Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016
LỄ TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ GẠC MA NĂM NAY CÓ GÌ LẠ?
LỄ TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ GẠC MA NĂM NAY CÓ GÌ LẠ?
Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016-03-14
Các nhà hoạt động đặt hoa và thắp hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma. Ảnh chụp hôm 14 tháng 3 năm 2016 ở Hà Nội.
Trong những năm gần đây, việc tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 luôn được những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền thực hiện cách trang trọng. Lần tưởng niệm ngày 14/3/2016 diễn ra như thế nào?
Diễn biến
Tại Hà Nội, nhóm No-U, các tổ chức dân sự, cùng nhiều người dân đã xuống đường, dâng hoa… tưởng niệm 64 liệt sĩ tại tượng đài Lý Thái Tổ.
Anh Lã Việt Dũng, một thành viên nhóm No-U Hà Nội cho biết:
“Buổi tượng niệm hôm nay diễn ra khá suôn sẻ và an lành, mọi người đến rất đông, ước lượng có khoảng 300 người. Cũng như mọi lần, mọi người đến đấy để thắp hương tưởng niệm, gương biểu ngữ, đặt những bó hoa lên tượng đài. Sau đó mình đọc một bài diễn văn, có một bác đọc một bài thơ của bác Nguyễn Việt Chiến, một người từng bị bắt vì viết bài thơ chống Trung Quốc. Sau đó mọi người tuần hành quanh bờ hồ, hiện tại bây giờ đang tập trung ở tượng đài Cảm Tử, và mọi người sẽ giải tán ở đây.”
Anh Trung Nghĩa, một người hoạt động nhân quyền, đã tham gia buổi tưởng niệm sáng nay cho biết thêm về cuộc tuần hành đi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm:
“Trong cuộc tuần hành đó bao gồm việc phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Gạc Ma của Việt Nam, và phản đối cả việc Trung Quốc tìm mọi cách xâm lược Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau cả về y tế, thực phẩm, biển đảo, biên giới… tất cả những cái mà đất nước Việt Nam chúng ta đang bị ‘chèn ép’ bởi Trung Quốc.”
Buổi tượng niệm hôm nay diễn ra khá suôn sẻ và an lành, mọi người đến rất đông, ước lượng có khoảng 300 người.
Anh Lã Việt DũngTại Sài Gòn, buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma năm 1988 cũng được diễn ra theo lời kêu gọi trước đó. Ông Trần Bang, một người tham gia buổi lễ tưởng niệm cho biết:
“Hôm nay, các hội nhóm, nhân dân Sài Gòn tập trung ra đường Trần Hưng Đạo. Vào khoảng 8:40 – 9:00 sáng, chúng tôi tập trung thắp nhang, dâng hoa ở tượng đài Trần Hưng Đạo và phát biểu kỷ niệm 64 liệt sĩ bị Trung Quốc thảm sát ở Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.”
Ngoài hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, tại một số thành phố khác như Vũng Tàu, Hải Phòng… cũng có một vài hoạt động tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988.
Tín hiệu tốt?
Trong những lần tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma trước đây, phía chính quyền Hà Nội luôn tìm mọi cách để sách nhiễu, gây rối buổi lễ tưởng niệm. Nhưng trong năm nay, phía báo chí nhà nước lại chủ động đưa lên truyền thông rất nhiều thông tin về 64 liệt sĩ trước ngày tưởng niệm.
Anh Lã Việt Dũng rất bất ngờ khi an ninh Hà Nội không có bất kỳ sự phá rối nào tại buổi tưởng niệm, anh nhận định:
“Năm nay, tôi nghĩ đây cũng là một tín hiệu mới, cũng khá là bất ngờ. Hai lần trước tôi đi thì tôi không bất ngờ lắm, họ không cản trở cũng là điều bình thường. Nhưng lần này, tôi tưởng là có sự cản trở nhỏ nhỏ nhưng hóa ra là không. Đối với cá nhân tôi cũng là điều bất ngờ, nó cũng là một tín hiệu tốt, tín hiệu đó chứng tỏ rằng, thứ nhất là sự lên tiếng bền bỉ của mọi người trong những năm vừa qua đã có tác dụng, thứ hai chính quyền bắt đầu nhận thức được vấn đề là không thể tiếp tục im lặng mãi được.”
Qua buổi lễ tưởng niệm sáng nay, anh Trung Nghĩa thấy rằng, việc an ninh Hà Nội không phá đám là sự ‘chuyển biến lớn’ trong việc đấu tranh đòi quyền thể hiện quan điểm cá nhân, quyền thể hiện tình yêu với Tổ Quốc… Anh Trung Nghĩa bày tỏ trong nghi ngại:
Phải thừa nhận là hôm nay họ không cản trở, không những lần trước, như ngày 19/1/2016, an ninh họ xịt nước vào lư hương, hoặc là ngày 17/2/2016 vừa rồi, họ giật vòng hoa…
Anh Trần Bang“Trong năm nay, ba cái lễ tưởng niệm trong đầu năm 2016 có một sự chuyển biến rất lớn so với những năm trước, đó là việc an ninh Hà Nội không còn phá đám như những năm trước, họ chấp nhận và họ chỉ đứng nhìn. Tôi nhìn trong ánh mắt của họ, tôi biết họ rất là không thích, họ muốn ngăn chặn bằng được, nhưng mà có điều gì đó khiến họ không thể ngăn chặn được, thì tôi nghĩ đây là chuyển biến lớn.”
Ở Sài Gòn cũng nhận rất ít sự gây rối của an ninh Tp. Hồ Chí Minh khi người dân nơi đây tiến hành buổi lễ tưởng niệm. Điều này khác rất nhiều so với những năm trước. Anh Trần Bang chia sẻ:
“Hôm nay không có sự sách nhiễu, cản trở như mọi khi, họ (an ninh Tp. Hồ Chí Minh) chỉ đi theo thôi, chúng tôi đi đến đâu thì họ đi đến đấy. Phải thừa nhận là hôm nay họ không cản trở, không những lần trước, như ngày 19/1/2016, an ninh họ xịt nước vào lư hương, hoặc là ngày 17/2/2016 vừa rồi, họ giật vòng hoa…”
Anh Trần Bang còn cho biết thêm, phía an ninh Tp. Hồ Chí Minh đã chặn cửa rất nhiều người, hòng ngăn chặn họ đi đến lễ tưởng niệm, điển hình là nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà hoạt động công đoàn độc lập Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà Văn Phạm Đình Trọng, Blogger Hạ Đình Nguyên, nhà văn Nguyễn Viện… và rất nhiều người khác bị ngăn chặn.
Gầy dựng lòng yêu nước?
Khi được hỏi vì sao chính quyền Việt Nam lại khá dễ dãi khi để cho người dân tự tổ chức và tham gia lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma trên khắp cả nước, và trên truyền thông nhà nước cũng chủ động đưa tin về sự kiện 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, iều mà nhà nước Việt Nam luôn tìm mọi cách giấu đi sự thật, anh Trần Bang cho rằng:
“Trung Quốc đang lấn tới biển Đông, gần đây là mang tên lửa, máy bay, bệ phóng ra… họ đang quân sự hóa biển Đông, tất cả các báo chí, hãng tin lớn trên thế giới đều đưa tin tức đấy. Họ (chính quyền Việt Nam) thấy rằng việc Trung Quốc lấn tới như vậy thì họ không thể kìm hãm được lòng dân, vì điều này họ không thể làm khác được.”
Dù là lý do nào đi nữa, thì việc chính quyền Việt Nam đưa thông tin về sự kiện 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma cũng là điều đáng mừng. Bởi từ đây, người dân Việt Nam sẽ được biết đến 64 liệt sĩ đã bị Trung Quốc thảm sát.
Anh Trần Bang tiếp tục đề nghị:
“Phải đưa vào sách lịch sử, sách giáo khoa để dạy cho học sinh, và phải đưa lên truyền thông báo chí, truyền hình, đưa lên các phương tiện thông tin nhiều hơn nữa, đưa lên các phương tiện mà người dân hay dùng nhiều hơn nữa để tuyên truyền rằng, chúng ta trong thể kỷ XX không chỉ có cuộc chiến với Pháp với Mỹ mà còn có cuộc chiến với Trung Quốc, có cuộc chiến ở biên giới phía Bắc, có cuộc chiến Gạc Ma.”
Qua trao đổi với với chúng tôi, những người tham gia trong buổi tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma đều cho rằng, ‘tín hiệu đèn xanh’ của nhà nước Việt Nam trong buổi tưởng niệm này là ‘bất đắc dĩ’, bởi gần 28 năm nay họ luôn tìm cách giấu kín sự thật này, và dường như chính quyền đang muốn thức dậy ‘lòng yêu nước’ của người dân để phục vụ cho mục đích nào đó của họ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét