Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Bắt hết, nhốt hết vào lồng tham nhũng thì lấy ai làm việc?


VNTB - Bắt hết, nhốt hết vào lồng tham nhũng thì lấy ai làm việc?


Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) - Ảnh: NLĐ.

Thái Hà (VNTB) Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) trong phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi ngày 26/8 cho rằng, đối với loại hình tham nhũng thì không cần bắn, chỉ cần "nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ… xấu hổ."



Có lẽ đại biểu Lê Nam đã thấm nhuần lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, chiều 5/5/2014. Khi đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục: "Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng."


Nhưng nếu quan chức Việt Nam biết xấu hổ, thì tệ tham nhũng đã không đến mức thành... quốc nạn! Thậm chí đến vốn đi vay (ODA), các vị quan chức còn tìm cách "ăn bẩn".


Thành ra, cái lồng để nhốt các vị quan chức dù chưa thành sự thật, cũng cho thấy một câu nói biểu tượng mang tính bất lực, khi hệ thống pháp luật và tham nhũng "ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó" [1], thì người ta bắt đầu cầu vịn vào lòng tự trọng, phẩm giá, nhân cách hồi tâm của những người đang nhúng chàm.


Vấn đề thứ hai, vì tham nhũng là quốc nạn, tức không còn ở ăn mảnh lẻ nữa, mà đã liên kết thành tổ chức, giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm lợi ích với cá nhân, giữa nhóm cá nhân với chủ nghĩa tư bản thân hữu... Thành ra, nếu cái "lồng nhốt quan tham" trở thành hiện thực, thì sẽ có bao nhiêu lồng là cho đủ, và ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát "lồng tham nhũng" để tránh tái lặp câu chuyện rất đắt khi xưa, khi người đứng đầu Tổng thanh tra Chính phủ lại là một kẻ... tham nhũng.


Chưa kể, cơ chế chính trị tạo ra những người có quyền, và vì có quyền nên họ sẽ làm ra tiền, thế nên, đâu đầu cũng thấy tham nhũng, địa phương thì tham nhũng qua dự án, trung ương thì qua chính sách. Các quan chức như những con ong mẫn cán hút mật hoa để làm lợi riêng mình. Giả như, quán triệt tinh thần "bắt hết, nhốt hết" như lời ông cố Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Bá Thanh, thì lúc đó bộ máy hành chính nhà nước sẽ rơi vào "siêu tinh giảm", nói như ông Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên chất vấn Quốc Hội sáng 12/06/2010 thì, "Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, "cách chức đi, kỷ luật đi", ngày mai thấy sai chỗ kia, "cách chức đi, kỷ luật đi", lấy ai mà làm việc các đồng chí?"


Chỉ một câu nói đơn giản của ĐBQH Lê Nam, mà nó cho thấy nhiều vấn đề của cả một hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam, trong đó, tham nhũng gắn liền - trực tiếp với vận mệnh của chế độ, như thể cộng sinh. Không bứt rời nó thì xã hội sẽ ngày càng phản ứng gây gắt, nhưng bứt nó ra thì phải bứt như thế nào, bứt ra làm sao, đó hẳn là "cả một quy trình" không lối thoát.


Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét