Có ai đủ dũng khí như Trường Chinh hỡi tứ trụ triều đình ?
Thiện Tùng
“Việt Nam đang là một nước chậm hay không chịu phát triển”- Đó là nhận xét xác đáng của nhiều học giả quốc gia và quốc tế .
Ở Việt Nam, hơn 20 năm qua, hết nhóm lãnh đạo nầy đến nhóm lãnh đạo khác đều hò hét: “Tiếp tục đổi mới kinh tế”. Thế rồi hết năm nầy qua năm tháng khác, hết đại hội nầy đến đại hội khác, thay phiên nhau hô hào nào là ra sức, tăng cường, đẩy mạnh,..Thế mà kinh tế Việt Nam nếu không tuột dốc cũng dậm chân tại chỗ. Vậy là đâu?
Do: “gải không đúng chỗ ngứa” – đang ngứa ở lĩnh vực chính trị mà gải ở lĩnh vực kinh tế.
Chúng ta chắc ai cũng còn nhớ, sau một thời gian dài gượng sống, chủ thuyết Cộng sản bắt đầu sụp đổ trong khoảng chưa đầy 10 năm vào giữa thập niên 80 và 90. Các nước Cộng sản Đông Âu “Cải tổ” toàn diện cả kinh tế và chính trị; Việt Nam và Trung Quốc chỉ “Đổi mới” kinh tế, quyết giữ thể chế chính trị; còn Bắc Triều Tiên và Cuba thề không cải đổi gì hết, quyết “tử vì đạo”.
Cho đến nay, trải qua 30 năm (1986-2016), nói theo ngành Y: Các nước Cộng sản Đông Âu chấp nhận trị căn (giải phẩu) đã nhanh chóng lành bịnh, đang sung sức; Việt Nam và Trung Quốc chỉ trị cơn (uống thuốc giảm đau) đang sống vất vưỡn; Cuba, chịu hết nổi, dường như đang chấp nhận giải phẩu, còn Bắc Triều tiên thì thí mạng cùi “cầm lựu đạn đòi cưa” để mặc cả với đời.
Theo Tùng tôi, Lãnh đạo Việt Nam “không chịu đổi mới chính trị” - cải tổ chính trị. Lãnh đạo Việt Nam cố tình vi phạm nguyên lý “tồn tại quyết định ý thức”- chấp nhận đổi mới kinh tế mà không chấp nhận đổi mới chính trị, chúng mâu thuẫn và triệt tiêu qua lại với nhau, dẫn đến chẳng những rối loạn về kinh tế mà rối loạn cả về chính trị.
Về nguyên lý “tồn tại nào phải ý thức ấy”, “hạ tầng (kinh tế) quyết định thượng tầng”(chính trị). Phải chồng nào vợ ấy: Chồng Cộng sản chỉ xứng đôi với vợ Tập trung bao cấp; Chồng Tư bản chỉ xứng đôi với vợ Thị trường. Việt Nam ta đã áp dụng kinh tế thị trường thì thượng tầng phải là chủ nghĩaTư bản – Chủ nghĩa Cộng sản không thể đứng vững trên nền không phài của nó (thị trường).
Vì lẽ đó, hồi thập niên 90, các nước Cộng sản ở Đông Âu chọn kinh tế thị trường thì họ đồng thời chuyển đổi thể chế chính trị từ Cộng sản độc tài sang Dân chủ đa nguyên, đa đảng. Họ không như ta dùng từ “đổi mới” chung chung mà dùng từ “Cải tổ”. Cải tổ đồng nghĩa với Pérestroika. Theo thuật ngữ của người Hy Lạp, Pérestroika có nghĩa là “Xây dựng lại cái đã xây dựng không còn phù hợp, kể cả con người”; phải xem đây là cuộc cách mạng toàn diện, triệt để nhứt.
Ở Việt Nam ta, từ 1986 về trước áp dụng đồng bộ chủ thuyết Cộng sản dẫn đến khó khăn về kinh tế, rối loạn về xã hội, dân chúng phản ứng gay gắt. Để gở khó, Đại hội Đảng năm 1986, lãnh tụ Đảng CSVN Trường Chinh buộc phải chủ trương “Đổi mới kinh tế” từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Vì sợ mất chất Cộng sản nên Đảng CSVN quyết kéo thòng đuôi sao chổi “định hướng Xã hôi Chủ nghĩa” cho đến ngày nay. Dầu có nài nỉ tới đâu, cho đến giờ nầy, chưa một quốc gia nào công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Gọi là kinh tế thị trường ờ Việt Nam không theo quy luật cạnh tranh, cung - cầu... của cơ chế thị trường mà còn phải chấp nhận sự chỉ huy của nhà nước chuyên chính vô sản theo kiểu xin – cho, cải tổ (đổi mới) nửa vời, thứ đầu gà đít vịt nầy nó không trì trệ, rối loạn mới là chuyện lạ.
Vì chưa đồng bộ về kinh tế - chính trị, hiện nay dầu có hô hào đổi mới kinh tế đến khàn cổ cũng không cải thiện được gì hơn, bởi rào cản chính trị - Phải cải tổ chính trị mới mong tiến lên được. Nếu không chấp nhận cải tổ chính trị, chỉ còn cách chuyển đổi kinh tế thị trường trở lại tập trung bao cấp cho “chồng nào vợ ấy” rồi “ăn mắm hút dòi” như Bắc Triều Tiên hiện nay.
Nếu trước đây, Tổng Bí thư Trường Chinh xé rào “Đổi mới kinh tế” thí giờ đây, trong tứ trụ triều đình ai là người đủ can đảm “Đổi mới chình trị” cho đồng bộ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tấng kiến trúc?
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chăng? – Nghi ngờ lắm, vì ông ra lò từ Học viện Chính trị Quốc gia, luôn lấy chủ thuyết Mác Lê Mao làm kim chỉ nam. Văn kiện Đại hội 12 của Đảng CSVN không hề có đề cập đến Chủ nghĩa Mác Lê và Tư tưởng Hồ Chí Minh mà ông phát biểu miệng thì có. Hiến pháp hiện hành đã “Công hữu hóa lực lượng vũ trang” nhưng ông phát biểu miệng đại ý: “Đảng không chia quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang cho bất kỳ phe phái nào”. Chẳng những ông không chọn hiền tài trong hơn 90 triệu dân, trong hơn 4 triệu đảng viên mà chỉ chọn trong khoảng 1 triệu đảng viên đương quyền thuộc gia tộc, dòng tộc, cánh hẩu,... vào bộ máy cầm quyền. Chọn lãnh đạo, ông không dựa vào tài đức mà dựa vào vùng miền, với câu nói ngắn gọn mới đây: “Tổng bí thư phải người miền Bắc” – Quan trí ngày một thấp so với mặt bằng Dân trí có lẽ xuát phát từ đó. Tôi còn nhớ, sau 1975, có người thấy chướng mắt trong áp đặt nhân sự, xả tức trên diễn đàn: “Nếu nói Trung Quốc là Đại Hán thì Bắc Việt Nam là Tiểu Hán”.
Ông Sang, Hùng, Dũng chăng? – Cả 3 đã đến tuổi về hưu, thật sự đã bị loại ở vòng 1(trong Ban Chấp hành TW Đảng), chì còn nấn ná vài tháng nửa thôi, đợi cho hết nhiệm kỳ Quốc hội (hiệp chót) sẽ về định cư trong những ngôi biệt thư sang trọng như ông Phiêu, ông Mạnh chẳng hạn, có của ăn của để, sống như những “thái thượng hoàng”, việc trị vì thiên hạ có thái tử, công chúa lo, bon chen chi nữa cho mệt xác?.
Suốt thời gian dài, 4 ông nói nhiều chớ làm chẳng có việc gì thành công đáng kể, ông Trọng cố bám nhiều lắm 5 năm nữa, còn 3 ông kia chỉ vài tháng nữa thôi. Đã đến lúc phải nói với nhau: “Đừng hy vọng sẽ chuốc thêm thất vọng với những ông ấy”!
Xem mòi ông Trọng hài lòng nhứt, tuy tuổi cao nhứt, bầu cử “dân chủ” nhứt, được “Đảng và Dân” tin tưởng nhứt, giao quyền hành cao nhứt. Còn ông Dũng cũng tạm yên tâm vì đã có lũ con kế thừa. Còn ông Sang, ông Hùng đang muốn ghi bàn danh dự (lấy điểm): Ông Sang nói với cử tri quận 1 TP HCM: “Mai nghỉ, chiều nay vẫn làm việc”; Ông Hùng vung tay chém gió, như đèn hết dầu, phụt ra những tia lửa yếu ớt.
Gì thì gì, chúng ta đừng quên câu “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng” – tiếng thơm hoặc tiếng nhơ.
Để kết thúc bài viết buồn nầy, Tùng tôi xin kể mẫu chuyện vui:
<< Một đại gia người Việt treo bảng trước cổng “ Nơi đây cần người dạy ngoại ngữ cho con”. Một gã trang phục chỉnh tề ra vẻ giáo chức đến. Đại gia đón tiếp trang trọng và mở tiệc chiêu đãi. Sau ăn uống no say, Đại gia hỏi: Thầy dạy tiếng Anh?- Không, tôi không biết tiếng Anh.Tiếng Pháp?- Không, tôi không biết tiếng Pháp. Chắc thầy dạy tiếng Nga? – Cũng không,... Vậy ông đến đây để lam gì? - Tôi đến đây để báo cho ông biết: “đừng hy vọng gì ở tôi”, ngoài tiếng Việt, tôi không biết tiếng nước nào cả!. Đại gia chỉ tay nói: “ Ông ra khỏi nhà tôi ngay!!!” >>.
1/3/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét