Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016
Đa cấp Liên Kết Việt lừa 60.000 người: “Quả bóng trách nhiệm” ở chân ai?
Đa cấp Liên Kết Việt lừa 60.000 người: “Quả bóng trách nhiệm” ở chân ai?
1
Bộ Công Thương, Liên kết Việt, quân đội nhân dân, society
1.3.16
Câu chuyện công ty đa cấp thu hút tiền của người dân bất hợp pháp không phải không có tiền lệ, trước vụ Liên Kết Việt còn có MB24… nhưng tại sao công ty đa cấp Liên Kết Việt vẫn khiến 60.000 người dân dốc túi?
Liên quan đến vụ Liên Kết Việt lừa đảo, dư luận đặt dấu hỏi về việc cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính Công ty này 570 triệu đồng từ 7 tháng trước nhưng khi “tập đoàn lừa đảo” này bị “khui” ra ánh sáng thì mới "hé lộ" chuyện bị phạt đó. Càng "lạ" hơn, không một cảnh báo nào từ phía Bộ Công thương được đưa ra ở thời điểm đó. Phải chăng cơ quan quản lý đã chậm trễ trong việc cảnh báo người dân về hành vi lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt?
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng, hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động được pháp luật thừa nhận.
"Trong vụ việc liên quan tới hành vi lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp"- ông Hải khẳng định.
Vậy vì sao Liên Kết Việt lừa được nhiều người như vậy? Để đi tìm câu trả lời, PV sẽ đặt câu hỏi với các chuyên gia để lý giải về vấn đề này.
"Đại tá rởm" Lê Xuân Giang, mạo danh, dùng đủ mọi chiêu trò để lừa người dân
Góp ý kiến về vụ việc Công ty Liên Kết Việt lừa đảo hàng nghìn người, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP. HCM) đã có cuộc trao đổi với PV.
Thưa luật sư, sự việc Công ty Liên Kết Việt lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng từ người dân là tiếng chuông cảnh báo cho xã hội. Điều đáng nói, nhiều người đang đặt vấn đề, sự hoành hành của Liên Kết Việt và các công ty đa cấp lừa đảo khác diễn ra khá lâu, đến nay mới bị phát hiện, theo ông trách nhiệm thuộc cơ quan nào?
Theo tôi, pháp luật cho phép hoạt động bán hàng đa cấp mới chỉ hơn 10 năm mà hiện có đến gần 70 công ty được cấp phép hoạt động là quá nhiều và thiếu đánh giá, kiểm soát. Trong khi đó, ở Mỹ, nơi khởi nguồn của bán hàng đa cấp, đã qua hơn 40 năm kể từ khi pháp luật cho phép hoạt động, quốc gia này chỉ có khoảng 30 công ty đa cấp hoạt động.
Điều đó, chứng tỏ họ kiểm soát rất tốt hoạt động kinh doanh của loại hình công ty rất nhạy cảm này. Nếu quy trách nhiệm trong vụ việc cụ thể này thì khó, nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp thuộc về Bộ Công thương và Sở Công thương ở các địa phương. Nếu quá trình cấp phép, thanh kiểm tra và tham mưu có vi phạm thì cơ quan này chịu trách nhiệm.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã lên tiếng là đã phạt Liên Kết Việt gần 600 triệu đồng nhưng thông tin này ít người biết. Hơn nữa phát hiện sai phạm, phạt nhưng Liên Kết Việt vẫn tồn tại 7 tháng sau. Ông đánh giá thế nào về "quả bóng trách nhiệm" của Bộ Công thương?
Rõ là Bộ Công thương chưa đánh giá đúng mức những sai phạm của Công ty Liên Kết Việt thực hiện cũng như những hệ lụy mà công ty này mang lại cho cộng đồng. Theo tôi, nên xem đây là một bài học để Bộ Công thương chấn chỉnh lại công tác quản lý, thanh kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP. HCM)
Nhìn rộng ra, vụ việc Công ty Liên Kết Việt và những vụ việc các công ty đa cấp bất chính khác bị cơ quan điều tra khởi tố đã khiến cho nhiều người giật mình về mức độ thu hút tài chính của họ. Theo ông, tại sao công ty này lại thu hút nhiều tiền, nhiều người tham gia như vậy?
Lòng tham – chắc chắn không có gì khác ngoài lòng tham, nhóm người lừa đảo đã dùng các thủ đoạn để kích thích lòng tham của con người. Ai cũng muốn làm ít hưởng nhiều, ai cũng muốn giàu lên một cách nhanh chóng, ai cũng thấy điều kiện, công việc không mấy khó khăn, bởi chính họ cũng chính là người gián tiếp dùng các thủ đoạn để dụ dỗ người khác, không ai khác đó thông thường là những người thân của mình.
Một lý do nữa, là các công ty đa cấp cũng nhắm đúng đối tượng chiếm số lượng đông đảo trong xã hội đó là sinh viên và cư dân ở các vùng quê có trình độ thấp. Điểm chung của bộ phận người này là rãnh rồi về thời gian và cần kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Nhìn từ góc độ pháp luật, ông có thể chia sẻ về những dấu hiệu lừa đảo của công ty này thông qua việc giả danh?
Người chiếm đoạt dùng có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.
Trong vụ án này, Công ty Liên Kết Việt đã lợi dụng uy tín của Bộ Quốc phòng để tạo sự tin tưởng khi dùng các thủ đoạn như tự cho công ty của mình là trực thuộc Bộ Quốc phòng, các sản phẩm của Liên Kết Việt là sản phẩm hợp tác với đơn vị thành viên Bộ Quốc phòng, làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân.
Công ty này cũng ban hành các quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, soạn thảo ký khống 2 loại hợp đồng “Hợp đồng bán hàng đa cấp, hợp đồng phân phối”, yêu cầu người tham gia nộp tiền vào công ty.
Việc giả danh này đã vi phạm quy định nào của pháp luật, thưa luật sư?
Những hành vi này đã vi phạm các điều cấm quy định tại điều 5 Nghị định 42 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như các hành vi bị cấm gồm:
Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;
Với các thủ đoạn và vi phạm như trên, hành vi của nhóm người này có dấu hiệu của Tội lừa đảo quy định tại Bộ luật Hình sự và quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT là có cơ sở.
Luật sư có thể tư vấn thêm cho các bị hại của Liên Kết Việt cũng như người dân để phòng ngừa các công ty đa cấp bất chính?
Khi đứng trước một thông tin hay lời mời làm việc kiếm tiền, người dân phải hết sức cảnh giác, về nguyên tắc không có công việc nào kiếm tiền nhanh và dễ cả, nếu có thì chắc chắn có sự vi phạm pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, những người bị hại cần chủ động liên hệ cơ quan công an hoặc báo chí cung cấp thêm các thông tin về cách thức lừa đảo của nhóm người này để giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ việc và có biện pháp đảm bảo quyền lợi của người bị hại.
Theo Infonet
Tin liên quan: Xử phạt Liên Kết Việt từ 15/7, tại sao Bộ Công Thương không đưa ra cảnh báo sớm?
Sau 7 tháng chính thức được cấp phép hoạt động, Công ty Liên Kết Việt đã bị Bộ Công Thương kiểm tra và xử phạt hành chính 570 triệu đồng. Tuy nhiên phải sau nửa năm sau thì công ty đa cấp này mới bị khởi tố khi đã có 60.000 nạn nhân dính bẫy…
Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết kinh doanh đa cấplà hoạt đọng được pháp luật thừa nhận và hoàn toàn hợp pháp. Hoạt động này cũng là một trong những điều khoản mà các nước WTO yêu cầu được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Đối với trường hợp củaCông ty Liên Kết Việt, được biết ngày 22/12 Công ty này được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chính thức cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 7 thì Cục này đã trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện công ty này có một số vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Cụ thể như công ty này không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định….
“Bộ Công thương và Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý nghiêm khắc và phạt 570 triệu đồng, đây là xử phạt hành chính” – Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, ngay sau khi xử phạt thì Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi và sau đó lập đoàn kiểm tra cùng một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công An. Theo đó đã phát hiện ra vi phạm và trong thời gian hơn 1 năm kể từ khi Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép hoạt động, vụ việc đã được cơ quan công an khởi tố, điều tra, các đối tượng liên quan bị bắt tạm giam.
Từ vụ việc của Công ty Liên Kết Việt, Thứ trưởng cho rằng mặc dù kinh doanh đa cấp là hoạt động hợp pháp, song các cơ quan chức năng cần phải làm tốt hơn, tăng cường sự phối hợp các bộ ngành và các cấp, để quản lý và kiểm tra về vụ việc.
Nghị định quản lý kinh doanh đa cấp mới được ban hành, song Thứ trưởng cũng cho rằng cần phải rà soát lại xem còn kẽ hở để xử lý và quản lý có hiệu quả.
“Chúng tôi khẳng định Liên Kết Việt có hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là tội danh mà C46 đã khởi tố thực hiện theo pháp luật” – Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, trước câu hỏi tại sau vụ việc này đã được xử phạt hành chính từ cách đây hơn nửa năm, tại sao Bộ Công Thương không có những cảnh báo để người tham gia có thêm thông tin và tìm hiểu kỹ hơn về công ty này, Thứ trưởng Hải khẳng định không hề có sự chậm trễ và đã phối hợp với cơ quan chức năng, mà trực tiếp là Bộ Công An, kiểm tra và xử lý vụ việc chỉ trong vòng 1 năm sau kể từ khi cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng bày tỏ sự lo lắng đến quyền lợi của các người tham gia. Bởi con số tiền mà các đối tượng nộp cho Công ty này lên tới gần 2000 tỷ đồng, không phải chỉ do Tổng giám đốc Công ty này nắm giữ, mà được chi tiền hoa hồng ở nhiều cấp
“Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan đơn vị chức năng tại các địa phương, phải có vai trò quan trọng. Với số lượng như hiện nay mấy chục nghìn người tham gia, ở nhiều địa phương, tại sao các cơ quan lại không vào cuộc để ngăn ngừa và cảnh báo?
Ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động đa cấp phải nhìn rõ hoạt động đa cấp từng mặt hàng nhất định, liệu có bị xâm phạm vào quyền lợi hay không, có hành vi nào vi phạm thì phải thông báo cho cơ quan chức năng” – Thứ trưởng khuyến cáo.
Theo Trí thức trẻ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét