnh tụ của Quốc tế Đệ nhị), khi nói về hình thái thể chế chính trị của giai cấp công nhân, Mác tiên đoán: “Một khi giai cấp công nhân nắm được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một chế độ ủy trị. Người ta sẽ phó thác cho một nhóm người tự mình ứng cử bầu cử, nhằm đại diện và cai trị lại họ (giai cấp công nhân). Ngay lập tức họ sẽ rơi tõm vào sự dối trá và lệ thuộc của chế độ đại diện tư sản. Sau một hồi tự do hoặc hưng phấn cách mạng, làm công dân trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ tỉnh dậy thấy mình là nô lệ, con rối, con mồi của những tham vọng mới.”(1)
Sao Mác lại có thể tiên đoán y chang cái hình thái chế độ chính trị do các đảng cọng sản dựng lên từ Nga cho đến Tàu, đến Việt, Cu ba, Triều tiên v.v.. Này nhé, cái chế dộ “đảng cử dân bầu” ở VN là sự minh họa chính xác cho nhận định “một nhóm người tự bầu cử”. Cũng có một kiểu nhà nước mới. Nhưng Công – nông trong đời thực không phải là chủ nhân, là giai cấp lãnh đạo như lý thuyết tuyên truyền, mà thật sự đã là nô lệ, con rối, con mồi (nạn nhân) của những tham vọng mới.
Đã 100 năm nay từ cái gọi là cách mạng vô sản ở Nga, cho đến những cuộc “cướp chính quyền” khác, lịch sử chỉ chứng kiến những tham vọng mới là có thật. Còn công nông và cả anh trí nữa không là nô lệ thì cũng là con rối và chính xác là con mồi của những tham vọng mới trong lịch sử. Những tham vọng mới ấy ở Việt nam ngày nay được những tư tưởng gia của chế độ gọi tên là “nhóm tham vọng quyền lực”, “nhóm lợi ích”… Điều thật thú vị là kẻ tìm mọi mưu gian kế hiểm kể cả ngoại viện để chiếm giữ quyền lực lại gán cho đối thủ của mình cái xấu xa mà mình đang thực hiện. Cái tham vọng quyền lực ấy lại thực hiện đúng như mẹo của tục ngữ Việt: “muốn ăn gắp bỏ cho người!”. Có thể nói cái hình thái chính quyền do các đảng cộng sản lập lên theo mô hình chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn khớp với những gì mà Mác đã tiên đoán.
Cái nghịch lý là dân tộc này, từng xưng văn hiến đã lâu vẫn chưa có cách gì thoát ra khỏi cái thể chế lạc hậu ấy. Cuộc bầu cử này vẫn tiếp tục mô hình, phương thức cũ, lac hậu và lừa mị. Càng nghịch lý khi nhớ tới những lời có cánh của Hồ Chí Minh: “Làm sao cho dân dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ”. Nhưng bầu cử Quốc hội là một quyền dân chủ cao cả lại bị tìm mọi cách để chủ yếu chỉ là “quyền bỏ phiếu”. Những quyền tự do ứng cử, quyền giám sát bầu cử, quyền sử dụng những hình thức văn minh để lựa chọn ứng cử viên, lựa chọn nghị sĩ đều bị đánh tráo, cắt xén và hạn chế đến cùng. Không thể không nghĩ tới một nét nghịch lý khác, là đang có một số khá đông những trí thức, những “công nông” vẫn còn ngủ yên trên gối mộng, mà chưa tỉnh dậy để thấy rõ mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới, như tiên đoán của Các Mác.
2./ Ai cũng thấy phải đổi mới thể chế, người ta nói nhiều đến thể chế kinh tế. Ai cũng nói phải cải cách hành chính, trước đây thì nói để bớt hành dân là chính. Nay chính ông chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói giữa QH là để không ác với dân. (Người xưa nói, “nhân chi tương tử, kỳ ngôn dã thiện”. Nghĩa là con người sắp chết, lời nói thường tử tế. Dân gian bảo cán bộ sắp về hưu lời nói thường có cánh!). Hành dân và ác với dân thì phải cải cách. Đúng quá rồi. Nhưng, nếu không cải cách thể chế chính trị làm sao thay đổi đường lối sai lầm, lạc hậu và tắc tị, đã khiến đất nước tụt hậu kéo dài, tham nhũng, lãng phí trở thành quốc nạn, thành một chứng bệnh nan y, thành một dấu chỉ bản sắc của chế độ ?
Bầu cử để có một Quốc hội chuyên trách, có phẩm chất, có chất lượng, có năng lực kiến tạo. Năng lực kiến tạo chữ được dùng nhiều hiện nay, trở thành một đòi hỏi cấp thiết. Trong chỉ thị Bộ chính trị về bầu cử lần này, tôi có viết: “Quốc hội này phải là QH chấn hưng Đất nước, có năng lực loại bỏ những hư hỏng cũ kỹ, sai lầm, khuyết tật của giai đoạn vừa qua, thực hiện có hiệu quả cải cách thể chế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng và phát triển, chấn chỉnh chính sách đối nội, xây dựng nền dân chủ đa nguyên, đoàn kết và phát huy mọi sức mạnh của dân tộc, hóa giải hận thù, chia rẻ từ cuộc huynh đệ tương tàn, điều chỉnh hữu hiệu đường lối, chính sách đối ngoại, có quyết sách giảm sự uy hiếp lệ thuộc đối với bá quyền mang màu sắc Trung Hoa, thực hiện hiệu quả quan hệ chiến lược với khu vực và quốc tế”.
Quả thực, nếu không xác định cho rõ mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược của Quốc hội kỳ này thì làm sao có tiêu chí lựa chon nghị sĩ, mà cũng sẽ không dám thi hành những biện pháp văn minh hữu hiệu để mời gọi nhiều người tài năng ra đảm nhiệm sứ mệnh mới. Rồi lại “vũ như cẩn”. Những chương trình công tác cụ thể được xác định. Nhưng đóng góp gì cho một tiến trình mới có hiệu quả thì thật khó mà có đánh giá đúng đắn. Chỉ thị của bộ chính trị khóa cũ ngày 4-1-2016 cũng như những văn bản chỉ đạo của Ủy ban bầu cử TƯ và những hành xử cụ thể đang diễn ra, khiến người ta có thể hoài nghi cái chất lượng sẽ có của Quốc hội mới.
Chỉ có khoảng 50 ứng cử viên tự do, trong khi sự chỉ định ứng cử với những thể thức dẫu mang tính pháp lý thì rõ ràng sự vi phạm “tinh thần luật pháp” là không thể biện hộ. Người ta ngang nhiên cho phép một nhóm cử tri nhỏ bé phủ định ngay tư cách của một ứng cử tự do. Đúng lý ra thì chỉ có Tòa án mới có quyền phán xét nhân thân một công dân. Cái gọi là hiệp thương, hay lấy ý kiến cử tri nơi cư trú rõ ràng là những biện pháp hành chính rất kém tính văn minh, dân chủ cho một cuộc bầu cử tự do. Lối hành xử này, thật kỳ lạ, là nó lại đúng y chang như tiên đoán của Mác: “một chế độ ủy trị, để cho một nhóm người tự bầu cử để cai trị”. Một vài thành viên của Đoàn chủ tịch Mặt trận cũng đã dè dặt hoài nghi tính chính danh của bầu cử: “Đảng chỉ có 4,5 triệu đảng viên lại chiếm đa số trong Quốc hội!”, “Quốc hội với đa số đảng viên thì nó là hội nghị đảng” v.v…
Vẫn tiếp tục bầu một QH không chuyên trách, nhiều người vẫn sẽ kiêm nhiệm vừa bí thư chủ tịch vừa nghị sĩ QH. Việc đảng, việc chính quyền đã như mèo mửa, làm không xong còn kiêm nhiệm, vừa đá bóng vừa thổi còi. Một Quốc hội chuyên trách, đa dạng phong cách, tự do tư tưởng, tinh gọn và có phương thức hành xử văn minh hữu hiệu chính là yêu cầu của Dân của Nước hôm nay. Cứ xem xét chất lượng và cung cách hoạt động vừa qua của nghị sĩ sẽ thấy đâu cần đên 500. Chỉ cần 250, lựa chọn, bầu cho tử tế, dồn kinh phí cho họ hoạt động, có thể tiên đoán cái kết quả khả quan hơn nhiều. Có thể thấy cái nhu cầu số đông để chúng khẩu đồng từ mặc nhiên phù hợp với “thể chế ủy trị của một nhóm tự ứng cứ để cai trị” mà Mác đã dự báo.
3./ Với những nghịch lý kể trên thật khó để có một Quốc hội như tình thế của Đất nước đòi hỏi. Lại càng khó khi thực hiện một yêu cầu rất đúng, mà chỉ thị của bộ chính trị khóa trước buộc phải đề ra. Đó là yêu cầu phải loại bỏ những kẻ gây ra tham nhũng và lãng phí. Chỉ thị ấy nói rằng: “Không giới thiệu những người đứng đầu cơ quan và tổ chức gây ra tham nhũng và lãng phí”. Lại nói rõ thêm, không bầu cho những kẻ tham vọng quyền lực và nhóm lợi ích. Ở nước ta ai cũng biết đứng đầu tổ chức gây ra tham nhũng và lãng phí chỉ là tổ chức đảng. Nó áp đặt một đường lối sai lầm lệch lạc kéo dài, tai họa gieo ra đã thấy rõ, tụt hậu, ngày càng tụt hậu, lệ thuộc ngày càng lệ thuộc. Lãng phí không chỉ là tiền của vật chất, tài nguyên, chất xám mà lớn hơn quan trọng hơn là lãng phí thời gian của Dân tộc.
Bùi Quang Vinh, một ủy viên TƯ ngậm ngùi cay đắng thú nhận để có được một bước phát triển kinh tế xã hội, nhiều nước lân bang chỉ tiêu phí một nửa vốn đầu tư như VN và cũng chỉ mất ½ thời gian như VN! Đất nước tụt hậu, ngày một tụt hậu xa so với lân bang, mà nhiều thập kỷ nữa may ra mới đuổi kịp họ ở trình độ hôm nay. Thật là chua xót và nghịch lý. Một dân tộc chỉ vì rơi vào cái thể chế “một nhóm người tự mình ứng cử, bầu cử để cai trị” mà trở nên suy đồi, lạc hậu đến thảm thương!
Tội gây ra tham nhũng và lãng phí phải quy về trách nhiêm của BCH TƯ các khóa kể từ 1986 đến nay, đặc biệt là với khóa XI vừa qua. Ai có thể xóa bỏ nghịch lý này: Không giới thiệu, không bầu cho các ủy viên TƯ khóa XI? Hay cứ nói zậy mà không phải zậy! Chỉ mong cử tri có ý thức và dũng cảm để nhất thiết không bầu cho tất cả cán bộ lãnh đạo của đảng, những người có trách nhiệm, có tội lỗi chính đã gây ra tham nhũng và lãng phí.Trong khi chưa có một tòa án để có phán quyết đủ đầy, thì cứ như Truyện Kiều nói :”Lấy trong ý tứ mà suy”, cử tri cả nước hãy giành lấy quyền không bỏ phiếu cho những kẻ chịu trách nhiệm chính đã gây ra tham nhũng và lãng phí!
Để giảm thiểu tác hại của các nhóm “tham vọng quyền lực”, ”nhóm lợi ích” chỉ có một cách duy nhất, không có con đường thứ hai. Đó là cố gắng đến tối đa thực hiên tự do ứng cử và bầu cử. Hày thật sự văn minh, văn hóa để biết mời gọi và tôn trọng những ứng cử viên tự do. Dư luận rất chê bai, không đồng tình với những hành xử đối phó rất thiếu văn hóa với một trình độ rừng rú bất chấp luật pháp để khó dễ những ứng viên tự do. Điều này càng có hại vì nó chứng tỏ dự báo của Mác đang trở thành hiện thực phi dân chủ ở nước ta hôm nay.
Tất yếu là hãy cố gắng xóa bỏ những nghịch lý, càng nhiều càng tốt. Càng ít nghịch lý xã hội càng lành mạnh. Càng lành mạnh càng phát triển vững chắc. Như Kinh Dịch nói: Nguyên. Hanh. Lợi. Trinh. Nguyên là đúng đắn, rõ ràng.Tức không còn nghịch lý. Không nghịch lý mới hanh thông, mới lợi, mới trinh.Trinh, chính là sự chắc chắn, vững bền. Giản đơn như minh triết.
Tuy thế nghịch lý vẫn còn như K. Mác đã dự báo về cái bản chất của chế độ chính trị và hình thức chính quyền của cộng sản. Vì thế cuối đời Mác đã phải tự phủ định chính mình!
Hà nội ngồi mơ một tháng Năm mới.
____
(1) Nguyên văn bằng tiếng Pháp:”Le pouvoir politique de la classe ouvriere souligne t,il.”sera exerce’par procuration. On le confiera a un groupe d,hommes elus par eux-même pour les presenter, les gouverner, ce qui les fera retomber sans faute dans tout ces mensonges et dans tout les servitudes du regime representatif et bourgois. Apres un court moment de liberte’ ou d’orgie revolutionnaire, citoyen d’un Etat nouveau, ils se re’veilleront esclaves, jouets, ou victimes de nouveau ambitieux.” Jean Eleinstein.Marx sa vie et son oeuvre.Fayard.Paris.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét