Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Luật hóa mạng xã hội: Thừa nhận báo chí tư nhân?


Luật hóa mạng xã hội: Thừa nhận báo chí tư nhân?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 04 tháng 3 năm 2016 | 4.3.16




Biểu tượng khổng lồ được tạo ra với hình ảnh của người dùng Facebook trên toàn thế giới đặt tại Trung tâm dữ liệu Thụy Điển hôm 7/11/2013. AFP photo

Bất đồng quan điểm với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm 2/3/2016 xin ý kiến các đại biểu để đưa các trang thông tin điện tử tổng hợp và thông tin có tính chất báo chí trên mạng xã hội vào Dự thảo Luật báo chí. Đây là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi vì luật hóa các loại hình thông tin vừa nêu là bước vào ranh giới mỏng manh của sự thừa nhận báo chí tư nhân.


Dự luật Báo chí đã được Chính phủ chuyển qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, theo nghị trình thì vào kỳ họp thứ 11 từ ngày 21/3/2016 sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua. Tuy vậy Dự luật này được cho là có quá nhiều thiếu sót, mặc dù đây là lần soạn thảo thứ 19. Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến, chỉnh lý Dự thảo Luật báo chí theo hướng tôn trọng quyền cơ bản của công dân và theo tinh thần Hiến pháp 2013 việc hạn chế quyền công dân phải được qui định bằng Luật chứ không phải theo Nghị định.


Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ ngày 18/2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phê phán việc Dự luật Báo chí không có nội dung nào liên quan tới các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Theo báo mạng VnEconomy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã nói rằng, Hiến pháp qui định quyền dân chủ trong đó có quyền tự do ngôn luận của nhân dân và không thể quan niệm truyền thông xã hội không phải là báo chí. Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son lúc ấy đã lập đi lập lại chỉ thị của Bộ Chính trị, là Việt Nam không thừa nhận báo chí tư nhân, do vậy Luật Báo chí chỉ quản lý các loại hình báo chí còn các loại hình khác thì theo Nghị định 72. Ông Son nhấn mạnh, nếu đưa trang thông tin điện tử vào Luật Báo chí thì vô hình chung thừa nhận truyền thông xã hội là báo chí.


Phải thừa nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí là hai vế của một vấn đề. Thực ra khái niệm báo chí thời mới đã khác xa thời cũ.
- Luật sư Trần Vũ Hải


Trả lời chúng tôi vào tối 2/3/2016, Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội nói rằng cần rõ về hơn Dự luật Báo chí và các nội dung chỉnh lý thì mới có thể bình luận sâu. Tuy vậy ông phát biểu:


“Phải thừa nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí là hai vế của một vấn đề. Thực ra khái niệm báo chí thời mới đã khác xa thời cũ. Báo chí thời cũ thường là báo giấy, báo in, báo hình, báo tiếng. Nhưng hiện nay báo trên mạng xã hội, mỗi một cá nhân có thể tạo được một tờ báo cho chính mình. Cho nên họ lo ngại gì bên trong thì tôi chưa rõ được, nhưng thực sự họ phải thừa nhận là có báo chí tư nhân nhân. Nếu mà mạng xã hội được đưa vào luật thì thừa nhận báo chí tư nhân và báo chí tư nhân cần phải được thể hiện không chỉ qua báo mạng xã hội mà còn ở những lĩnh vực khác.”


Khi chỉnh lý Dự Thảo Luật báo chí do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan niệm khá cởi mở. Theo đó, bên cạnh sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện, còn có nhiều sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội.


Theo báo mạng VnEconomy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan niệm những hình thức thông tin vừa nêu hiện đang được sử dụng phổ biến, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và là kênh quan trọng để người dân thể hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mình.


Nhận định về việc Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Nguyễn Bắc Son nhất mực dẫn chỉ thị Bộ Chính trị là Việt Nam không thừa nhận báo tư nhân và vì thế không đưa các loại hình truyền thông mạng xã hội vào Luật Báo chí, Nhà báo tự do Phạm Thành từ Hà Nội phát biểu:


Hiện nay báo chí tư nhân mặc dù nhà nước không cho thành lập, nhưng báo chí tư nhân tràn ngập. …trên thực tế bây giờ mấy triệu facebook, hàng chục trang blog cá nhân, nhà nước muốn dẹp cũng không dẹp được…
- Nhà báo tự do Phạm Thành


“Hiện nay báo chí tư nhân mặc dù nhà nước không cho thành lập, nhưng báo chí tư nhân tràn ngập. Thí dụ mỗi một ông chủ facebook, một chủ blog là một tờ báo tư nhân. Trên thực tế những tờ báo đó vẫn hoạt động công khai, cũng tác động dư luận hướng dẫn dư luận, cũng làm vai trò thực như báo chí như của bên lề phải quản lý. Thế thì ông Bắc Son không nhìn thấy thực tế đó mà ông ấy cứ tưởng rằng chỉ có báo chí nhà nước mới làm chức năng thông tin, hướng dẫn dư luận, tổ chức quần chúng…trên thực tế bây giờ mấy triệu facebook, hàng chục trang blog cá nhân, nhà nước muốn dẹp cũng không dẹp được…”


Trong báo cáo chỉnh lý Dự luật Báo chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ràng buộc truyền thông xã hội theo Luật Báo chí và các qui định khác của pháp luật có liên quan của Việt Nam. Theo đó, các trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí, ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan báo chí, thời gian đã đăng, phát thông tin đó. Ngoài ra người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam khi đăng thông tin có tính chất báo chí trên mạng xã hội do các tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài hay các cá nhân nước ngoài cung cấp, phải tuân thủ các qui định của Luật Báo chí và các qui định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam…


Nếu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành công trong việc chỉnh lý Dự luật Báo chí, thêm vào các nội dung liên quan đến truyền thông xã hội, để cuối cùng được Quốc hội khóa 13 thông qua và thành luật, thì đây sẽ là cải cách lớn lao trong công tác lập pháp ở Việt Nam.


Nam Nguyên


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét