Những mất mát của Gạc Ma khi cũng nằm trong vùng quên của lịch sử
Nhật Báo BA SÀM
VĐôi lời: Đảo qua một vòng, có thể thấy, báo quốc doanh năm nay có sự thay đổi rất lớn khi viết về sự kiện Gạc Ma. Rất nhiều bài báo đã dám gọi đích danh và lên án Trung Quốc, kẻ đánh chiếm Gạc Ma như: ‘Gạc Ma 1988 là cuộc thảm sát hèn hạ’ (Zing). – Trung Quốc đưa kẻ cướp Gạc Ma trở lại Biển Đông để làm gì? (Soha). – Gạc Ma– lời nhắc nhở về chủ quyền Tổ quốc (HNM). – Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988 (VNE).
Khác với những năm trước, rất khó tìm thấy những bài báo lên án mạnh mẽ như thế. Những bài báo này, mới đọc qua cứ tưởng là báo “lề dân” chứ không phải báo “lề đảng”. Có cảm giác như báo “lề đảng” đang xích lại gần với dân hơn trong sự kiện này. Hai bài báo dưới đây cũng là 2 bài đặc biệt trong loạt bài viết về sự kiện Gạc Ma
.
____
Sống Mới
An Minh
14-3-2016
Tàu HQ 604 được điều ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125
Từ trận chiến biên giới năm 1979 đến hải chiến Gạc Ma năm 1988 đều cho thấy những năm tháng đất nước đau thương. Tuy nhiên khác với những liệt sỹ chống Mỹ, những người đã ngã xuống để bảo vệ đất đai cha ông trước quân Trung Quốc xâm lược lại hầu như nằm trong vùng tối SGK lịch sử nước nhà.
Cho đến nay, hầu như diễn biến trận hải chiến tại đá Gạc Ma, Trường Sa chỉ được mọi người biết đến thông qua internet, còn nếu muốn truy tìm trong các văn bản lịch sử chính thống, thật không hề dễ dàng. Nghĩa là, nếu không nhờ những nguồn tin phi chính thống thì sự kiện này có thể đã bị lãng quên.
Nhận định về vùng quên này, trao đổi với báo Tuổi trẻ, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: “Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân, để nhân dân ta hiểu bản chất của vấn đề, để tiếp tục giữ nước và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.”
Còn đối với một cựu binh còn sống sót sau đợt thảm sát tại đá Gạc Ma như anh Lê Hữu Thảo cũng chỉ có một mong muốn đơn giản và chính đáng rằng, những đồng đội của anh sẽ được nhắc tên trong sách giáo khoa. “Không phải ai cũng có Internet hay có tiền để đọc báo, xem truyền hình. Chỉ có sách giáo khoa là nơi kết nối, truyền tải và đi sâu vào tiềm thức của mỗi thế hệ” – anh Thảo chia sẻ trên trang Zing News.
Gạc Ma là 1 trong 3 sự kiện liên tiếp diễn ra tại biên giới và hải đảo Việt Nam với 3 cuộc xâm lược của Trung Quốc gây ra thương vong lớn về con người và thiệt hại nghiêm trọng về chủ quyền tổ quốc. Ngày 14/3/1988, Đặng Tiểu Bình đã tận dụng thời cơ điều 3 tàu chiến chuyên dụng, hoả lực mạnh tấn công 3 tàu tải vận không vũ trang của Việt Nam. 3 chiến sỹ công binh đã hy sinh và 64 người được cho là mất tích. Những hình ảnh ghi lại từ phía Trung Quốc cho thấy những người lính đứng bảo vệ đảo bị xả súng không thương tiếc mà đến nay, họ được gọi là “vòng tròn bất tử”. Và đúng là họ đã trở thành bất tử trong tâm khảm của bất kỳ ai đã từng chứng kiến hình ảnh đó.
Nhưng tiếc thay, đó vẫn chỉ được coi là tài liệu chưa được kiểm chứng chính thống. Giống như cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do tướng Lê Mã Lương chủ biên đã trình bản thảo cho hơn chục nhà xuất bản 2 năm nay vẫn chưa được phép in. Những người thân của liệt sỹ Gạc Ma có thể đối mặt với những khó khăn về vật chất, tuy nhiên lãng quên là một mất mát không thể bù đắp, ông Lê Mã Lương chia sẻ. Và cũng đáng buồn hơn, cả 3 sự kiện xảy ra liên tục trong vòng chưa đến 40 năm qua đều bị lãng quên theo cùng một cách, chỉ vì có những thông tin được cho là “nhạy cảm”. Sự nhạy cảm này nhiều đến mức, người Việt không còn thấy băn khoăn khi nhìn thấy những con tàu lạ ức hiếp, bắn hạ ngư dân, đe doạ chủ quyền Việt Nam trong những ngày này của năm 2016.
Báo Tuổi trẻ: Đã không ít lần báo chí cũng như ngành xuất bản vấp phải những cảnh báo “nhạy cảm” khi công bố thông tin. Ông có thể cho biết những vấn đề nào được coi là nhạy cảm, cần hạn chế thông tin? Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Vũ NGọc Hoàng: Tôi nghĩ khái niệm “nhạy cảm” được hiểu còn mập mờ lắm, nên làm rõ ra và rất không nên lạm dụng từ “nhạy cảm” để ngăn cản thông tin. Thông tin có quy luật riêng của nó, càng “nhạy cảm” nó càng dễ lan ra, bịt đường này nó đi đường khác. Không thể bưng bít được đâu, tốt nhất là cứ công khai hóa, minh bạch hóa. Càng “nhạy cảm” thì càng phải chú ý cung cấp thông tin trên kênh chính thống, đừng để người khác lợi dụng úp mở để xuyên tạc hoặc là nhân dân hiểu không đúng như sự thật vốn có. Phạm vi vấn đề “nhạy cảm”, không được cung cấp thông tin rộng rãi, nếu có, chỉ nên rất ít thôi, chủ yếu là để bảo vệ các bí mật quốc gia. Còn lại, nói chung, mọi việc đều có thể thông tin miễn là trung thực và có trách nhiệm với dân với nước.
Ông Vũ NGọc Hoàng: Tôi nghĩ khái niệm “nhạy cảm” được hiểu còn mập mờ lắm, nên làm rõ ra và rất không nên lạm dụng từ “nhạy cảm” để ngăn cản thông tin. Thông tin có quy luật riêng của nó, càng “nhạy cảm” nó càng dễ lan ra, bịt đường này nó đi đường khác. Không thể bưng bít được đâu, tốt nhất là cứ công khai hóa, minh bạch hóa. Càng “nhạy cảm” thì càng phải chú ý cung cấp thông tin trên kênh chính thống, đừng để người khác lợi dụng úp mở để xuyên tạc hoặc là nhân dân hiểu không đúng như sự thật vốn có. Phạm vi vấn đề “nhạy cảm”, không được cung cấp thông tin rộng rãi, nếu có, chỉ nên rất ít thôi, chủ yếu là để bảo vệ các bí mật quốc gia. Còn lại, nói chung, mọi việc đều có thể thông tin miễn là trung thực và có trách nhiệm với dân với nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét