Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Vì sao Bộ công an thất bại với ‘quyền điều tra của công an xã’?


Vì sao Bộ công an thất bại với ‘quyền điều tra của công an xã’?

Có thể xem đây là một thất bại của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự - được soạn thảo bởi Bộ công an. Sau hơn một năm tranh cãi về việc có cần thiết hay không khi đưa vào dự luật quyền điều tra của công an xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội VN đã gần như chính thức quay lưng với quyền này - trong phiên họp ngày 17/8/2015.




Ngay Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý - một quan chức có tiếng là bảo thủ và độc đoán - cũng phải ‘tâm tư’ về Điều 43 dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: “Pháp lệnh Công an xã giao cho công an cấp xã một số thẩm quyền như giữ người, khám xét… đến nay đã không còn phù hợp vì liên quan đến quyền con người theo Hiến pháp 2013… Chứng cứ do lực lượng này thu thập có giá trị pháp lý hay không? Hoạt động điều tra phải do những người có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, kiến thức điều tra tiến hành, trong khi công an xã, phường không có những điều này”.
Kết thúc phiên họp trên, các đại biểu đồng tình với ý kiến không quy định trong dự thảo việc công an cấp xã được tiến hành một số hoạt động điều tra.
Cần nhìn lại, kể từ năm 2011, khi phong trào phản biện xã hội dâng trào ở VN cho tới nay, không phải ngành công an, tòa án hay viện kiểm sát, mà chính dư luận đã phát giác ra hàng trăm vụ ‘tự chết’, ‘tự treo cổ’… trong đồn công an, với tỷ lệ đa số thuộc về giới công an xã. Nạn bạo hành, bắt người tùy tiện, tra tấn, ép cung, điều tra trái luật… trở nên nhan nhản cùng tàn nhẫn ở nhiều địa phương.
Còn cao hơn cấp công an xã, vụ 5 điều tra viên thuộc Công an thành phố Tuy Hòa dùng nhục hình gây ra cái chết của anh Ngô Thanh Kiều là một bằng chứng về ‘biện pháp nghiệp vụ’ của ngành công an VN.
Trong bối cảnh quá nhiều cái chết của dân thường còn bị che kín, vào năm 2014 Bộ công an lại tiến thêm một bước về quyền lực công an trị, khi chủ động soạn thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó cho ‘công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra’.
Ngay sau khi dự luật trên được công bố, dư luận xã hội, báo chí nhà nước và ngay cả giới luật sư VN đã phản lên tiếng phản ứng mạnh mẽ.
Một trong hiếm hoi tiếng nói thuộc giới nghị sĩ VN - Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư VN – đã nói: chức năng của công an xã, phường… là bảo vệ trật tự an toàn cho người dân trên địa bàn. Thực tế chức năng này đang bị buông lỏng khi mà an toàn, an ninh của người dân vẫn chưa được đảm bảo… Nhiệm vụ hiện tại họ còn chưa làm tròn trách nhiệm, nay lại giao thêm chức năng mới, bảo họ làm cho tốt là rất khó. Hiện nay khi nhận tin báo tố giác tội phạm, lẽ ra xã, phường trong thời hạn bao lâu phải ra quyết định xử trị, hoặc chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Nhưng có những vụ các cơ quan này ngâm vài ba tháng mà không chịu làm gì cả. Nay nếu được giao thêm việc điều tra, bắt bớ, tạm giữ tại phường… thì rất phức tạp, không chuyên nghiệp, có khi vướng thêm chuyện thông cung, bức cung.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét