Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015
Một đất nước câm lặng
VNTB- Một đất nước câm lặng
Đào Đức Thông
(VNTB) - Một đất nước câm lặng, trong những uất ức nghẹn dâng trào. Sự câm lặng là người vú cần mẫn nuôi dưỡng tội ác, bóp chết cái thiện và tương lai của chính chúng ta; lớp con cháu chúng ta, những mầm non của đất nước Việt Nam tương lai.
Xã hội Việt Nam đang bị cuốn hút bởi những thứ tin nhảm nhí trên báo lá cải, báo mạng hàng ngày: hoa hậu này chửi người kia; ca sỹ này hở mông, lộ ngực; ca sỹ kia quỵt tiền diễn viên nọ, chân dài bán dâm nghìn đô... Hay là chuyện cả hàng ngàn người trên mạng xã hội rảnh rỗi xô vào chửi bới, phán xét một ca sỹ đã để con tè vào túi nilon trên máy bay; hoặc dù tòa án chưa xét xử, dân mạng đã vội vã kết tội 2 nghi can trong vụ thảm án ở tỉnh Bình Phước…
Dẫu vậy, tuyệt nhiên, cứ khi nói về chính trị, sự tự do, dân chủ, nhân quyền, hay khi được kêu gọi phải mạnh mẽ lên tiếng trước hành vi của những kẻ tham nhũng, cường quyền; những thứ lưu manh, bạo ngược, côn đồ trong bộ máy chính quyền đang hàng ngày áp bức dân lành… thì chẳng có mấy ai trong nước dám can đảm lên tiếng.
Nghèo đói vật chất, tù túng tinh thần và khủng hoảng giáo dục
Hàng ngày trên đường phố Việt Nam, nơi đông người qua lại; nhiều cảnh sai trái xảy ra mà con người vẫn chứng kiến một cách bàn quang, dững dưng, bỏ mặc, thờ ơ,… Bởi lẽ họ đang mang trong đầu suy nghĩ: đèn nhà ai nấy sáng, nồi cơm ai nấy giữ. Khắp nơi, nạn trộm cắp, cướp giật tràn lan đến từng ngõ xóm. Kẻ côn đồ cũng hoành hành và ngang nhiên chém người dân lương thiện trước mặt chính quyền.
Cuộc sống trong chế độ hiện tại, người dân lương thiện luôn thấy bất an, sợ hãi, từ cường quyền đến kẻ lưu manh, mạt hạng ngoài xã hội. Có khi tố cáo cái xấu lại bị trù dập hoặc đánh đập. Cứ đến cửa quan là người ta thấy phiền hà, rắc rối và thậm chí tốn kém.
Trong con mắt quốc tế, nước Việt là nước rất giàu tài nguyên và điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Bởi thế mà suốt hàng nghìn năm bị Trung Quốc xâm chiếm, rồi các Đế quốc, Thực dân xa xôi tìm đến khai thác. Thế nhưng, bây giờ, nợ công mỗi một người dân Việt Nam phải gánh trên vai là 26 triệu đồng (World Bank vừa công bố). Môi trường nước, không khí, đất đai ô nhiễm nặng nề. Tài nguyên cạn kiệt. Đất nước nghèo nàn. Giáo dục tụt hậu. Khoa học gần như bằng không. Ngay cả nông nghiệp cũng nhập khẩu dù là thế mạnh trong nền kinh tế tiêu điều này.
Nạn trộm cắp có mặt ở khắp nơi, mọi tầng lớp, ở trong nước, ra ngoài lãnh thổ, đều có cả.
Đấy là kết quả của một xã hội mà nghèo đói về vật chất, tù túng về tinh thần và khủng hoảng về giáo dục.
Đấy là kết quả của một đất nước mà tham nhũng thành quốc nạn. Người trí thức, có tài thì đi ra nước ngoài cống hiến. Còn lại hầu như toàn những kẻ bằng giả và đạo đức giả làm việc. Họ ăn không còn từ thứ gì của dân, từ gói mỳ, con gà, đàn dê đến tiền cứu trợ cho hộ nghèo, người tàn tật. Ngư dân vẫn bị chết và đánh đắm tàu, cướp tài sản, còn tuần tra biển vẫn ở trên bờ và vẽ ra lịch trình để kê khống lấy tiền tiêu.
Rồi còn đó tượng Mẹ VNAH lớn nhất Đông Nam Á ở Quảng Nam vừa xây 411 tỷ. Văn Miếu ở Vĩnh Phúc mọc lên trên 300 tỷ rồi để không. Sắp tới sẽ có tháp truyền hình cao nhất thế giới. Và khủng khiếp hơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày sẽ được dựng lên trên mảnh đất mà nợ công giờ đã bị một số phản biện đánh giá lên đến 180 tỷ đô. Các bảo tàng ở VN cho đến thời điểm hiện nay chưa phát huy hiệu quả. Chỉ số ít có khách đến thăm, chủ yếu là một số người nước ngoài hoặc đoàn học sinh, sinh viên đi theo diện nhà trường tổ chức. Nhiều bảo tàng nhỏ rồi mà lại xây bảo tàng lớn sẽ dẫn đến tình trạng lớn sống, nhỏ chết và ngược lại.
Còn muốn gì nữa?
Người ta còn muốn xây gì nữa trên mảnh đất nghèo khó này? Các chi phí xây dựng được lấy từ đâu ra nếu không lấy từ tiền thuế của dân nghèo?
Bao nhiêu tượng đài đẹp đẽ trong nước xây dựng lên, bấy nhiêu mảnh đời bị lãng quên và mất đi sự quan tâm thiết thực. Mỗi tỉnh một tượng đài chiến thắng, không biết xây để làm cái gì, trong khi ở những vùng nông thôn vẫn còn con đường đất, dân tình đói khổ.
- Hệ quả của một nền giáo dục nặng nề về giáo điều và chính trị là vậy.
- Hệ quả của một nền hành chính quan liêu và nhũng nhiễu là vậy.
- Hệ quả của một nền tư pháp chưa khoa học và minh bạch là vậy.
- Hệ quả của những công bộc của Dân nhưng thiếu phẩm chất và đạo đức là vậy.
Dưới một xã hội đầy rẫy những bất công, vô lý, vô trách nhiệm và vô cảm này, một đất nước luôn tự hào về sự ưu việt của chế độ độc quyền đảng trị, của định hướng xã hội chủ nghĩa, của một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, tất cả những hiện tượng trong xã hội hôm nay là kết quả của một nền quản lý lỏng lẻo, một nền luật pháp chưa nghiêm và bởi một nền toàn trị áp chế.
Người dân Việt Nam mong muốn đất nước thanh bình trong hạnh phúc, văn minh công bằng cho tất cả mọi người - Chứ không mơ một đất nước ổn định chính trị giả tạo. Một đất nước, mà lòng tốt, sự nhẫn nhịn của dân lành bị lạm dụng, bị cố tình hiểu nhầm là “dân trí thấp”. Một đất nước câm lặng, trong những uất ức nghẹn dâng trào. Sự câm lặng là người vú cần mẫn nuôi dưỡng tội ác, bóp chết cái thiện và tương lai của chính chúng ta; lớp con cháu chúng ta, những mầm non của đất nước Việt Nam tương lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét